Trang chủ Diễn đàn Giáo chế và giáo sản

Giáo chế và giáo sản

176

Luật giới được xuất hiện sau khi giáo đoàn được hình thành, đó là những điều ngăn ngừa rất thực tế mà không là những quy định trừu tượng do những bộ óc suy diễn từ trong tháp ngà. Đức Phật tuy biết trước những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống của cộng đồng tu sĩ, nhưng đợi đến khi sự vi phạm xầy ra, từ đó, Ngài họp chư Tăng lại để giải thích sự nguy hại của việc phạm giới, rồi từ đó, chế giới xuất hiện. Nên Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Người tội sanh giới luật chớ giới luật không sanh người tội…”vì thế cũng được hiều là phòng phi chỉ ác.

Cùng thời kỳ, đời sống kinh tế chưa là vấn đề cấp bách của xã hội khi mà dân số chưa được xem là nhân mãn, vì thế, giới luật cũng chỉ xoay quanh việc ứng xử trong giáo đoàn, hoặc đối với quần chúng và lợi ích trong xã hội. Trong 250 giới của chư Tăng và 348 giới cho chư ni thuộc Bắc tông, hoặc 227 giới điều  Tỳ kheo Tăng và 311 cho Tỳ kheo ni của Nam Tông, phần lớn mang tính đạo đức  nhân thân tương thích đạo đức xã hội, ngoài ra một số giới điều tuy không liên hệ đến xã hội,mục đích duy trì đạo đức nhân thân trong một tập thể, ví dụ như tội “Tăng tàn” quy định về việc xây dựng phòng ốc thế nào cho hợp lý và an toàn. “chúng học pháp” định chế lễ nghi ứng xử…   

1.      Bốn ba-la-di: Gọi là bốn giới nặng hay bốn giới căn bản. Trong pháp tỳ-kheo, tội này nặng nhất.

2.      Mười ba tăng-già-bà-sư-sa

3.     Hai bất định

4.     Ba mươi ni-tát-kỳ ba-dật-đề

5.     Chín mươi ba-dật-đề

6.     Bốn ba-la-đề đề-xá-ni

7.     Một trăm chúng học pháp

8.     Bảy diệt tránh

250 giới chia làm 8 nhóm, đi từ thô đến tế, từ tiếp xử đến oai nghi,  thể hiện – giới pháp – giới thể – giới hạnh – giới tướng, trong đó chỉ định về giáo sản của một tỳ kheo –tam y nhất bát, tọa cụ, ngọa cụ, thuốc men, dụng cụ lọc nước…ngoài ra, tịnh xá, tịnh thất không được xem là tư hữu. Khi Tổ Minh Đăng Quang phục hoạt Thích Ca Chánh pháp, việc xây dựng tinh xá và luân lưu trụ xứ cũng đã giúp Tỳ kheo không bị bám trụ cố chấp việc tư hữu. Đây là tông phái còn duy trì được phần nào luật tạng và giới thể của nhà Phật.

Khi giáo sản được tồn tại một cách khách quan như am thất, tinh xá, đất đai thì vấn đề vướng bận óc tư hữu sẽ không xuất hiện. Sau nhiều thế kỷ, Phật giáo được Asoka hỗ trợ lan truyền khắp nơi, khi đến Trung hoa, Triều Tiên, Nhật, Việt Nam, do truyền thống nông nghiệp và kinh thương của xã hội, chùa viện được xuất hiện dưới sự cai quản của một viện chủ hay một trụ trì, giáo sản đã vượt khỏi “tứ y pháp” nguyên thủy, từ đó, nhiều vấn đề phức tạp nảy sanh; tuy nhiên, vẫn chưa là vấn đề to tát ảnh hưởng đến nếp sống tu tập của các hành giả và Tăng chúng. Những thế kỷ cận đại, xã hội nông nghiệp giao thoa với nền văn minh Tây Âu, vấn đề tư hữu dần được phát triển mạnh trong quần chúng, tôn giáo cũng không tránh khỏi. Thời đại Lý-Trần và tiếp theo những thời gian lâu sau đó, chùa được triều chính, quan dân mộ đạo hiến cúng ruộng đất để có thu nhập trùng hưng Tam bảo, nuôi dưỡng điệu chúng, lễ lộc sóc vọng…

Tuy nhiên, xã hội lúc bấy giờ vẫn chưa đặt vấn đề đất đai như một quyền lợi bất khả phân, mãi cho đến trước 1975, người dân Việt vẫn chưa bận tâm đến đất đai, nhà cửa là một tài sản máu thịt. Khi mà chính sách quy hoạch đô thị, quy hoạch treo, phát triển công nghiệp,sau 1975, đây là lúc người dân đặt thành vấn đề sản nghiệp trên phần đất cha ông để lại.Một số chùa viện có đất bị xâm hại, cũng đang là vấn đề nan giải.Việc tranh chấp kiện tụng giáo sản không thiếu hiện nay.

Tranh tụng cơ sở vật chất, đất đai giữa chùa với người dân, giữa tu sĩ với tu sĩ, mặc dù luật dân sự, luật đất đai, luật tố tụng khiếu kiện, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo đã ra đời, nhưng do cán bộ xử lý chỉ đứng về mặt điều khoản, nghị định của luật đất đai để ra quyết định hòa giải sự việc mà không xét đến pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, mặc dù giáo sản là một phần tài sản theo luật định của Hiến pháp,nhưng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo là một vùng biệt lập, nếu xét xử thì phải xét xử phối hợp với luật định tôn giáo.

Một việc đơn cử: chùa Hội Khánh- ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh,tỉnh Đồng Tháp, chùa có mặt trên 200 năm nằm trên diện tích đất 59.005m2 do tín đồ hiến cúng để có nguồn hoa lợi cho chùa sinh hoạt.Trong chiến tranh, để giúp dân tản cư, chùa cho một số hộ tạm cư trên phần đất chùa, hàng năm hai bên thỏa thuận đong lúa cho chùa nuôi Tăng chúng. Năm 1993 chùa Hội Khánh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ tài nguyên môi trường  không xét cấp với lý do đang tranh chấp, 05 hộ dân không chịu xác lập để chùa đăng ký quyền sử dụng đất, thế nhưng, nhà chùa hàng năm vẫn phải đóng thuế toàn bộ diện tích, kể cả thuế nông nghiệp khi năm hộ dân sau 1975 không đong lúa cho chùa theo thỏa thuận, mà vẫn tiếp tục canh tác, trồng tỉa.

Qua hai lần hòa giải vào ngày 28/7/1995  và ngày 05/3/2002 không thỏa đáng, chùa Hội Khánh do HT T.Thiện Kỉnh đệ đơn lên tòa phúc thẩm tại TP HCM, tòa vẫn y án theo quyết định số 181/QĐ/UBND-NĐ ngày 29/10/2004.

Xét duyệt khiếu kiện trong lĩnh vực tôn giáo, cần tham khảo pháp lệnh tìn ngưỡng, tôn giáo. Theo chương IV điều 26: tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó.

Rõ ràng  diện tich đất chùa Hội Khánh là tài sản hợp pháp, chùa cho tạm cư và đong lúa cho chùa là hợp pháp. Nay không thực hiện đúng giao ước mà vẫn bám trụ ở, canh tác thu hoa lợi là bất hợp pháp, sao chính quyền không xử mà lại xử ép chùa. Chùa không đòi trục xuất họ, chỉ cần họ xác quyết là đất của chùa để chùa làm giấy”quyền sử dụng đất” thôi. Họ không chấp thuận, như vậy là đã xâm phạm “tài sản tôn giáo” sao còn gọi là họ ở quá lâu nên đã hợp pháp???

Nếu một người nước ngoài được nhà nước cho phép tạm trú lâu dài, sau nầy họ cũng là chủ quyền bất khả xâm phạm trên đất tạm dung sao?

Phật đã thấy trước sự ràng buộc tài sản thế gian là phiền não tục lụy; ngày nay  khó mà giữ đúng tam y nhất bát- nhất bát thiên gia phạn – cô thân vạn lý du. Người sắc tộc không còn được du canh du cư thì ở phố thị làm sao chư Tăng ngủ gốc cây, ăn ngày một bữa, túi không giữ tiền. Khất sĩ bây giờ cũng không được luân lưu trụ xứ như trước 1975, đã trụ tại chỗ thì phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản Tam bảo, như Nội Quy Ban Tăng sự quy định:

CHƯƠNG VIII

TRỤ TRÌ – BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ

ĐIỀU 41 : Tại mỗi đơn vị cơ sở Tự, Viện có Tăng, Ni cư trú, Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh bổ nhiệm Trụ trì. Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở Tự, Viện theo đúng Chánh pháp, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì là người chủ hộ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động Phật sự tại cơ sở Tự, Viện.

Nhiệm vụ của trụ trì khá phức tạp nặng nề, như vậy việc bảo vệ tài sản  cho cơ sở tôn giáo là việc đương nhiên, khi phải đối diện với luật pháp thì trụ trì là người đại diện cơ sở tôn giáo đó đứng  ra giải quyết.

Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên ngành nên giúp đỡ các cơ sở tôn giáo khi  vị đại diện đứng đơn khiếu nại. Xét cả mặt tình lẫn lý, luật đất đai lẫn pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thì sự việc sẽ sáng tỏ, không bên nào thiệt hại. Đòi hỏi cán bộ phụ trách phải công tâm vô tư.Liệu có vô tư chăng hàng năm vẫn thu thuế  50.005m2 đất chùa mà dân tạm trú trên đất chùa không mất đồng nào cho mùa vụ lẫn thuế khóa nông nghiệp, thuế nhà đất?

Giáo chế do Phật san định, ngăn ngừa trước nhiều vấn đề phức tạp cho nhân thân tu sĩ, vẫn không tránh khỏi những mắc mứu ngày càng tinh vi do tiến hóa xã hội phát sinh. Có hiểu như thế mới cảm thông cho những tu sĩ gánh trách nhiệm bảo về tài sản tôn giáo đang bị đe dọa bởi vô minh và lòng tham của một số người bất chấp luật định.

Mong chính quyền Tỉnh Đồng Tháp, TP Cao Lãnh nên xét lại vấn đề tài sản của chùa Hội Khánh, đó là giáo sản của Phật giáo do HT.Thích Thiện Kỉnh đại diện duy trì và bảo vệ.

MINH MẪN – 08/4/2015