Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Giàn Bí Đỏ

Giàn Bí Đỏ

93

 

Bất Đạt nói: 
 
– Phải chăng đây là lửa của nghiệt chướng? của tội lỗi? của tham sân? Làm thế nào để tắt được lửa này?
  
Bất Ác than: 
 
– Lửa! Lửa! Ôi! Lạy Phật từ bi! 
 
Bất Đạt nhăn mày: 
 
– Cứ than như vậy mà được à? Thầy nói đúng, chú là kẻ lười biếng, thụ động, tiêu cực. Tu mà chỉ thích nguyện cầu. Cái cầu nguyện kia hãy để cho người yếu đuối. Nam nhi như chú phải mạnh lên. Hãy dùng dõng lực của Trí Tuệ mà tu, hiểu chưa? 
 
Bất Ác cãi lại: 
 
– Nguyện cầu không được sao? Ối! Em nguyện cầu rồi thì Đức Phật cũng cứu. Người tu theo đức tin, người tu theo trí tuệ, người tu theo tinh tấn; chưa biết rồi mèo nào cắn "mỉu" nào! 
 
Liễu Minh tưới xong mấy dây bầu, để thùng gánh nước một bên, bước lại góp chuyện: 
 
– Đố các chú, lửa này do đâu mà có? 
 
Bất Ác nói:
 
– Do nắng hạn chứ sao? 
 
Bất Đạt lắc đầu: 
 
– Do lòng tham sân của con người! Chú em không biết thì ngồi dựa cột mà nghe! 
 
Bất Ác tức tối: 
 
– Chú khi nào cũng áp đảo người khác. Vậy do nguyên nhân gì hở chú Liễu Minh? 
 
Liễu Minh cười đáp: 
 
– Chú Bất Đạt nói đúng đấy! Này nhé! Do lòng tham của con người mà phá rừng, làm gỗ, làm củi, đốt than. Cứ mỗi phút như vậy, khắp nơi trên thế giới, mất đi hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh. Khắp nơi hạn hán lũ lụt là do vậy. Còn nữa, các loại bụi công nghiệp, các chất thải hóa học làm vẩn đục và nung nóng bầu khí quyển, nhiệt độ trái đất tăng lên. Hiểm họa môi sinh đã báo động khắp nơi trên thế giới. Lòng tham vô tận, vô độ của con người đã tự hủy diệt môi trường sinh thái của mình. Lại nữa, những tâm địa sân hận của thế gian như ác độc, hận thù, ganh ghét… như những năng lượng từng giờ từng phút tung ra bầu khí quyển những sức nóng kinh khiếp. Ôi! Tâm như vậy, cảnh như vậy, tạo một cộng lực vĩ đại, đến một lúc nào đó trái đất sẽ bị thiêu hủy ra tro, hà huống…!
 
Bất Ác "à" lên một tiếng. 
 
– Trong kinh có nói quả đất sẽ bị thiêu hủy khi bảy mặt trời xuất hiện? 
 
Bất Đạt gật đầu: 
 
– Chú em rứa là giỏi! Bảy mặt trời là như thế. Đừng hy vọng nhân loại sau này sẽ tốt hơn. Cái tham lam ác độc của con người mỗi ngày mỗi tăng, và sẽ tăng nhiệt độ cho bằng bảy mặt trời là vừa "hết ý"! 
 
Bất Ác hỏi "mát": 
 
– Là người tu hành mà chú nói dửng dưng như vậy à? 
 
– Chứ sao! Cho chết luôn! 
 
Liễu Minh cười giàn hòa: 
 
– Chú ấy nói chơi đó mà! Thôi ta còn đi tưới, thêm nước "từ bi" cho vườn chùa kẻo tội quá! 
 
Nhà Sư từ vườn dưới cũng vừa gánh nước đi lên. Bỏ nhẹ đôi gánh trên vai xuống, Nhà Sư hỏi: 
 
– Các con vừa thảo luận với nhau chuyện gì? 
 
Bất Ác mau mắn, thưa: 
 
– Dạ… Nóng. Lửa. Tham lam, sân hận, ác độc, khô hạn…. là một, cho đến khi bảy mặt trời xuất hiện thì quả địa cầu thành tro! Bạch Thầy!
Liễu Minh và Bất Đạt thay nhau kể lại tường tận hơn. 
 
Nhà Sư tán thán: 
 
– Thế là các con đã thấy được chiều sâu của vấn đề, như vậy là vừa đủ chẳng cần góp thêm ý kiến gì. 
 
Rồi Nhà Sư lại hỏi:
  
– Trên này đã tưới xong chưa? 
 
Liễu Minh đáp: 
 
– Dạ! Chỉ còn giàn bí đỏ. 
 
– Vậy các con hãy lấy đôi nước kia mà tưới cho nó. 
 
Bất Đạt nhanh tay xách hai thùng từ từ tưới cho giàn bí đỏ.
 
Nhà Sư quay qua hỏi Bất Ác: 
 
– Này con! Mùa này muốn cho bí ra hoa được đậu trái, chúng ta tưới như vậy đã đủ chưa? 
 
– Dạ thưa – Bất Ác đáp – vậy cũng tạm đủ, nó sẽ đơm hoa kết trái thôi.
 
Nhà Sư hỏi Liễu Minh: 
 
– Còn con thì sao? 
 
Liễu Minh đưa mắt nhìn giàn bí rồi trả lời: 
 
– Nắng hạn quá, bạch Thầy! Có lẽ phải tưới nhiều hơn nữa! 
 
Bất Đạt phát biểu ý mình: 
 
– Còn con thì khác. Mùa này hết thời vụ trồng bí rồi, nên trồng thứ khác. 
 
Nhà Sư im lặng một lúc, bảo ba chú cùng ngồi xuống, chậm rãi nói: 
 
– Các con biết không, chúng ta là người tu hành, từ khi bắt đầu công phu cho đến khi giác ngộ cũng ví như trồng một giàn bí đỏ vậy. Trồng một giàn bí đỏ muốn thành công, ra hoa và kết trái thì phải làm giàn, sau đó phải đầu tư phân, nước và công lao chăm sóc. Cái giàn chính là giới, nước chính là đức tin, phân là trí, công lao chăm sóc là tinh tấn… Câu trả lời của Bất Ác chứng tỏ ngay chính đức tin cũng chưa vững vàng, chưa biết bồi dưỡng và phát huy đức tin. Còn giới, trí và tấn dường như hoàn toàn thiếu sót. Kẻ tu hành như vậy thường dễ nẩy sinh buông xuôi, biếng nhác, hời hợt. Như vậy, cái giàn bí ấy, dẫu có ra trái cũng rụng mất. Quả Bồ Đề làm sao lớn, làm sao có kết quả được hở con? 
 
Cả ba chú nghe mà lạnh mình.
 
Nhà Sư quay qua hỏi Liễu Minh: 
 
– Còn con là người có chút nghị lực, có chút ít ý chí phấn đấu, biết tô bồi đức tin, biết nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin… Cái giàn bí kia nếu cứ việc tưới, tưới mãi thì trái cũng không thể lớn. Con có biết tại sao không? 
 
Liễu Minh gãi đầu. Nhà Sư nói: 
 
– Vì con không biết thêm phân! Sở dĩ gọi là thêm phân, vì nó cần phải có trí để soi rọi và hướng dẫn đức tin. Tín và trí phải song đôi, ngoài ra phải bỏ công lao chăm sóc theo dõi cái giàn bí đỏ ấy, nghĩa là cần phải có tinh tấn nữa, thì may ra quả Bồ Đề mới có cơ hội tăng trưởng. Con biết như vậy chứ?
 
Nhà sư quay qua Bất Đạt: 
 
– Con luôn là người ngược lại với huynh đệ! Con thuộc căn trí nên nhặm lẹ, mau mắn, nhưng nhặm lẹ, mau mắn thì dễ sinh nóng nảy, gốc của tâm sân. Trí phát triển thì nghi dễ sinh và tín dễ mất. Vậy thì con cần bồi dưỡng đức tin. Đức tin là nước mà từ bi cũng là nước, con cần hai yếu tố mát mẻ này may ra mới quân bình được đời sống phạm hạnh! 
 
Nhà Sư như đọc được tâm ý, sở học, sở hành của mỗi người nên ba chú ngồi im re. 
 
Nhà Sư đưa tay chỉ một đọt bí lủng lẳng giữa hư không: 
 
– Các con xem kìa! Hồi nãy Thầy có nhắc đến giới là lý do này đây. Dây bí kia không có gì nâng đỡ phía dưới nên không biết bám víu vào đâu. Cũng vậy, cuộc sống trên đời của những kẻ không có giới, cũng bò, nhưng không biết bò về đâu, vất vưởng, lênh đênh, vô định. Dẫu có ra hoa kết trái thì trái ấy cũng teo tóp, rồi thân bí sẽ bị lôi tuột xuống đất đen, xuống vực! Do vậy tín, giới, tấn, trí là cái gì căn bản nhất, cần thiết nhất cho mỗi người để trồng một giàn bí đỏ trong lòng mình. Các con hiểu những điều Thầy muốn trao gởi đó chứ? 
 
Họ đồng thanh đáp: 
 
– Dạ hiểu! 
 
Rồi Bất Ác rụt rè: 
 
– Bạch Thầy cái giàn bí đỏ của con chỉ có một chút nước… còn thiếu thì thiếu tất cả? 
 
Nhà sư mỉm cười: 
 
– Cái giàn bí của con không chắc chắn, nước tưới lại ít, phân không có, công chăm sóc thì "bạ đâu hay đó". Có phải thế không? 
 
Bất Ác cúi đầu lẳng lặng nghĩ đến cái tên "Bất Ác" Thầy đặt cho mình. "Bất Ác" nghĩa là không làm điều ác! Không làm điều ác thì mới là khía cạnh tiêu cực, thụ động của giới. Còn khía cạnh tích cực nữa là "phải làm thiện". Khi mà làm thiện thì ta lại có thêm đầy đủ giới, tín và tấn. Thêm tấn thì có luôn cả trí. À hay lắm!" 
 
Nghĩ vậy, chú bèn đáp: 
 
– Bạch Thầy, con hiểu toàn bộ vấn đề rồi. 
 
Đến phiên Liễu Minh: 
 
– Riêng con thì cần thêm một chút tấn, chút trí nữa. 
 
– Đúng vậy, Nhà Sư đáp, Thầy hy vọng rằng lần hồi con sẽ "liễu minh" vấn đề của chính con! 
 
Còn Bất Đạt thì phát biểu: 
 
– Con thường ỷ y mình là người có căn trí nên cái gì cũng muốn chóng xong, chóng đạt. Cái này mà ngó bộ không xong là quay qua cái khác liền! Bạch Thầy, con đã hiểu con, hiểu ẩn nghĩa "bất đạt" là gì rồi! 
 
Trời đã khá trưa, không gió, núi rừng im phăng phắc. Có tiếng mang khàn khàn vọng từ trên suối xuống, nghe rõ mồn một. Nhà Sư trìu mến nhìn ba người đệ tử rồi từ từ đứng dậy. 
 
Bất Ác chợt nói: 
 
– Bây giờ phải trồng lại cái giàn bí đỏ khác ở trong tâm!
 
Nhà Sư nói: 
 
– Bây giờ ấy à? Bây giờ là phải thu xếp , cất đặt đồ đạc; sau đó cùng phụ nhau để nấu cơm trưa. Đạo lý chính là chỗ ấy!
 
Nói xong, Nhà sư đi về phía am tranh. Cả ba chú đều sững lại, dường như họ đang cố tìm cho ra đạo lý cất đồ đạc và nấu ăn trưa! 
 
Huyền Không
Lăng Cô – Hải Vân
1976