Chúng tôi xin được đưa ra những giải pháp như sau để công tác hoằng pháp tại các vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả thiết thực hơn:
1. Ban Hoằng pháp Trung ương cũng như Ban Hoằng pháp ở các tỉnh, thành phố kết hợp cùng với các ban Từ thiện Xã hội, Tăng sự, Văn hóa, Hướng dẫn Phật tử, Kinh tế Tài chính,… chuyên sâu về công tác hoạt động này. Tuyển chọn Tăng Ni, Phật tử (các Hoằng pháp viên, tình nguyện viên) có tinh thần hoằng pháp độ sinh, không ngại gian lao chẳng từ khó nhọc, biết hy sinh cá nhân vào thành viên của Ban Hoằng Pháp.
2. Tìm và mời người biết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cách sống, phong tục tập quán, theo từng vùng, miền,… để dạy cho Tăng Ni, Phật tử tình nguyện. Chú ý đến nếp sống tập quán của bản xứ họ. Đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện cho Phật tử dân tộc thiểu số xuất gia học Phật, để trở về hoằng pháp tại quê hương.
3. Cử những Tăng Ni, Cư sĩ có tài năng, đức độ trong Ban chuyên trách về Dân tộc, đảm nhiệm từng khu vực để giải quyết kịp thời công việc của từng khu vực, đồng thời các vị ấy cũng có thời gian để tập trung vào chuyên môn trong khu vực của mình, tìm ra những giải pháp thích hợp nhất để hoằng dương Phật Pháp.
4. Ban Hoằng pháp cần đẩy mạnh việc đào tạo giảng sư, nội dung giảng dạy cần đề cập đến việc hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa. Các giảng sư được khuyến khích làm Phật sự, giảng pháp tại các vùng này. Giáo hội và Ban Hoằng pháp có chương trình gửi các Tăng Ni đi học tiếng dân tộc tại các trường dạy các ngôn ngữ dân tộc do Nhà nước tổ chức.
5. Giáo hội cần tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước với công tác phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, trong đó có đời sống tín ngưỡng, tâm linh. Liên hệ chặt chẽ, tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền các tỉnh vùng cao, xa của đất nước để có sự nhìn nhận đúng đắn vai trò của Phật giáo với Dân tộc và sự giúp đỡ. Xây dựng mỗi xã, huyện có một ngôi chùa làm tiêu biểu. Trong thời gian qua chúng ta đã làm được và có một số thành tựu nhất định như: xây dựng được 3 ngôi chùa tại huyện đảo Trường Sa, thành lập một số cơ sở ở miền núi…, đây cũng là tiền đề để Tăng Ni có điều kiện thực hiện sứ mệnh của mình.
6. GHPGVN chọn lựa, đề cử những Tăng Ni đã tốt nghiệp các Khóa Phật học viện, Cao học, Tiến sỹ về trụ trì các chùa làng xưa chưa có người trụ trì và Giáo hội Phật giáo các tỉnh phải thường xuyên thăm hỏi, an ủi, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vị Tăng Ni đó trụ trì và an tâm hành đạo.
7. Tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp, các khóa tu, kết hợp với hoạt động từ thiện đến vùng sâu, vùng xa… đặc biệt là các vị giảng sinh lớp đào tạo cao trung cấp, Tăng Ni sinh của các Học viện, các Trường Cao đẳng v.v… để truyền bá Phật pháp và giúp Tăng Ni trẻ hiểu biết, nhận thức đúng sứ mệnh của mình, thông qua đó tuyển chọn vào thành viên của Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng Pháp và vận động họ sau khi tốt nghiệp ra trường trở lại các vùng này để đảm nhận công tác Phật sự.
8. Kinh phí hoạt động từ thiện xã hội thuộc vùng sâu, vùng xa nên tập trung đầu tư vào công tác hoằng pháp như: Tăng cường các chuyến ủy lạo, cứu trợ, xây dựng cơ sở tự viện, xây dựng trường mẫu giáo, bệnh viện y học dân tộc, nhà dưỡng lão tại các vùng sâu, vùng xa, thành lập quỹ học bổng, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp vốn làm ăn, hướng dẫn ngành nghề là cách thiết thực, hữu hiệu trong việc xóa đói giảm nghèo và ngăn chặn sự tái nghèo đói.
9. GHPGVN và Ban Hoằng Pháp Trung ương có chương trình thuyết pháp hằng tháng, và những ngày Đại lễ trong năm tại các vùng sâu, vùng xa.
10. Soạn thảo kinh sách, băng đĩa, tài liệu Phật pháp ra các thứ tiếng dân tộc để giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa học và tìm hiểu Phật Pháp được dễ dàng. Ban Giáo dục Tăng Ni tổ chức các lớp học tiếng dân tộc, tuyển chọn những người dân tộc trẻ có điều kiện từ vùng cao xuống miền xuôi để học tập, tạo điều kiện cho họ về kinh tế tài chánh và học hỏi Phật pháp, sau khi tốt nghiệp trở về bản xứ, họ là kênh chuyển tải và lan tỏa Phật pháp hiệu quả nhất.
11. Ban Hoằng pháp, phải có kế hoạch hỗ trợ có hiệu quả đối với nhữngTăng Ni phát tâm đi hoằng pháp các vùng cao, vùng hải đảo. Vì hiện tại Giáo hội đang bỏ ngõ lĩnh vực này chỉ để cho tinh thần tự phát và tùy duyên. Trong lĩnh vực này, người viết không đồng ý với lối suy nghĩ tùy duyên.
12. Ban văn hóa nên có những góp ý cho những vị trụ trì ở vùng cao khi xây chùa nên xây theo mô hình nhà Rông để buôn làng cảm thấy gần gũi, thân thiện. Vấn đề chùa Khải Đoan ở DakLak đã làm được, một ngôi chùa rất miền núi rất đẹp và thân thiện.
13.Vẫn là vấn đề xưa nay của Giáo hội ta, chúng ta hãy ngồi lại bên nhau cùng làm Phật sự, đừng vận hành, điều hành ngôi nhà Giáo hội theo kiểu mạnh ai nấy làm, làm theo kế hoạch nhỏ, thành tựu rồi tán dương theo kiểu mẹ hát con khen.
Truyền trì mạng mạch Phật pháp để cho chánh Pháp của Phật cửu trụ Ta bà. Sự nghiệp hoằng pháp luôn đa dạng, phong phú và mang tính thời đại. Thế nên, quan tâm đến hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa là thể hiện tính xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người đang mong chờ thuyền Từ để về bến Giác.
Thiết nghĩ, vì sự phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam, vì sự bền vững của đạo pháp, vì sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, nên có một chương trình cụ thể và cấp thiết để đưa giáo lý của Đức Thế Tôn đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số nhằm tích cực phát huy đạo pháp trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.
Muốn cho sứ giả hoằng pháp trưởng thành, hòa hợp và hội nhập vào dòng sinh mệnh của dân tộc Việt Nam và sánh bước nhịp nhàng với xã hội hay không, đó là dựa vào lòng nhiệt huyết và trí tuệ của Tăng sĩ hiện nay, cũng còn tùy thuộc vào những định hướng giáo dục của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội. Nếu như những thiên thần hoằng pháp được trang bị cho đôi cánh tâm đức và trí tuệ thật khỏe và cân bằng, thì chắc chắn họ sẽ đủ sức chuyên chở giáo lý Phật pháp bay vào mọi nẻo gần xa trên đất nước, làm tốt đời đẹp đạo trải bóng mình che mát cho vô lượng chúng sanh và làm nền tảng phát triển rộng hơn cho các thế hệ truyền thừa kế thế.