Ngay sau khi ra đời cách đây hơn 2500 năm, Phật giáo đã nhanh chóng được truyền bá sang nhiều nước trên thế giới bởi những yếu tố tích cực của đạo Phật trong đời sống hàng ngày của người dân. Có mặt tại Việt Nam hơn 2000 năm, Phật giáo đã có những đóng góp nhất định vào nền văn hóa dân tộc, để lại những dấu ấn sâu đậm trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong những thập niên gần đây, Phật giáo Việt Nam chuyển mình bước vào một vận hội mới. Những thuận lợi, cơ duyên đã có trong bản thân sự chuyển biến nội lực của tổ chức Phật giáo Việt Nam, cũng như những nhân tố từ bên ngoài đưa vào đã tạo cho Phật giáo Việt Nam một cơ hội mới. Đồng thời với những yếu tố ấy, Phật giáo Việt Nam cũng đang phải đối đầu với nhiều thách thức đặt ra từ hai phía: nội lực và ngoại sinh. Để Phật giáo luôn giữ được vai trò và vị trí vàng son của mình, thiết nghĩ Giáo hội cần có những giải pháp để giúp cho Giáo hội Phật giáo việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
I. Đối với Trung ương Giáo hội
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vai trò là cơ quan chỉ đạo điều hành cấp cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường khẳng định vị thế của mình hơn nữa trong lòng dân tộc. Muốn đạt được điều này đòi hỏi bộ máy của Giáo hội không ngừng củng cố và hoàn thiện. Trung ương Giáo hội không những bao gồm những Tôn túc giáo phẩm có đạo hạnh và năng lực, có vốn kiến thức xuất chúng về Phật pháp, mà còn phải là những bậc dám dấn thân cho hoạt động Phật sự vì ngôi nhà chung GHPGVN. Củng cố xây dựng một bộ máy mạnh từ Trung ương đến địa phương đảm bảo cho hoạt động của Giáo hội được thống nhất và đạt kết quả tốt.
Kiện toàn các Ban, Viện tại Trung ương Giáo hội theo hướng tinh gọn chuyên môn hóa và chuyên sâu. Nên chăng xem xét bổ sung nhân sự để đảm bảo nhân sự không phải kiêm quá nhiều chức danh để chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên. Với nhân sự tham gia những Ban quan trọng không nên để kiêm nhiệm công việc tại các Ban khác.
Đối với những vấn đề lớn mang tính thời đại của Giáo hội, Trung ương Giáo hội cần có kế hoạch định kỳ và đột xuất, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo quốc gia và quốc tế bàn về các vấn đề trên để có lời đáp thỏa đáng cho Phật sự nước nhà. Chỉ có trong những Hội thảo ấy, nhiều thách thức mới được nêu ra, được bàn bạc, trao đổi và đi đến cùng nhau giải quyết. Đó chính là biện pháp hữu hiệu giúp cho Giáo hội luôn thể hiện được vai trò của mình trước yêu cầu của thời đại.
Để có thể giúp Giáo hội phát triển một cách bền vững thì nhân tố con người là yếu tố quan trọng nhất. Việc gấp rút nâng cao nhận thức, tầm nhìn, đào tạo năng lực cho một thế hệ Tăng ni trẻ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai là việc làm có tính cấp thiết. Việc giáo dục đào tạo Tăng Ni nên có một chiến lược bài bản hơn. Đó là quá trình đào tạo, nên gắn với chiến lược sử dụng sau này. Trong thời gian qua có nhiều Tăng Ni đã chủ động đi du học tự túc. Tuy nhiên đã đến lúc Giáo hội cần có chiến lược cụ thể về vấn đề này đó là cần xây dựng một lộ trình, một chiến lược cụ thể về việc cần thiết đi du học những trường nào, quốc gia nào trên thế giới và nhân sự cụ thể ra sao… ? Trong vấn đề này khi đã có kế hoạch cụ thể, Giáo hội nên có sự hỗ trợ một phần kinh phí cho các Tăng Ni du học để gắn trách nhiệm với việc sử dụng sau này.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các Học viện và trường Trung cấp Phật học, song song với việc chuẩn bị tốt giáo trình giảng dạy, nhà trường cần nắm bắt được những cốt lõi, những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, để định hướng cho việc giáo dục Tăng Ni và đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều nước khác nhau mà vẫn luôn tâm niệm rằng học chính là để phục vụ cho Đạo Phật Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và con người Việt Nam. Ý thức điều này, người được đào tạo sẽ vững tin trên con đường mà phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra. Đó là những Tăng Ni hành xử nhiệm vụ của mình vì Đạo pháp và Dân tộc.
Bên cạnh đó, để Giáo hội phát triển một cách bền vững, Trung ương GHPGVN cần xây dựng một chiến lược truyền thông phù hợp với thời đại mới. Trong thời đại ngày nay, những phát minh về khoa học, công nghệ thông tin… đã mở ra chân trời mới, giúp tiếp cận với Phật giáo một cách sâu sắc, chính xác và phong phú hơn. Nhiều mạng thông tin (website) của Phật giáo đã mở ra cách học mới, cung cấp tầm nhìn, nhận thức rộng và sâu hơn về Phật giáo Việt Nam và thế giới. Đồng thời, những hoạt động Phật sự cũng cần được truyền thông một cách sâu rộng trên nhiều kênh thông tin khác nhau.
Giáo hội chúng ta đang đứng trước yêu cầu cần phải có một kênh thông tin phản biện thích hợp trong hoạt động của mình. Từ chối hoặc im lặng trước những yêu cầu bức thiết của Tăng Ni, Phật tử đang gặp trở ngại khách quan về các hoạt động Phật sự tại các địa phương là đồng nghĩa với việc chúng ta không thể hiện được ý chí, trách nhiệm của một tôn giáo theo hướng thượng tôn luật pháp trước việc xâm phạm các quyền lợi chính đáng đã được Hiến pháp và pháp luật Nhà nước Việt Nam quy định. Làm được như thế, Phật giáo mới thể hiện được vai trò là một bộ phận thiết thân của dân tộc trong việc gióp phần cùng với cộng đồng xã hội trong công cuôc xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.
II. Đối với Chư tôn đức Tăng Ni
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có rất nhiều thuận lợi để phát triển nhưng Phật giáo Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm chuyển đổi cuộc sống, sinh hoạt đời thường trong đó có sinh hoạt của Tăng Ni. Tuy nhiên, việc đào tạo con người thích ứng theo những chuyển đổi ấy còn khá chậm. Trong khi đó chúng ta ai cũng nhận thức được rằng, tương lai của Giáo hội chính là phụ thuộc vào tầng lớp Tăng Ni trẻ.
Để có một GHPVN vững mạnh hơn đồng nghĩa với việc chúng ta phải có một đội ngũ Tăng Ni trẻ hùng hậu, những người luôn luôn mến đạo, yêu đời, yêu quê hương đất nước. Để xứng đáng là lớp kế thừa tốt đẹp nhất của Giáo hội, hàng ngũ Tăng Ni chúng ta cần phải luôn giữ thân tâm trong sạch, đạo đức trong sáng trong tinh thần bất vụ lợi, không đắm say thế lợi. Tích cực hành động cho những điều tốt đẹp của dân tộc, nhân loại và Phật giáo Việt Nam.
Chư tôn đức Tăng Ni chúng ta phải luôn tư duy, trăn trở, phải sẵn sàng và chấp nhận xả thân cho đạo, cho đời. Phải biết liên kết nhân tâm, mang lại sự an lạc, giảm đau khổ, bất hạnh cho con người trong xã hội. Biết lấy tình thương bao la làm lẽ sống chân chính cho mình. Điều quan trọng hơn nữa là Tăng Ni phải biết đem sức mạnh Phật pháp vào công tác giáo dục trong thời kỳ kỷ nguyên mới để Phật tử và người dân có niềm tin cao, sự sống đạo trong đời sống của mình trên quê hương đất nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Để làm được như vậy, Tăng Ni chúng ta phải ra sức tự giác học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, nhất là phần kinh điển phải thông hiểu, sẵn sàng chia sẻ và giải đáp khi một Phật tử có yêu cầu tìm hiểu các sự việc có liên quan trực tiếp đến phần giáo điển.
Xét về nguồn nhân lực hiện nay, Phật giáo Việt Nam tuy có hàng trăm Tăng Ni trẻ đi sang các nước tiếp thu kiến thức mới, phù hợp với đà phát triển trong thời đại mới, đã lần lượt trở về và hàng nghìn Tăng Ni trẻ tốt nghiệp Học viện Phật giáo trong nước, nhưng số lượng ấy chưa thể gọi là nhiều và chưa đủ để có thể trở thành hạt nhân nòng cốt cho tất cả các mạng lưới hoạt động Phật sự của từng địa phương trong thời gian tới. Điều đó đặt ra trong bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực bồi dưỡng hoằng pháp và cả về mặt tổ chức.
Thách thức lớn do thời đại đặt ra đối với Tăng Ni Phật giáo Việt Nam còn là những hạn chế về thông tin đối với các hoạt động của Phật giáo thế giới. Điều này cũng làm hạn chế tầm nhìn, nếp nghĩ, trong việc đặt quan hệ đối tác, hợp tác và tổ chức những hội thảo về Phật giáo nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập với Phật giáo thế giới.
Khá nhiều mạng thông tin điện tử (website) Phật giáo như GHPGVN, Đạo Phật ngày nay, Thư viện hoa sen, Phattuvietnam.net,… cung cấp nhiều nguồn tin tức mới về Phật giáo trên thế giới, nhưng số người đọc nó chưa phải là nhiều, đặc biệt là đối với những Tăng Ni có tuổi. Không kể một số Tăng Ni trẻ có trình độ ngoại ngữ và vi tính thông thạo, một số khác chưa quan tâm nhiều đến việc cập nhật thông tin qua mạng và chưa cảm thấy cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ để đọc thêm sách báo nước ngoài.
III. Với hàng ngũ Phật tử
Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng, GHPGVN không phải chỉ là của hàng tu sỹ, thậm chí việc chúng ta có được Giáo hội phát triển như ngày hôm nay cũng là vì mục đích phục vụ số đông Phật tử. Số lượng Phật tử chính là sự phản ánh sức sống của Giáo hội, sự tồn tại của Tăng già. Giáo hội luôn gắn liền với mối quan hệ cộng đồng của hàng Phật tử tại gia. Vì thế vấn đề đặt ra với Giáo hội là không ngừng truyền bá Phật pháp để ngày càng tăng trưởng số lượng Phật tử, ngày càng có nhiều người biết đến Phật pháp. Bên cạnh đó, phải làm sao cho người Phật tử không chỉ tin theo một cách đơn giản mà là phải có kiến thức, có sự hiểu biết để rồi tin. Đó là thứ đức tin cắm rễ sâu xa, chắc bền trong dân chúng , chính đức tin đó đảm bảo cho Giáo hội, cho đạo Phật mãi phát triển một cách bền vững hơn trong tương lai.
Ngoài việc thường xuyên hướng dẫn Phật tử tu học và thuyết giảng Phật pháp cho họ tại các chùa, các đạo tràng ở các tỉnh đồng bằng thì GHPGVN cần có chương trình thuyết pháp hàng tháng tại các vùng sâu vùng xa. Những chương trình này cần có kế hoạch một cách chu đáo, công phu, chuẩn bị từ sớm và được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông chính thống của Giáo hội cũng như các địa phương. GHPGVN chọn lựa và đề cử Tăng sĩ đã tốt nghiệp các khóa học về Trụ trì các chùa làng nơi xa xôi hẻo lánh chưa có trụ trì và GHPG Tỉnh phải thường xuyên thăm hỏi, động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vị Tăng sĩ trụ trì an tâm hành đạo.
Coi trọng việc giáo dục Phật pháp và đạo đức Phật giáo cho hàng Cư sĩ Phật tử, nhất là ngành Gia đình Phật tử. Để từ đó đội ngũ này chính là những cánh tay nối dài, những người góp phần tích cực trong việc truyền bá Phật pháp và đặc biệt là việc làm gia tăng số lượng Phật tử khi họ giới thiệu và khuyến khích những người thân yêu của mình tin theo và sống đạo một cách bền vững.
Rõ ràng, trước thực tiễn xã hội đang có nhiều diễn biến mau lẹ, Phật giáo Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Vì thế, việc xác định những thách thức đang đối mặt để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm định hướng phát triển GHPGVN một cách bền vững trong tương lai là một đòi hỏi hết sức cấp bách và không thể giải quyết trong một sớm một chiều, càng không thể chỉ bằng sự nỗ lực của một vài cá nhân mà đòi hỏi sự quan tâm, trăn trở và dấn thân của toàn Giáo hội.