Giới trẻ hầu hết là sinh viên, học sinh với nhiệm vụ trọng tâm là học tập tốt và rèn luyện tu dưỡng đạo đức thật tốt. Muốn vậy, giới trẻ cần phải có môi trường lành mạnh chung của toàn xã hội, không thể phó mặc cho một bộ phận nào.
Các tổ chức tôn giáo hội đoàn cũng có trách nhiệm cùng nhau góp phần chia sẻ gánh nặng với xã hội. Gia đình là cái nôi, là trường học đầu tiên của giới trẻ, phụ huynh là thầy cô giáo đầu đời của các cháu, nên phải tích cực dạy dỗ con em của mình, nêu cao tấm gương đạo đức mẫu mực; dạy các cháu không được nói dối, trước nhất phụ huynh phải thành thật, dạy các cháu phải đoàn kết hòa hợp thương mến nhau, thì chúng ta phải thể tinh thần đó ngay trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.
Được như vậy, chúng ta mới có thể dạy dỗ các cháu thành người hữu dụng, có ích cho gia đình và xã hội, góp phần ngăn chặn tình trạng đạo đức suy đồi hiện nay.
Sau đây là những giải pháp hữu hiệu mà giới Phật giáo chúng ta có thể thực hiện:
1. Tụng Kinh Phước Đức:
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của thanh thiếu nhi Phật tử, qua thời gian nghiên cứu chúng tôi thấy cần phải có khóa lễ dành riêng cho giới trẻ và nghi thức tụng niệm với nội dung thích hợp. Bởi giới trẻ đang say mê tìm kiếm hương sắc của cuộc đời và tích cực hướng vọng đến tương lai để hoàn thiện nhân cách. Do đó, chúng tôi mạo muội sưu tập bài kinh Phước Đức (Mahamangala Sutta) do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phiên dịch, soạn thành nghi thức tụng niệm dành cho giới trẻ.
Chúng tôi mong ước rằng nội dung Nghi thức tụng niệm này sẽ “tư vấn” cho giới trẻ và giúp đỡ giới trẻ định hướng tương lai của mình. Sau cùng, chúng tôi cũng mong ước được chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, tạo thuận duyên để giới trẻ đến với Tam bảo. Khóa lễ dành cho thanh thiếu nhi
Phật tử có thể tiến hành một hay nhiều lần vào ngày Chủ nhật hàng tuần, hoặc thời gian thích hợp, để các cháu đến chùa tụng niệm.
Bài kinh Phước Đức tuy ngắn gọn, nhưng mang tính giáo dục rất cao, phác thảo giúp cho giới trẻ có một định hướng tốt, biết: Lánh xa kẻ xấu ác, tôn kính bậc đáng kính, biết cung phụng cha mẹ, biết yêu thương gia đình, sống ngay thẳng bố thí, khiêm cung và lễ độ…, truyền tải những tâm tư, những lời phát nguyện của giới trẻ, mong các cháu trở thành con ngoan trò giỏi. Khóa lễ này còn có ý nghĩa tạo thói quen cho các cháu đến chùa khi còn thơ ấu.
2. Thuyết giảng giáo lý:
Phật giáo chúng ta chủ trương: “Duy tuệ thị nghiệp”, Tổ Khánh Anh cũng có dạy: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đải sách”. Thật vậy, tu mà không biết sự lý thì sinh ra mê tín dị đoan. Có bệnh, không chịu uống thuốc mà chỉ đọc toa thuốc, chắc chắn bệnh sẽ không khỏi. Cho nên việc tu và học giáo lý cần phải song hành, như người có hai chân, như chim có hai cánh, không thể xem nhẹ bên nào được.
Tuy nhiên, giới trẻ vốn hiếu động và hướng đến những hình thức sinh hoạt trẻ trung kể cả việc học tập giáo lý. Song, phương pháp giảng dạy giáo lý của chúng ta vẫn còn theo lề lối cũ; dùng phương pháp giảng dạy người lớn để áp dụng cho trẻ em. Cách thức được sử dụng thường xuyên là “độc thoại”, là “truyền thụ” với hình thức này sẽ khó thu hút được giới trẻ đến với đạo Phật. Vì vậy, về hình thức chúng ta nên thay đổi, cần chú trọng phương pháp vấn đáp, đố vui, kể chuyện, đặt vấn đề và khuyến khích các em phát biểu, sử dụng máy chiếu để minh họa,… hạn chế giải thích dài dòng, lý luận khô khan.
Về nội dung, chúng ta nên giảng dạy về Lịch sử Đức Phật, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi… và lồng vào các vấn đề gần gũi với với giới trẻ, như lòng hiếu thảo, lòng từ bi, lòng tự trọng, kỷ năng sống,… để các cháu khéo léo xử lý các tình huống nguy hiểm, khó khăn để vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống; giải tỏa những lo âu, căng thẳng trong các mối quan hệ bạn bè, tình cảm, hôn nhân, gia đình và công việc theo phương thức của đạo Phật. Các nội dung này, phải là nội dung chủ đạo và người giảng phải biết “nhập vai” thành người tư vấn tâm lý thực thụ. Đây là một đòi hỏi không phải dễ dáng đáp ứng, nên chúng ta cần phải có một sự đầu tư nghiêm túc.
3. Ca nhạc Phật giáo:
Ca nhạc Phật giáo chúng ta hiện nay rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung; mỗi bài hát đều có một giá trị riêng, ảnh hưởng tốt đến tâm tư tình cảm hạnh nguyện của người nghe và người thưởng thức. Có thể nói mỗi nhạc phẩm là một bài giáo lý sinh động, mỗi điệu múa là bài tập dưỡng sinh rất bổ ích. Do đó, chúng ta có thể dùng tiếng hát lời ca điệu múa để cảm hóa, giáo dục mọi người mọi giới mọi thành phần trong xã hội, nhất là giới trẻ.
Tuy nhiên, khi sinh hoạt đoàn thể hoặc khi lễ hội, chúng ta cần phải chọn những bản nhạc thích hợp với không gian, thời gian và nội dung cuộc lễ. Ví dụ như lễ Phật đản phải chọn các bài hát hướng về Phật đản, lễ Vu Lan phải chọn các bài hát hướng về Vu Lan, trong đám tang phải chọn các nhạc phẩm nói lên được lòng tôn kính, thương tiếc người quá cố…
4. Hoạt động thanh niên:
Chúng ta nên tạo một không gian riêng, có thể tại khuôn viên tự viện hoặc tại công viên để các em sinh hoạt, giao lưu với nhau. Đây là một phần sinh hoạt rất quan trọng, vì nếu không có chỗ vui chơi thích hợp, chắc chắn chúng ta không thể giữ chân các em lâu được. Thời gian thuận lợi nhất vẫn là ngày chủ nhật, ngoài khóa lễ tụng kinh Phước Đức, chúng ta có thể tổ chức các trò chơi lớn nhỏ thích hợp với từng lứa tuổi, nên tránh những ngày đi học và mùa thi.
5. Tổ chức khóa tu:
Vào mùa hè, các tự viện nên tổ chức khóa tu hoặc hội trại dành riêng cho giới trẻ. Người hướng dẫn giới trẻ sinh hoạt tập thể phải là người có đức nhẫn nại, vui tính linh hoạt, tạo nhịp cầu kết nối các em lại thành một tập thể, biết đoàn kết hòa hợp, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau.
Hiện nay, có nhiều chùa đã và đang thực hiện như: chùa Bằng (Hà Nội), chùa Hoằng Pháp (TP. HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang),… đã tổ chức khóa tu trong nhiều năm liền dành cho sinh viên học sinh tham gia tu học. Quy mô và số lượng các thanh thiếu nhi Phật tử từ khắp mọi miền đất nước đổ về ngày càng đông. Có thể cho thấy công tác này đã có tác dụng tốt, hiệu ứng mạnh và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của các bậc phụ huynh học sinh.
6. Tổ chức hội trại:
Hội trại Phật giáo là một mô hình hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh vui tươi hấp dẫn, có sức thu hút giới trẻ, giúp cho giới trẻ có những buổi sinh hoạt tập thể bổ ích. Với những đêm lửa trại giao lưu ấn tượng, những ngày hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi danh lam thắng cảnh, những nét đẹp hữu tình của non sông gấm vóc, từ đó giới trẻ có lòng yêu quê hương, mến đạo pháp và gắn bó với mái chùa nhiều hơn. Vì thế, hội trại là một trong các hoạt động của giới trẻ cần phải có. Mặt khác, việc tái tạo các trò chơi dân gian, kết nối với các trò chơi hiện đại cũng có thể chuyển tải lời Phật ý Tổ mang tính giáo dục tinh thần: BI TRÍ DŨNG cho thanh thiếu nhi Phật tử.