Muốn tránh đông người đông xe dồn lại cùng lúc trên cùng tuyến đường thì sẽ có khoảng vài mươi giải pháp hiệu quả, nếu ta chịu tư duy thêm một chút. Việc tạo điều kiện làm việc mưu sinh, tạo điều kiện học tập trải đều ra nhiều nơi cũng là biện pháp cần thiết để khỏi hút nhiều người về đô thị. Việc này là chính sách của quốc gia chứ không phải của riêng ngành giao thông.
Hơn nữa, nếu buộc dân đóng thành số tiền lớn như thế, liệu ta có bảo đảm sẽ không bị tiêu cực, rút ruột công trình, tham nhũng, tư túi, hay không?
Không phải ai mua xe đều giàu, đều đủ mấy mươi triệu một năm để đóng phí. Nếu họ không bán xe được, rồi bị bắt buộc phải đóng phí, và họ đành không thể chấp hành. Lúc đó sẽ xảy ra nhiều sự chế tài, xử phạt, gây khó khăn, và ta không lường được người dân sẽ làm gì khi bị dồn đến chân tường như thế.
Buổi sáng dòng người đông nghịt vượt cầu Chương Dương đổ vào nội thành Hà Nội để làm việc. Nhiều ngã đường dẫn vào thủ đô đều giống như vậy khiến cho lượng xe dồn vào nội thành tăng vượt bậc, và hậu quả là ùn tắc nhiều đoạn đường. Nếu ta làm một cuộc điều tra tỉ mỉ, hỏi từng người vào nội thành làm gì, làm ở đâu, thì ta sẽ lên được biểu đồ thống kê bao nhiêu người đi theo tuyến đường nào, đến sở làm nào.
Khi đã biết rõ số lượng người đổ vào nội thành để làm gì, đi trên tuyến đường nào, ta sẽ dễ dàng lên quy hoạch tạo công việc mới ở các vùng ngoại thành đáp ứng cuộc sống của người dân.
Tương tự, mỗi sáng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đông nghịt người dồn vào làm việc để rồi buổi chiều lại kéo ầm ầm ra khỏi thành phố.
Giải pháp chính cho việc giải quyết ùn tắc giao thông chính là tạo cho mọi người có cơ hội làm việc gần nhà, không phải đi quá xa nơi cư trú. Việc di chuyển từ nơi này băng xuyên qua lòng thành phố để đến nơi làm việc, rồi buổi chiều lại quay về đoạn đường dài như thế đúng là gánh nặng cho giao thông, cho sức khoẻ người dân, cho thời gian của xã hội.
Hoặc là người ta được làm việc gần nhà; hoặc là người ta có nơi ở tạm gần sở làm để rồi cuối tuần mới về nhà riêng, đó chính là giải pháp chủ yếu của bài toán giao thông, chứ không phải mở đường thêm mãi. Tốc độ mở đường không bao giờ kịp với tốc độ phát triển dân số. Càng mở đường, càng vun đắp điều kiện sống vượt trội tại khu vực nội thành, chỉ càng khiến mọi người khao khát tìm về thành phố, và chỉ càng gây thêm kẹt xe.
Thay vì mở đường cực kỳ tốn nhiều tiền, Nhà nước nên đầu tư mở rộng đường "Internet", ít tốn hẳn đi. Các cơ quan sẽ thiết lập cơ chế làm việc và học tập tại nhà có kiểm soát, có tập trung định kỳ. Thời đại này việc sở hữu chiếc máy tính là điều không khó, nếu thêm đường truyền mạng mạnh nữa là người ta sẽ đến sở làm trên đường truyền mạng chứ không cần phải đến sở làm bằng đường bộ nữa. Riêng những hãng xưởng cần sức lao động trực tiếp thì trước sau cũng phải di dời ra khỏi thành phố rồi.
Nếu ta thông minh hơn, ta sẽ tìm ra nhiều nguyên nhân của việc kẹt xe, và cũng tìm ra nhiều phương thức giải quyết đồng bộ, chứ không phải bắt dân đóng tiền cho sự bất lực của mình.