Trang chủ Diễn đàn Giải nghiệp, Giải thực, Giải hoặc – Đường đi của Phật tử...

Giải nghiệp, Giải thực, Giải hoặc – Đường đi của Phật tử Việt Nam

112

PHẬT GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ TÔN GIÁO


Đạo Phật là con đường Thích Ca Mâu Ni từng đi để thành Phật, và khuyến khích thế nhân tự thắp đuốc lên mà đi để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.


Người Tây phương dùng chữ Bouddhisme hay Buddhism để chỉ đạo Phật, cũng như Judaism hay Judaisme để chỉ Do Thái giáo, Christianism hay Christianisme để chỉ Ky-Tô giáo, Catholicism hay Catholicisme để chỉ Công giáo hay Ky-Tô giáo Vatican, Protestantism hay Protestantisme để chỉ Thệ Phản giáo hay Tin Lành giáo, Islamism hay Islamisme để chỉ Hồi giáo.Tất cả đều giống nhau ở tín điều về một Thượng Đế và sự lệ thuộc của con người vào Thượng Đế đó. Nhưng trong truyền thống Tam giáo, đạo Phật cũng như đạo Lão và đạo Khổng không phải là những ISME hay ISM theo nghĩa đó, nhất là đạo Lão ráo riết tránh ngôn từ tranh biện và hệ thống hóa tư tưởng đến độ cực đoan.


Đạo Phật cũng có một vũ trụ quan tuy đơn sơ nhưng lại rất hiện đại, nhất là quan niệm vô thủy vô chung của vũ trụ và thời gian, và quan niệm về những chuyển biến chủng loại, nhưng cơ bản, đạo Phật cũng như đạo Khổng là những nhân sinh quan về bản chất và ý nghĩa đời người và những quan niệm về cách thức tổ chức quốc gia xã hội xã hội để thành đạt ý nghĩa hay mục tiêu nhân sinh đó.


Cho nên, để tránh ngô nhận, có lẽ nên nói đến Đạo Phật thay vì Phật giáo. Vì gọi đạo Phật là Phật giáo như một ISM hay ISME tức là vô tình đồng hóa đạo Phật với những tôn giáo cho rằng vạn vật, kể cả chúng sinh và riêng nhân loại, là do một đấng tối cao toàn thiện toàn chân toàn mỹ trên thiên đàng tạo ra. Tín điều này cho rằng đấng toàn năng tạo ra những cái tốt đẹp nhất, nhưng không giải thích tại sao đấng toàn năng này lại tự dưng bày ra những cái xấu xa tồi tệ nhất như hỏa ngục, động đất, tsunami, thánh chiến, tàn phá môi sinh, bom nguyên tử, lò hơi ngạt, vi khuẩn HIV, vi khuẩn cúm gia cầm… và bao nhiêu điều tàn ác khác mà vật thụ tạo của đấng toàn năng đó có thể tưởng tượng ra. Đại diện của đấng toàn năng ở trần gian là những giáo chủ với những giáo triều độc quyền giữ chìa khóa thiên đàng và mọi định lệ sinh hoạt, kể cả giáo lệnh thiêng liêng rất thánh về thuốc ngừa thai và bao cao su.


Từ sau vụ 11/9/2001 ở Mỹ đến nay, nhân loại phát sốt từng cơn vì nguy cơ thánh chiến giữa Hồi giáo với Do Thái giáo, Công giáo Vatican và một vài hệ phái Tin Lành. Nguy cơ này dần dần thế chỗ chiến tranh ý thức hệ tàn lụi khi Bức Tường Sắt đổ nhào theo Bức Tường Berlin năm 1989. Tôn giáo được dùng để nuôi dưỡng một thứ chiến tranh lạnh mới có lúc đã nóng sôi lên bằng bom đạn như ở New York-Washington, ở Madrid, London, Bali, hay ở AfghanistanIraq.  Đối diện với thực trạng mắt đổi mắt răng đền răng mà đi đến cùng không khéo sẽ chỉ còn những người mù húp cháo đó, ai mà không có lúc ân hận là đã theo tôn giáo, hay ít ra ai mà không có lúc ao ước thà mất đấng tối cao toàn năng còn hơn là mất hòa bình và sinh mạng cá nhân? 


Cũng bởi vì không chấp nhận một đấng tối cao theo nghĩa tôn giáo nên một thời đạo Phật đã bị tố cáo là vô thần, theo ngôn ngữ thời thượng ‘vô thần Cộng Sản’, khiến cho một số Phật tử hoặc không dám nhận là theo đạo Phật mà chỉ nhận là theo đạo ông bà.


Mặt khác, cũng vì ngộ nhận đạo Phật là một tôn giáo tôn thờ một đấng tối cao trên thiên cung như thế nên một số Phật tử mới loay hoay bắt chước thiên hạ biến chư Phật, chư Bồ Tát thành Phạm Thiên hay Ngọc Hoàng Thượng Đế với cung vàng điện ngọc rập theo khuôn mẩu thiên cung theo trí tưởng tượng của các nghệ sĩ Tây phương để làm vừa lòng các giáo chủ ham mê xa hoa quyền quý. Phật từ bỏ địa vị Thái Tử và ngai vàng trong tương lai không phải là để làm vua, khoan nói là vua của các vua. Trong truyền thống đạo Phật, cũng như đạo Khổng, đạo Lão, không hề có chuyện thay vì gọi kẻ đứng đầu một tôn giáo là giáo chủ, trưởng lão, giáo phụ, tổ, tăng thống… thì người ta gọi vị đó là ‘giáo hoàng’, nghĩa là hoàng đế của vương quốc tôn giáo như Công giáo Vatican.


GIẢI NGHIỆP


Phật tử là người có tâm nguyện theo đạo Phật, nghĩa là nương theo con đường Phật đã đi qua.


Người Việt đa số vẫn nghĩ ở đời muôn sự của chung, hay ngàn muôn năm âu cũng thế ni. Hay nói như nhà bác học Lavoisier, chẳng có gì diệt, chẳng có gì sinh. Thành trụ hoại không chỉ là biến tướng của nghiệp. Nghiệp là nguồn của mất còn sinh diệt, nghiệp là nguồn của trầm luân đau khổ. Con đường Phật đi là con đường dẫn ra khỏi nghiệp đạo. Con đường Phật đi là con đường dứt nghiệp, chuyển nghiệp để đoạn lìa tái sinh, để ra khỏi cái vòng sinh diệt, cái vòng mất còn có không. Chuyển được nghiệp là thoát được luân hồi, dứt được nghiệp là dứt được luân hồi.


Hai điểm đặc thù bất nhị của đạo Phật là thứ nhất, con người có thể tự mình ra khỏi xa lộ một chiều sinh diệt, và thứ hai, con người có thể làm được chuyện đó ngay trong kiếp này, ngay trong cuộc đời hiện tại. Bằng cách nào? Bằng 84.000 cách, nghĩa là có đến 84 ngàn bảng chỉ đường, hay 84 ngàn cách đi! 


Giữ năm giới nghe đã nặng, huống nữa là 84 ngàn giới. Cho nên, dù số 84.000 là một con số tượng trưng ví von chăng nữa thì cụm từ ‘tám vạn bốn ngàn pháp môn’ cũng đủ làm gây chới, vừa tạo tuyệt vọng vừa gây hi vọng.


Trong rừng pháp trùng trùng mênh mang ấy, làm sao khỏi lạc? Cuộc tranh luận cần cù lau gương sáng giữa Thần Tú và Huệ Năng, hay mẩu đối thoại khai tâm giữa sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả đã đem lại một hi vọng cho người đang chới với trước rừng pháp. Hi vọng của một đồ tễ nháy mắt buông dao. Hi vọng của con đường trung dung vô cầu, làm mà không bám vào thành quả, tu mà không bám vào chánh quả, hành mà không bám vào phước đức, giác ngộ bằng cách cùng giác ngộ với kẻ khác, như người trên thuyền, muốn đến bến thì cùng chèo với kẻ khác, chèo cho kẻ khác trên thuyền. Nhìn theo quan điểm trung dung vô cầu đó thì trong hoàn cảnh hôm nay, con đường tu tập và hành đạo của các hàng Phật tử cũng có thể tóm lược vào ba điểm, đó là giải nghiệp, giải thực và giải hoặc. 


Tam giáo đồng hành. Đạo Phật và đạo Khổng là những hệ thống tư tưởng chuẩn bị cho con người vào đời và ở đời một cách có ý nghĩa và có trách nhiệm, trong khi đạo Lão chuẩn bị cho con người ra khỏi cuộc đời mà không tiếc nuối hay bất mãn oán hận. Quan niệm duyên nghiệp của đạo Phật chú trọng vào cách con người đến với đời. Quan niệm tam cương ngũ thường của đạo Khổng chú trọng vào con người ở đời và quan niệm vô vi của đạo Lão chỉ cách cách rút lui khỏi cuộc đời. 


Dù truyền thống Việt Nam là ‘tu đâu cho bằng tu nhà’ hay ‘tu nhà tu chợ tu chùa’, nhưng xuất gia là lối tu hành gắt gao nhất, đòi hỏi một quyết tâm cao, được coi là lý tưởng nhất, chắc ăn nhất. Chính quyết tâm này tạo nên giá trị của người xuất gia. Chính quyết tâm giữ Ba La Đề Mộc Xoa đã biến hàng xuất gia thành một trong ba báu vật tối thượng của Phật tử. Và dĩ nhiên chư tôn túc tăng ni cũng hiểu rõ xuất gia hay tu chùa là tự nguyện chứ không phải là một tình nguyện hi sinh như kiểu đi kháng chiến, đi làm cách mạng, đi làm việc thiện hoặc đi nghĩa vụ quân sự. Phải hiểu rõ điều đó để khỏi sai lầm trong sự nghiệp pháp thí, đức thí cho hàng Phật tử sơ cơ.


Đã tâm nguyện theo Phật không thể không nhớ nếu Phật cũng ưa nhàn hạ thong dong thanh nhàn thì xong 49 ngày đêm nhập định thành công, Phật cứ đi tuốt về Niết Bàn cho yên thân. Hoặc nếu Phật cũng nghĩ ai làm gì mặc ai mình lo tu thân mình trước đã, thì sau sau khi giác ngộ và tiếp đó là 21 ngày đêm trăn trở tiến hay lùi, nhập hay xuất, hay ít ra sau thời pháp đầu tiên cho U Ba Ca về nghiệp lực và giải nghiệp, hay sau thời pháp thứ hai kế tiếp cho năm anh em đồng chí cũ Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, Phật cứ ngồi một chỗ nhờ họ chạy vạy kiếm tiền xây chùa và chờ đàn na tín thí đến dâng cúng cái ăn, cái mặc, cái ở để Phật khỏi phải hàng ngày ôm bình bát lặn lội tìm về thế nhân để bố giáo suốt 45 năm? Cho nên, Phật là một kẻ lữ hành nhập thế chứ không phải lánh xa phồn hoa đô hội để trốn nợ đời. Đã lên đỉnh cao để ‘trường khiếu nhất thanh hàn thái hư’ rồi thì phải trở về phồn hoa vinh nhục. Đã nhảy qua bờ giác thì cũng phải nhảy trở lại bờ mê để độ những kẻ còn mê. Trong cương vị một vị thầy, một tấm gương sáng.


Phật không tu dùm cho ai cả. Phật không tự nhận là đấng cứu thế và cũng không ra điều kiện cho bất cứ ai nếu chịu nhận Phật là đấng tối cao thì sẽ được đương nhiên lên Niết Bàn. Phật là kẻ đã đi, đã đến, và Phật chỉ đường cho mà đi, chỉ đích cho mà đến, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. Phật không có quyền bắt ai xuống địa ngục vì không chịu nhận Phật là Phật, vì không chịu rửa tội theo Phật.


Con đường Phật đi là con đường tìm đến thế nhân để cho và nhận. Cho giáo pháp và nhận thực phẩm, áo quần, thuốc men, nơi trú ngụ. Phật là kẻ tay làm hàm nhai đúng với nguyên tắc bất tác bất thực. Bởi vì thường xuyên dấn thân vào đời nên những điều Phật dạy luôn thiết thực, cập nhật, sống động và rất có lý và rất người. Do đó mà ngay sau khi Phật niết bàn, kỳ kiết tập thứ nhất do A Nan chủ trì chỉ chú trọng vào luật và kinh. Bao nhiêu năm sau Luận tạng mới được triển khai. Bởi thánh chúng cũng đã hiểu ý Thầy chú trọng đến những gì thiết thực, cập nhật và sống động, để làm chứ không để nói, ta làm được mình làm được chứ không phải đợi thành thánh rồi mới làm mới giữ.


Con đường Phật đi là con đường hành động, chứ không dậm chân tại chỗ. Trên con đường vừa đi vừa tu, đi không biết bao giờ đến, tu không biết bao giờ thành đó, những người có tâm nguyện theo Phật chỉ có thể nói mình đang LÀM Phật tử, chứ không dám chắc mình đã LÀ Phật tử. Làm đến đâu hay đến đó, quý hồ là quyết chí làm và quyết chí tu. Trên con đường đó, Phật tử gặp chính mình, gặp tha nhân và có duyên may thì gặp được những người đã đến đích, như những đệ tử của chư Phật, chư Tổ thời quý ngài còn tại thế.


Vô cầu là con đường tự giác nhi giác tha. Bởi lý, có xác thân là có trú sở, có trú sở là có quê hương tổ quốc. Hành vô hành, tu vô cầu là bí quyết làm Phật tử, quyết sống cho ra người của Phật tử Việt Nam, nhất là trong những thời kỳ nhiễu nhương cần chung sức đoàn kết để cứu cá nhân mình, cứu gia đình, cứu quê hương. Phật tổ cũng là Phật tổ Hồng Bàng thị như thi sĩ cách mạng Nguyễn Quyền trong phong trào Duy Tân ngày xưa từng nói. Trong lúc sơn hà nguy biến thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê hay thời kháng chiến chống thực dân, người Phật tử, sáng tụng kinh trưa ra trận, chiều sống sót trở về, cơm nước xong, tối tụng kinh đi ngủ để ngày mai tiếp tục… Đó là nhịp sống và chiến đấu đặc thù của Phật tử Lý, Trần, Lê.


Phật tử vẫn tự hào đạo Phật là đạo của bảy, tám mươi phần trăm công dân và có lúc nào thống tâm tự hỏi sao bảy, tám mươi phần trăm ấy có thể để cho những vụ như vụ Năm Cam hay PMU 18 xảy ra không? Chư tôn túc tăng già, thân chính cũng như đối chính, đã có một cảnh giác nào về những vụ này không hay chỉ đợi cho Năm Cam bị xử tử rồi làm lễ cầu siêu, và các tòng phạm ở tù rồi mới làm lễ cầu an?


GIẢI THỰC


Trong bài Gia Tài Của Mẹ, Trịnh công Sơn đã tóm lược số phận bang giao quốc tế của Việt Nam bằng câu hát đơn sơ: Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm nô lệ giặc tây… Người Phật tử Việt sinh ra và lớn lên chỉ còn một đường để lựa chọn đó là góp phần hóa giải số phận bang giao quốc tế đen tối hẩm hiu đó, là góp phần dứt ách nô lệ và những hăm dọa lệ thuộc đó. Cho nên, trong tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp, giải nghiệp cũng chính là giải thực.


Trong thời hiện đại, cha ông chúng ta đã phải mất đúng 30 năm để hoàn thành tâm nguyện giải thực. Và nếu tính từ lời hịch Văn Thân Cần Vương thì mất đúng 101 năm. Đúng là không có gì quý hơn độc lập tự do.


Năm 1975, người Việt chấm dứt được thực dân cũ để rồi phải tiếp tục đối phó với nạn thực dân dân mới có tên là bá quyền, là cấm vận. Thời gian chống thực dân mới này cũng xấp xỉ bằng thời gian chống thực dân cũ.


Sau ba mươi năm chiến tranh ý thức hệ hay chiến tranh chính trị để rồi vừa lần mò thử thách kinh tế tập sản, vừa chống đỡ nạn thực dân mới, đất nước đang dấn thân vào vận hội mới kinh tế thị trường toàn cầu mà WTO, WB, IMF, Quota xuất khẩu… là những mật ngữ của thần chú hiện đại hóa, hội nhập…


Nguyện ước của Chủ Tịch Hồ chí Minh là tranh thủ độc lập tự do để xây dựng một tổ quốc giàu đẹp. Nhưng Hồ Chủ Tịch không hề khẳng định giàu đẹp sẽ được tính bằng số triệu phú, tỷ phú, số nhà cao tầng hay số xe hơi tính theo đầu người hoặc theo hộ. Giàu đẹp ở đây là giàu đẹp của tâm thức bầu ơi thương lấy bí cùng. Giàu đẹp của một xã hội bình đẳng trong đó hố ngăn cách giàu nghèo giữa các cá nhân, hộ, vùng và miền đất nước sẽ được rút ngắn, những thành phần bất hạnh thiệt thòi sẽ được chiếu cố, những người già, phụ nữ, trẻ con và những người có gia đình sẽ được chăm sóc nâng đỡ. Giàu đẹp của một xã hội trong đó công dân không phải rũ nhau sắp hàng đăng ký xuất khẩu lao động. 


Tiến bộ là đi từ đói cơm rách áo lên cơm no áo ấm rồi ăn ngon mặc đẹp. Câu hỏi đặt ra không chỉ là làm thế nào mà còn để làm gì? Bởi kiếp người đâu chỉ là giá áo túi cơm. Thế trị trả lời câu hỏi đầu. Đạo, tôn giáo hay sơn môn trả lời câu hỏi thứ hai. Bởi lý, sống hạnh phúc là mục tiêu của đời người nhưng sống hạnh phúc cũng là điều kiện để hoàn thành ý nghĩa của đời người là giác ngộ, là giải thoát. Xem nhẹ mục tiêu hậu cơm áo ấy là lạc hướng. 


Xin hãy nhìn vào trường hợp Australia. Australia là một trong 10 nước giàu nhất thế giới, và có lúc từng leo lên hạng nhất hạng nhì nữa. Và đây là kết quả một cuộc nghiên cứu kết quả hội nhập và hiện đại hóa của Australia trong mười năm qua để trả lời câu hỏi hạnh phúc là gì và làm gì để có hạnh phúc. Kết quả nghiên cứu này cho thấy mấy điểm sau đây. 


1. Người dân Australia càng ngày càng giàu có về tiền bạc. Lợi tức trung bình theo đầu người 10 năm trước đây là A$26.000, năm 2005 là A$35.000. Australia có hơn 8 triệu người có cổ phần, nghĩa là hơn ½ công dân thành niên. Thế giới có 100 tỷ phú có từ 50 tỷ đến 6 tỷ thì Australia có 8 tỷ phú có từ 8,87 tỷ đến 1,37 tỷ mặc dù dân số Australia chỉ khoảng 1/300 dân số thế giới.


2. So với 10 năm trước, dân Australia không chỉ càng ngày càng giàu, mà càng có học hơn và tuổi thọ trung bình cũng tăng 3 tuổi cho đàn ông và 2 tuổi cho đàn bà.


3. Hố ngăn cách giàu-nghèo, chủ-thợ ngày một sâu rộng. Hạng giàu nhất chỉ đông bằng 1% dân số nhưng chiếm đến 9% lợi tức quốc gia. Trong thập niên 1992-2002, mức lương bổng trung bình đồng niên của giới chủ và đại diện cho chủ tăng 396% [từ A$715.566 lên 3.550.000] trong khi lương bổng trung bình của công nhân chỉ tăng 37%.


4. Tiền bạc tăng, mức mập phì cũng tăng. Số đàn ông phệ tăng từ 52% lên 62%, đàn bà từ 37% lên 45%. Mức tội ác gia tăng, số phận thổ dân vẫn hẩm hiu, sông hồ bị ô nhiễm, môi sinh ngột ngạt. Tính theo đầu người, Australia là quốc gia thải chất độc vào không gian nhiều nhất thế giới. Số chim muông và thú vật bị tận diệt hay có nguy cơ bị tận diệt tăng từ 41% lên 169% trong 10 năm qua.


5. Song song với mức độ bất bình đẳng, mức bần tiện cũng gia tăng với cảm nghĩ chung bốc hốt được gì thì bốc hốt, miễn đừng vượt quá phạm vi luật pháp. Người giàu nhất Australia là tỷ phú Kerry Packer đã nói một câu để đời: Ai trong chúng ta không muốn khai bớt lợi tức của mình đi, nghĩa là trốn thuế. Cả một đội ngũ chuyên viên kinh tế tài chánh luật gia và truyền thông phục vụ Packer trong mục tiêu tăng lợi tức và giảm đóng thuế đó. Chính quyền Australia tung ra 300 triệu cho Saddam Hussein để bảo đảm thị trường nông phẩm và không hề tỏ ra một chút bối rối khi đưa quân qua Baghdad để lật đổ Saddam Hussein ‘giải phóng’ cho dân Iraq.    


6. Giàu có hơn, sống lâu hơn, béo mập hơn, có học hơn nhưng cảm thức về thoải mái hạnh phúc thì không hề thay đổi suốt 50 năm qua, nghĩa là người dân Australia hôm nay không thấy mình sướng hơn ông bà cha mẹ mình nửa thế kỷ trước ở chỗ nào.


7. Nói về tình cảm thoải mái hạnh phúc hay sung sướng, cuộc nghiên cứu này đã dùng 7 tiêu chuẩn để định mức đó là mức sống, sức khoẻ, tình nghĩa, thành tích ở đời, an toàn, quan hệ láng giềng, và tương lai bảo đảm. Xét theo 7 tiêu chuẩn đó thì vùng cử tri được xem là hạnh phúc nhất là vùng có những điều kiện sau đây: mật độ dân số thấp, có tỷ lệ cao về số người trên 55 tuổi, về số phụ nữ và thành phần có gia đình, mức lợi tức không quá chênh lệch, tinh thần lân lý láng giềng gắn bó. [The Sydney Morning Herald ngày 13/2/2006].


Từ kinh nghiệm và thành quả phát triển của Australia quay về nhìn quê hương thì thấy gì, và cần nhấn mạnh đến chỗ nào trong quá trình phát triển xã hội? Nhìn vào những mục tiêu chiến lược như dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, như thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, thành thị-nông thôn, chúng ta đã làm gì? Và còn phải làm gì?


Xin hãy dựa vào câu trả lời thiết thực, chân chất, không chuyên môn rườm rà của một bạn đọc của tờ Văn Nghệ strong số 16 ngày 22/4/2006. Người này cho biết trong giai đoạn 2000-2005, tổng sản lượng quốc nội [GDP] của Việt Nam tăng theo mức 7,5%, một nhịp độ gần như vô địch. Trong tổng sản lượng đó, công nghiệp và xây dựng chiếm 40,8%, dịch vụ 38,5% và nông nghiệp 20,7%. Như vậy, 80% dân số là nông dân chỉ chiếm 20,7% GDP. Nói thế khác, giá trị sản phẩm lao động của nông dân tính theo đầu người thì chỉ bằng khoảng 1/16 giá trị lao động của bộ phận công nghiệp, xây dụng, dịch vụ, nghĩa là mức sống nông dân thua xa các tầng lớp xã hội khác. Cho nên, trong khi nói đến xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì thành thị xây nhà lầu mua xe hơi. Và vì không có lợi, thu nhập thấp để đuổi kịp mức hưởng thủ như đồng bào mình ở thành thị, nên nông dân chỉ còn một đường là bỏ đồng ruộng vào thành thị, trong khi nông thôn là nguồn nguyên liệu, là nguồn cung cấp nhân công và là thị trường tiêu thụ cho công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. [Vũ Duy Yên – Phát Triển Kinh Tế Phải Hướng Vào Thu Hẹp Khoảng Cách Giàu-Nghèo, Thành Thị-Nông Thôn, sđd]


Một vài ví dụ vừa kể không những thiết thực cho những nhà chiến lược phát triển kinh tế mà cho cả những ai nghĩ rằng Bát Chánh Đạo, Lục Hòa, Tứ Nhiếp Pháp là phương thức giảm xóa những bất bình đẳng và mâu thuẩn xã hội để thăng tiến hạnh phúc nhân sinh là điều kiện giác ngộ giải thoát. Đây là điều sơn môn không thể không biết đến và nếu vì lý do nào đó không thể dấn thân vào phồn hoa vinh nhục thì cũng phải khuyến thỉnh và tạo điều kiện cho hàng ngũ giảng sư, các thành phần dấn thân vào Phật sự giáo dục và thiện nguyện, các Phật tử tại gia đủ các ngành nghề tiếp sức với thế quyền trong mục tiêu lục hòa đó.


Trước đây, ở Việt Nam, Mỹ đã Việt hoá chiến tranh để đổi màu da xác chết. Giờ đây, toàn cầu hóa kinh tế không khéo cũng sẽ là cách đổi màu da cả những chủ nhân ông lẫn thợ thuyền lao động. Mối nguy này còn trở nên trầm trọng khi đang sẵn có những người Việt xem kinh tế thị trường như một con ngựa thành Troy để diễn biến hòa bình, và những kẻ tham lam ngây thơ đang lắp bắp như qủy ám rằng giàu có là vinh quang, làm giàu cách nào cũng được miễn là giàu.


Đã đến lúc người Phật tử nhìn vào một thực tế là trong khi thế giới đang nhìn Phật pháp như một lối thoát cho những bế tắc thời đại thì một số quốc gia đại đa số dân chúng là Phật tử cũng đã và đang gặp phải những tế tắc khủng hoảng dai dẳng hay để cho các tôn giáo khác tung hoành thao túng như Sri Lanka, Nepal, Myanmar, Thái Lan hiện nay, hoặc Hàn Quốc sau chiến tranh Nam Bắc 1950-1953, Đài Loan sau khi chính quyền Tưởng giới Thạch tái phối trí trên hòn đảo này hay Campuchia thời Pol Pot. Phật tử và sơn môn tại những quốc gia vừa kể có trách nhiệm gì về tình trạng đó không, tại sao đa số công dân của các nước đó theo đạo từ bi, hòa bình, giác ngộ mà đất nước lại rơi vào những khủng hoảng đen tối như vậy?


Phật tử Việt Nam có đi ngược tinh thần nhập thế bố giáo của Phật khi lẩn quẩn ở nơi thị tứ để làm chùa to Phật nhỏ hay đi show quan hôn tang tế trong đó mỗi thời kinh, mỗi khóa lễ đều có giá để rồi vô tình giao cao nguyên, giao các vùng ven biển hay nông thôn nghèo khó và Miền Bắc nặng về tín ngưỡng cho thiên hạ mặc sức bóp méo vo tròn bằng những tín điều huyền hoặc huyễn mị. Mặt khác, có những Phật tử viện những lý do thế trị để trùm chăn đợi cho đến khi có dân chủ tự do đã mới bắt tay vào Phật sự. Dân chủ là một phương thức hữu hiệu để vận động quần chúng tham gia đóng góp công sức vào những việc lợi ích cho gia, nhưng trong khi vận động dân chủ thì cũng phải biết đặt câu hỏi tự do dân chủ để làm gì? cho ai?


GIẢI HOẶC


Về phương diện công quyền cũng như tư doanh, guồng máy càng lớn thì tội phạm càng lớn, guồng máy càng lớn thì vai trò ý thức cá nhân càng quan trọng. Cách chống lại sai trái và tội phạm hữu hiệu là triển khai đạo đức cá nhân, khuyến thỉnh cá nhân làm tốt, bất chấp ý thức hệ, bất chấp chính trị.


Trong cơn sốt hội nhập kinh tế thị trường, người ta có thể lầm tưởng rằng kinh tế thị trường hay kinh tế toàn cầu là một rừng rú phi đạo đức, chỉ có năng xuất, tổng sản lượng, lợi nhuận là đáng kể. Nói thế khác, đạo đức là chuyện lạc hậu. Nước Mỹ là nước giàu nhất thế giới, mang công mang nợ nhiều nhất thế giới. Nước Mỹ cũng là nước có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Trong 100 người giàu nhất thì Mỹ chiếm hết 36. Và hai người giàu nhất nước Mỹ và cũng là giàu nhất nhân loại là William Gates 50 tuổi của công ty Microsoft với $US50 tỷ, và Warren Buffett 75 tuổi của công ty bảo hiểm Berkshire Hathaway với $US42 tỷ tài sản, đã bỏ ra một người 29,2 tỷ [Gates] một người 37 tỷ [Buffett] không phải để mua thị trường kiểu Australia mua thị trường nông phẩm Iraq, hoặc để mua phiếu vào các cơ quan công quyền, hay để chạy án mà để chống nghèo đói, chống bệnh tật trong các nước nghèo, nhất là chống HIV, sốt rét rừng, ho lao, hoặc để cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, đẩy mạnh giáo dục tin học hay phát triển thư viện công cộng ở nội địa Mỹ. Nước Mỹ mang tiếng là rừng rú tư bản nén bạc đâm toạc tờ giấy nhưng cũng là nước nuôi dưỡng được những áp lực đạo đức đủ mạnh để bỏ tù Phó Tổng Thống [Spiro Agnew] và bắt Tổng Thống phải từ chức [Richard Nixon] hay nửa đường đứt gánh công danh [Lyndon Johnson]. 


Đứng sau thế giàu mạnh của Mỹ là Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đang phải quay về đạo đức truyền thống để tự cứu, sau gần một phần tư thế kỷ cất cánh và sau khi đã tử hình hàng năm khoảng 10.000 người đa số vì tội tham nhũng, trốn thuế, ăn cắp xăng dầu [theo báo The Independent ngày 8/11/2005] nhưng Trung Quốc vẫn lao đao bấn loạn vì nạn bất công xã hội, tham nhũng, hối mại quyền thế, cách biệt biệt giữa thiểu số có quyền có của và đa số tay làm hàm nhai. Thông tấn xã AP loan tin, ngày 15/3/2006 Chủ Tịch Hồ cẩm Đào đã công bố trước Quốc dân Đại hội một bảng liệt kê 8 điều nên và không nên làm cho toàn dân Trung Quốc noi theo. Tám điều đó là:


-Yêu thương chứ không làm hại tổ quốc,


-Phục vụ chứ không sách nhiễu nhân dân,


-Đề cao khoa học, chứ không chịu dốt nát mù quáng


-Hăng say lao động, chứ không lười biếng, ngại khó ngại khổ


-Tương thân, giúp đỡ nhau, chứ không vì lợi mà hại kẻ khác


-Liêm khiết và tín nghĩa, chứ không để lợi lạc mê ám lương tri


-Kỷ luật và tôn trọng luật pháp, chứ không hỗn loạn phi pháp


-Sống đạm bạc và phấn đấu không ngừng, chứ không ngụp lặn trong bùn nhơ xa hoa khoái lạc.


Bích chương vĩ đại ghi tám điều này đã được trưng bày chót vót trên quảng trường Thiên An Môn, không nhắc gì đến Khổng Mạnh mà cũng chẳng nói đến những lời dạy của lãnh tụ Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình như thường lệ. Ngôn từ chính trị quanh co lắc léo không đi vào lòng người, không đi vào tim óc lớp trẻ tương lai của đất nước nữa. Phải nói thật, nói thẳng, trắng đen rõ ràng.


TẠM KẾT LUẬN MỘT VÀI ĐIỀU CẦN XÉT


Quá trình hiện đại hóa đạo Phật khởi từ những năm 1930, cụ thể là cuộc vận động cho bình đẳng tôn giáo và bảo vệ tín đồ năm 1963, đạo Phật bất đắc dĩ tự đặt cho mình một trách nhiệm thế trị nặng nề là góp phần vận động độc lập quốc gia, hòa bình dân tộc và cách mạng xã hội.


Độc lập, hòa bình thống nhất đã hiện thực, Phật sự trước mắt là vận dụng tín đồ gánh vác trách nhiệm thế trị như một công dân để góp phần vào cuộc cách mạng xã hội đúng với tinh thần Lục Hòa và Tứ Nhiếp Pháp. Cho nên, muốn nhắm mắt lo chùa mình thôi, lo cho đệ tử mình thôi cũng không phải là dễ. Mà mở mắt ra thì chắc thế nào chư tôn túc cũng thấy và nghe sáu ước nguyện này.


I. Đổi mới phương cách truyền đạt Phật pháp và hành Phật đạo. Nếu thành trụ dị diệt trước sau vẫn là một, thì cứu cánh giác ngộ trước sau cũng như một. Nhưng phương thức thấm nhập kinh tạng và tu hành thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, tu trong bầu đương nhiên phải khác tu trong ống. Nhu cầu truyền đạt Phật pháp do đó cũng phải đổi mới, phải nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân.


Đạo Phật Việt Nam hôm nay đã có sẵn ngôn từ cho thế hệ trai gái chào đời từ khi đất nước hòa bình thống nhất nghe lọt tai chưa? Đạo Phật Việt Nam hôm nay đã nói được cho thế hệ trai gái đang ngụp lặn trong dòng thác toàn cầu hóa phương thức suy nghĩ và hưởng thụ, trong đó mọi giá trị đều được quy ra thành lượng, được đo bằng số chưa? Đó là những câu hỏi cấp thiết cho chư tôn túc, cho các Phật Học Viện và các Viện nghiên cứu Phật giáo. Trong chiều hướng này, Thầy Nhất Hạnh đã cập nhật hóa Nói Với Tuổi Hai Mươi thành Nói Với Tuổi Hai Mươi Thế Kỷ 21.


Đạo Phật đề cao khế cơ khế lý, nhưng khế cơ khế lý không phải là tu dùm, mà phải tạo điều kiện và khuyến khích mỗi người tự tu, tự làm tròn trách nhiệm công dân, tham gia các sinh hoạt thế trị. Cụm từ ‘làm chính trị’ không phải là điều húy kỵ. Trong ý thức tự giác nhi giác tha, chủ trương một người vì mọi người của Xã Hội chủ nghĩa là một lý tưởng thế trị, không phải là điều đáng sợ mà là điều đáng có, đáng xiển dương. Phật tử tại gia cũng như xuất gia có quyền và có trách nhiệm tham chính hay đối chính quyền tùy cơ duyên. Nhưng hợp tác phải cho ra hợp tác, đối lập phải cho ra đối lập vì hai lý do. 


1. Chế độ nào cũng cần có một ý thức hệ để cai trị. Việt Nam không còn trông chờ gì vào ý thức hệ của Nga hay Trung Quốc, trong khi tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ hứng khởi yêu nước chứ không phải ý thức hệ. Tinh thần Lục Hòa và Bát Chánh Đạo cũng như dân tộc tính của đạo Phật và truyền thống hòa hợp cộng tồn của Tam Giáo sẽ là nòng cốt cho một ý thức hệ Việt Nam. Ý thức hệ đó, hợp với tinh thần tự giác nhi giác tha hay Phật pháp bất ly thế gian pháp, không đối nghịch với tinh thần Xã Hội chủ nghĩa mà đề cương chính yếu là một người vì mọi người.


2. Hễ khi nào người Việt đi đúng đường hướng dân tộc thì thành công, khi nào hấp tấp chạy theo người ngoài thì thế nào cũng không tránh khỏi cập lụy tiêu cực. Hồn thiêng sông núi đang còn nên trong số những thành phần hữu trách đương quyền, không thiếu gì người thấy được điều đó, nhờ vậy mới có cởi trói, mở cửa, đổi mới, hiện đại hóa. Các hàng Phật tử đương nhiên ủng hộ những cố gắng làm cho chính quyền đến gần với quần chúng, làm cho người Việt lưu vong gần với quê hương, và làm cho đạo Phật với chính quyền gần nhau hơn trên căn bản dựng nước và giữ nước và nhắc nhở nhau tránh được những sai trái, có thể làm giảm hiệu năng của một chính quyền của dân, do dân và vì dân.


Đạo Phật không nhất thiết đòi phải được công nhận như quốc giáo. Nhưng đạo Phật phải cố gắng biến sinh hoạt thành nề nếp toàn quốc. Như nề nếp ăn chay, hay quan hôn tang tế. Một số ngày trọng đại của đạo Phật như Phật Đản, Thành Đạo, Vu Lan, ngày HT Quảng Đức tự thiêu… phải được coi là lễ chung. Phải có một Đại Học, một Viện Nghiên Cứu, một Đạo Tràng có tầm cỡ quốc gia và quốc tế và một hệ thống thư viện Phật học toàn quốc…


 II . Phật Học Viện và đào tạo tăng tài. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, công việc trang nghiêm thanh tịnh sơn môn tùy thuộc phần lớn vào khởi điểm thường được gọi là thu nhận và đào tạo tăng tài. Gánh vác trách nhiệm hướng dẫn tu học và đào tạo tăng tài là các Phật Học Viện. Và sau đây là bốn câu hỏi được đặt ra liên quan đến các Phật Học Viện.


Thứ nhất, chương trình tu học thiết thực giúp gì cho chính cá nhân nhà tu về giới định huệ?


Thứ hai, chương trình tu học chuẩn bị gì cho nhà tu nhập thế hành đạo?


Thứ ba, chương trình tu học chuẩn bị được gì cho lớp thanh niên Tăng tự lực để khỏi tùy thuộc đàn na tín thí, và giúp được gì cho những người nửa đường đứt gánh phải hoàn tục có phương tiện mưu sinh?


Thứ tư, chương trình tu học giúp được gì cho hàng bán thế xuất gia đã chán sự đời và muốn quay về nương cửa Phật để tu tâm và hành Phật sự? Nói thế khác, đối với hàng bán thế xuất gia này, phải làm gì để giúp họ hấp thu, để huấn luyện, để tận dụng kinh nghiệm và quyết tâm của họ vào công tác hành đạo. Chương trình này cũng cần cho những Phật tử tại gia hữu tâm đối với Phật sự nữa. 


III. Củng cố và cải tổ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử cho phù hợp với tâm tư, nề nếp suy nghĩ cũng như nhu cầu tu học của lớp trẻ hôm nay. Thanh thiếu niên thế kỷ 21 không phải là thanh thiếu niên của thập niên 30 thế kỷ trước là thời GĐPT được khai sinh. Cải tổ sinh hoạt của GĐPT cũng là một mục tiêu của đổi mới phương cách truyền đạt Phật pháp và hành Phật đạo như đã nói trên.


IV. Định chế hóa sinh hoạt Phật sự của Ni bộ, cư sĩ và thành phần bán thế xuất gia.


Các tôn giáo khác đang trãi qua cơn khủng hoảng nữ quyền, các nữ tín hữu Thiên Chúa giáo đang đòi làm Linh Mục, và mai đây sẽ đòi làm Giám Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, trong khi các nữ tín đồ Hồi giáo thì đòi bình quyền với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Bao giờ thì phong trào này lan đến các Sư Bà, Sư Cô? Công lao và những hy sinh đứng đầu gió của các tầng lớp Tỳ Kheo Ni trong bất cứ phong trào, chiến dịch nào của Phật giáo trước nay là điều không thể quên. Có nên để cho họ phải mõi mòn âm thầm chờ một A Nan tái sinh không?


Đóng góp của thành phần cư sĩ hữu tâm hiếu hoạt và thành phần bán thế xuất gia trong ngót nửa thế kỷ chấn hưng và dấn thân thế trị của Phật giáo là điều đáng kể không phải bây giờ mà ngay cả trong thánh chúng và các giáo đoàn nguyên thủy thời Phật còn tại thế. 


Anh hùng đáo vận bán quy Tăng. Có chương trình vận dụng và khuyến khích các cựu quân nhân, các cán bộ công nhân viên và những người từng hành nghề tư đã nợ tang bồng trang trắng vổ tay reo tham gia sinh hoạt Phật sự, cố vấn cho các đoàn thể Phật tử, nhất là Phật sự địa phương của các Khuôn Hội, các Niệm Phật Đường.


V. Phát triển và định chế hóa hệ thống Khuôn Hội và các Niệm Phật Đường trong khuôn khổ sinh hoạt của giáo hội địa phương. Khuôn hội và Niệm Phật Đường phải thiết thực tham gia quá trình tuyển chọn các cấp lãnh đạo Giáo hội.  


VI. Thanh lý môn hộ, trang nghiêm tăng già. Theo nguyên tắc, đây là việc riêng của từng tôn phái, từng chùa cũng như riêng của từng cá nhân biết rõ khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Với kẻ xuất gia, nhất là các bậc trưởng thượng trụ trì, lo chuyện chùa mình đã nặng, sức đâu mà lo chùa khác. Nhưng vì nhu cầu khế cơ khế lý mà đạo Phật phải hiện tồn như một định chế quốc gia nên trang nghiêm thanh tịnh cửa chùa trở thành một trách nhiệm chung của chư tôn lãnh đạo cũng như riêng của mỗi Phật tử được thừa hưởng tăng đức. Trách nhiệm đó đang càng ngày càng thúc bách, nhất là khi đất nước đã hòa bình thống nhất, nhu cầu tâm linh luân đạo ngày càng gia tăng.  


Tăng già là một trong tam bảo, vì quyết tâm tu hành, vì thành quả tu chứng, vì tác dụng gương sáng cho đời noi theo. Vì lý do đó, thanh lý môn hộ, trang nghiêm tăng già là điều phải cảnh tỉnh và bảo trọng. Môn hộ được thanh tịnh trang nghiêm tức là tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ duyên quay vào để tu tập, quay ra để gánh vác Phật sự. Để thu hút những Phật tử tại gia hữu tâm hiếu hoạt, cũng như để tận dụng những thành phần bán thế xuất gia. 


Thanh lý môn hộ và trang nghiêm tăng già cũng cần thiết vì hạnh nguyện từ bi và tự giác nhi giác tha nên Sơn Môn phải ‘phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục’ như Thái Hư Đại Sư từng thú nhận. Nhưng hễ khi nào Sơn Môn đi quá sát với quyền lực thế trị thì hàng ngũ sẽ bị hăm dọa vong thân phân hóa. Quyền lực hấp dẫn quyền lực, thần quyền muốn lấn lướt thế quyền, cha nhà thờ cũng muốn làm cha thiên hạ. Cách mạng Pháp 1789 là một cố gắng chấm dứt tệ trạng đó, nhưng chưa hẳn là đã triệt hẳn tệ trạng đó. Sơn môn phải ý thức rõ điều đó khi tiếp cận với thế quyền để khỏi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cả tệ trạng mượn hoa héo để cúng Phật, lẫn tệ trạng mượn Phật để cúng những tay tổ tham lam, gian manh, tàn ác. Để tránh tình trạng vong thân phân hóa ấy, có lẽ phải chú trọng đến hai điều.


1. Phân định lằn mức đạo đời, sơn môn và thế cuộc. Trong phạm vi tự viện, Tăng già là trưởng tử Như Lai khuôn vàng thước ngọc, ngoài tự viện thì mọi người là công dân, mỗi người một phiếu như nhau, chứ không phải bạ ai cũng kêu con xưng thầy! Sơn môn không phải là kẻ giữ chìa khóa niết bàn, cũng như đã đến lúc phải dứt hẳn thành kiến một phiếu Tăng bằng ba phiếu Ni.


2. Sơn Môn phải hợp với thành phần cư sĩ hiếu hoạt để tạo điều kiện cho sơn môn khỏi phải bận tâm về chuyện thế trị và để cho các hàng Phật tử tại gia bình thường theo đuổi tâm nguyện tu chứng tự giác nhi giác tha hay dấn thân để cùng giác ngộ với đồng bào đồng loại.


Xuống tóc, mặc áo cà sa, treo bảng hiệu thiền thất, tự viện, am miễu thì cũng coi như một thành phần sơn môn. Ai cũng có quyền tu, nhưng nếu tu không ra tu, nếu tu trở thành một hình thức kinh doanh chùa to Phật nhỏ thì có lẽ đến một lúc nào đó phải đặc vấn đề dẹp chùa nhỏ tạo dựng chùa lớn, cấp độ điệp cho hàng xuất gia và xem chuyện cúng vái dâng sao giải hạn bói toán khai trương cầu an cầu tài của một số thầy cúng có từ bao năm nay… là những hình thức kinh doanh và phải theo đúng những quy định kinh doanh.


Không có gì phải lo ngại, đạo Phật càng hưng thịnh thì quốc gia càng ổn định, bởi đạo Phật có lúc bị tố là cầu an bất lực nhưng chưa bao giờ bị lên án là bán nước hay làm tay sai cho ngoại nhân.        


Chỉ có sư tử trùng thực sư tử nhục. Hưng thịnh hay suy vong là tùy các hàng Phật tử, nhất là Sơn môn tăng già, đệ tam Tăng bảo.


Đây là bài viết tham dự Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới – Cơ hội và Thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.