Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Giải đáp thêm một số thắc mắc về thiền Tứ Niệm Xứ...

Giải đáp thêm một số thắc mắc về thiền Tứ Niệm Xứ (Phần 1)

493

Supanna: Để hành thiền Vipassana, bước đầu hành giả phải tu chỉ để đạt tới cận định nhằm gom tâm. Để tu chỉ, hành giả hoặc hành số tức quan, hoặc theo dõi hơi thở ra vào qua cửa mũi và niệm thầm “vào, ra”, hoặc theo dõi bụng phồng, xẹp khi thở vào, thở ra và niệm thầm “phồng, xẹp”. Nhiều hành giả, sau khi thực hành chỉ một thời gian, vẫn không biết khi nào là thời điểm thích hợp để có thể chuyển qua tu quán do “công phu” đã chín muồi. Xin sư giải thích cho đọc giả phattuvietnam rõ khi đạt tới cận định, trạng thái tâm của hành giả sẽ như thế nào.  

Sư Phước Nhân: Cận có nghĩa là gần. Tu tập đến cận định có nghĩa là hành giả chưa đạt tới định nhưng đã gần tới định. Khi đạt tới cận định, hành giả sẽ thấy tâm của mình an bình và tĩnh lặng, do đó hành giả có thể an trú tâm trên một đề mục vài phút rồi phóng đi một chút, rồi tâm lại quay trở lại an trụ tiếp trên đề mục một vài phút rồi lại phóng đi một chút, cứ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, khi phóng tâm mà hành giả biết tâm đang phóng có nghĩa là hành giả đã có cận định và sát na định.   Đạt tới một trạng thái tâm ổn định như vậy thì coi như hành giả đã đủ điều kiện để chuyển qua tu vipassana hay tu quán. 
 
Muốn chuyển qua tu quán, hành giả phải làm như thế nào?  
 
Nếu người tu tập số tức quan thì bỏ đếm số, bắt đầu để tâm vào một điểm ở cửa mũi và tập quan sát cảm giác khi hơi thở đi ngang qua và xúc chạm vào điểm hành giả mà  đặt tâm vào đó để quan sát. Hành giả sẽ cảm thấy sự rung động của hơi thở khi đi ngang qua điểm xúc chạm này, hoặc hơi thở khi thở vào đi ngang qua điểm xúc chạm này thì lạnh nhưng khi thở ra thì ấm hơn.
 
Tương tự, các hành giả theo dõi hơi thở vào, ra  qua cửa lỗ mũi và niệm thầm “vào, ra” để trụ tâm thì bỏ niệm, thầm “ vào, ra”  mà tập quan sát cảm giác hơi thở khi đi ngang qua điểm xúc chạm y như hành giả tu số tức quan. Đây là giai đoạn mà hành giả bỏ thế giới của tục đế để tiến vào thế giới của chân đế.
 
Hãy nhớ là đặt tâm tại một điểm ở cửa mũi và quan sát từ đoạn đầu đến đoạn cuối  hơi thở khi đi vào, đi ra tại điểm xúc chạm ở cửa mũi ra chứ không phải theo dõi toàn thân hơi thở đi qua cửa mũi bằng cách tưởng tượng hơi thở bắt đầu từ một điểm ở bên ngoài  cơ thể (đoạn đầu) tiến vào đoạn giữa là ở cửa mũi và đoạn cuối là đi vào bên trong cơ thể và do vậy mà theo dõi nó đi từ bên ngoài cơ thể, đi qua mũi rồi đi vào bên trong cơ thể. Việc quan sát hơi thở đi qua điểm xúc chạm ví như người thợ cưa, cưa một khúc gỗ. Trước khi cưa, ông ta dùng phấn vẽ một vòng quanh khúc gỗ để làm dấu; khi cưa, ông ta sẽ lái lưỡi cưa theo vạch phấn để tránh cho lưỡi cưa khỏi bị lệch. Có nghĩa là, khi cưa, người thợ cưa phải chú  tâm vào nơi lưỡi cưa tiếp xúc với vạch phấn chứ không phải theo dõi lưỡi cưa chạy tới chạy lui.
 
Với các hành giả theo dõi bụng phồng xẹp thì bỏ niệm “phồng, xẹp” mà theo dõi cảm giác chuyển động của bụng để qua đó thấy thân được cấu tạo bằng bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa:
 
          Sự căng cứng của bụng tượng trưng cho nguyên tố đất
          Sự lay động, căng phồng của bụng tượng trưng cho nguyên tố gió
          Nóng và lạnh tượng trưng cho nguyên tố lửa
          Cảm giác trì trì, quến hút tượng trưng cho nguyên tố nước.
 
Tương tự như vậy, trong khi thiền toạ, thiền hành hoặc sinh hoạt hàng ngày, hành giả sơ cơ khi nghe tiếng động, mới đầu niệm “nghe, nghe”, khi ngửi thấy mùi, niệm “ngửi, ngửi”, khi ngứa niệm “ngứa, ngứa” nhưng khi theo dõi và ghi nhận các đề mục thuần thục rồi, hành giả phải bỏ niệm thầm đi để tập ghi nhận các sinh hoạt trong thân và tâm qua sự cảm nhận trực tiếp (trực giác) . Thí dụ, khi nghe tiếng động, hành giả không niệm “nghe, nghe” mà cảm nhận trực tiếp âm thanh của tiếng động đó (chỉ hay biết đó là tiếng động) đập vào tai. Tương tự như vậy đối với nhìn, cảm giác nóng, lạnh, ngứa v.v… và v.v… 
 
Sư nói sự căng cứng, lay động, cảm giác căng phồng v.v.. của chuyển động của bụng phồng, xẹp, con nghĩ đọc giả còn thể hình dung được, nhưng đọc giả khó có thể khó hình dung được sự trì trì, quến hút của nguyên tố nước. Sư có thể cho một vài thí dụ để làm rõ không ạ? 
 
Việc thấy được bốn đại là tuỳ duyên của mỗi hành giả. Người thuận về đại nào sẽ thấy đại đó nhiều hơn. Thí dụ người thuận về nguyên tố gió sẽ thấy thân mình lay động, căng phồng, rung, lắc…; người thuận về nguyên tố lửa sẽ thấy trong cơ thể có cảm giác khi nóng, khi lạnh; người thuận về nguyên tố đất thì thấy một phần của cơ thể bụng, hai chân, hai mông, cần cổ hoặc thân mình (cột sống)… cứng ngắc, tương tự như một khúc gỗ. Nguyên tố nước rất khó thấy. Hành giả hành thiền tới một giai đoạn nào đó có thể thấy toàn thân của mình như một dạng tinh thể lỏng, một chất lỏng sền sệt hoặc một thứ bột nhão đang vận hành. 
 
Nếu hành giả quan sát bụng phồng xẹp có thể thấy được tứ đại: bốn nguyên tố đất, nước, gió, lửa hợp thành tấm thân ngũ uẩn này, thì người theo dõi cảm giác rung động của hơi thở qua điểm xúc chạm ở cửa mũi sẽ thấy được gì qua sự quan sát hơi thở của họ? 
 
Các hành giả theo dõi cảm giác rung động của hơi thở khi đi qua điểm xúc chạm ở cửa mũi cũng thấy được tứ đại y như vậy. Nói một cách cụ thể thì hành giả sẽ thấy được nguyên tố gió khi theo dõi cảm giác rung động của hơi thở khi ra, vào tiếp xúc vào điểm xúc chạm tại cửa mũi. Thấy hơi thở khi thở vào khi đi qua điểm xúc chạm mát mát, thở ra ấm hơn là nguyên tố lửa, Khi quan sát vùng xung quanh lỗ mũi hoặc vành mũi, hành giả sẽ thấy cảm giác căng cứng, đó chính là nguyên tố đất.
 
Riêng đối với nguyên tố nước, hành giả theo dõi hơi thở vào, ra qua cửa mũi, sau một thời gian hành thiền cũng có thể thấy được toàn thân của mình như một dạng tinh thể lỏng, một chất lỏng sền sệt,  hoặc một thứ bột nhão đang vận hành, y hệt như người theo dõi hơi thở qua bụng phồng, bụng xẹp.
 
Như vậy, khi hành giả hành thiền Vipassana, hành giả không những thấy được sinh hoạt của bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió qua sự rung động của hơi thở hoặc qua cảm giác chuyển động ở bụng mà còn chứng nghiệm được điều này bằng cách quan sát các pháp sinh hoạt  trong thân? 
 
Đúng vậy, khi hành thiền Vipassana, hành giả nhìn vào thế giới nhỏ bên trong thân (sắc) và tâm (danh) nhằm quan sát trong chánh niệm và tỉnh giác để thấy sự sinh hoạt của danh sắc y như ngồi xem một vở kịch hoặc một cuốn phim. 
 
Thưa sư, quan sát trong sự chánh niệm là sao? 
 
Có nghĩa là hành giả phải giữ tâm quân bình để quan sát các pháp đang vận hành y như nó là, nhìn thấy sao biết vậy, không thêm, không bớt, không phê phán, đánh giá, so sánh, không thắc mắc tại sao. 
 
Việc quan sát này tương tự như việc sử dụng ống nhòm để quan sát. Người bình thường dùng ống nhòm để quan sát cảnh vật, khi cảnh đẹp thì họ khen, khi cảnh xấu thì họ chê vì họ quan sát với tâm so sánh, phân tích, phê phán hoặc  đánh giá. Hành giả Vipassana thì phải đóng vai trò của cái ống nhòm. Cái ống nhòm nó chỉ làm chức năng quan sát của nó. Cảnh sao ghi nhận đúng y như vậy, không khen, không chê.  Nếu hành giả quan sát các pháp đang sinh hoạt mà khởi tâm đánh giá, khen chê, phê phán, chạy theo hoặc xua đuổi đối tượng trong khi hành thiền thì phiền não sẽ sinh khởi ngay trong thời điểm đó. Hành giả phải luôn nhớ rằng đối tượng xấu hay đẹp không quan trọng vì chúng chỉ là các đề mục để cho chúng ta quan sát, cái quan trọng làm thế nào để giữ cho trí nhớ ghi nhận hay biết được liên tục, không bị gián đoạn trong khi quan sát để phát triển trí tuệ minh sát. 
 
 
Như vậy, hành giả Vipassana chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là hay biết, ghi nhận và quan sát các pháp sinh hoạt trong thân và tâm trong chánh niệm và tỉnh giác? 
 
Đúng vậy, hành giả phải quan sát các pháp đang vận hành trong thân và tâm trong chánh niệm và tỉnh giác để biết rõ bản chất của chúng là sanh khởi và hoại diệt do có điều kiện. 
 
Nếu chỉ đơn thuần quan sát các pháp sanh, diệt làm sao có thể đạt tới Giải thoát – Niết bàn? 
 
Quan sát các pháp vận hành với tâm ghi nhận hay biết liên tục, không gián đoạn, một khi chánh niệm đầy đủ, sắc bén, thì trí tuệ hay biết sẽ bật ra để cho hành giả biết  đáp số. Đáp số ở đây có nghĩa là hành giả sẽ thấy những gì hành giả chứng nghiệm được không chút gì sai khác với lời dạy của Đức Phật trong Kinh Đại Niệm Xứ và các chú giải của Kinh. Rất nhiều hành giả hành thiền Tứ Niệm Xứ, khi thấy được các pháp sanh diệt đúng như lời Đức Phật dạy, họ hoan hỉ đến nỗi ngưng hành thiền, thốt lên Sadhu! Sadhu! Sadhu! (Lành thay! Lành thay! Lành thay!) và đảnh lễ Đức Phật nhằm tán thán công ơn cũng như  trí tuệ siêu việt của Ngài.
 
Điều này cũng giúp cho chúng ta hiểu được lời của Đức Phật dạy, “ Ai sống một trăm năm không thấy pháp sanh diệt, không bằng sống một ngày thấy được pháp diệt sanh.” 
 
Một số hành giả khi đi thiền hành theo thiền chỉ, đặt tâm nơi chân trái, khi chân trái bước lên, họ ghi nhận trái bước, sau đó đặt tâm bên chân phải, khi chân phải bước lên thì lại ghi nhận phải bước, cứ thế mà tiếp tục phải bước, trái bước, đi cả tiếng đồng hồ cũng không sao, nhưng khi chuyển qua đi thiền hành theo quán, nghĩa là khi đi ghi nhận sự chuyển động của các bắp thịt ở hai chân, chuyển động của hai cổ chân, và cảm giác nóng, lạnh, cứng, mềm, khô, ướt của sàn nhà khi đặt bàn chân lên trên đó thì chỉ cần đi 15’ là họ cảm thấy rất buồn ngủ, họ ghi nhận buồn ngủ và tiếp tục đi, nhưng chẳng bao lâu sau họ đành phải bỏ cuộc vì quá buồn ngủ, họ đi chân trái đá qua chân phải. Làm sao khắc phục được tình trạng này? 
 
Đây là trường hợp hành giả chú tâm quá sâu vào đối tượng nên định dư làm cho ngũ căn và ngũ lực mất quân bình. Để hết buồn ngủ, hành giả nên thư giãn và nâng tinh tấn lên. Hành giả hãy luôn nhớ rằng đi thiền hành chỉ là đi thiền hành thôi, đi biết đi, khi đi ghi nhận các pháp sinh hoạt trong và ngoài thân (thấy, nghe, ngứa, xúc chạm…) một cách tự nhiên, thấy sao biết vậy, không nên tìm kiếm đối tượng.
 
Một số nguyên tắc hành giả cần phải nắm rõ khi hành thiền (thiền hành, thiền toạ và sinh hoạt hàng ngày)  là:
 
– Hành giả để cho các pháp đến một cách tự nhiên rồi quan sát chúng, nếu tìm kiếm đối tượng, hành giả đang hành thiền với tâm tham.
 
– Hành giả cũng không nên sợ hãi trốn chạy hoặc lạnh lùng xua đuổi đối tượng vì như vậy hành giả đang hành thiền với tâm sân.
 
– Nếu đối tượng đến, hành giả không biết; đối tượng ra đi, hành giả cũng không hay , đó là hành giả đang hành thiền với tâm si.
 
Khi hành giả thấy rõ, biết rõ những gì đang sanh khởi ngay trong giây phút hiện tại, có nghĩa là hành giả đang hành thiền bằng chánh niệm và trí tuệ. 
 
Đức Phật đưa ra bốn xứ: thân, thọ, tâm, pháp để làm nền tảng quan sát nhằm phát triển trí tuệ minh sát, đưa đến giác ngộ. Hành giả khi tu tập phải quan sát hết bốn xứ, hay có thể, tuỳ theo căn tính của mỗi người, mà chọn một trong bốn xứ để tu?
 
Hành giả có thể chọn một trong bốn xứ để quan sát, tuỳ theo căn tánh của mình.
 
          Hành giả có trí tuệ mạnh mẽ, có nhiều tà kiến thì thuận về niệm pháp.
          Hành giả kém trí tuệ kém, có nhiều tà kiến thuận về niệm tâm
          Hành giả có trí tuệ mạnh mẽ, có nhiều tham ái; thuận về niệm thọ
          Hành giả kém trí tuệ, có nhiều tham ái; thuận về niệm thân
 
Tuy nhiên, bước đầu, các hành giả phải nương vào thân để phát triển tâm.
 
Một số hành giả hành tập Vipassana, khi mới vừa thấy pháp vận hành thân bị rùng lên, thậm chí rung, lắc lư, co giật, xoay, hoặc vặn vẹo tay chân… mà họ không thể làm chủ được. Đây có phải là một hiện tượng không bình thường không ? – Có nghĩa là hành giả đã hành sai. Nếu gặp trường hợp này, hành giả có nên tiếp tục hành thiền nữa không?
 
Đây là một hiện tượng khá phổ biến, nhưng không phải hành giả nào cũng gặp phải. Đây là trường hợp các pháp hữu vi trong thân (các hành hoặc sankhara) sanh lên. Do ban đầu, chánh niệm hành giả còn yếu ớt nên các pháp này xuất hiện dưới dạng thô. Nếu hành giả tiếp tục hành tập, phát triển chánh niệm, tỉnh giác mạnh mẽ hơn thì các pháp này sẽ trở nên vi tế hơn và từ từ diệt mất. 
 
Có các sankhara thân, vậy thì có các sankhara tâm không, thưa Sư?
 
Có. Đó là phiền não tham, sân, si ( đố kỵ, ganh tỵ, bỏn xẻn, keo kiệt, tham, sân, si,ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, vô tàm vô quý (không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi) hôn trầm và phóng dật)). Các trạng thái tâm này thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong quá trình hành giả hành thiền. Tương tự như các sankhara thân, lúc ban đầu, khi hành giả chánh niệm còn yếu ớt, chúng sẽ xuất hiện dưới dạng thô (chẳng hạn trong sinh hoạt hàng ngày các sankhara này biểu lộ qua lời nói, cử chỉ, hành động, ánh mắt. Nếu chúng xuất hiện trong khi hành giả đang toạ thiền, nó sẽ làm cho hành giả có cảm giác sân hận, mệt mõi, chán nãn …và do vậy khó an trụ tâm nên hành giả muốn bỏ hành thiền), hành giả càng phát triển chánh niệm và tỉnh giác càng mạnh, thì các sankhara này cũng trở nên vi tế hơn và từ từ diệt mất.
 
 Khi các sankhara thân và tâm  diệt mất, thì phiền não tham, sân, si cũng bị diệt theo. Điều này cho thấy rằng, phương pháp hành tập này (thiền Vipassana) rất cụ thể và thực tế vì thân và tâm của hành giả được thực sự thanh lọc và chuyển hoá qua quá trình hành tập của tự thân nhờ vào phát triển chánh niệm và tỉnh giác chứ không phải qua cầu nguyện, cầu xin Thượng Đế hay bất cứ một vị thần linh nào. 
 
Một số hành giả thực hành Vipassana thắc mắc rằng trong khi hành  tập họ cứ đi từ tầng tuệ 4 (tuệ sanh diệt) đến tầng tuệ 11 (tuệ xả), sau đó thay vì tiến tiếp lên tầng tuệ thứ 12 thì họ lại rớt trở lại tầng tuệ thứ 4 rồi từ đây lại đi dần lên tầng tuệ 11, rồi lại bị rớt xuống tầng tuệ thứ 4 trở lại, việc này cứ lập đi lập lại nhiều lần, và họ vẫn chưa thể qua được ranh giới phàm tuệ để tiến vào thánh phạm vi của thánh đạo tuệ. Nếu coi 16 tầng tuệ Minh sát là 16 lớp thì học hết lớp này xong thì lên lớp khác, tại sao họ cứ bị rớt trở lại như vậy?
 
Trên nguyên tắc khi hành tập đến tuệ 11, hành giả nổ lực tinh tấn cho chánh niệm sắc bén, sít sao thì sẽ vượt qua ranh giới phàm tuệ để tiến vào thánh phạm vi của thánh đạo tuệ. 
 
Trong trường hợp hành giả hành tập đến tuệ thứ 11 và rồi lại thấy bị rớt trở  lại đó là do tinh tấn của hành giả bị tuột, hành giả không giữ được chánh niệm sít sao và do vậy chưa đạt được trạng thái chánh niệm tự động (chánh niệm liên tục, không gián đoạn). 
 
Trường hợp này ví như hành giả là một người muốn phóng qua một cái mương khá rộng và sâu, nhưng sợ bị té, vì vậy người ấy phải chạy tới, chạy lui để lấy đà, bắt trớn mà phóng qua. Nếu chạy gần đến mép mương mà vẫn thấy chưa đủ trớn thì người ấy phải chạy lui trở lại để lấy lại đà khác, việc ấy sẽ tiếp diễn lập đi lập lại cho đến khi nào người ấy thấy mình đủ sức phóng qua mương thì lúc đó mới phóng qua. Việc hành giả phóng từ phàm tuệ sang ranh giới thánh đạo tuệ cũng tương tự như vậy. 
 
Thưa sư, việc gì xảy ra khi hành giả đã sang tới bờ bên kia?
 
Khi hành giả đang phóng qua bờ bên kia có nghĩa là hành giả đang đi vào tuệ 12 và 13. Quá trình này kéo dài từ 10 đến 20 phút, tuỳ theo căn cơ của mỗi người. Khi chánh niệm vừa đủ thì tám chi của Bát Chánh Đạo đồng sanh cùng một lúc, hợp cùng với sát na tâm đạo sanh lên để sát trừ phiền não. Tâm đạo cắt đứt phiền não chỉ trong nháy mắt. Tiếp theo sau đó là tâm quả siêu thế sanh lên, lấy Niết Bàn làm đối tượng. Đây là tiến trình đắc đạo, đắc quả. Chỉ một vài sát na tâm, hành giả đã qua bờ bên kia.
 
Khi chánh niệm đủ, việc đắc đạo đắc quả có thể đến bất cứ giờ phút nào trên bất cứ một đề mục nào trong bốn đề mục. Một điều quan trọng hành giả cần ghi nhớ là đạo quả Niết bàn sẽ không đến với chúng ta trong khi chúng ta có lòng tham muốn.
 
Tuy nhiên đây chỉ đơn thuần là một kinh nghiệm. Sau khi kinh nghiệm được đạo quả, hành giả phải đợi trong nhiều năm -từ năm đến mười năm – để xem mình có vượt qua được những thử thách trong đời sống hàng ngày hay không. Có nghĩa là hành giả có giữ được năm giới trong sạch một cách tự nhiên hay không. Nếu hành giả thấy mình vẫn còn phạm giới, có nghĩa là giải thoát mà hành giả chứng đắc là ”giải thoát giả”  và như vậy hành giả phải tiếp tục hành thiền để vun bồi thêm Ba la mật cho trí tuệ thật chín muồi.   
 
Trong bài “Giải đáp một số thắc mắc về thiền Tứ Niệm Xứ, Sư có nói tuệ 13 là Gô- trá –phu hay còn gọi là tuệ chuyển tánh hay tuệ chuyển tộc. Điều này có nghĩa là hành giả sẽ thay đổi tánh tình một khi đã đắc đạo quả? 
 
Đúng như vậy, đến tầng tuệ này, hành giả bắt đầu chuyển từ phàm sang thánh. Hành giả sẽ thấy mình là một người có đức tin mạnh mẽ, không thối chuyển về Tam Bảo và đặc biệt là về pháp hành của mình. Tâm tánh hành giả thay đổi vì thân và tâm đã trở nên nhu nhuyến hơn. 
 
Ngài Ajahn Chah nói rằng Niết bàn là không có gì cả. Xin Sư cho biết cảm nhận của cá nhân của Sư về Niết Bàn?
 
Ngài Ajahn Chah nói đúng, Niết bàn không có gì cả vì Niết bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái. Niết bàn là trạng thái vô tham, nó thuộc về chân đế vô vi, trong khi tên đặt “Niết bàn” là một khái niệm thuộc về tục đế.
 
(Còn tiếp)