Giấc mơ ấy cho tôi và mọi người dân Việt thấy rằng có một cõi Phật trần thế được thiết lập kể từ khi Thiền sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, khai sáng ra triều đại nhà Lý khiến cho Phật giáo Đại Việt đã chuyển mình theo một hướng đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: “Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ cửa Phật, được Khánh Vân nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu ở trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc đã sáng lập nhiều chùa, cấp điệp độ tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nếp Phật, bất luận hiền ngu, muốn quy y Phật…”. Để làm được vậy, nhà Lý đã dùng chính pháp để hộ quốc an dân. Chính sách hộ quốc an dân mà Lý Thái Tổ ban hành và ứng dụng trong triều đại nhà Lý được xây dựng trên cơ sở của một nền Phật học mà vua hấp thụ từ trong di sản văn hóa dân tộc, và trực tiếp từ Thiền sư Vạn Hạnh. Ông bình thiên hạ không phải bằng sự cai trị luật pháp hà khắc và hệ thống nhà tù, mà thay vào đó là luật nhân quả nhà Phật, bên cạnh việc kiến tạo hệ thống chùa chiền. Mới lên ngôi, ngoài việc dời đô ra Thăng Long, vua đã cho dựng chùa, thỉnh kinh từ bên xứ Tàu, đúc chuông, tạo tượng, giảng kinh, truyền bá Chánh pháp, xá tội vong nhân… khiến cho cả triều đại nhà Lý bao trùm tinh thần Phật giáo “từ bi hỷ xả”, vừa oanh liệt về chiến công, vừa nhân từ về chính trị.
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: Vào năm Quý Sửu (1013), vua san định xóa bỏ các luật lệ hà khắc man rợ của nhà Đinh mà sử sách ghi “Các vua vũ biền đời trước (nghĩa là trước nhà Lý) đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hằng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú”. Và phải “Đến mùa Xuân, tháng Hai thì định lại luật lệ trong nước: 1. Ao hồ ruộng đất, 2. Tiền và thóc về bãi dâu, 3. Sản vật ở núi nguồn của các phiên trấn. 4. Các quan ải xét về hỏi. 5. Sừng tê và ngà voi, hương liệu của người Man Lão, 6. Các thứ gỗ và hoa ở đầu nguồn”. Chính sự san định từ bỏ luật lệ tàn khốc, thực thi tính công bằng và lợi nhuận, bảo đảm tính công bằng cho các thành phần trong xã hội thông qua 6 điểm này đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân khi nó được xây dựng dưới ánh sáng của luật nhân quả nhà Phật. Lê Quát, một sử thần nhà Nho đã khái quát luật pháp nhà Lý là luật nhân quả của nhà Phật. Cứ nhìn và xem xét lại những nội dung sắc lệnh hay chiếu chỉ nhà vua ban bố về luật được ghi lại trong sử sách chính thống Đại Việt thì rõ. Ông phát biểu một cách công khai trên một bài văn bia chùa Thiên Phúc về việc người dân thấm nhuần luật nhân quả nhà Phật trong việc hành xử đã góp phần cho trật tự an ninh đất nước được an khương, quốc gia hưng thịnh, đạo pháp trường tồn: “Thuyết hoạ phúc của nhà Phật sao mà rung động được lòng người được sâu và bền đến thế! Trên thì từ vương công, dưới đến thứ dân, phàm lo việc Phật thì dù hết sạch của cải cũng không tiếc. Ngày nay phó gởi cho chùa tháp thì hớn hở vui vẻ như cầm tờ chứng khoán để được sự báo đáp ngày mai. Cho nên từ kinh thành ở trong, châu phủ bên ngoài, cho tới hang cùng ngõ hẻm, không ra lệnh mà theo, không thề nguyện mà tin, chỗ nào có nhà dân thì có chùa Phật, phế rồi lại hưng, đổ rồi lại sửa, chuông trống lâu đài, gần nửa dân tin theo”.
Như vậy, thiết chế của luật không chỉ nhằm ngăn chặn tội phạm, đoạn trừ các điều ác mà còn có khả năng chuyển hóa tâm thức con người, đưa đến sự thăng chứng. Rõ ràng nhà Lý đã thực thi luật pháp bằng cách lấy luật nhân quả nhà Phật để làm hạt nhân xây dựng đời sống hạnh phúc. Suy cho cùng, luật là những công ước của cộng đồng được xây dựng trên nền tảng hành vi đạo đức con người. Trong ý nghĩa đó, hạnh phúc đồng nghĩa sự vắng mặt khổ đau như Phật từng dạy. Cho nên, sự từ bỏ luật lệ hà khắc nhà Đinh hay các triều đại trước đó là cơ sở để Lý Thái Tông ban hành Bộ luật Hình thư đầu tiên mang dấu ấn luật nhân quả nhà Phật. Nếu luật nhà Đinh bạo hành, dân chúng sợ hãi thì Luật Hình thư của nhà Lý được sử sách sau này khen ngợi. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Lý Thánh Tông năm Minh Đạo thứ nhất (1042) ban bố Luật Hình thư. Buổi đầu trong nước việc hình ngục kiện cáo phiền nhiễu, pháp quan câu nệ luật văn, chuộng sự nghiêm khắc, phần nhiều oan uổng sai phạm. Thái Tông thường lấy làm thương dân mới sai quan trung thư sửa định luật lệ, châm chước những điều cho thích hợp với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây, phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”.
Bộ luật này khi ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Đại Việt bấy giờ, trong đó mang dấu ấn tư tưởng Phật giáo mà chúng ta thấy rõ ở trong văn bản còn bảo lưu. Đó là ngoài nội dung bảo vệ hoàng triều, thể chế trung ương tập quyền, bảo vệ nguồn thu nhập của nhà nước là ruộng đất, củng cố đẳng cấp xã hội, và thừa nhận quyền tư hữu về ruộng đất, đề cao sản xuất nông nghiệp, Lý Thái Tông còn bổ sung một điều khoản hết sức quan trọng vào tháng 11 năm 1042: “Tháng 11 xuống chiếu rằng: “Những người 70 tuổi trở lên, 80 tuổi trở xuống, 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người thân thuộc nhà vua để tang chín tháng, một năm trở lại, có phạm thì cho chuộc. Phạm thập ác thì không ở trong lệnh này” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 2, tờ 31a5-7). Ở đây, thập ác được ghi nhận: 1. Mưu phản, 2. Phá hủy tôn miếu cung cấm, 3. Nổi loạn theo giặc. 4. Giết ông bà cha mẹ. 5. Giết người vô tội. 6. Trộm cắp hoặc giả dấu ấn của vua. 7. Không để tang cha mẹ. 8. Đánh giết thân thuộc. 9. Giết thầy bạn lính tráng. 10. Thông dâm với bà con. Rõ ràng, nội dung Thập ác được xuất phát từ Kinh Thập Thiện được Phật giáo lấy làm tiêu chuẩn xây dựng nhân cách con người, và đó cũng là nếp sống đạo đức Phật giáo từ lâu.
Tại đây, ta có thể nói, một đất nước muốn phát triển trên mọi lĩnh vực thì các lĩnh vực đó phải được vận hành trên cơ sở bảo hộ của luật. Từ kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, an ninh, quốc phòng…, nếu không có luật bảo hộ thì dẫn đến sự tha hóa đạo đức, nhân phẩm của từng cá nhân, sau đó lan tỏa và phát triển thành hệ thống suy thoái, không những quyền lợi cá nhân bị mất mà cả chủ quyền dân tộc cũng mất theo. Một khi luật đó được xây dựng trên nền tảng đạo đức chính thống của truyền thống dân tộc kết hợp với giới điều nhà Phật thì nó không còn ý nghĩa trừng phạt nữa mà nhằm khai mở lòng từ, khai sáng trí tuệ người dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi Lý Thái Tông làm luật không phải vì lý do trừng phạt con người mà còn vì muốn toàn thể dân chúng Đại Việt bấy giờ và sau này thực thi giới đức, tâm đức, tuệ đức của nhà Phật: “Thánh Tông năm Long Thụy Thái Bình thứ 6 (1059), mùa Hạ, tháng 4, khi vua nghe xử kiện ở điện Thiên Khánh, Đổng Thiên, công chúa đứng hầu bên cạnh, vua chỉ công chúa mà bảo viên quan cai ngục rằng: “Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết mà sa vào hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng nhẹ, đều nên khoan hồng”. Vì lẽ đó, sử thần Nho gia Ngô Sĩ Liên phải ca ngợi: “Xem đó thấy Thánh Tông thành thực thương dân, khoan hồng việc hình, cùng vua tôi thân nhau, không ngăn trên cách dưới, khoan độ, trung hậu, dễ dãi, có thể thấy được. Cứ theo đạo ấy mà làm, thói dở đâu còn che lấp, dân tình đâu còn không thông, thiên hạ lo gì mà chẳng thịnh”.
Xem ra, giá trị đạo đức là sự thực thi luật pháp nói chung nhằm bước ra khỏi thế giới khổ đau khi công bằng, quyền lợi được bảo đảm. Muốn được vậy, thì quyền sống, quyền hiện hữu của một cá thể phải được tôn trọng. Trong các giới điều nhà Phật, giới không được sát sinh được đề cao hàng đầu. Luật pháp nhà Lý không có chủ trương tử hình. Đọc Lịch triều hiến chương loại chí thì thấy rõ điều này. Sử thần Phan Huy Chú chép rằng dưới thời Lý Nhân Tông, năm 1125, có chiếu: “Phàm kẻ đánh người đến chết thì đày làm khao giáp, đánh 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ”. Quốc sử Đại Việt còn chép: “Lý Nhân Tông thường hay xá tội vào những dịp hội Phật”, còn “Lý Thần Tông vào năm 1129, xuống chiếu xá những người có tội”. Chính thực thi điều này là thực thi giáo lý thập thiện của nhà Phật nhằm tạo cơ hội cho mọi người chuyển hóa tâm thức, thực thi hành vi đạo đức khi quyền sống của họ được bảo đảm.
Chưa dừng lại đó, luật pháp nhà Lý còn bảo hộ môi trường sống của các loài hữu tình. Bảo vệ môi trường sống là bảo vệ sự sống con người. Lý Duyên khởi nhà Phật khuyến cáo không ai có thể sống một mình mà không có một mối liên hệ, nương tựa vào đối tượng khác. Cũng thế, đạo đức con người không thể không tôn trọng sự sống loài hữu tình. Huống chi luật pháp, luật lệ của mỗi quốc gia nào, suy cho cùng cũng đều phải dựa trên lý duyên khởi mà thiết lập. Ta thấy, luật sinh trưởng của cây cối “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn”. Do đó, Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: “Vào năm 1126, vua Thánh Tông xuống chiếu cấm nhân dân mùa Xuân không được chặt cây”. Chặt cây vào mùa Xuân là chặt sự sống đâm chồi nảy lộc của vạn vật trời đất, trong đó có con người. Cây mà không được chặt, huống gì là con người hiện hữu trong thế giới an bình. Rõ ràng, giáo lý Thập thiện được vận dụng vào luật pháp như là một nếp sống đạo đức hướng thượng cho toàn dân vào thời này.
Nhà Trần tiếp nối nhà Lý, các vua Trần phát huy những thành tựu của nhà Lý mà thực hiện giấc mơ hiện hóa cõi Phật giữa cuộc đời với sự kiện thiền phái Trúc Lâm ra đời. Chưa bao giờ giáo lý Thập thiện được vận hành và thể nhập sâu rộng trong quần chúng như thời nhà Trần. Sách Tam Tổ thực lục nói: “Điều ngự đi khắp mọi nẻo đường thôn quê, thành thị khuyên dân phá bỏ dâm từ và thực hành Thập thiện”. Điều này minh chứng cõi Phật chỉ được thực thi bằng việc thực hiện luật pháp thông qua hành Thập thiện đối với từng cá thể. Công việc đầu tiên của ông vua khai sáng triều Trần vẫn là cho tham khảo các luật lệ nhà Lý, sửa đổi san lệnh thể lệ cho phù hợp với tình hình mới. Cơ sở vẫn dựa vào luật lệ nhà Lý, cụ thể là cho làm ra sách Quốc triều thông chế gồm 20 quyển. Năm 1341, vua sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo đính Bộ luật Hình thư để ban hành rộng rãi cho dân chúng thực hiện.
Trong kinh Duy Ma, phẩm Phật quốc, Đức Phật dạy Bảo Tích rằng: “Thị cố Bảo Tích, nhược Bồ tát dục đắc tịnh độ đương tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh đắc Phật độ tịnh” (Cho nên Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn được quốc độ thì phải thanh tịnh chính bản tâm mình, tùy theo sự thanh tịnh của tự tâm mà cõi Phật được thanh tịnh). Theo tinh thần này, cõi Phật chẳng ở đâu xa cả, ngay giữa cõi đời này, khi mà luật pháp được xem là đạo đức Phật giáo được vận dụng vào trong luật của quốc gia. Giá trị lớn nhất của con người là quyền được sống trên sự chết, sự sống của mình là sự sống của người khác, nơi đó còn tồn tại sự sống xung quanh của các loài hữu tình.
Giấc mơ tuyệt đẹp về cõi Phật nhà Lý, nhà Trần cuối cùng cũng hóa thành hiện thực kể từ khi ban hành Luật Hình thư, lập trường Quốc Tử Giám, khai sinh nền đại học Việt Nam, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, mở mang bờ cõi, tiến về phương Nam, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, kiến thiết đất nước, lập thiền phái Thảo Đường, sau đó tiến đến sát nhập 3 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và hình thành Phật giáo Nhất tông, thống nhất ý chí và hành động. Trong đó, sự ra đời thiền phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề đặt ra cho Phật giáo Đại Việt, đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của dân tộc mà sứ mệnh lịch sử giao phó.
Và hôm nay, tôi cũng đang sống lại với giấc mơ đó khi xuân về. Giấc mơ này cũng sẽ chắp cánh cho tôi có niềm tin lớn để sống và làm việc thành tựu và an trú hạnh phúc trong bối cảnh nước ta đang tiếp cận một vận hội mới với toàn cầu.