Trang chủ Văn học Tùy bút Giấc mơ đi qua gốc gạo đầu làng

Giấc mơ đi qua gốc gạo đầu làng

84

Giai điệu bài hát “Ôi quê tôi” của Lê Minh Sơn cứ văng vẳng bên tôi, trong lần về quê này. Nói là “về quê” cho có vẻ “lâm li” chứ “quê nhà tôi ơi” từ Hà Nội cứ thẳng đường cao tốc Láng – Hoà Lạc mà chạy, chừng 40 phút là về tới tận nhà; nếu cần, giữa đêm khuya vẫn có thể “nhắm mắt” là về…


Nhưng dù vậy, lần nào về quê tôi cũng thấy mình như bị mất mát. Làng quê giờ đã rất gần với nhịp sống hối hả của đô thị mà ngày nào chúng tôi cũng tất bật trong đó.


Có lần, chạy một mạch từ trung tâm Hà Nội về đúng đến đầu làng thì gặp… tắc đường. Tắc gần bằng thời gian chạy từ “phố” về đây. Mà ở đường làng thì không có con đường nào để thoát thân cả. Hoá ra, đường sá chưa kịp được mở rộng thì những khu công nghiệp vừa và nhỏ đã được cấp giấy phép. Thế là, làng quê thành một công trường. Dù chỉ là “tiểu công trường” thì những đường làng xưa cũ cũng nhanh chóng trở nên quá tải.


Sự quá tải ấy đẩy những hàng cây, những luỹ tre xanh ngày một xa hoặc mất dần. Đẩy những mảnh đất trống trở nên có giá, đẩy những ao làng thành đất phân lô, đẩy những thửa ruộng đầu làng vàng óng màu tháng 10 thành những bãi đất bằng phẳng cho một kế hoạch giãn dân hay phát triển ngành nghề…


Tôi không phải là người cực đoan cổ vũ cho sự bảo tồn không phát triển, giống như đã không vỗ tay với câu chuyện phố cổ Hà Nội và cuộc sống khốn khổ của những cư dân phố “Hàng”.


Khi nhìn thấy khoảng cách nông thôn – thành thị của quê mình đang ngày một thay đổi với đường nhựa chạy cắt qua làng, tôi cảm thấy tự hào. Miền đất ấu thơ của tôi với những câu chuyện nhặt cua bắt ốc, những cấy cày gặt hái, những cây thóc cây rơm… giờ đây đã ngày một xa dần. Và tôi hiểu rằng quê hương đang phát triển. Tôi hiểu rằng mẹ tôi, anh tôi, chị tôi không còn phải cấy lúa… có nghĩa là sự thiệt thòi sẽ thuộc về những đứa cháu tôi, khi chúng sẽ không thể có chút ký ức mùa màng để làm hành trang sống.


Và tôi cũng hiểu, những cánh đồng mướt xanh hay mượt vàng đã ngày càng bị thu hẹp, có nghĩa rằng rất nhiều người lao động “truyền đời” ở quê tôi đã không thể “trở tay” để tham gia vào những khu công nghiệp đang mọc lên ngày một nhiều kia – vì họ không được học hành, vì họ chẳng chút kinh nghiệm gì, vì họ cũng còn chưa dứt ngậm ngùi cho những công việc đồng áng gắn với những nhọc nhằn ấm áp…


Và lần về quê này, đi trên con đường mới đổ nhựa chạy cắt qua gốc gạo làng, chợt nhiên tôi thấy nhớ về những bông hoa gạo tháng Ba. Chị gái tôi đã có lần viết về trò chơi của lũ trẻ con chúng tôi quanh gốc gạo làng, thi thoảng ngóng cổ đợi những bông hoa gạo xoay tròn như chiếc đèn lồng nhỏ xinh chao liệng…


Còn tôi, tôi luôn nhớ tới phiến đá xanh to như tấm phản, dày tới 30cm được kê dưới cái thân cây sần sùi để những buổi trưa hay đêm hè chúng tôi ra “xí chỗ” ngồi hóng mát. Say mê đến nỗi, cái câu “Thần cây đa, ma cây gạo” cũng chẳng làm nản chí chúng tôi.


Bây giờ, gần 20 năm qua đi, gốc gạo già vẫn đứng đó, chứng kiến những bước thăng trầm của một làng quê; chứng kiến sự trở về của bao con dân của làng và cũng ở đó, rụng thêm chiếc lá chia tay những phận người về với gió đồng luôn lồng lộng.


Sau 20 năm, những đứa trẻ đã trở thành người-sống-nửa-cuộc-đời, còn cây gạo dường như vẫn yên bình như thế, chỉ những u mấu là có vẻ như săn chắc hơn. Và khi phóng vút chiếc xe máy trên đường nhựa nhẵn thín này, tôi xao lòng khi bất chợt câu hỏi vang lên: Phiến đá xanh nhẵn bóng nặng hàng chục tấn gắn với kỷ niệm của làng quê này bây giờ ở đâu?


Cái gốc đã không còn ở đầu làng, là nơi xa mút và bí ẩn trong tâm hồn của những đứa trẻ đang được bà được mẹ bế trên tay. Giờ đây làng đã được khoác lên mình tấm áo rộng dài hơn trước thì nhiều người vẫn nhớ về cây đa gốc gạo của làng mình như là dấu ấn nguồn cội…


Làng đã tiến ra xa, lấy cánh đồng làm chỗ quần cư. Trong giấc ngủ chập chờn ở làng, tôi cứ muốn mơ thấy một phép nhiệm màu, để gốc gạo già mãi mãi ở phía đầu làng – mãi mãi là biểu tượng tuyệt đẹp của một làng quê Việt Nam – dù làng quê ấy đang ngày càng phát triển…