Thực ra, chùa Một Cột không phải chỉ riêng người Việt mới có, tuy nhiên nếu dựa vào niên đại khởi dựng thì hiện nay chùa Một Cột tạm được coi là sớm nhất.
Chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng chùa Một Cột như một mô hình ở chùa Tam Tạng của người Khơ me (Sóc Trăng).
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết rằng trên đỉnh núi Bà Pênh ở Phnôm Pênh cũng có một dạng kiến trúc về hình thức gần với chùa Một Cột (?) nhưng nhỏ hơn.
Chùa Một Cột |
Không thể nghĩ rằng người Khơ me đã lấy mẫu từ chùa Một Cột đời Lý, mà tạm có thể coi như đó là một “mẫu số chung” về chùa trong khu vực này.
Một “gốc gác” để chúng ta tạm có thể suy nghĩ về chùa Một Cột qua một giả thiết làm việc là: Chùa Một Cột có thể ra đời từ những thiên thạch trụ (hay cây hương) đặt tại các ngôi chùa.
Trong những cây hương đó có những cây lộ thiên, nhưng cũng có những cây hương mà phía trên đỉnh của nó mang dáng dấp lồng đèn (ví dụ cây hương đá ở chùa Linh Sơn – Duy Tiên – Hà Nam), một chuẩn mực khác là cây hương ở chùa Bồng Lai (Đan Phượng – Chèm – Hà Nội).
Tuy các cây Hương này là sản phẩm của thời hậu Lê (cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18), nhưng bằng tư duy dân tộc học nghệ thuật cho phép chúng ta suy ngược về các thời kỳ trước.
Chùa Một Cột được nhiều người coi là niềm tự hào của dân tộc, thậm chí coi đó như một biểu tượng gắn với sự tồn tại của bản sắc văn hóa dân tộc.
Một số nhà khoa học, như cụ Nguyễn Đăng Thục, trong khi luận về phái Thảo Đường đã coi cột đá của ngôi chùa này như một biểu tượng của Linga.
Ngô Văn Doanh cùng Nguyễn Duy Hinh ngờ rằng buổi đầu chùa Một Cột không hẳn nằm tại vị trí này và nhìn chùa như một cây tháp theo văn hóa Phật giáo Ấn Độ.
Ngoài ra còn một vài ý kiến khác nữa, song suy cho cùng, có thể đấy là những ý kiến rất mới, chưa hợp với nhận thức quen thuộc đã có của người Việt. Vì vậy tạm thời chúng ta chỉ có thể hiểu biểu tượng kiến trúc này theo văn bia chùa Long Đọi.
Nội dung bia có đoạn ghi rõ ràng như sau: “Tích sùng Hoàng Giác: Đốc mộ thắng nhân. Hướng Tây- cấm chi danh viên; Xưởng Diên- Hựu chi quang tự. Tích tòng tiền chi cứu chế, xuất thánh ý chi tân mưu. Tạc Linh Chiểu chi phương trì, nhị trì trung dũng nhất thạch cán. Cán thượng phách thiên diệp liên hoa, hoa thượng nhi kiều an cam điện. Điện trung tọa kim tướng chi năng nhân (1)
Dịch: “Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ thắng nhân, mở chùa Diên Hựu, ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thửa trước lo toan do thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt một pho tượng sắc vàng” (6)
Qua bia, có ít nhất bốn chi tiết chúng ta phải quan tâm tới, đó là chùa dựng ở hồ Linh Chiểu, trên một cột đá, đỉnh cột có bông sen nghìn cánh, trên bông sen có tòa nhà nhà đỏ thẫm, trong đó có tượng Phật mình vàng.
Tạm có thể hiểu như sau:
Về cột đá: Buổi xa xưa, khi con người đã vượt qua thời đồ đá, đồ đồng các thế hệ sau không còn mối liên hệ nào với các công cụ này nữa. Tới khi vì một lý do nào đó con người tìm lại công cụ này, họ không biết những thứ đó từ đâu ra, không tin là của con người, cũng không có thấy trong tự nhiên nên đã gán cho là của thần linh, để chúng trở nên có một sức mạnh thần kỳ.
Dần dần, bằng liên tưởng họ đã cho các chất liệu tương đồng cũng chứa một sức linh nhất định, để chúng được dùng nhiều trong các đồ thờ.
Như vậy, cột chùa Một Cột (Hà Nội) cũng như ở Hoa Lư, Ninh Bình tự nhiên đã có sẵn một nguồn khí thiêng nào đó, hoặc tự nó có khả năng dẫn sinh khí từ tầng trên xuống tầng dưới.
Bông sen nghìn cánh: Không rõ ý nghĩa tọa thiền ở dưới thời Lý đã ảnh hưởng tới xã hội như thế nào. Song, tới nay (về tọa thiền) tạm có thể hiểu được đó là hình thức gắn với một hình thức tu hành, bằng cách tác động đến các trung tâm lực ở trên cơ thể kẻ hành giả, nhờ đó mà khai mở được trí tuệ từ thấp đến cao.
Khi tọa thiền, có nghĩa là đánh thức con hỏa xà, thần xà (kundalini) thức dậy, để rắn thần theo kết quả tu chứng của con người mà ngoi lên khai mở các luân xa ở các trung tâm lực.
Tại chính đốt xương cùng là nơi của luân xa Muladhara, khi được khai mở sẽ tạo cho thể phách thể vía lưu chuyển lẹ làng, nơi đây tượng bằng bông sen bốn cánh màu đỏ.
Tới luân xa Svadischtana, nơi bộ phận sinh dục, khi được mở con người có thể hiểu được quá khứ của mình, tượng bằng bông sen sáu cánh màu đỏ thẫm.
Sau đó rắn thần lại ngoi lên trung tâm lực thứ ba là Manipura, ở đan điền, lúc đó kẻ hành giả có khả năng biết được quá khứ của người khác và chi phối đến nhận thức của họ, ở đây tượng bằng bông sen mười cánh màu tím.
Rắn thần leo lên trung tâm lực thứ tư- Anahata, ở nơi trái tim, tượng bằng bông sen mười hai cánh màu hồng vang, lúc đó hành giả phát triển đại từ tâm, tức tha tâm thông (thương xót cả nhân loại).
Tiếp đến vị trí thứ năm tại hõm cổ, khai mở luân xa- Vishuda. Kẻ hành giả có khả năng nghe thấy những tiếng vọng từ muôn nơi- tức tiếng đau khổ của mọi chúng sinh để dùng pháp lực mà cứu vớt bằng bông sen mười sáu cánh màu xám (có nghĩa đạt được quả “thiên nhĩ thông” ), tiếp đến luân xa thứ sáu ở giữa sơn căn –Ajna, nơi con mắt thứ ba của Quan Âm tượng bằng bông sen hai cánh màu trắng.
Lúc này kẻ hành giả bằng trí tuệ có thể nhìn thấy được khắp nơi ngàn dặm, có nghĩa đạt được quả “thiên nhãn thông” và cuối cùng rắn thần ngoi lên đến tận đỉnh đầu và khai mở luân xa Sahasrara tức đạt tới quả “lậu tận thông”. Thông hiểu được toàn bộ to nhỏ, trước sau trong ngoài của tất cả mọi sự, mọi việc từ tế vi cho tới vô cùng vô tận. Tượng trưng bằng bông sen nghìn cánh màu xanh ánh vàng.
Với bông sen này cũng tượng cho trí tuệ Phật viên mãn, mà trong đạo Yoga (Ixlam) thường chỉ tượng bằng một từ mang đầy siêu lực huyền diệu, đó là A-V-M (úm).
Trong tạo hình của Phật giáo, hình tượng này được đồng nhất với vô kiến đỉnh tướng nằm ở vị trí cao nhất của nhục kháo (bướu trí tuệ của các đức Phật). Như vậy bông sen nghìn cánh của chùa Một Cột không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là bông sen mà Quan Âm dẫn vua nhà Lý bước lên đó trong một giấc mơ, mà nó còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự trường tồn, sự giải thoát qua nhận thức đậm chất trí tuệ để đi tới niết bàn. Mà niết bàn là vĩnh cửu gắn với ước vọng của đương thời về sự tồn tại của dân tộc, làm nảy sinh tên chùa Diên Hựu.
Về tòa nhà đỏ thẫm: Hiện nay chúng ta cũng không biết rõ nhà đó được kết cấu theo kiểu cách nào, song ít nhất có thể hiểu được màu đỏ là màu máu, từ thời nguyên thủy khi con người lấy công cụ có mũi nhọn đâm vào bất kể con vật nào, họ đều thấy chảy ra một chất màu đỏ, chất đỏ chảy hết thì con vật chết, vì vậy họ cho rằng màu đỏ là màu sinh khí, chất duy trì sự sống, dần dần họ đồng nhất màu đỏ với sinh khí của vũ trụ, với bầu trời và hạnh phúc muôn mặt.
Ví dụ trong những lễ hội cờ thần là biểu tưởng liên quan tới thần linh trên trời và đồng nhất với sinh khí, nên trung tâm của nó phải là màu đỏ. Đơn giản hơn trong những cuộc thông linh, đặc biệt là ở hiện tượng lên đồng thì khăn phủ điện dứt khoát cũng phải sử dụng màu đỏ.
Tượng Phật mình vàng: Ở Ấn Độ, vào thời cổ đại, màu vàng thường là áo của kẻ bị tội chết. Cho nên những nhà tu hành thường lấy áo màu vàng để mặc nhất là Phật giáo thường lấy áo màu vàng để biểu hiện cho kiếp tu với mọi dục vọng đều đã được diệt trừ.
Vì thế trong các ngôi chùa, tượng có màu vàng đều là hiện thân của vị thánh đã ở cõi niết bàn. Mặt vị bồ tát nào có màu hồng phấn là còn lăn lộn với thế gian để cứu độ. Mọi vị Phật đều có thân màu vàng là đã về cõi thường trụ, kể cả “niết bàn vô trụ xứ”. Vì thế tượng Phật mình vàng là để nói lên tính cao quý thoát tục và trí tuệ viên mãn của đức Phật.
Vậy theo ghi chép của bia Long Đọi, có thể tạm hiểu như sau:
Đây là một ước vọng đầy đầy tính triết học, sùng Phật cao độ ở dưới thời Lý. Với chùa Một Cột, ước vọng này được biểu hiện qua hình tượng như một điều nhắc nhở với “đấng cao viễn” rằng: Cầu mong đức Phật với trí tuệ viên mãn (bông sen nghìn cánh) hãy ban cho thế gian nguồn sinh khí tràn đầy (tòa nhà đỏ sẫm), truyền qua đất và nước để mọi chúng sinh trong cõi sa bà này được hưởng hạnh phúc.
Có thể, chúng ta nghĩ tới tinh thần đó xuất phát từ tư duy nông nghiệp, để cầu cho vụ mùa bội thu và đương nhiên cầu cho sự trường tồn của cả dân tộc cũng như của triều đình.
Chú thích:
1. Thơ văn Lý Trần, NXB KHXH, Hà Nội, 1997, tr 398
2. Thơ văn Lý Trần, NXB KHXH, Hà Nội, 1997, tr 405