MINH THẠNH: Cảm ơn bạn đọc đã lưu ý để tôi vào trang web Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem những văn kiện của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong cuộc đối thoại này chúng ta có thể trao đổi ý kiến về điểm 8, “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước”.
Nhưng trước khi đi vào bàn luận điểm 8 của bức thư, tôi thấy cần nêu thắc mắc, không hiểu sao một văn bản của Đại hội, trình bày dưới dạng thư, mà không đề ngày tháng.
Lỗi trình bày này đối với thể loại thư từ, dường như được quan tâm chữa lỗi từ bậc tiểu học và trừ điểm rất nặng ở bậc trung học cơ sở.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có lẽ quý ngài lãnh đạo Giáo hội quên đó thôi. Chúng ta có thể hiểu phỏng đoán là ngày lập văn bản này có lẽ là ngày kết thúc đại hội. Cũng chẳng sao cả dù là lỗi tiểu học hay trung học cơ sở như ông nói, và chúng ta nên đi vào nội dung mà ông đề nghị.
Điểm 8 bức thư viết rất rõ ràng và đúng đắn. Chúng ta cần bàn luận gì khi nội dung của nó đã đầy đủ: “8. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.”
MINH THẠNH: Hiểu và thể hiện hoạt động truyền thông như vậy là giới hạn truyền thông ở phạm vi hoạt động tuyên truyền và báo chí, chỉ thấy một chiều vận hành của truyền thông và do đó hạ thấp vai trò của Ban Thông tin Truyền thông.
Hiểu về truyền thông Phật giáo hoạt động như vậy, Ban Thông tin Truyền thông chỉ hoạt động một cách phiến diện, chỉ giữ vai trò như một tờ báo, hay rộng hơn là một cơ quan thông tin, quảng bá, tuyên truyền.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Thông tin truyền thông thì thông tin, quảng bá, tuyên truyền, đúng như điều 8 của bức thư trên, là phù hợp với chức năng, chứ ông còn đòi hỏi gì nữa?
Dù có làm trong ngành thông tin truyền thông đi nữa, thì có lẽ cũng không ai nêu vấn đề như Minh Thạnh. Rốt cuộc ông muốn truyền thông Phật giáo phải làm gì, ngoài những nội dung mà thiết tưởng đã đầy đủ trong điểm 8 “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước”?
MINH THẠNH: Quả thật là vấn đề thật khó để trao đổi ý kiến, vì phải làm rõ truyền thông ngày nay là gì.
Để dễ hiểu, trước hết xin hỏi ông có theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông diễn ra rất gần với Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ VIII.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có. Ở phiên chất vấn đó, rất nhiều câu chất vấn được đưa ra ở nhiều khía cạnh.
MINH THẠNH: Chúng ta đã định được hướng tiếp cận vấn đề. Trọng tâm hoạt động thông tin truyền thông thể hiện qua phiên chất vấn đó có phải chỉ là hoạt động báo chí, hoạt động tuyên truyền.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Không. Điểm nóng hoạt động truyền thông thể hiện ở phiên chất vấn đó bộc lộ ở những lãnh vực khác, như đối phó với những thông tin mà nhà nước cho là xấu, là độc, là có hại, là nguy hiểm…
MINH THẠNH: Chúng ta đã bước đầu tiếp cận vấn đề mà từ đầu đã tỏ ra rất khó để hình dung, nhận diện này.
Hoạt động thông tin truyền thông mà điểm 8 “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước” chỉ còn là một bộ phận của hoạt động truyền thông hiện đại. Khía cạnh đó không còn quan trọng nữa, mà quan trọng là những câu hỏi với nội dung như ông vừa nói mà đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông.
Truyền thông Phật giáo không chỉ là những nội dung trong điểm 8 “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước”. Chỉ bao nhiêu đó hoạt động truyền thông sẽ lạc hậu, phiến diện, giới hạn, giảm hiệu quả.
Hoạt động thông tin truyền thông, như trong điểm 8 “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước” chỉ có một chiều tác động: Chiều từ Giáo hội đến công chúng truyền thông. Còn chiều truyền thông hướng vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì chưa được đề cập. Thành ra, nội dung hoạt động thông tin truyền thông được nói đến trong bức thư là phiến diện.
Cho nên, hoạt động chủ đạo thông tin truyền thông Phật giáo hiện nay căn cứ vào thực tế đang diễn ra, không phải là những hoạt động mà bức thư của Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 8 đã nói đến, mà phải là hoạt động ứng phó với tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam, vào tăng ni, vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tôi rất ngạc nhiên, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần gánh chịu những cuộc tập kích truyền thông, nhưng về mặt thực tiễn, thì không hề có những phản ứng có hiệu quả. Còn về mặt lý luận, thì như chúng ta đọc thấy trong bức thư trên, không hề đề cập đến.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo đâu phải là hoạt động quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, mà ông nói đến khía cạnh trọng tâm mà các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông?
MINH THẠNH: Không phải là cơ quan nhà nước, nhưng tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đứng trước yêu cầu xử lý khủng hoảng truyền thông, giải quyết vấn đề truyền thông bất lợi, chống trả với tập kích truyền thông và đương nhiên như thế cũng phải cần đến việc nghiên cứu, chỉ đạo lý luận, triển khai cụ thể trong thực tiễn một cách thích hợp với từng trường hợp cụ thể, mà đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo.
Còn đàng này, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động truyền thông như thế thực tiễn có tổ chức, chỉ đạo cũng không, việc nghiên cứu đề ra lý luận cũng không, thì làm sao để hoạt động thông tin truyền thông có hiệu quả thực sự đối với thực trạng phức tạp và bất lợi đang diễn ra?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trên một số trang web Phật giáo, nhất là trang web chính thức, cũng có những bài phê phán Pháp Luân công.
MINH THẠNH: Đó là hướng truyền thông mà tôi muốn nói đến. Nhưng những mũi tập kích truyền thông vào Phật giáo thì rất nhiều, mà chỉ đối phó với mỗi một Pháp Luân công thì cũng là rất phiến diện, chẳng đáng kể vào đâu so với tình hình thực tế.
Điều quan trọng được đề cập ở đây. Đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có việc nghiên cứu về chỉ đạo lý luận. Riêng đối với tôi, những bài viết gần đây theo hướng hộ pháp không được chính giới truyền thông Phật giáo quan tâm. Đó là hệ quả tất nhiên của tư duy lý luận truyền thông phiến diện, giới hạn, không thực tế, không chỉ của truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà là của chung Phật giáo Việt Nam.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Truyền thông Phật giáo đâu phải là việc hộ pháp như ông nói?
MINH THẠNH: Đó là hộ pháp. Bởi vì bây giờ, người ta không dùng vũ khí nóng để cải đạo, mà dùng truyền thông để cải đạo. Ở đó người ta không xét đến việc họ giết được bao nhiêu người, mà điều quan tâm sẽ là bao nhiêu người theo họ.
Sẽ không có xe tăng đến chùa như Ngô Đình Diệm đã làm, nhưng bao quanh Phật giáo sẽ là những chuyện như Chùa Bồ Đề bán trẻ em, sư thầy hát nhạc tình… và tinh vi hơn thế nữa.
Thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam hiện nay cần được xác định vai trò lớn hơn, với trách nhiệm nặng nề hơn. Đó là hộ pháp, bảo vệ đạo Phật, chống lại những cuộc tập kích truyền thông.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Về mặt lý luận, không lẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại đi nói đến việc chống trả tập kích truyền thông vào Phật giáo?
MINH THẠNH: Đối với câu hỏi này, chúng ta đã thảo luận khi ông nêu vấn đề Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông.
Tu hành không có nghĩa là không được dùng chánh ngữ để đối trị tà ngữ, cứ để mặc tà ngữ hoành hành. Nếu tu hành mà nhắm đến kết quả tà ngữ vang lên thì chính ngữ im tiếng, thì tu hành làm gì?
Nếu đã chánh ngữ, thì cần phải tổ chức truyền thông, đưa lời chánh ngữ đến với rộng rãi người nghe. Chánh ngữ cũng không phải chỉ nói điều tốt mà còn cần phân biệt chính/tà, xấu/tốt.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nếu về mặt lý luận, vẫn cứ cho rằng truyền thông Phật giáo nói như điểm 8 “Thư của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, tín đồ, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước” là đủ, ông cho rằng truyền thông Phật giáo sẽ ra sao?
MINH THẠNH: Thì cứ như những gì đã xảy ra chứ sao! Lâu lâu sẽ lại có những vụ tập kích truyền thông rất có kết quả vào Phật giáo Việt Nam. Người ta sẽ ì xèo nói về Phật giáo, nhưng rất bất lợi cho Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam hoàn toàn bị động.
Xa rời thực tiễn tất yếu sẽ đưa tới bế tắc về lý luận. Hệ quả bế tắc về lý luận là khủng hoảng trong thực tiễn. Khủng hoảng đó là như thế nào, Phật giáo Việt Nam những năm nay đã có những trải nghiệm hết sức cay đắng, không cần nhắc lại dẫn chứng.