Trang chủ PGVN GHPGVN GHPGVN – sự thống nhất trọn vẹn của PGVN

GHPGVN – sự thống nhất trọn vẹn của PGVN

143

Kính thưa chư Liệt vị,


Đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất, giang sơn gấm vóc nối liền một dãi đến nay đã 31 năm. Đó là sự kiện trọng đại đã ghi dấu vàng son vào dòng lịch sử hào hùng của Dân tộc. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hình thành và tồn tại đến nay đã 25 năm – đúng một phần tư thế kỷ. Đây cũng là sự kiện rực rỡ đã đi vào dòng sử sáng chói của Phật giáo Việt Nam suốt hơn 2000 năm vốn đồng hành cùng dân tộc.


Trở về quá khứ, trong những năm đất nước Việt Nam bị chia cắt và dòng sông Bến Hải trên mảnh đất Quảng Trị đau thương là ranh giới hai miền tổ quốc. Ở miền Bắc, toàn thể Tăng Ni, Phật tử đã đồng tâm thành lập Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam, để cùng nhau tu học và chăm lo mọi Phật sự. Ở miền Nam, vẫn là tổ chức Phật giáo với danh hiệu Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Đến khi toàn dân lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Phật giáo miền Nam có chuyển biến, đó là vào những ngày cuối tháng 12 năm 1963 và những ngày đầu năm 1964, Tăng Ni, Phật tử đã hiệp lực thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sau đó, một bản Hiến chương ra đời và được Tổng trưởng Nội vụ Chính quyền Sài Gòn là tướng Tôn Thất Đính chuẩn y. Cuối năm 1964, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được tu chỉnh và lại được người đứng đầu chính quyền Sài Gòn là tướng Nguyễn Khánh chuẩn y.


Qua hai tổ chức Phật giáo của hai miền Nam, Bắc, chúng ta nhận ra được một điều là Phật giáo ở hai giữa đất nước đều cùng có chữ “Thống nhất”. Đó là thể hiện tình tự Dân tộc, thể hiện hoài vọng thiết tha và sự mong cầu thành khẩn cho Tổ quốc hòa bình, nối lại giang sơn, cho Nam Bắc sum hợp một nhà, cho Phật giáo Việt Nam được thống nhất trọn vẹn suốt chiều dài Tổ quốc.


Những năm dài Đất nước qua phân, Phật giáo ở hai miền có những hoàn cảnh khác nhau.


Ở miền Bắc, Hội Phật giáo thống nhất Việt nam từ khi thành lập đã đi vào hoạt động bình thường, và tạm ngừng trong những năm chiến tranh khốc liệt, sau đó lại tiếp tục ổn định.


Còn ở miền Nam, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, từ năm 1965 trở đi có nhiều biến động bởi những lý do ngoại cảnh và cũng có nhiều lý do nội tại; và đến năm 1967 thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất phân hóa thành hai Giáo hội, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc Tự.


Đây là sự thật khách quan mà tất cả Tăng Ni, Phật tử miền Nam thời đó đều nhìn nhận như thế.


Nhưng dù gì đi nữa, thì những ngày đầu tháng 11 năm 1981 – toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã thực hiện một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đó là thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực sự thống nhất xuyên suốt ba miền Bắc Trung Nam, quy hợp chín tổ chức Phật giáo trong cả nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đây là cơ duyên lớn để tất cả Tăng Ni, Phật tử đều hòa hợp trong ngôi nhà chung Phật giáo, cùng nhau tu học và chăm lo mọi Phật sự tự lợi, lợi tha; phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc vốn là sự nghiệp gắn bó và chia xẻ mọi thăng trầm suốt 2000 năm và sẽ mãi mãi như vậy.


Đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tồn tại 25 năm, không ngừng cũng cố và phát triển mọi mặt cả bề rộng và chiều sâu, đối nội, đối ngoại và quan hệ quốc tế rộng rãi.


Toàn thể Tăng Ni, Phật tử đều tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trường tồn cùng Dân tộc. Nhưng một số ít các vị vẫn tự xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.


Với hơn 15.500 ngôi Chùa, Niệm Phật đường, Tịnh Xá, Tịnh thất; với gần 40.000 Tăng Ni; 30 trường Trung cấp Phật học; 3 Học viện Phật giáo, và 53 Tỉnh Thành có Ban Trị Sự với hàng chục triệu Phật tử đang hoạt động thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là sự thật hiển nhiên. Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay là không thật.


Và để khai tỏ vấn đề, chúng ta cần ghi lại những điều quan trọng trong những năm tháng trước nay: Đó là đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, hợp tại Tổ đình Ấn Quang, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 7 năm 1977, với 160 Đại biểu, nhằm Đại lễ Thành đạo Phật lịch 2520. Đại hội đã ra một thông bạch do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ ấn ký với tư cách là Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Bản thông bạch có 7 điểm, trong đó điểm thứ 6 ghi nguyên văn như sau: “Đại hội cẩn ủy Giáo hội Trung ương tiếp tục việc vận động thống nhất Phật giáo trong tinh thần Đạo pháp và truyền thống.”


Như vậy, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng ra vận động thống nhất Phật giáo ba miền đất nước, chính là thực hiện thông bạch của đại hội kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và Ngài là Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự tiên khởi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Và chúng ta cùng lắng nghe Ngài cố đại lão Thích Giác Nhiên – Đệ nhị Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài đã dạy trong bức thông điệp Phật Đản, Phật lịch 2522 – Rằn tháng tư năm Mậu Ngọ – 1978, có đoạn: “Tôi nay đã già, hơn một trăm măm qua, tôi đã chứng kiến biết bao thay đổi của đất nước thân yêu.


Tôi thấy không có gì hơn là nếp sống phạm hạnh, cho nên tôi mong chư Tăng Ni hãy sống hoan hỷ trong nếp sống phạm hạnh; giữ gìn Giới Định Huệ để hành đạo giúp đời.


Các Phật tử tại gia hãy tu tâm dưỡng đức, biết thương yêu mọi người; làm tròn trách nhiệm của mình đối với Đạo với Đời, để cùng nhau phát huy tinh thần Từ bi, Trí huệ của đạo Phật mà xây dựng đất nước Việt Nam quang vinh giàu mạnh…”


Đó là lời dạy cao quý của bậc đại thọ long đống của Phật giáo Việt Nam, tất cả chúng ta đều ghi tâm khắc cốt.


Tiếp theo, trong bức thông bạch đầu xuân Kỷ Dậu, do Viện trưởng Viện Hóa Đạo là cố Hòa thượng Thích Trí Thủ ấn ký ngày 05 tháng 01 năm 1979, có 10 điểm, trong đó điển thứ 10 ghi nguyên văn: “Thực hiện đoàn kết giữa các Phật tử xuất gia và tại gia, giữa các Giáo hội, Giáo phái, dần dần đi đến sự thống nhất Phật giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc”.


Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ với trọng trách là Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Ngài đã chỉ dạy rằng: “Những gì chúng ta làm cho Dân tộc cũng chính là làm cho Đạo Pháp, những gì chúng ta làm cho Đạo Pháp cũng chính là làm cho Dân tộc”. Những lời dạy ấy đã nhập tâm trong toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam.


Như vậy, tất cả mọi người đã rõ: Chỉ có thực chất, thực thể, đạo tâm và trung thực là tồn tại, còn hư danh thì sẽ tan biến mà thôi.


Qua những phần trích dẫn các văn kiện rất quan trọng của Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo như đã ghi ở trên, chúng ta nhận chân được điều gì?


Chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta là người thực hiện nghiêm túc những lời dạy của Đức cố Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN và cố Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Còn những gì tự xưng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay đã làm được những gì với những lời dạy ấy?


Vấn đề cốt lõi là, khi đã nhận thức được sự thật, thì mọi người càng tin tưởng hơn vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tinh tấn tu học và chung lo Phật sự lợi Đạo ích Đời.


Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.