Trang chủ Diễn đàn GHPGVN lên tiếng vụ "Đường Tông", chờ xem phản hồi

GHPGVN lên tiếng vụ "Đường Tông", chờ xem phản hồi

88

Sau 30 năm Giáo hội có mặt trong xã hội Việt Nam, đây là lần đầu tiên  Giáo hội thể hiện tính bản lĩnh trước thời cuộc.

Sự kiện xẩy ra cho thấy, Việt Nam hiện nay tự do theo kiểu vô trách nhiệm, vô ý thức của giới trẻ cũng như cán bộ liên đới sự kiện.

Tuy nhiên, vẫn còn có những người biết chuyện sai quấy, tuy chưa chính thức lên tiếng xin lỗi Phật giáo và quần chúng Phật tử, một vài trang mạng đã kéo clip khả ố đó xuống.

Trước sự xúc phạm nặng nề Thánh tượng và niềm tin tôn giáo của cộng đồng Phật giáo Việt Nam, buộc lòng Trung ương Giáo hội phải lên tiếng một cách nghiêm túc gửi đến các cơ quan chủ quản trung ương.

Cũng qua sự kiện nầy, Giáo hội đã thể hiện trách nhiệm vận mệnh Phật giáo. Và vì thế, từng bước Giáo hội lấy lại được niềm tin với quần chúng Phật tử trong khả năng và quyền hạn, chứ không phải im lặng  – tuy hơi muộn!

Theo yêu cầu của Giáo Hội:  :

"1. Lập tức áp dụng mọi biện pháp để xóa bỏ mọi hình ảnh của đoạn video clip nói trên ở mọi trang mạng hiện đang phát tán.

2. Công khai nêu ý kiến của Cơ quan có trách nhiệm về việc thực hiện, phát tán, trao giải cho đoạn video clip ngắn đó.

3. Có biện pháp xử lý đối với những ai có liên quan đến việc thực hiện, phát tán, trao giải, tán dương đối với đoạn video clip ngắn “Thầy trò Đường tông đi thỉnh …bao cao su.

Đồng thời những người thực hiện đoạn video clip đó phải công khai xin lỗi về những nội dung được thể hiện trong đoạn video clip có nội dung báng bổ Phật giáo, xúc phạm niềm tin tôn giáo."

Nếu vậy, cũng chưa ngăn chặn được các tệ trạng khác xẩy ra để rồi xin lỗi khi mà nội dung báng bổ được truyền đạt khắp nơi.

Chính quyền phải có biện pháp ngăn ngừa loại “văn hóa hỗn loạn” từ trong ý thức vô văn hóa đó. Trách nhiệm nầy không chỉ  ở cơ quan  Thông Tin và Truyền thông hay  Trung ương đoàn TNCS HCM mà còn ở Bộ giáo dục đào tạo lớp trẻ trong học đường – biết tôn trọng niềm tin của quần chúng, biết lễ nghĩa đối với những giai tầng trong xã hội mà “ Tiên Học lễ – hậu học văn” là bước đầu cho việc giáo dục. Có như thế xã hội bớt loạn.

Công văn giáo hội không những gửi cho hai cơ quan liên đới mà còn chuyển đến  cho Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSVN, Ban Tôn giáo Chính phủ để thông báo và có ý kiến chỉ đạo. Phải chăng Giáo hội đã thể hiện quyền công dân?

Hy vọng đáp lại tính bản lĩnh của chư Tăng hiện nay trước những thực tế, nhà nước cũng cần lắng nghe để điều chỉnh tính bất cập đối với tôn giáo mà những cán bộ thừa hành bị lệch lạc.

Cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng lắng nghe nhau, thể hiện tính văn hóa  và sự tự do trong cuộc sống.

Ở một góc độ khác, việc Giáo hội ra công văn lần này cũng là một dịp để Phật tử xem tiếng nói của Giáo hội của mình có trọng lượng gì đối với các cơ quan, đơn vị liên đới hay không. Xem ra, đây là một phép thử quan trọng về uy tín, tiếng nói của GHPGVN đối với xã  hội.