Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo GHPGVN – còn đó những trăn trở ở tương lai

GHPGVN – còn đó những trăn trở ở tương lai

79

Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đến nay đã trải qua 26 năm với 5 kì đại hội. Khách quan mà nhận xét thì Giáo hội từ lúc thành lập đến bây giờ có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Với 26 năm ấy, sự cố gắng hết mình của Chư tôn đức lãnh đạo cũng như Tăng Ni và Phật tử trong việc xây dựng Giáo hội là không thể phủ nhận. Ở mỗi một kì đại hội, chúng ta lại thấy sự thay da đổi thịt của Giáo hội qua các Phật sự đã làm được. Hoạt động của Giáo hội ngày càng gắn liền với Tăng Ni, Phật tử và đất nước.


Đó là điều đáng mừng; vì Giáo hội đã không đứng ngoài xã hội, mà ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với các mặt trong đời sống dân sinh. Song, nội tại của Giáo hội vẫn còn đó những điều trăn trở; nhất là khi xã hội phát triển không ngừng, đất nước trong đà hội nhập toàn cầu.


Có một anh Phật tử kể chuyện, khi anh hỏi một vị Phó Pháp chủ rằng ngài nhận xét gì về sự thay đổi và phát triển của GHPGVN trong thời gian qua. Ngài đã trả lời “Thay đổi thì có thay đổi nhiều nhưng phát triển như thế nào thì phải xem xét lại”. Nói như vậy cho thấy, đứng trên cương vị giám sát sự hoạt động của Giáo hội, Chư tôn Hoà thượng luôn lưu tâm đến sự phát triển của Giáo hội. Các ngài luôn theo dõi từng bước chuyển mình của Giáo hội trên các mặt hoạt động Phật sự trong cả nước.


Những lần đi công tác tại các địa phương, người viết đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với Chư tôn lãnh đạo Phật giáo địa phương. Dù tuy chỉ là chuyện “trà dư, tửu hậu”, nhưng đó lại là những tâm huyết, trăn trở đối với tương lai của PGVN. Trên cương vị là lãnh đạo Ban trị sự hay các ban ngành trực thuộc, các Hoà thượng, Thượng toạ đều có những ưu tư đối với tiền đồ của Phật giáo. Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ VI, người viết xin ghi lại những ý kiến góp nhặt từ trăn trở của Chư tôn đức. Đó có thể là những điều “hiển nhiên” ai cũng nhìn thấy, nhưng thực sự đó có phải là những “việc khó làm”? Và có phải là những “thách thức” cho PGVN trong thời đại mới?


Về Tăng sự, hiện nay chúng ta đã có số lượng Tăng Ni hơn 44 ngàn. Đó là một tín hiệu đáng mừng hay đáng lo khi mà mặt quản lý chúng ta chưa làm được. Chúng ta chỉ mới quản lý trên giấy tờ mà thực tế chưa quản lý con người thực sự. Có những ý kiến cho rằng “Phật giáo không có giáo quyền như những tôn giáo khác”. Đồng ý là như vậy, Phật giáo chúng ta không có tính chất “giáo quyền cực đoan”, nhưng trong giới luật vẫn có những điều về sự quản lí Tăng già.


Những vấn đề như: Tăng Ni thuê nhà ở, lập am cốc ở như tư gia, Tăng Ni trẻ không có oai nghi, Tăng Ni đi đâu GH địa phương không biết… ngày nay không còn là vấn đề xa lạ. Bản thân các BTS cũng đã mở nhiều hội nghị chuyên đề về Tăng sự để họp bàn giải quyết các vấn đề này. Nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được thoả đáng.


Như tại TP. HCM, nhiều Tăng Ni từ các tỉnh về học, không xin dược chỗ trọ học hoặc vì lí do khác đã thuê nhà bên ngoài để ở. Vừa qua, Học viện PGVN tại TP.HCM đã tuyển sinh gần 1.000 Tăng Ni sinh cho khoá VII, nhưng vấn đề chỗ ở lại không được đặt ra. Số lượng tự viện tại TP có hạn và không phải Tăng Ni sinh ở tỉnh đến xin là có chỗ ở. Một người bạn cũng đi xin chỗ ở “công” nhưng rồi không được đành quay về lại tỉnh.


Như thế việc Tăng Ni ra ngoài thuê nhà ở là điều hiển nhiên, khi chổ ở không có hoặc điều kiện ở “quá tải” cho việc học tập. Một Thầy nói với người viết “chẳng có mấy chùa nuôi cơm ăn đi học không mà không có điều kiện”. Việc các Thầy “đi cúng đám nhiều hơn đi học” tuy không là phổ biến nhưng đó không phải là số lượng nhỏ, nhất là khi nhiều trường Phật học đã bắt đầu thu học phí, chưa kể theo học các trường lớp bên ngoài.


Vấn đề xử lý Tăng Ni là việc làm tế nhị. Như một vị làm công tác Tăng sự đã nói “Tăng sĩ vi phạm phạm hạnh ngày càng nhiều, xử lí là việc làm chẳng đặng đừng”. Chính vì thế một vị Luật sư ngán ngẫm nói “Giới luật Phật còn đó, còn làm hay không thì ở ý thức tự giác và sự hổ thẹn”, cũng bởi có những tư tưởng “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng” để rồi làm ngơ trước tiền đồ Phật giáo. Khi còn sinh tiền, cố HT. Luật sư Đổng Minh có nói với người viết rằng một vị Hoà thượng đã nói với ngài “Thời nay số lượng Tăng Ni đông mà không quản lí được, đó chính mới là pháp nạn thật sự”.


Về giáo dục, chúng ta có 28 trường TCPH, 8 lớp cao đẳng và 4 học viện Phật giáo. Cơ sở giáo dục của Giáo hội như vậy là rất nhiều. Song cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy là điều cần phải xem xét. Với 28 trường TCPH như hiện nay, liệu có cần thiết không khi mà số lượng Tăng Ni tại địa phương không đủ sĩ số. Và nhất là đội ngũ giáo thọ “mỏng” chưa nói đến kiến thức và phương pháp truyền đạt; đã có không ít trường mở lớp học bằng cách “vá víu” giáo thọ.


Chương trình học thì mỗi trường, mỗi địa phương dạy mỗi kiểu. Chư tôn đức lãnh đạo ngành giáo dục đã thấy những điều đó, nhưng khi yêu cầu các trường liên kết mở chung thì chẳng ai chịu. Bởi lẽ, tỉnh nào cũng muốn có trường TCPH. Gần đây, một số tỉnh Tăng Ni chẳng có bao người, vậy mà cũng đề nghị TƯGH cho phép mở trường. Chẳng hiểu, họ lấy Tăng Ni sinh và giáo thọ ở đâu để vận hành trường. Tổ chức và quản lí lại hệ thống giáo dục là việc cần phải làm. Cả nước chỉ cần 8 trường TCPH: 2 cho miền Bắc, 3 cho miền Trung và Cao nguyên, 3 cho miền Nam. Có như vậy sự đầu tư cho cơ sở vật chất sẽ tốt, tập trung được đội ngũ giáo thọ và nhất là số lượng Tăng Ni theo học.


hững trường TCPH theo kiểu khu vực sẽ tập trung được số lượng Tăng Ni từ nhiều tỉnh; như thế có thể mở khóa học hàng năm và tu học theo mô hình nội trú. Ở địa phương chỉ nên mở các trường Sơ cấp Phật học.


Tuy nhiên, thời gian qua các trường TCPH vẫn ra đời. Địa phương xin thì TƯGH đồng ý. Các trường hoạt động không mấy có hiệu quả, chất lượng đầu ra thì không thể kiểm định; trừ một vài trường tổ chức tu học nội trú hoạt động tương đối tốt. Có lẽ trong thời gian đến, 54 Ban trị sự sẽ có 54 trường TCPH chăng? Chuyện này chẳng khác nào một thời bên ngoài nhà nước có tình trạng “mỗi tỉnh có một nhà máy đường”, mà báo chí từng lên tiếng phản đối kịch liệt trước thực trạng thua lỗ và không cần thiết.


Về hoằng pháp, hiện nay các giảng đường tại trung tâm tỉnh thành được xem là quá tải giảng sư. Bởi với sự cố gắng hết mình trong những nhiệm kì qua, Ban hoằng pháp TƯ đã mở nhiều khoá đào tạo giảng sư dài hạn và ngắn hạn. Tuy vậy, hầu hết các giảng sư lại tập trung nhiều ở các TP lớn, rất ít ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Một thực tế là hiện nay tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang rất “đói” pháp; nhất là những vùng mới khai phá, kinh tế mới…Tất nhiên, để đi vào hoằng pháp những vùng như vậy sẽ có những khó khăn khách quan và chủ quan.


Chung qui, công tác hoằng pháp ở các vùng khó khăn vẫn nhờ vào các vị trụ trì tại các ngôi chùa ấy. Giáo hội cần có những biện pháp hữu hiệu hơn đối với vấn đề hoằng pháp cho vùng sâu, vùng xa. Trong đó công tác đào tạo hoằng pháp cho các vị trụ trì tại vùng sâu vùng xa là rất cần thiết. Nhất là khi những tôn giáo khác đang đẩy mạnh việc truyền đạo vào các vùng này. Để làm được việc đó, TƯGH cần làm việc với các chính quyền tỉnh thành để tạo điều kiện cho giảng sư T.Ư cũng như địa phương hoằng pháp ở những “vùng đất mới”.


Về từ thiện xã hội, hàng năm cả Giáo hội vận động cống hiến cho xã hội thông qua các hoạt động TTXH hàng trăm tỉ đồng. Nhưng dường như công tác từ thiện chỉ mang tính tự phát, mỗi người làm một kiểu mà không có những “chiến lược” cụ thể. Sức mạnh tập thể vẫn chưa được đặt ra mà dẫu có đặt ra cũng chưa đặt đúng chỗ và làm đúng sức. Chẳng lẽ với số tiền hàng trăm tỉ đồng đóng góp hàng năm, Giáo hội không đủ vận động xây dựng những bệnh viện miễn phí, những trường học – nhà trẻ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những chung cư cho người nghèo… Đó là điều chúng ta cần nên suy nghĩ.


Đồng ý rằng chúng ta phải làm những việc cần kíp, nhưng những công trình có tính chất lâu dài, đáp ứng nhu cầu dân sinh không phải là không cần thiết. Ban TTXH nên có những hoạch định “chiến lược” và làm những công trình dân sinh thiết thực hơn khi mà người nghèo còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, viện phí và thuốc men hiện nay đang làm người nghèo không dám đến bệnh viện. Trong khi đó Ban TTXH thừa sức để vận động xây dựng những bệnh viện cho người nghèo tại các địa phương.


Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử, hoạt động của ban thời gian qua hầu hết tập trung vào phân ban cư sĩ Phật tử. Đạo tràng tu học trong cả nước hiện nay ngày càng tăng lên theo số lượng. Chất lượng tu học cũng theo đó nâng cao. Nhiệm kì qua, Ban Hoằng pháp đã kết hợp với BTS các tỉnh để tổ chức cho Cư sĩ Phật tử thi Phật pháp để đánh giá chất lượng tu học.


Riêng Phân ban GĐPT thì từ khi chính thức được thành lập, hoạt động cũng chưa thể hiện rõ nét. Số lượng 894 đơn vị GĐPT trong 18 tỉnh thành sinh hoạt trong sự quản lí của GH chưa nhiều so với con số thực tế mà các GĐPT sinh hoạt tại các chùa. Nhiều năm qua, nhiều ý kiến về việc cần có thay đổi và trẻ hoá để GĐPT thực sự đi kịp với thời đại. Nhiều huynh trưởng là bậc đàn anh của người viết đã tâm sự “những huynh trưởng lãnh đạo nhiều người quá thủ cựu”, đó là chưa nói đến sự “tụt hậu” của họ, cũng là một trong những nguyên nhân GĐPT không phát triển.


Nhu cầu sinh hoạt của con em Phật tử ngày nay rất cao. Bằng chứng là tại các chùa đã tổ chức những đạo tràng dành riêng cho các em sinh hoạt rất thành công. Và những đạo tràng ấy hầu như không nằm trong sự quản lí của Phân ban GĐPT. Trước đây, người viết cũng từng có một bài viết về thực trạng của GĐPT hiện nay. Bài viết là sự phản ảnh thực tế và cũng là ý kiến của chính người trong cuộc là các huynh trưởng. Thế nhưng những huynh trưởng ở cấp lãnh đạo không lắng nghe, lại phản ứng rất dữ dội rằng thực tế đó không có.


Khi người viết hỏi một Thượng toạ – đang hướng dẫn một đạo tràng dành cho các em Phật tử rất thành công- về tương lai cho sự phát triển của GĐPT, Thầy đáp: “Họ đã không đi kịp với thời đại nhưng lại luôn sống với hào quang của quá khứ. Như vậy thì làm sao có thể vực dậy sức sống của thế hệ trẻ. Tổ chức vài hội trại thì cho rằng đó là thành công. Sức sống của thanh niên Phật tử phải là sự tu học tại đạo tràng của các e ở chùa kia…”.


Vấn đề của GĐPT hiện luôn là mối lo không chỉ của Chư tôn đức lãnh đạo trung ương, mà còn là mối lo của các vị lãnh đạo tại địa phương; khi mà ngày càng có nhiều thế hệ trẻ vào chùa nhưng sinh hoạt của GĐPT lại không đáp ứng được.


Về xây dựng cơ sở tín ngưỡng, đa số những ngôi chùa được trùng tu hoặc xây dựng lại đều là những cơ sở được kiến thiết trước đây. Số lượng tự viện mới được thành lập hiện nay rất hạn chế. Trong khi nhiều khu dân cư mới được thành lập tại các khu đô thị mới, thì cơ sở tín ngưỡng của Giáo hội không đi theo kịp.


Trong quá khứ cho thấy, khi người Việt đi đến đâu thì chùa đình mọc ở nơi ấy. Nhưng hiện nay việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng ở những nơi này chưa được Giáo hội lưu tâm thật sự. Đối với những vùng sâu vùng xa, nhu cầu tín ngưỡng rất cao nhưng xây dựng cơ sở tín ngưỡng không phải là chuyện dễ dàng, vì nhiều lí do chưa thông giữa Giáo hội địa phương với chính quyền; trong khi đó Pháp lệnh tín ngưỡng – tôn giáo và nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực.


Giáo hội cũng nên đặt ra vấn đề này trong “chiến lược” phát triển của mình. Khi thấy những tôn giáo khác “phóng xe qua mặt” trong việc xây dựng cơ sở mới, vị Phó Thường trực của BTS một tỉnh cao nguyên đã nói “thấy họ làm mà chóng mặt và lo cho sự phát triển của Giáo hội mình”. Chính vì vậy mà không ngạc nhiên khi trong đợt tu chỉnh hiến chương lần này, đã có không ít tỉnh đề nghị nên thành lập Ban kiến thiết để lo cho công tác xây dựng cơ sở tự viện của Giáo hội.


Trong xu thế mới, GHPGVN hoà mình trong sự thay đổi và phát triển chung của đất nước. Nhiệm kì V mở đầu cho thiên niên kỉ mới. Với 5 năm hoạt động vừa qua đủ để đánh giá sự chuyển mình của Giáo hội. Nhiệm kì VI sẽ phải có những hướng đi tích cực hơn để kịp với vận hội và thách thức của thời đại.