Trang chủ Diễn đàn Ghi nhận từ khóa tu “ Bồ Đề Tâm” lần 4...

Ghi nhận từ khóa tu “ Bồ Đề Tâm” lần 4 tại chùa Vẽ – Hải Phòng

94

Phải nói rằng Khóa tu “Bồ đề tâm” lần 4 – 2014 không chỉ là một hoạt động trực thuộc ngành hoằng pháp cho thanh thiếu niên diễn ra từ ngày 16 – 06 đến ngày 22- 06 – 2014 tại chùa Vẽ (Hoa Linh cổ tự), mà còn là địa chỉ tin cậy để đông đảo quần chúng nhân dân nói chung, hàng Phật tử nói riêng có cơ hội được tiếp xúc với Phật pháp, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh có con em tham dự khóa tu.

Như chúng ta đã biết, thử thách lớn nhất của công tác hoằng pháp thời hiện đại để vươn lên tầm cao mới là phải nhận thức rõ những bước phát triển của văn minh khoa học, nhận thức rõ những vấn đề, nguyên nhân gây nên sự suy thoái đạo đức tâm linh của con người. Đây không chỉ là một thách thức lớn lao mà còn là cơ duyên tốt để thẩm định ý chí và đạo lực của sứ giả Như Lai và sứ giả hoằng pháp trước cuộc sống muôn màu muôn sắc thời hiện tại.

Chính vì lý do này mà Ni sư Thích Tâm Chính trụ trì chùa Vẽ – Trưởng ban tổ chức khóa tu đã mời các thân nhân chí sĩ có tâm huyết trong công tác giáo dục thế hệ trẻ như  Tiến sĩ Lê Quốc Tiến Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế – Phó hiệu trưởng Trường đại học hàng hải Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân Cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương, Ông Bùi Hữu Dược Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo chính phủ…cùng tham gia giảng dạy về kỹ năng sống, cũng như trò chuyện, chia sẻ cùng các em rất nhiều vấn đề trong cuộc sống như sự vô cảm, tính tự lập, mối quan hệ thầy trò, lòng hiếu thảo với cha mẹ, anh em huynh đệ … Năm trăm con người, năm trăm cuộc đời đã cùng về hội tụ dưới mái chùa thân thương để cùng nhau học hỏi, sớt chia những giá trị đạo đức nhân bản mà suốt hơn hai mươi năm thế kỷ qua đã, đang, sẽ tồn vong cùng mạng mạch dân tộc.

Theo thông báo từ Ban tổ chức, các khóa sinh đăng ký tham dự Khóa tu Bồ Đề tâm lần 4 tại chùa Vẽ lên đến con số một nghìn, nhưng xét trên nhiều phương diện thì Ban tổ chức chỉ thu nhận hơn 500 em. Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban từ thiện – xã hội GHPGVN có đề xuất chùa Vẽ nên mở thêm một khóa tu nữa cho số các em còn lại trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Bởi hoạt động hoằng pháp tại chùa Vẽ không chỉ gây được tiếng vang lớn, tạo hiệu ứng tích cực trong quần chúng nhân dân, thu hút được đông đảo lực lượng thanh thiếu niên trong xã hội, nhưng do nguồn nhân lực tức lực lượng  Tăng – Ni hoằng pháp viên cho thế hệ trẻ tại các tỉnh thành phía Bắc, và tỉnh nhà còn thiếu và yếu nên Ban tổ chức đành lỡ hẹn với các em với nhiều ưu tư trăn trở về một đội ngũ hoằng pháp thanh thiếu niên trong tương lai.

Với tinh thần cứu thế vô văn, hành lợi vô danh, lợi sinh vô tướng Ni sư Thích Tâm Chính trụ trì chùa Vẽ – Trưởng ban tổ chức khóa tu chia sẻ:

“…Đã là con chim chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…”

Do đó, ưu tư lớn nhất của Ni sư chính là nguồn nhân lực. Trong các lần mở khóa tu, đa phần công tác giảng dạy, chức năng huynh trưởng, quản trò…Ni sư đều phải mời hoặc liên hệ với nguồn nhân sự Phật giáo từ các tỉnh thành phía Nam, Trung, bởi các thành viên hoằng pháp tại các tỉnh thành phía Bắc chưa đáp ứng được các yêu cầu của xã hội đề ra trong thời hiện đại.

Chỉ khi nào nhận thức được xã hội cần cái gì ta đáp ứng được cái đó thì công tác hoằng pháp mới có kết quả lợi tha. Nếu chỉ có trăn trở nhưng lại chưa có biện pháp triệt để, tích cực khi sinh hoạt, tiếp cận với tầng lớp thanh thiếu niên – tương lai của xã hội thì công tác hoằng pháp coi như chưa thành tựu trọn vẹn.

Để tất cả các khóa sinh có đủ sức khỏe để tham gia khóa tu một cách trọn vẹn, Ni Sư cho hay, ngoài việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng ẩm thực phong phú, thực đơn thay đổi hàng ngày thì việc trang bị cơ sở vật chất hạ tầng là rất cần thiết. 80% các máy điều hòa nhiệt độ được lắp đặt tại các phòng ốc, hai máy điều hòa nhiệt độ cỡ lớn đã được nhà chùa thuê đặt tại hội trường lớn trong suốt thời gian diễn ra khóa tu. Bên cạnh đó là lực lượng nam, nữ Phật tử chấp tác, các tình nguyện nguyện viên đã phục vụ hết mình cho một khóa tu viên mãn như mong đợi.

Được đồng hành cùng các em từ đầu cho đến cuối khóa tu, cùng trải qua những cung bậc xúc cảm của cõi người mới thấy hết những giá trị mà khóa tu đã mang lại thật không thể nói lên lời

Ông Nguyễn Văn Dũng 49 tuổi, ở tại 40/96 Hai Bà Trưng quận Lê Chân có con là Nguyễn Thị Hà Trang học sinh lớp 9 lần đầu tham dự khóa tu, sau khi dự lễ bế mạc đã vô cùng cảm phục sự tận tâm, tận lực của Ni sư trụ trì chùa Vẽ cho thế hệ trẻ cũng như quý Thầy, quý Sư cô trong ban tổ chức khóa tu.

Bà Phan Thị Tuyết 43 tuổi, ở tại số 31 lô 9 mở rộng Đằng Hải, Hải An – Hải Phòng, phụ huynh của em Trần Đức Trung lớp 7, đã 2 lần tham dự khóa tu thổ lộ: sau khi tham dự khóa tu dù thời gian không nhiều nhưng em đã có sự chuyển biến tích cực, có ý thức trách nhiệm trong học tập, giúp đỡ cha, mẹ trong công việc nhà…Cô Tuyết kể rằng; ngay sau khi kết thúc khóa tu em tối hôm đó Trung về nhà và nói: “ Bố, mẹ ngồi đây con muốn nói chuyện con muốn nói rằng …con xin lỗi bố mẹ …”, và Cô Tuyết đã khóc vì cảm động, khóc vì sự cảm hóa của nhà chùa thật có tác dụng, thế nên đây là lần thứ 3 Cô lại gửi gắm con mình vào chùa tu tập.

Một người chị sau có em trai đang tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Vẽ, sai khi tham dự đêm thắp nến tri ân cha mẹ đã viết những dòng nhắn gửi rất cảm động lên trang mạng xã hội facebook của người em trai mình như sau:

“Đây không phải là lần đầu tiên mẹ, chị và em được chứng kiến cảnh tượng đẹp đẽ này. Năm nay là năm thứ 4 chùa Vẽ tổ chức khoá tu. Và lần nào cũng thế, những ngày cuối bao giờ cũng là những ngày của những cung bậc cảm xúc, ngày dành cho cha mẹ, cho các quý thầy. Hôm nay, em cùng các bạn đã sống một buổi tối đáng sống, thật sự là vậy đấy! Chị vẫn nhớ như in các bạn và em khóc oà khi thầy trụ trì đọc thơ, giảng về công ơn của bố mẹ. Tiếng nhạc của bài hát “Ba ngọn nến lung linh” vang lên, thầy nói các bạn giơ cao xem ngọn nến nhà nào sáng nhất, nến nhà nào giơ cao nhất là gia đình bạn ấy hạnh phúc nhất…. Điểm nhìn lúc ấy của mẹ và chị dồn vào em. Hai tiếng gia đình mình gói trọn trong bàn tay của em, em cố rướn để hạnh phúc ấy thêm cao và viên mãn. Chắc em cũng sẽ nhớ mãi giây phút đẹp ấy! Tiếng nhạc vẫn vang: ” Lung linh lung linh tình mẹ tình cha, lung linh lung linh cùng một mái nhà, lung linh lung linh cùng buồn cùng vui, lung linh lung linh hai tiếng GIA ĐÌNH….”. Đúng là ” chỉ khi bên gia đình, mọi hạnh phúc mới được cất lời”. Chúc em và các bạn có thêm 1 ngày tu cuối ý nghĩa, trở về nhà với nhiều điều bổ ích! ”

Tuy nhiên, để khóa tu thành công như mong đợi, như sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh đã chứng kiến trong lễ bế mạc khóa tu, thì ngoài việc đầu tư về phương diện tài chính kinh tế, thì nỗi ưu tư lớn nhất để khóa tu thành công và các khóa tu khác trong tương lai tiếp tục tồn tại chính là nguồn nhân sự tức lực lượng hoằng pháp viên cho thế hệ trẻ.

Ni sư mong rằng trong tương lai, không chỉ tỉnh nhà mà tất cả các tỉnh thành phía Bắc cần xây dựng, đào tạo được đội ngũ Tăng – Ni tài, đức có kiến thức thế học, Phật học uyên thâm, có khả năng thích ứng, tinh thần diệu dụng tùy duyên, kiến thức xã hội, khả năng giao tiếp trước công chúng, có như vậy chúng ta mới lưu bố được Phật pháp trong nhân gian. Hoằng pháp là một công việc dài lâu đòi hỏi tính liên tiếp, cập nhật. Ngoài việc trang bị cho mình kiến thức nội điển – sự uyên thâm về giáo lý của Phật giáo thì các kiến thức ngoại điển như ngoại ngữ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, y khoa …Đặc biệt là công nghệ thông tin là điều rất cần thiết.