Thuyền giăng đầy những chiếc cờ Phật giáo từ chùa Long An, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh vượt sông trở lại hiện trường, nơi những người công nhân đã ngã xuống cho chiếc cầu quê hương nối liền hai bờ sông Hậu.
Đoàn kinh sư và Phật tử, người dân các nơi đã đến đây, ngay giờ phút thiêng liêng này, từng nén tâm hương được đốt lên để tưởng nhớ các anh đã hơn 49 ngày nằm yên nghỉ nơi đây. Đó là sự cố đầy mất mát, đau thương của những người ở lại, cầu mong hương linh các anh yên nghỉ nghìn thu.
Đã có khoảng 10.000 lượt Tăng Ni, Phật tử, người dân các nơi đã đến Đại lễ trai đàn chẩn tế bình đẳng siêu độ cho các công nhân tử nạn ngày 26-9 để thắp cho các anh nén hương, đón rước hương linh các anh về chùa quy y và cầu nguyện cho các anh yên nghỉ.
BTS PG tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức long trọng một lễ trai đàn chẩn tế trong suốt 3 ngày đêm thể hiện sự thành tâm và mang lại niềm an ủi lớn lao đối với thân nhân người bị nạn. Buổi lễ khai đàn có sự chứng minh và tham dự của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS T.Ư, chư tôn giáo phẩm của 18 BTS tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn có đầy đủ lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Long và ông Hayama Kanji, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Taisei (Nhật Bản) đã đến tưởng niệm, nhớ ơn.
Không khí trầm mặc, uy nghi của những ngày đăng đàn cầu siêu do Ban Kinh sư miền Nam và Thừa Thiên-Huế đảm trách đã là những ngày thật sự thiêng liêng đối với thân nhân những công nhân tử nạn nói riêng và người dân nghèo huyện Bình Minh (Vĩnh Long) nói chung. Nhiều nghi thức đặc trưng của lễ trai đàn chẩn tế: lễ thượng phan khai đàn, chiêu linh, khoa nghinh thần chủ, đăng đàn chẩn tế, cúng dường trai tăng, khoa lượt phát quang, phóng liên đăng, tán sa, bái sám hồng danh, luân phiên tụng niệm, thuyết giảng… được diễn ra trang trọng và linh thiêng.
Bàn thờ hương linh, di ảnh, bài vị của các anh được trần thiết trang nghiêm, ngút ngàn hương khói. Nén tâm hương tỏa quyện suốt 3 ngày đêm, cầu nguyện cho hương linh các anh được thanh thản và cầu mong cho thân nhân, những công nhân còn trên giường bệnh sớm vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này.
Đó là di ảnh của các anh Nguyễn Văn Chính (49 tuổi), Trương Văn Chọt (39 tuổi), Đặng Văn Sóc (32 tuổi), Nguyễn Văn Trang (32 tuổi), Huỳnh Văn Luật (23 tuổi), Đỗ Văn Sáu (32 tuổi), Lưu Thanh Điền (17 tuổi), Lưu Hoàng Phúc (23 tuổi), Phạm Hồng Thái (26 tuổi)… các anh đã được tề tựu về đây, từng hương linh được các thầy đặt thêm pháp danh mới bên cạnh tên của mình. Chít trên đầu chiếc khăn trắng tang thương, các mẹ, các chị, cha, anh và cả những em bé thơ dại của 54 công nhân tử nạn đã cùng sum họp tưởng nhớ người thương yêu ruột thịt.
Đó là chị Nguyễn Thị Loan, vợ của anh Trương Văn Chọt và là mẹ của 4 đứa con nheo nhóc, chị cũng là một trong những người vợ khóc chồng của xóm chùa nghèo tang thương Mỹ Hòa, huyện Bình Minh. Đó là chị Tâm, vợ anh Đỗ Văn Sáu với đứa con một tuổi thơ dại, tạm lau khô dòng nước mắt cho con, chị nói rằng mình mới thắp nén hương tưởng nhớ 49 ngày anh mất chỉ mới hôm trước và rất biết ơn các thầy đã tổ chức một đại lễ cho chồng chị nương nhờ cửa Phật. Đó cũng là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Thảo, người phụ nữ lam lũ đại diện cho thân nhân của 54 công nhân tử nạn, trong từng tiếng nấc nghẹn ngào, chị nói: “Chúng con không bao giờ quên giờ phút hãi hùng đó, nhiều hung tin cứ dồn dập đến. Nơi cha, chồng, anh, em của chúng con mưu sinh cũng là nơi chúng con nhận lấy sự bất hạnh. Sự ra đi quá đột ngột, chúng con không biết giờ này vong linh của người thân vất vưởng nơi đâu, nay nhờ quý thầy lập đàn tràng siêu độ mà được nương nhờ cửa Phật, chúng con không biết lấy gì đền ơn”. Trong khói hương quyện tỏa, giọng chị lạc hẳn bởi sự đau đớn tột cùng.
Đại diện phía Nhật Bản có mặt tại lễ trai đàn, ông Hayama Kanji, Chủ tịch Tập đoàn Taisei đã nói: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với BTS THPG Vĩnh Long đã tổ chức lễ trai đàn cầu siêu cho các kỹ sư, công nhân tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Cầu mong cho các anh về cảnh giới tốt đẹp. Sự cố đã xảy ra, tôi rất đau lòng nên chẳng biết làm gì hơn là cúi đầu tạ lỗi và cầu nguyện cho họ được siêu thoát, thân nhân họ sớm vượt qua sự đau đớn này. Về phần mình, khi thi công trở lại, tôi bảo đảm tuân thủ từng chi tiết công trình hầu đáp ứng được lòng mong mỏi và sự hy sinh của các kỹ sư, công nhân”.
Nỗi thương tiếc này cũng là nỗi đau chung của người nông dân hiền lành bên bờ sông Hậu. Đại lễ trai đàn siêu độ phần nào xoa dịu nỗi đau thương quá đột ngột của thân nhân. Người dân hai bờ sông Hậu giờ đây được nối lại gần hơn bởi sự đồng cảm, chia sẻ, an ủi lớn lao về tinh thần, sự nối kết yêu thương giữa những người ở lại.
Vẫn còn đó hai nhịp cầu đã sập với nỗi ám ảnh tang thương, thoảng trong hương phù sa sông Hậu là hương trầm nguyện cầu được Tăng Ni, Phật tử thương tưởng thắp lên bằng cả tấm lòng. Tiếng kinh tụng niệm vang vọng trong không gian chiều lặng, từng đóa sen nguyện cầu gởi theo dòng nước trôi vào miền yên tĩnh… trong nghi thức phóng liên đăng, tán sa tại hiện trường sẽ là niềm an ủi cho giấc ngủ của các anh ở cõi vĩnh hằng.