Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích
Chùa Bổ Đà được xây dựng vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Bổ Đà là tên viết tắt của từ phiên “Bổ Đà Lạc Già” là một từ tiếng Bắc Phạn “Potalaka”, nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát Quán Thế Âm hoá hiện để cứu độ chúng sinh.
Trong địa phận núi Bổ Đà có các ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khảm, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi, và ngọn Bàn Cờ Tiên. Có lẽ đẹp hơn cả là ngọn chùa Cao, nơi đây ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của một vùng núi phía bắc vừa nên thơ, thanh bình lại pha chút cổ kính, linh thiêng.
Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch. Nhưng bắt đầu tháng 2, khách thập phương đã hướng về Bổ Đà, trước là vãn cảnh chùa, sau là cầu xin sức khoẻ và may mắn cả năm. Đã từ lâu, nhiều người đã tâm niệm rằng, đầu năm đi chùa Hương lấy phúc, lộc cả năm, nhưng nếu vì chuyện gì đó không đến được chùa Hương thì tới Bổ Đà. Có lẽ chính vì vậy mà tại chùa có câu cao dao “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”, có nghĩa ở phía Bắc có chùa Bổ Đà, phía Nam có chùa Hương Tích. Nói theo ngôn ngữ thuần tuý Phật giáo thì đây là hai đạo tràng Quán Thế Âm vào hạng nhất.
Bộ kinh cổ ngót 300 năm
Vừa đặt chân tới cổng chùa Bổ Đà, chúng tôi may mắn gặp được chị Nguyễn Thị Tâm, sống tại thị trấn Nếnh, Bắc Giang, là người khá mau chuyện. Qua lời kể của chị, chúng tôi biết: nhà chị cách chùa chưa đầy 5km, từ nhỏ chị đã hay theo mẹ lên chùa thắp hương ngày rằm, mồng một đầu tháng. Chị vốn là người đi khá nhiều chùa khu vực phía bắc này, theo nhận xét của chị, chùa Bổ Đà vẫn giữ được nhiều nét cổ kính rêu phong và mang vẻ đẹp tĩnh mịch hoang sơ. Mỗi khi đặt chân vào khuôn viên chùa, không khi yên ả của nơi đây tạo cho con người cảm giác thư thái, bình yên.
Những ngày thường, chùa khá yên tĩnh, song đến dịp lễ hội du khách thập phương các nơi đổ về, quang cảnh tập nập chẳng kém chùa Hương. “Đông nhất phải kể đến 3 ngày lễ hội chính của chùa. Cả khu vực Bổ Đà rộng là thế mà lúc này chật kín những người là người, không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt lắm”, rồi chị nói tiếp: Đến chùa nhớ xin với sư chủ trì vào xem bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị. Chưa vào xem bộ kinh Phật này vẫn coi như chưa biết đến Bổ Đà đâu.
Vị sư chủ trì chùa Bổ Đà đi vắng, nằn nì mãi chúng tôi cũng được một sư về hạ trong chùa dẫn tới nơi để bộ kinh cổ và nghe kể về nguồn gốc bộ kinh.
Bộ kinh được các vị sư tổ và cũng là người xây dựng ra ngôi chùa này sáng lập nên, đến nay đã ngót 300 năm nhưng bộ kinh vẫn còn khá nguyên vẹn được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo. Sự điêu luyện của những bậc tiền bối khắc Kinh ở chùa Bổ Đà xưa có thể so sánh với những nét chạm khắc trên các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Tây) cùng thời.
Khi lập bộ kinh này, các vị sư tổ mong muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Hiện trong chùa vẫn lưu giữ gần 2000 tấm gỗ kinh được xếp trên 8 chiếc giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình khoảng 45cm, rộng 30cm và dày khoảng 2,5cm. Những tấm gỗ chép kinh được làm từ gỗ thị, một loại gỗ được trồng rất phổ biến tại vùng núi này, chống được mối mọt và bền với thời gian.
Bộ kinh khắc gỗ có nói đến những đặc trưng của Phật giáo khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế – 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật, gồm: Khổ Đế (chân lý về bản chất của nỗi khổ), Nhân Đế (là chân lý về nguyên nhân làm phát sinh của nỗi khổ), Diệt Đế (là chân lý về cảnh giới để diệt cái khổ) và Đạo Đế (chân lý về 8 con đường diệt khổ hay con gọi là bát chính đạo).
Bộ kinh Phật bằng gỗ này còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi…
Rời gian để bộ kinh cổ, chiều đã xuống muộn, ý định ghé thăm chùa Cao và những khu vực như ngọn đền Thượng, ngọn chùa Khảm… của chúng tôi đã không thành. Vâng, xin đành lỗi hẹn mà trong lòng cứ thấy bâng khuâng, Phía ngoài cổng chùa, một số các bà, các chị trong thôn Thượng Lát vẫn đang tranh thủ vào chùa thắp hương vãn cảnh chùa chiều…