Trang chủ Blog chùa Gần một vạn rưỡi người dự lễ cầu quốc thái dân an...

Gần một vạn rưỡi người dự lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Viên Quang

62

Sáng ngày 12 tháng giêng năm Bính Thân (nhằm ngày 19/02/2016) tại chùa Viên Quang (xã Nam Thanh – huyện Nam Đàn – tỉnh Nghệ An) đã long trọng diễn ra Đại lễ cầu an đầu năm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của gần 15 nghìn tín đồ Phật tử xa gần. Đặc biệt, nhiều vị Cán bộ Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh cũng đồng tham dự đại lễ này.

Quang lâm chứng minh và tham dự đại lễ có: TT.Thích Chân Quang – Phó trưởng Ban Kinh Tế Tài Chánh T.Ư GHPGVN; ĐĐ.Thích Quảng Bảo – Ủy viên thường trực – Trưởng Ban Văn Hoá PG tỉnh Nghệ An; ĐĐ Thích Hạnh Minh – Trụ trì Chùa Phổ Độ – Tp Hà Tĩnh; sư cô TN Tường Phổ – Trưởng Tổng Đạo Tràng Phật Quang; cùng Chư tôn đức Tăng Ni tại các chùa lân cận; Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang. Ngoài ra, còn có cư sĩ Nghiêm Nhân – Chánh văn phòng Ban HDPT T.Ư GHPGVN khu vực phía Bắc, Phó Tổng Đạo Tràng Phật Quang; cư sĩ Trí Bảo – Phó tổng thủ lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang cả nước; các Chúng Trưởng của các Đạo tràng thuộc Bắc – Trung – Nam; Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đà Nẳng,…

Về phía chính quyền cấp tỉnh và huyện có: ông Lưu Công Vinh – Phó Giám Đốc – Trưởng Ban Tôn Giáo Sở Nội Vụ, cùng các Ông, Bà Lãnh đạo – Chuyên viên Ban Tôn Giáo tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Lâm Sơn – Phó bí thư thường trực – Chủ tịch HĐND huyện, cùng các Ông Bà trong Ban thường vụ huyện uỷ, Ban dân vận huyện uỷ Nam Đàn; Ông Nguyễn Hồng Sơn – UV Ban thường vụ – Phó chủ tịch  thường trực, cùng các Ông Bà Trưởng các Phòng ban UBND huyện Nam Đàn; Ông Ngô Quang Hùng – Phó chủ tịch MTTQ, cùng các Ông, Bà đại diện các Ban ngành Đoàn thể, các tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp huyện Nam Đàn; các Ông, Bà nguyên là Lãnh đạo cấp tỉnh đã nghỉ hưu và Cán bộ cao cấp LLVT đã nghỉ hưu.

Toàn Ban thường vụ Đảng uỷ, thường trực HĐND, Chánh /Phó Chủ tịch UBND và các Ban nghành, Đoàn thể xã Nam Thanh; Đại diện UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đàn. Lãnh đạo xã Thanh Giang, Thanh Chương; Đại diện Ban hộ trì Phật Pháp tỉnh Nghệ An, Ban hộ từ các Chùa, Ban quản lý các Đền. Lãnh đạo các trường học, các Cơ quan đơn vị trên địa bàn, các Cơ quan báo chí, truyền hình.

Mặt dù, thời tiết đang rất lạnh, có mưa phùn nhưng đồng bào Phật tử không ngại đường xá xa xôi, đã đến tận chùa tham dự Lễ với một con số thật không thể ngờ. Đặc biệt, Ban Giám Hiệu trường THCS Nam Thanh (xã Nam Thanh) đã sắp xếp cho gần 200 em học sinh được nghỉ 2 tiết đầu để tham gia dự Lễ cầu An. Điều này cho thấy, đồng bào Phật tử ngày càng hiểu rõ hơn, có niềm tin sâu sắc vào đạo Phật, vào Tăng đoàn. Chùa Viên Quang đối với địa phương thật sự đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh, giáo dục đạo đức cho giới trẻ, nên đã tạo được sự đồng thuận đối với chính quyền địa phương cũng như đối với ngành giáo dục.  

Đi vào buổi lễ, khi 3 tiếng chuông vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả Hội chúng đồng hát bài Tổ Quốc Việt Nam và sau đó dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Trước khi tiến hành những nghi thức quan trọng của buổi Lễ, nói về ý nghĩa của lễ cầu Quốc thái Dân an, Thượng toạ cho rằng: Khi chúng ta về đây, trước Phật đài thiêng liêng làm lễ cầu Quốc thái Dân an có nghĩa là lòng của ta rất rộng mở. Chúng ta không chỉ nghĩ đến cá nhân, gia đình, xóm làng hay địa phương mình mà còn nghĩ tới cả đất nước Việt Nam thân yêu này. Chúng ta chỉ là gần hai vạn con người ở đây, nhưng tấm lòng của ta thay mặt cho gần một trăm triệu người dân Việt Nam để dâng lên Đức Phật, dâng lên Chư hiền Thánh những lời cầu nguyện cao thượng, thiết tha, vượt khỏi sự ích kỷ, tầm thường.

Vậy vấn đề xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước có phải là được đóng góp bằng những lời cầu nguyện như thế này hay không. Thật sự, nếu có con mắt đặc biệt gọi là thần nhãn cao siêu thì ta biết rằng: Thật ra thế giới không đơn giản như những gì ta nhìn thấy bằng con mắt thịt này. Thế giới vũ trụ đây phức tạp hơn rất nhiều so với những gì ta nhìn thấy.

Nhà khoa học kiệt xuất Einstein, ông nói: Trong vũ trụ này có những “Vật chất tối” tức là những phần vật chất mà ta không thấy được.  Chẳng hiểu Ông muốn nói điều gì nhưng từ câu nói đó, ngày hôm nay các nhà khoa học cho rằng: Phải chăng Einstein muốn nói đến thế giới của Chư thiên; thế giới của những người đã khuất (họ vẫn có cái cảnh giới, có sự tồn tại của họ). Và khi họ có cái cảnh giới có sự tồn tại của họ thì họ có một vật chất, có cái năng lượng. Đồng thời, cái vật chất năng lượng đó nó cũng tương tác với thế giới vật chất của chúng ta ở đây.

Còn Đức Phật thì khủng khiếp hơn nữa, Ngài nói rằng: Thế giới này, vũ trụ này có ba cõi sáu đường, những tầng trời chập chùng, cực kỳ tinh vi phức tạp mà sâu sa, vượt khỏi cái suy nghĩ bình thường của con người. Cho nên giữa con người và thế giới siêu nhiên hoàn toàn không hề có sự độc lập, ngăn cách mà vẫn có sự tương tác với nhau. Sự tương tác đó có khi rất bé nhỏ, ví dụ ta sống trong gia đình, rồi một vài cái vong lẫn khuất đâu đó tác động vào cuộc sống của chúng ta; và sự tương tác đó có khi rất lớn, ví dụ như vận mệnh của một đất nước đối với những vị thần thánh ở trên cao. Có những vị họ có công lớn đối với đất nước, cả một đời chỉ biết hy sinh phụng sự và cống hiến. Họ sống cao thượng thì dù không muốn, nhưng khi chết vẫn phải về những cõi cao, ta gọi đó là cõi thần hay cõi thánh.

Ví dụ: Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, tuy mất rồi nhưng giác linh Bác vẫn bàn bạt hết cả non sông này để tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, bảo vệ, giữ gìn cho đất nước ta. Mà không riêng gì Bác Hồ, tất cả những vị Cán bộ lão thành, những vị quan chức của đất nước, chết rồi không hề mất, các vị đó vẫn còn canh cánh trong lòng trách nhiệm, tình yêu thương đối với đất nước. Tuy nhiên, tấm lòng của các vị đó đối với đất nước này cũng lệ thuộc vào tấm lòng của những người còn sống đây. Dịp này, Thượng toạ giải thích sự tương tác, cảm ứng với những vị thần thánh ở trên cao là  thế nào và khẳng định rằng “Con mắt ta nhìn thua con mắt của các vị thần thánh rất nhiều”.

Những ngày đầu năm thế này, trong không khí thiêng liêng của tết cổ truyền dân tộc, lúc mà con người đang hướng về những điều nghĩa tình, văn hóa, tâm linh thì ta ngồi lại đây với nhau, cùng dâng lời cầu nguyện thiết tha: Cầu cho quê hương ta bình yên; hạnh phúc; phát triển, cầu cho nhân dân ta ấm no; hạnh phúc; yêu thương; đoàn kết; hòa hợp. Với tấm lòng như thế, thực sự ta lay động được trái tim của thần thánh ở trên cao. Và chính những điều đó mới đủ lực để hỗ trợ, phù hộ, gia hộ cho đất nước ta được mọi điều an bình, thịnh vượng.

“Phù hộ” là sao? Để hiểu điều này, Thượng toạ đưa ra hàng loạt ví dụ điển hình cho thấy có những cái may mắn nhưng rõ ràng không phải do tài năng con người mà do cái gì đó rất bí mật và họ tin có sự mầu nhiệm của thần thánh ở trên cao.

Còn chúng ta tin Phật, chúng ta hiểu được nhân quả, hiểu về cõi giới, hiểu về sự tương tác giữa con người với thần thánh… Mình có lòng tin nên mỗi năm chúng ta thay mặt cả trăm triệu đồng bào Việt Nam dâng lên Đức Phật cùng Chư thiên, thần thánh, dâng lên anh linh của những vị lãnh đạo sáng suốt cao cả của đất nước đã mất, dâng lên những vị anh hùng liệt sĩ đã đổ xương đổ máu vì đất nước này, bằng tất cả những tấm lòng biết ơn tha thiết và cầu xin các Ngài hãy vui vì còn đây những con người Việt Nam có lòng yêu đất nước, quyết giữ gìn, kế thừa công lao sự nghiệp mà quý vị đã để lại. Đồng thời, chúng ta nguyện lòng sẽ không sống tầm thường ích kỷ, mà luôn sống một đời xứng đáng, cống hiến, dựng xây cao cả. Trong đó, từng ngày chúng ta cố gắng hoàn thiện đạo đức bản thân mình, và dắt nhau cùng tu dưỡng để hoàn thiện nội tâm, để cùng xây dựng quê hương mến yêu này, để cho Việt Nam một ngày nào đó hùng mạnh thịnh vượng, và ta đóng góp vào sự nghiệp xây dựng hòa bình hạnh phúc cho cả thế giới này.

Ngày hôm nay có thể chúng ta còn vất vả để xây dựng đất nước, nhưng tấm lòng của chúng ta, tấm lòng của những người Việt Nam cao cả, chúng ta không chỉ dừng lại ở đất nước này. Chúng ta cầu quốc thái dân an cũng chỉ là một cách nói, chứ tâm hồn, tình yêu, trái tim của chúng ta yêu cả năm châu bốn biển. Chúng ta làm bạn với thế giới và chúng ta cũng yêu cả thế giới này.

Nhưng trước khi có thể nói lời yêu thương thế giới, trước khi có thể đóng góp thật sự vào hòa bình thế giới, chúng ta phải xây dựng, phát triển đất nước mình trước và bắt đầu từ ý niệm thầm kín nhất trong tâm hồn mình, bắt đầu từ lời cầu nguyện dâng lên Đức Phật, dâng lên chư thiên, các vị thần thánh, dâng lên anh linh của các vị anh hùng dân tộc.

Do vậy, ngày hôm nay chúng ta rất ấm lòng khi thấy các Vị lãnh đạo của tỉnh Nghệ An, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã đã về đây dự buổi lễ tâm linh thiêng liêng này. Qua đó, chúng ta hiểu rằng, nơi đất nước mà các Vị lãnh đạo và nhân dân ta cùng chung một tấm lòng yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu đất nước và kính ngưỡng lên Đức Phật, kính ngưỡng lên các vị thần thánh, các vị anh linh của dân tộc thì còn hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này.

Chúng ta đi qua một kiếp người quá vất vả, và Thượng toạ đã chứng minh cho thấy sự vất vả này đi qua từ tuổi thơ cho đến tuổi trưởng thành, đến tuổi trung niên và đến tuổi già … cả cuộc đời chúng ta chưa bao giờ hết áp lực đè nặng lên trong lòng mình, tâm mình chưa bao giờ bình yên được hết.

Cứ thế, trong vô lượng kiếp, ta cứ sinh ra trong cuộc đời này, sống lớn lên theo cái nghiệp của mình, có người giàu sang vinh quang, có người nghèo hèn khổ sở… rồi ai cũng chết. Chết rồi, theo cái nhân quả của mình lại đầu thai qua kiếp khác. Ai hiểu được điều này thì thấy rằng: Ta đừng khờ dại, sống vô tư, sống cạn cợt trong từng giây phút của cuộc sống, bởi vì từng giây phút trong cuộc sống đều là cơ hội để chúng ta đi qua kiếp người này xứng đáng, tốt đẹp hơn. Chúng ta tiến lên chứ không phải để thả trôi, thậm chí có khi bị tụt xuống. 

Chúng ta chỉ hạnh phúc khi trước ngày nhắm mắt, ta thấy rõ ràng cả một cuộc đời mình biết tu dưỡng, biết cống hiến. Như vậy ta đã tiến lên thêm một nấc thang trên sự tiến hóa của vũ trụ.  Câu nói “Nấc thang trên sự tiến hóa của vũ trụ – không có nghĩa là ta biến thành một loại người khác, mà chính cá nhân của chúng ta, ta tiến trên bốn điều: Một là đạo đức ta tốt hơn lúc ta mới ra đời. Phải làm sao khi ta già rồi tất cả mọi người nhìn ta phải cực kỳ kính trọng vì nhân cách, phẩm hạnh, đạo đức của mình. Đó điều thứ nhất ta phải tiến bộ khi đi qua kiếp người vất vả này.

– Thứ  hai là trí tuệ ta cao hơn, tức những hiểu biết, những cái nhìn của ta đối với con người, đối với thế giới này phải mở rộng ra, phải thấu suốt hơn chứ không phải non cạn như là lúc ta còn trẻ được nữa.

– Thứ  ba là công đức ta gây tạo được nhiều hơn, tức là khi ta nhìn lại mình thì rõ ràng trong một kiếp sống vừa qua, ta đã cống hiến rất nhiều cho cuộc đời, ta đóng góp hết mình và cả những điều không phải trách nhiệm của ta, ta vẫn làm hay vận động mọi người cùng làm.

– Thứ tư là cảnh giới tâm linh ta đạt được sẽ cao hơn. Chiều cao của vũ trụ này được đo bằng tâm linh chứ không phải đo bằng những cái vật chất. Cứ một ngày đi qua, cứ một kiếp sống đi qua, cái cõi giới tâm linh ta chứng đạt được phải cao dần… cao dần lên. Mục tiêu của đạo Phật, của Đức Phật dạy ta là phải đạt được sự tuyệt đối tột cùng của tâm linh. Đó gọi là chứng ngộ, gọi là niết bàn, là giải thoát. Nhân đây, Thượng toạ lý giải “Sự chứng ngộ tuyệt cùng tuyệt đối trong tâm linh” là thế nào. Sau cùng, Thượng tọa cũng nói qua Thiền đem lại sự chứng ngộ tâm linh ra sao. Đó là toàn bộ nội dung bài Pháp thoại của TT.Thích Chân Quang tại chùa Viên Quang nhân đại lễ cầu Quốc thái Dân an, nhằm giúp mọi người phải phấn đấu, tích lũy, rèn luyện để không uổng phí khi đi qua một kiếp người.

Ôi! những lời dạy chân thành của Thượng tọa đã làm xúc động bao trái tim của quý thiện nam tín nữ Phật tử đang hiện diện trong Pháp hội. Ai cũng cảm thấy lòng mình thật thanh thản, vui tươi, phấn khởi và có thêm động lực hơn trong năm mới.

Tiếp theo, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo Phật tử, các vị đại diện Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện thật gọn nhẹ, nhưng có nhiều ý nghĩa thiết thực do TT Thích Chân Quang biên soạn.

Một nghi thức làm Lễ, bao gồm: Đọc lời kỳ nguyện, hát Khúc Tán Ca Tôn Kính Phật, đảnh lễ Tam bảo, tụng Kinh từ bi sám hối, tụng Sám cầu Quốc thái Dân an, cúng Quốc tổ, cúng thí thực, phục nguyện, v.v…

Theo đó, tại Lễ đàn, ĐĐ.Thích Quảng Bảo làm chủ lễ thành tâm khấn: 
– Kính lạy thần uy của Quốc tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước.
– Kính lạy thần uy của các vị Vua thánh triết anh minh suốt các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và Hồ Chí Minh.
– Kính lạy thần uy của các vị quan tướng hiền tài trung nghĩa suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.
– Kính lạy thần uy của các anh hùng tài giỏi cang cường xã thân vì Nước suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

Chúng con gồm những Tăng Ni Tu sĩ, các Lãnh đạo chính quyền tận tụy, các Phật tử thuần thành, quần chúng nhân dân nhiệt tâm khắp nơi câu hội về đây dâng chút phẩm vật và hương hoa lễ tế lên Mười phương Tam bảo, Chư Phật – Chư Bồ tát – Hiền Thánh Tăng, dâng lên thần uy của Quốc tổ và các hiền tài Thánh quân đã làm nên hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chúng con dâng trọn lòng thành cung kính, ngưỡng nguyện trên Tam Bảo và thần uy của Quốc tổ gia hộ cho đất nước này, cho tất cả chúng con trong năm mới có được nhiều thuận duyên, tránh được nhiều tai kiếp, vượt khỏi những chướng ngại, đạt đến những thành công.
………………… 
Xin cho người Việt Nam chúng con biết yêu quý nhau, giúp đỡ đoàn kết nhau, tất cả chung tay xây dựng một Việt Nam đàng hoàng giàu đẹp để còn góp sức cho hòa bình của thế giới. Xin cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ cao siêu, thoát được trầm luân sinh tử.

Kế đến, trong bài Sám cầu Quốc thái Dân an với những ngôn từ thật cảm xúc, bao hàm ý nghĩa trưởng dưỡng đạo đức tâm linh cho người Phật tử  khi đến với Lễ đàn cầu nguyện đầu năm và đây còn là cơ hội để mọi người vun đắp, xây dựng, giữ gìn tình yêu nước.

Đặc biệt, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, toàn bộ các Vị lãnh đạo từ cấp tỉnh đến xã đều tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ. Hình ảnh các vị Cán bộ lễ lạy Tổ tiên để cầu nguyện các vị Quốc tổ phù hộ cho Tổ quốc Việt Nam, khiến cho hàng nghìn người nhìn thấy thật sự cảm động.

Thiết nghĩ, với lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh, được bình an.

Sau đó, nhà chùa không quên thực hiện tục lì xì ngày tết. Tất cả mọi người đều hân hoan đón nhận một phong bao lì xì từ tay quý thầy, trong đó gửi gắm biết bao lời chúc tốt lành, tràn đầy đạo lý trong năm mới.

Kết thúc buổi lễ, nhà chùa đã tổ chức quy y cho hơn 200 thiện nam tín nữ tại Chánh điện.

Tóm lại, buổi Lễ thành công ngoài sức mong đợi của Ban Tổ Chức. Đây không chỉ là buổi cầu Quốc thái Dân an mà còn là dấu mốc ghi nhận sự hồi phục, phát triển của Phật giáo Nghệ An; là lời tri ân sâu sắc đến các cấp Lãnh đạo, các Phật tử, các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ, cúng dường để nhà chùa có thể hoàn thành tốt công tác Phật sự, tổ chức thành công buổi lễ Cầu an này. Nhân đây, Ban Tổ Chức cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người nhân dịp năm mới./. 

Xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được: