Trang chủ Tin tức Gần 10.000 người dự khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm...

Gần 10.000 người dự khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (cập nhật ảnh)

191

Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã quang lâm chứng minh, chủ trì Đại lễ.


Chư Tôn đức cung nghênh Đức Pháp chủ quang lâm

Đồng tham dự còn có chư Tôn đức Hòa thượng Thường trực HĐCM: HT Thích Thanh Sam, HT Danh Nhưỡng, HT Thích Đức Nghiệp…; Chư Tôn đức Thường trực HĐTS: HT Thích Thanh Tứ, HT Thích Trí Quảng, HT Thích Thiện Nhơn, HT Dương Nhơn, HT Thích Giác Toàn, TT Thích Thanh Nhiễu, TT Thích Bảo Nghiêm, TT Thích Quảng Tùng, TT Thích Gia Quang, HT Thích Trí Tâm, HT Thích Thiện Duyên, TT Thích Thanh Duệ, ĐĐ Thích Tiến Đạt, ĐĐ Thích Đức Thiện, ĐĐ Thích Minh Tiến … cùng hơn 2.000 chư Tôn đức Tăng Ni từ khắp nơi trong nước và ngoài nước cùng vân tập.

Về phía khách mời có: Bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN, Ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng – Chủ nhiệm UB về người VN ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, Ông Vũ Hồng Khanh – Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội … cùng đông đảo đại diện Phật giáo 1 số nước; các Bộ, Ban ngành TW và Hà Nội; Đại diện các Đại sứ quán, Đoàn ngoại giao, các Tôn giáo bạn, các nhân sĩ trí thức, các nhà doanh nghiệp, các phóng viên báo chí, thông tấn. Đặc biệt có 150 đại biểu Việt kiều đồng tham dự.

Nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng CSVN Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

ĐĐ Thích Minh Tiến và BTV Đài THVN Quang Minh cùng dẫn chương trình Đại lễ.

Sau nghi thức cử quốc ca chào Quốc kỳ, cử Đạo ca chào Phật kỳ, niệm hồng danh Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật và 1 phút nhập từ bi quán tưởng niệm chư vị tiền nhân hữu công đã khuất, ông Nguyễn Thanh Sơn đã có lời phát biểu chào mừng.

Tiếp theo, HT Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TWGHPGVN đã tuyên đọc diễn văn Đại lễ Phật giáo chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


HT. Thích Thiện Nhơn tuyên đọc diễn văn khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Mục đích cao cả của Đại lễ được Diễn văn chỉ rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân có tín ngưỡng Phật giáo thuộc các dân tộc Việt Nam, hội tụ tại Hoàng Thành Thăng Long lịch sử để sửa soạn lễ nghi, cử hành Đại Lễ tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cầu nguyện quốc thái dân an hùng cường vững mạnh, thế giới hoà bình, người người an lạc”.

Nhắc lại quá khứ huy hoàng của thời đại  Lý – Trần và vai trò của Phật giáo đương thời, diễn văn khẳng định: “Trong 216 năm triều Lý, 175 năm đời Trần, kinh đô Thăng Long rực rỡ huy hoàng tráng lệ, phong quang, no ấm, dân giàu, nước mạnh về mọi mặt: Văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng được củng cố và có hướng phát triển về phía Nam và biển Đông. Với bối cảnh đất nước như trên, Phật giáo thời Lý, thời Trần được coi trọng như là tôn giáo của dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt quang vinh, huy hoàng dưới ánh sáng từ bi, trí tuệ, bình đẳng của giáo lý Phật Đà”.

Khẳng định sự gắn bó của Dân Tộc với Phật giáo như là 1 quy luật, diễn văn khái quát: “Bao thăng trầm của lịch sử, biết bao sự biến thiên của thời cuộc, của vận nước, nhưng đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là một, trong thế đứng vững vàng, an nguy có nhau, chung sức chung lòng, dựng nước và giữ nước, giữ gìn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.”

Với truyền thống từ bi, bình đẳng, vận dụng ở nước ta – một quốc gia có quá nhiều can qua, diễn văn bày tỏ khát vọng: “Với truyền thống hiếu hoà và giải thoát, lấy ân báo oán của giáo lý Đức Phật, với truyền thống bang giao hữu hảo, khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai tốt đẹp, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giới Tăng Ni, Phật tử cả nước nhất tâm cầu nguyện siêu thoát đến tất cả các chân linh, chiến sỹ trận vong, đồng bào cơ cận, tử nạn, những quân nhân các nước đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây được siêu đăng nơi Phật quốc và cung tiễn chân linh quý vị được đoàn tụ về với gia đình nơi Quý Quốc”.

Tiếp theo, TT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Trị sự THPG Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ đã tuyên đọc Văn tưởng niệm Công trạng của Đức vua Lý Thái Tổ, các Quốc sư, Thiền sư nhân Đại lễ Phật giáo chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


TT. Thích Bảo Nghiêm tuyên đọc Văn tưởng niệm Công trạng của Đức vua Lý Thái Tổ, các Quốc sư, Thiền sư

Nhìn lại thời điểm lịch sử 1.000 năm trước, Văn tưởng niệm hồi cố: “Với tầm nhìn chiến lược và lâu dài, có liên quan đến điều kiện phát triển địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng … cho nên, vua Lý Thái Tổ khi lên ngôi được 10 tháng, đến tháng 8 năm Canh Tuất (1010), Ngài quyết định dời đô về thành Đại La. Nội dung Chiếu Dời đô có đoạn: ‘Thành Đại La ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Đại Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời‘”.

 

Văn ôn lại kinh nghiệm lịch sử thời Lý,  như nhắn nhủ chúng ta hôm nay: “Bằng tinh thần từ bi, bình đẳng, khoan dung, độ lượng của Phật giáo, tam giáo hài hòa đồng hành phát triển, nên từ vua quan đến dân chúng đều đượm nhuần tư tưởng Phật giáo, là điều kiện phát triển và sinh hoạt xã hội theo định hướng chung của đạo Phật. Xã hội thời Lý, là xã hội thuần nhất, đạo đức, hướng thiện, ổn định và hòa bình thực sự có một không hai trong lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.”

 

Văn khẳng định vai trò lịch sử của các bậc Tổ sư: “Có được công cuộc cải cách, đổi mới và phát triển đất nước Đại Việt bấy giờ đạt đến đỉnh cao như thế phải nghĩ đến công đức của các vị Quốc sư là cố vấn của triều đình, đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh.

Văn điểm lại sự thăng tầm của lịch sử và khẳng định vị trí của Thăng long – Hà Nội: “Trải qua các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, đến ngày nay, Thăng Long – Hà Nội, vẫn tiếp tục là nơi hội tụ và lan tỏa sức sống muôn đời của Tổ tiên, của các vị tiền bối hữu công đối với đất nước và dân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam, trung tâm văn hóa của cả nước luôn luôn phát triển không ngừng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử hồn thiêng sông núi oai hùng : ‘Nhớ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long’”.

Tiếp theo, Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, chư Tôn đức Hòa thượng Thường trực HĐCM, Đại diện chư Tôn đức Thường trực HĐTS, bà Trương Mỹ Hoa, ông Nguyễn Bá Trình, Ông Nguyễn Thanh Sơn, Ông Nguyễn Hồng Khanh … thay mặt toàn thể Đạo tràng đã làm lễ dâng hương bạch Phật, tưởng niệm Anh linh các Quốc vương, các bậc Danh tăng và các bậc tiền nhân hữu công đã khuất. HT Thích Trí Tâm – Trưởng ban nghi lễ Trung ương cử hành khóa lễ.


Chư Tôn đức và quan khách dâng hương tưởng niệm

ĐĐ Thích Tiến Đạt – Phó Ban tổ chức Đại lễ thừa ủy quyền của chư Tôn đức đã tuyên đọc Trạng văn cầu Quốc thái dân an.


Đại đức Thích Tiến Đạt tuyên đọc trạng văn cầu Quốc thái dân an

Cũng tại Đại lễ, TWGHPGVN đã trao tặng quà từ thiện trị giá hơn 1 tỷ đồng cho các đối tượng nan khó theo tinh thần từ bi bình đẳng của Đức Phật.

Nhân dịp này, đại diện Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản đã trao tặng quà lưu niệm.

Đại lễ đã hồi hướng bế mạc thành tựu viên mãn trong tinh thần đại hoan hỉ, đại hòa hợp thắm tình đạo vị vào lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày.

Các hoạt động của tuần lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ được tiếp diễn đến hết ngày 2/8/2010.

Phattuvietnam.net xin giới thiệu video (xin xem tại cột bên phải trang web) và hình ảnh của buổi lễ:

Tình nguyện viên hướng dẫn phía bên ngoài Hoàng Thành

Qua cổng an ninh

Phật tử dự lễ trong đàn Dược Sư

HT. Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch HĐTS quang lâm đạo tràng dự Đại lễ

Đức Pháp chủ quang lâm trong sự cung nghênh của chư Tôn đức Tăng Ni

Chư Tôn đức niệm Phật cầu gia bị

Quan khách, đại biểu niệm Phật cầu gia bị

Đại đức Thích Minh Tiến, BTV Quang Minh dẫn chương trình

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự phát biểu khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội

TT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự THPG Hà Nội, Trưởng ban Trị sự THPG Hà Nội đọc Văn tưởng niệm công trạng của Đức vua Lý Thái Tổ, các vị Quốc sư, Thiền sư

Chư Tôn đức, quan khách dâng hương Tưởng niệm

Đại đức Thích Tiến Đạt tuyên đọc trạng văn cầu quốc thái dân an