Trang chủ Văn học Tùy bút Em nên đi tu hay lấy chồng?

Em nên đi tu hay lấy chồng?

147

Em thương mến!

Sau một tuần đi công tác, tối qua tôi mới có thời gian để kiểm tra hộp thư điện tử. Tôi đã nhận được thư của em, với những dòng tâm sự rất thật, tôi hiểu được những băn khoăn và lo âu em đang gặp phải. Em đang đặt ra câu hỏi: “Em nên đi tu hay lấy chồng? ” phải không em?

Sao nhỉ, tôi cũng là người đã từng trải qua những tháng ngày “ngột ngạt”, những cung bậc cảm xúc, những nỗi khúc mắc…nói chung, đọc xong thư của em, tôi biết em giống tôi như hồi nào. Vì vậy, tôi dễ cảm thông và chia sẻ với em hơn.

Tôi hiểu, em đang đứng giữa nga ba đường đời. Em đang phải lựa chọn việc đi xuất gia hoặc lấy chồng, với độ tuổi gần 30 việc này không thể kéo dài hơn được nữa.

Vì thế, tôi hiểu được nỗi khó, nỗi khổ của em khi chưa quyết đoán và dũng mãnh để chọn cho mình một con đường.

Em ạ!

Với tư cách là người đã từng nếm trải những “mùi vị” đó, tôi có thể chia sẻ với em như thế này. Tôi không mong muốn em phải hiểu hết những ý tôi muốn gửi đến em, chỉ mong đọc xong những chia sẻ của tôi, em sẽ mỉm cười và quán chiếu lại để tự lựa chọn cho mình một con đường duy nhất khi mà thời gian đang không chờ đợi em hay bất cứ ai.

Xuất gia ư?

Nhiều người bảo đó là một con đường đẹp nhất, thênh thang nhất,…Bởi suốt năm tháng thường sống trong thiền môn, làm bạn với kinh sách, với chuông, mõ…với những bữa cơm thanh đạm, dưa cà; với những bộ quần áo nâu sòng giản dị, mộc mạc…Nói chung là không vướng bận bụi trần thế tục…Em có nghĩ như vậy không em?

Tôi đã và đang sống trong chùa, sống trong môi trường của người tu hành, có lẽ tôi hiểu biết hơn em một chút. Thực ra, những gì “người ta” nói cũng đúng nhưng mà bây giờ cuộc sống và môi trường xã hội có nhiều phức tạp. Tất cả những gì tạm gọi là phức tạp ấy có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người tu, em ạ. Có những việc người tu không muốn làm vì có thể nó không đúng với lời Phật dạy nhưng vì phương tiện độ sinh, không thể không làm.

Nhiều người khi mới đi tập sự xuất gia, tâm Bồ Đề lớn lắm nhưng khi vào chùa tập sự một thời gian, sau đó xuống tóc thành chú tiểu rồi thì cái tâm đó không còn được thánh thiện, lớn mạnh như ban đầu. Bởi khi bước vào thực tế, khi mình sống hẳn với cuộc sống người tu thì mình mới nhận ra được nhiều điều mà trước đây ở ngoài mình chưa quán chiếu và nhìn nhận được. Cuộc sống mà em, khi mình trải qua thì mới thấy nhìn và nhận ra được nó như thế nào em ạ.

Ở chùa, tôi thấy niềm vui cũng có, nỗi buồn cũng có…Tiếc là không có nhiều thời gian nên tôi không thể kể hết cho em nghe chi tiết được nhưng mọi cái đều đan xen nhau, điều gì cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với ai, em ạ. Vì vậy, theo tôi cuộc sống trong chùa đòi hỏi mình luôn phải có chính niệm, sống tỉnh thức và mỉm cười trước những cung bậc đó. Tu là nhẫn, là sửa đổi mình…Nhưng nói vậy thôi chứ làm được những điều này quả thật là rất khó, nhất là những người mới tập tu phải không em?

Còn xuất giá ư?

Việc này, tôi chưa từng trải qua nên tôi khó có thể chia sẻ với em nhưng em ạ, tôi hay em đều sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Chúng ta có thể nhìn nhận được cuộc sống gia đình như thế nào rồi không em?

Chúng ta cũng như cha mẹ, khi lập gia đình thì phải sinh con, nuôi con ăn học, kiếm tìm việc làm rồi dựng vợ, gả chồng cho các con. Trong suốt quá trình đó, kéo dài khoảng mấy mươi năm và tất nhiên điều gì cũng có thể xảy ra đan xen với nhau. Đó chính là những cung bậc cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau…Bổn phận, nghĩa vụ của chúng ta ngày càng tăng lên.

Lập gia đình, chúng ta luôn phải sống hài hòa và làm tròn bổn phận của mình. Như vậy mới tròn đạo, hiếu. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng, nếu êm ấm thì không sao nhưng khi “cơm không lành, canh không không ngọt” thì sẽ có nhiều phiền não xảy đến, và thông thường người phụ nữ sẽ chịu thiệt thòi hơn…

Em à!

Tôi chỉ có thể chia sẻ với em ngắn gọn như vậy được thôi. Tất cả những gì tôi nói ở trên, tôi mong em hiểu rằng: Cuộc sống của người xuất gia hay xuất giá đều có những niềm vui, nỗi buồn nhất định. Không bên nào, chỉ có niềm vui mà không có nỗi buồn và ngược lại.

Điều quan trọng nhất, dù sống ở đâu thì hãy sống đúng với con người thật của mình. Hãy luôn nhìn nhận sự việc, hiện tượng bằng con mắt hiểu và thương, với những quán chiếu sâu và rộng. Nếu xảy ra những chuyện không vui thì hãy đối mặt với sự thật, đừng chạy trốn và nhất định phải có thái độ sống tích cực. Còn nếu gặp những chuyện vui, cũng đừng nên đắm chìm lâu trong đó nhé, dễ đánh mất thực tại lắm đấy…

Em cũng đừng băn khoăn việc nếu đi xuất gia em sẽ là người bất hiếu với cha ẹm nhé. Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức  thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.

Thôi nhé, chúc em sẽ tỉnh táo và dũng mãnh để lựa chọn cho mình một con đường đi duy nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu đã chọn được rồi thì hãy bước những bước đi thật vững chãi, an lạc.

Hãy luôn sống bằng tình thương, em nhé!

Namo Amitabha!