Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay Em gái Trịnh Công Sơn trổ tài nấu cỗ chay

Em gái Trịnh Công Sơn trổ tài nấu cỗ chay

106

Không chỉ có kiến thức thuộc đẳng cấp cao về văn hóa ẩm thực, Hoàng Diệu còn có một đam mê đến mất ăn mất ngủ là tạo mốt áo dài theo cốt cách bà hoàng, tiểu thư cung đình Huế.

Mới đây, người viết bài này còn chứng kiến Hoàng Diệu tự tay vào bếp chế biến các món chay của bữa tiệc buffet do một người bạn nhờ chị làm cho lễ đính hôn của một người con trong gia đình.

Thiên hạ thường thấy chị duyên dáng tươi tắn trước công chúng, trong các buổi giao tiếp, trong các chương trình giới thiệu thời trang áo dài của chị, nhưng ít ai tận mắt chứng kiến Trịnh Hoàng Diệu tay cầm đũa, tay xóc chảo với nét mặt bình tĩnh luôn hồng lên bên bếp.

Thừa hưởng tài nấu nướng của mẹ, ngày xưa mẹ nấu chay rất ngon. Chị cười rồi nói: “Ngày còn nhỏ, hôm nào thấy mẹ ăn chay là anh Sơn cũng ăn theo, thấy anh Sơn ăn chay là mấy đứa em gái cũng ăn theo anh luôn”. 

Từ thời nhà Nguyễn, Phật giáo được tôn là quốc giáo chính của đất Việt nên các đầu bếp của triều đình, các phu nhân của các vị quan không thể không biết nấu món chay. Do vậy ít người Huế nào là không biết đến các món ăn chay. Ăn chay đã đi vào tâm thức của mỗi gia đình, trải qua quá nửa thế kỷ đã in đậm rất sâu bản sắc văn hóa ẩm thực chay trong đời sống xứ Huế. 

Trịnh Hoàng Diệu đã may mắn là một cô gái Huế, nay đã ở cái tuổi mệnh phụ, chị không hề thấy mình có tuổi. Mỗi món chay của chị chế biến xong bày ra đĩa là trở thành một tác phẩm biết nói, giầu ngôn ngữ nghệ thuật ẩm thực chay từ những thực phẩm tươi do chính chị ra chợ lựa chọn và qua bàn tay chế biến của chị nó đã thăng hoa lên thành tên gọi của cuộc sống. Ẩm thực muôn đời không cũ trong kho tàng ẩm thực Việt Nam trong đó có ẩm thực chay, nó luôn được cất cánh từ những bàn tay có kỹ năng chế biến lưu lại cho con cháu biết bao thế hệ sau.

Là một lễ đính hôn chỉ có hai họ nhà trai, nhà gái và một số bạn bè thân tín nên Hoàng Diệu chỉ nấu 10 món với chủ đề “Bầu ơi thương lấy bí cùng” trong tiệc buffet chay này, nhưng tên các món ăn chuyển tải những nét dân tộc từ nguồn cội xa xôi luôn tươi mới trong nếp gia đình mà đời ông bà xưa thường gọi là “gia phong”. Một nếp sống mà không một thành viên nào trong gia đình tự cho phép mình quên lãng trong đường đời.

Khi thưởng thức nó người ta cảm nhận những vị lạ mà chị đã gởi gấm trong món ăn. Ăn để nhận ra điều gì đó giá trị hơn từ những món chay, đặc biệt là những món chay trong một tiệc buffet đính hônh sẽ được người thưởng thức mang theo cảm xúc ấy có thể là suốt đời.   

Món ăn ngon là một phần, điều đáng trân trọng hơn là phong cách bài trí trong buổi đính hôn. Hoa tươi độc tôn hai loại: Nhất hoa sen, nhị cát tường. Từ bàn thờ cửu huyền thất tổ, bàn tiếp khách cho đến cổng ra vào tươi thắm một màu hồng hoa sen trong tiết thu của đất Sài Gòn, dạo lên bao cung bậc về tâm hồn người Việt có trí tuệ đã biết khắc họa rất rõ phong cách văn hóa Việt của dân tộc mình.   

N.T.N.T