Trang chủ Tuổi trẻ Duyên lành của một chuyến đi đỉnh lễ Đức Pháp chủ

Duyên lành của một chuyến đi đỉnh lễ Đức Pháp chủ

165

Trong không khí ngột ngạt do cái nắng đến cháy da của những ngày đầu hè, trong lúc các bạn học sinh lớp 12 đang căng thẳng chuẩn bị cho hai cuộc thi quan trọng sắp tới gần, thì các bạn trẻ và các em thiếu nhi trong đoàn thanh niên phật tử Trần Thái Tông – Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, bất ngờ đón nhận một niềm vui lớn khi được tham gia vào đoàn thanh niên Phật tử thủ đô về đỉnh lễ đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tại chùa Ráng, Phú Xuyên, Hà Nội.

Chuyến đi này càng đặc biệt có ý nghĩa với các em thiếu nhi tham gia đoàn khi chuyến đi chỉ cách ngày 1/6, ngày quốc tế thiếu nhi, chỉ đúng hai ngày. Quả là một món quà hiếm có mà không phải bạn nhỏ Việt Nam nào cũng có cơ hội nhận được.

Cần phải nói thêm rằng, Đức Pháp chủ năm nay đã 95 tuổi, là một trong số những bậc long tượng đức cao vọng trọng còn trụ thế của nước nhà. Việc gặp được Ngài là một niềm vinh dự lớn mà bất cứ người Phật tử nào cũng mơ ước.

Đoàn người xuất phát từ chùa Bà Đá, Hà Nội với gần 100 người ngồi chật cứng trên hai xe ca lớn. Dù trời nắng nóng, lại phải chen chúc trên xe nhưng không ai cảm thấy khó chịu bởi vì trong lòng mọi người đều chỉ nghĩ đến duyên lành lớn lao mà mình sắp được gặp.

Hầu hết mọi người mới chỉ nghe danh Đức pháp chủ, được thấy người trên tivi, báo đài, internet và qua những lời thuyết giảng được người khác truyền tụng lại, nên ai cũng háo hức nghĩ về cuộc gặp sắp tới.

Ngồi trên xe mọi người bàn luận sôi nổi, đương nhiên chủ đề chính là về Đức pháp chủ. Ai ai cũng cho rằng, ở tuổi 95, hẳn người đã già yếu lắm, thậm chí không ít người tưởng tượng đến một cụ già chỉ có thể ngồi một chỗ trong một căn phòng kín gió để tiếp khách.

Vậy nên, khi nghe Tiến sĩ Huệ Minh Lê Minh Nghĩa, một người may mắn có duyên được làm đệ tử của Đức pháp chủ kể rằng, đến năm 80 tuổi “cụ” vẫn còn… đi cầy, ai cũng ngạc nhiên.


Dù trời nóng bức, xe chật chội nhưng ai cũng háo hức, vui vẻ.


Kết dây thân ái trên xe


 Anh tiến sĩ… đang tự hào kể về người thầy của mình
.

Khi những câu hỏi và những thắc mắc về người còn chưa dứt, thì xe đã đến nơi. Từ xa xa, mọi người đã thấy, quả đúng như lời kể, ngôi chùa nằm giữa cánh đồng hoang vu, xung quanh chỉ có ruộng lúa và những hàng cây bụi bị con người “ép” cho ngay hàng thẳng lối.

Kia kìa, và kia nữa, có lẽ là cánh đồng mà ngày xưa chính Đức Pháp chủ đã dắt trâu đi cày. Như được chứng kiến những di tích sống, lòng ai cũng thấy nao nao. Thôi thì trăm nghe không bằng một thấy, mọi người tạm gác những câu chuyện còn giang dở lại để xuống xe chuẩn bị vào chùa.



Ngôi chùa nằm giữa ruộng lúa.

Có thực mới vực được đạo, lúc này đã là quá trưa, nên việc đầu tiên là phải xúm vào giúp nhà chùa làm cơm. Cũng may là mọi việc được lên kế hoạch cẩn thận, nên chỉ ít phút sau một bữa cơm chay tinh khiết nhưng cũng không kém phần thịnh soạn bày ra.


Đại đức Thích Thông Tánh đang phổ biến kế hoạch. Việc đầu tiên là phải giúp nhà chùa nấu cơm đã!

Góc Nhìn, một người theo đi theo đoàn với tư cách khách mời kiêm thợ chụp ảnh. Lần đầu tiên “buộc” phải ăn cơm trên chùa, nên ngay từ khi mới bắt đầu khởi hành, Góc Nhìn đã tự hỏi không biết liệu mình có “chịu nổi” không, hay là trốn đoàn ra ngoài làm bát phở gà cho thoải mái.

Tuy nhiên, khi đến nơi, Góc Nhìn hiểu rằng chẳng thể nào tìm ra một quán thức ăn nào ở giữa chốn “đồng không mông quạnh” này. Tất nhiên giải pháp duy nhất còn lại là ăn cơm chay giống mọi người.

Khi những liễn cơm trắng như bông bê ra, Góc Nhìn trầm trồ, mọi người trầm trồ. Chưa ai, đặc biệt là Góc Nhìn và các chú lái xe, hiểu vì sao nhà chùa có thể làm được những liễn cơm trắng đẹp như vậy.

Sau cơm, thức ăn cũng lần lượt được bày ra. Một mâm cơm gồm có dưa, đậu phụ, rau bầu, một bát canh và một món rất đặc biệt mà thoạt tiên Góc Nhìn và các chú lái xe đinh ninh rằng đấy là… tép khô. Một bí mật cần phải khám phá đây, tại sao nhà chùa vốn chỉ có thể làm món chay, lại có cả tép ở đây nhỉ?


Liễn cơm trắng như bông.

Trước khi ăn cơm, đã được người trong đoàn nhắc nhở, là phải ăn trong “chính niệm”, nhưng khi ăn, bàn của Góc Nhìn( Gồm có Góc Nhìn, các chú lái xe, và một cô em gái của Góc Nhìn) do không hiểu ăn trong “chính niệm” nghĩa là thế nào (cứ nghĩ có lẽ ăn chay là “chính niệm” lắm rồi) nên vẫn rì rầm bàn tán, nhất là về cái món “tép khô” đặc biệt của nhà chùa. Lập tức, một cô lớn tuổi trong đoàn đến nhắc nhở rằng, ăn trong chính niệm tức là ăn trong… im lặng.

Hóa ra cơm chay không hề tệ như Góc Nhìn vẫn nghĩ, ngược lại bữa cơm rất ngon. Đặc biệt là cái món “tép khô” kỳ dị kia. Nhìn thì giống tép khô thật đấy, nhưng khi ăn thì mùi vị không giống chút nào.

Mọi người trong mâm đều rất hiếu kỳ nhưng không ai dám lên tiếng vì lý do “chính niệm”. Cho đến khi có một ni cô lớn tuổi đến cho thêm “tép” vào bát, một chú lái xe đã không kiềm chế nổi, hỏi đây là món gì? Mọi người đều cảm thấy thú vị và… nhẹ cả người khi được giải thích rằng đây là món “Ruốc Nấm”(Ruốc được làm từ cây nấm).


Một mâm gồm có dưa, rau bầu, đậu phụ, canh, nấm ruốc và nước chấm.





Ăn trong chính niệm!

Bữa ăn kết thúc, mọi người đều hài lòng, ai cũng khen thức ăn ngon. Người trong đoàn lại giúp nhà chùa dọn dẹp, rửa bát đĩa. Các em nhỏ được các anh các chị và một số ít phụ huynh dẫn lên tầng hai để ngủ trong lúc người lớn họp bàn công việc.

Chưa ở đâu mà các em lại ngoan đến thế trong khi vẫn được tụ tập với nhau một số lượng lớn(có đến gần một xe đầy các em thiếu nhi). Không biết có phải ở nhà các em đã được cha mẹ dặn dò kỹ, hay là đến đây, với không khí thanh tịnh nhẹ nhàng của chốn từ bi, mà sự hiếu động, ham chơi của các em dịu lại.

Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho các em nhỏ, người lớn tuổi trong đoàn tụ tập vào hội trường để họp bàn công việc. Không hứng thú lắm với cái sự “họp hành” này (bởi vì không hiểu người ta bàn gì), Góc Nhìn chỉ chụp lại một vài ba tấm ảnh rồi rủ cô em gái ra ngoài vãn cảnh, tìm hiểu thêm về ngôi chùa.

Đi ra khỏi cổng chùa, cảnh vật hoang vu cộng với con đường bê tông được chính quyền địa phương làm một cách cẩu thả, và cả chiếc barie chắn đường bỏ hoang khiến người ta có cảm giác nóng đến ngạt thở.

Đội chiếc ba lô lên đầu, Góc Nhìn và cô em gái đi về phía con đê cao cao ở phía xa với ý nghĩ rằng có đê thì phải có sông, có lẽ sẽ dễ chịu hơn nếu được ra bờ sông nghịch nước vào lúc này.


Họp bàn.

Cảnh vật mà hai anh em Góc Nhìn thấy được khi đứng trên bờ đê khiến cả hai… choáng váng.

Thay vì dòng sông như đã nghĩ, bên kia bờ đê là vô số hồ sen nối tiếp nhau. Cảnh vật xanh tươi bát ngát như trải mãi ra đến tận chân trời làm cho Góc Nhìn ngây ngất.

Trước mặt là sen, bên phải cũng là sen, bên trái cũng là sen. Loài cây cao quý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ấy khiến lòng người ta trở nên thư thái, mùi hương nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của nó khiến cho bất cứ tâm hồn cằn cỗi nào cũng trở nên thanh tịnh.

Đất Phật là đây, loài cây đã gắn liền với hình ảnh của Đức Phật Thích Ca hay Quán Thế Âm Bồ Tát. Góc Nhìn ước, giá như xung quanh chùa cũng là những hồ sen như thế này thì hay biết mấy. Bồng lai tiên cảnh cũng đến thế mà thôi.




Hồ sen xanh mát.


Hoa sen thơm ngát.


Người trồng sen thật thà chất phác.


Cảnh vật nên thơ.


Cuộc sống thanh bình.

Trở lại chùa, cuộc họp “nhàm chán” đã xong, giờ đến phần mà mọi người mong đợi nhất: thỉnh Đức Pháp chủ xuống thuyết pháp. Mọi người ai cũng hồi hộp và xúc động, khuôn mặt ai nấy tỏ rõ niềm hoan hỉ và sự háo hức, trông chẳng khác gì những đứa trẻ chờ đợi quà của bố mẹ.

Mà đúng thật, được gặp Đức Pháp chủ là món quà mà không phải ai cũng có được. Các em thiếu nhi, dù chưa đủ nhận thức để hiểu được giá trị “món quà” mình sắp được nhận, nhưng cũng “vui lây” trước niềm vui mà người lớn thể hiện “ra mặt”.

Buổi lễ thỉnh đại lão hòa thượng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Mười đại diện, bao gồm 5 nam thanh niên và 5 nữ thanh niên, mặc đồng phục là những chiếc áo màu xanh nhạt (thú thực là đến bây giờ Góc Nhìn vẫn chưa biết phải gọi đấy là áo gì), xếp hàng trang trọng với Đại đức Thích Thông Tánh dẫn đầu.




Lễ thỉnh đại lão hòa thượng được chuẩn bị nghiêm trang và kỹ lưỡng.

Mọi sự chuẩn bị đã xong, và nhiệm vụ bây giờ là… tìm xem lão hòa thượng ở đâu. Nghe thì cứ tưởng đùa, nhưng đấy là sự thực. Trong khuôn viên rộng lớn của ngôi chùa, đại lão hòa thượng có thể đang tọa thiền ở bất cứ nơi đâu, nhiệm vụ của chúng đệ tử là phải tìm ra được vị trí của người.

Đấy là một nhiệm vụ… chẳng khó khăn gì. Chỉ ít phút sau, mọi người đã xác định được chính xác vị trí của lão hòa thượng. Tuy nhiên, khi đoàn người chưa kịp đến thềm tam cấp thì đã thấy người đã đứng đấy tự lúc nào.


Đại lão hòa thượng đang ở trong này.

Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đấy, con người tưởng như đã là huyền thoại đang đứng đấy, giản dị và thoát tục trong bộ y vàng nổi bật lên giữa nền của gian chùa cổ kính mộc mạc.

Con người của huyền thoại kia ư? Không, đấy chỉ là một người bạn, một người cha, một người ông, một người thầy của tôi, của bạn, của tất cả mọi người và của tất cả chúng sinh. Một người như bao người khác nhưng cũng không giống bất cứ ai khác.

Ở người toát lên một cái vẻ gì đấy khiến bất cứ ai nhìn vào cũng có cảm giác thân quen như người ruột thịt, nhưng cũng có một cái gì đấy thanh cao và thoát tục, khiến cho người tiếp xúc cảm thấy mình bé nhỏ, muốn được nương nhờ, muốn được chở che.

Chúng đệ tử rưng rưng, ai nấy đều cảm thấy hết sức xúc động, đôi mắt của nhiều bạn nhòe đi tựa hồ muốn khóc. Thật là một giây phút khó diễn tả bằng lời.

Bước chân thoăn thoắt, lão hòa thượng tiến vào hội trường, nơi các em thiếu nhi và phần lớn đệ tử đang ngóng chờ người. Nhìn dáng đi thoăn thoắt của người, không ai nghĩ đây là một ông cụ đã vào cái tuổi xưa nay… cực kỳ hiếm. 





Con người của huyền thoại!!!

Vào đến hội trường, Đức Pháp chủ ngồi lên ghế chủ tọa, đôi mắt người nhắm nhẹ nhàng như muốn nhắc nhở các đệ tử rằng, hãy nhắm đôi mắt trần tục kia lại và nhìn đời bằng cái tâm thanh tịnh. “Núi trước mặt không phải là núi, núi trong lòng mới đích thực là núi.”


Núi trước mặt không phải là núi, núi trong lòng mới đích thực là núi!

Thứ tự chủ khách đã xong xuôi, các đệ tử dâng lên cúng dường lão hòa thượng bằng những bài hát giản dị nhẹ nhàng nhưng cũng hết sức cảm động: “Hôm nay chúng con đến nơi này, chẳng biết nói gì hơn…”.

Sau khi cảm ơn mọi người, đại lão Hòa thượng băt đầu thuyết pháp. Tiếng của người khỏe mạnh nhưng ấm áp. Cả hội trường rộng lớn với hơn một trăm người không một ai là không nghe rõ.

Thật khó tưởng tượng cụ già đã gần trăm tuổi lại có thể tự tin không dùng micro nói trước cử tọa trong một hội trường rộng lớn như vậy.

Bài thuyết pháp dài khoảng một tiếng của người tuy không thể nói hết được giáo lý nhà Phật nhưng cũng toát lên được những ý chính về trí tuệ trong Phật giáo, vận dụng giáo lý nhà Phật vào đời sống xã hội, vì sao chúng sinh phải đoạn trừ vô minh, giữ cái tâm trong sáng lương thiện…

Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tuổi trẻ trước nhiệm vụ giữ gìn, kế thừa và phát huy nền Phật giáo nước nhà. Người cũng nói qua về lịch sử Phật giáo nước ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ trước thời nội thuộc Trung Quốc cho đến tận ngày nay.



Hôm nay chúng con đến nơi này, chẳng biết nói gì hơn…



Nhiệm vụ của tuổi trẻ với phật giáo nước nhà

Nghe Đức pháp chủ thuyết giảng, quan sát và theo dõi lối sống của người, người ta dễ dàng nhận ra được một điều rằng: Người sống đúng như những gì người nói. Những lời thuyết pháp của người là từ trong cái tâm của người, từ trái tim người, từ cuộc sống của người mà ra chứ không phải là những lời nói suông vô nghĩa. Hơn ai hết, người là hình ảnh của chính những gì người đang nói, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Buổi thuyết pháp kết thúc, mọi người hoan hỉ ra sân cùng chụp ảnh lưu niệm với lão hòa thượng. Thương “cụ” tuổi đã cao, và để thể hiện sự kính trọng, mọi người bố trí để “cụ” ngồi trong bóng mát, nhưng lão hòa thượng lại một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ và xúc động trước sức khỏe của mình khi trả lời: “Thôi, đứng cũng được.” Tuy nhiên sau nhiều lời thuyết phục, “cụ” cũng đành phải ngồi xuống giữa những “tầng” đệ tử.







Lành thay!

Sau khi chụp ảnh, chúng đệ tử lại cùng đại lão hòa thượng lên tòa chính điện thờ Phật trên tầng hai. Ở đây, lão hòa thượng 95 tuổi tự thân làm chủ sám hướng dẫn chúng đệ tử sám hối. Gây ra tội lỗi thì dễ, nhưng khắc phục hậu quả của tội lỗi thì khó vô cùng.

Tuy nhiên, Phật pháp có dậy “quay đầu là bờ”, không bao giờ là quá muộn, không có con đường nào là con đường không có lối thoát. Một lời sám hối tự đáy lòng có thể xóa tan đi biết bao nghiệp xấu của chúng sinh.

Thật là hạnh phúc và may mắn thay cho chúng đệ tử hôm nay khi được đích thân đại lão hòa thượng đứng ra làm lễ sám hối. Mọi người thành tâm nhắc lại những lời lão hòa thượng đọc trước bàn thờ Phật, dù còn ngọng nghịu và đôi lúc không thể theo kịp lời thầy, nhưng những lời sám hối chân thành chắc chắn sẽ khiến cho tâm hồn mọi người thanh thản hơn trên bước đường đời, vững tâm gây nghiệp thiện và kiên trì hộ trì Phật pháp.







Sám hối.

Sau lễ sám hối, mọi người xin thầy quay trở lại hội trường bởi vì trước cơ hội hiếm có này, ai cũng muốn có riêng với thầy một tấm ảnh. Với tâm bồ tát, lão hòa thượng vui vẻ đáp ứng yêu cầu của chúng đệ tử. Các đệ tử sung sướng thay nhau lần lượt chụp ảnh với thầy. Nhiều bạn trẻ còn pose những kiểu ảnh rất điệu đà mang đậm phong cách teen.







Lưu niệm cùng thầy.

Sau khi chụp ảnh, đại lão hòa thượng rút lui vào sảnh đường trong sự ngẩn ngơ của chúng đệ tử.

Vậy là thầy đã đi rồi, ước chi thầy ở lại với chúng con thêm một chút nữa để chúng con thỏa lòng mong tưởng. Nhưng lão hòa thượng đã bước vào bên trong, tà áo vàng của người thấp thoáng sau ô cửa, người quay lại nhìn các đệ tử một lần nữa trước khi khuất hẳn trong căn phòng, như muốn nhắn nhủ với các con một điều: “Chia tay người mình yêu là khổ, phải ở với người mình không ưa là khổ, ước muốn không thành là khổ,… đời là bể khổ, các con hãy tự đốt đuốc lên mà đi…”.