Trang chủ Văn hóa Đường kéo thuyền trên dãy Phượng Hoàng

Đường kéo thuyền trên dãy Phượng Hoàng

127

Dãy núi Phượng Hoàng nằm song song với dãy Côn Sơn chạy sát đến bến sông Phả Lại (xưa gọi là bến Lục Đầu) cách di tích đền Kiếp Bạc 2km về phía Đông Nam.Trên sườn dãy núi Phượng Hoàng có hai vệt lõm xuống cây cối mọc xanh um. Tương truyền đó là đường kéo thuyền trên dãy núi Phượng Hoàng của Phi Bồng tướng quân giúp Hưng Đạo Đại vương đánh giặc Nguyên – Mông thế kỷ 13.                                                   

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1284 -1285), quân Nguyên huy động 50 vạn quân, theo hai đường thuỷ bộ tiến vào. Ngày 2 tháng 2 năm 1285, quân giặc chia làm 6 mũi đánh vào Nội Bàng (Bắc Giang), Hưng Đạo chỉ huy đại quân chặn giặc. Nhưng trước thế giặc còn mạnh, quân ta bị tổn thất, Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về Vạn Kiếp.Tại đây, Quốc công tập trung binh lực lớn.Ông lấy thêm quân ở lộ Hải Đông (Hải Dương, Quảng Ninh), quân của các vương hầu cùng quân của 3 người con trai(Hưng Vũ Vương Hiến, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí Vương Nghiễn) và Minh Hiến vương Uất kéo quân về tập trung quân ở Vạn Kiếp khoảng 20 vạn quân.

Ngày 11/2/1285,địch tấn công phòng tuyến Bình Than. Quân bộ đánh vào các cứ điểm của ta ở hai bên bờ sông : Vạn Kiếp, núi Phả Lại. Quân ta chống trả quyết liệt, Cuộc chiến đấu kéo dài liên tục 4 ngày, cuối cùng ngày 14/2/1285, bọn tướng Nguyên là Ômô, Nakhai, Tôn Lâm Đức đã đem thuyền chiến giao chiến với quân ta do vua Trần Thánh Tông chỉ huy trên vùng sông nước Bình than. Vua Trần, Quốc Công tiết chế rút khỏi Vạn Kiếp xuôi dòng về Thăng Long.

          Như vậy, cả ta và giặc đều coi Vạn Kiếp là vị trí xung yếu.
 
Sau một thời gian chiếm đóng, quân Nguyên lâm vào thế bị động.Tháng 5/1285, quân ta bắt đầu phản công. Quân giặc rút về hướng Vạn Kiếp. Tại đây, Quốc công tiết chế huy động một lực lượng thuỷ binh lớn, dàn trận chờ giặc.
 
Truyền thuyết kể lại rằng: Đêm về khuya, Quốc công đang lo nghĩ: Làm thế nào để có đủ thuyền cho thuỷ quân bài binh bố trận.Thời gian không đủ để đóng thuyền. Mệt quá, Người ngủ thiếp đi, Trong mơ, Người thấy một vị thần, tướng mạo khác thường, mắt sáng như sao, mặc áo bào đỏ, đến bên Người tự xưng: “Ta là Phi Bồng đại tướng quân, biết tướng quân không đủ thuyền cấp cho thuỷ binh chống giặc. sáng mai, tướng quân đến bến Lục Đầu, ta sẽ cấp đủ thuyền cho” (1). Nói xong, vị thần biến mất. Sáng hôm sau, Quốc công tỉnh dậy, quân lính báo về: Đêm qua, không biết thuyền ở đâu kéo về đậu san sát ở bến sông Lục Đầu.Hưng Đạo vội đến xem thì thấy đúng như vậy. Tin này loang ra, quân ta vui mừng phấn khởi, quân giặc hoang mang lo sợ.
 
Sau khi bị thua đau ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương…Thoát Hoan rút về theo hướng Vạn Kiếp.Đến đây, chúng rơi vào cạm bẫy phục kích của Quốc công bố trí trước sông Thương.Chúng bắc cầu phao qua sông, quân ta đổ ra đánh. Bị đánh bất ngờ,quân giặc rối loạn, xô đẩy nhau, cầu phao bị đứt, quân giặc sa xuống sông chết đuối rất nhiều. “ Chiến thắng Vạn Kiếp làm cho đại quân Thoát Hoan hoảng loạn, tiền quân tan tác, hậu quân rệu rã. Thoát Hoan phải sai Lý Hằng cố gắng chỉ huy đám tàn quân này và mở đường máu chạy về biên giới Lạng Sơn.” (2)
 
Theo truyền thuyết: Sau chiến thắng Vạn Kiếp, Hưng Đạo đại vương lệnh cho đoàn thuyền về đậu tại bến Lục Đầu. Người sắm sanh lễ vật, trước ba quân, Người làm lễ khấn rằng: “Nhờ tướng quân Phi Bồng phù giúp thuyền chống giặc, nay giặc đã tan, Quốc Tuấn tôi xin hoàn trả lại”(3). Đêm hôm đó, trời nổi phong ba, đoàn thuyền tự nhiên biến mất. Sáng hôm sau, trên dãy núi Phượng Hoàng xuất hiện: Hai đường kéo thuyền của Phi Bồng tướng quân giúp Hưng Đạo đại vương. Một đường trên là đường kéo thuyền xuống bến sông, còn đường dưới là đường kéo thuyền về. Nhớ ơn vị thần giúp thuyền, nhân dân ta lập đền thờ Ngài dưới chân núi Ngũ Nhạc, gọi là đền Ông thánh Yên Mô. (Cách đền Kiếp Bạc không xa)
 
 Hiện nay, xung quanh đền Kiếp Bạc có hàng loạt các di tích: Cồn Kiếm, Xưởng thuyền, Đường kéo thuyền trên dãy núi Phượng hoàng, Đền thờ ông thánh Yên Mô…Tất cả những di tích, những sự kiện… vẫn như đang hiển hiện cùng hình ảnh hào hùng: Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Lục Đầu.
 
 Ngẫm lại truyền thuyết trên, chiến thắng của Hưng Đạo đại vương trên sông Lục Đầu, những nơi thờ, những di tích, những sự kiện…là có thật. Nhưng những di tích, những vị thần,… thì vẫn là huyền thoại (không có thật). Nó vừa như vô lý lại vừa như có lý. Vô lý ở chỗ: Chẳng có vị thần nào giúp chúng ta (kiếm thần, thuyền,…), nhưng nó vẫn có lý ở chỗ: Đường kéo thuyền trên dãy Phượng Hoàng vẫn còn kia, Đền thờ Ông thánh Yên Mô bao đời nay nhân dân ta vẫn khói hương thờ phụng. Chính những nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại như Ông thánh Yên Mô – Phi Bồng tướng quân mới có sức sống lâu bền đến thế.Và đặc biệt ở đền Kiếp Bạc có một ấn “ Phi thiên thần kiếm linh phù”. Dân gian tin rằng: để diệt trừ tà ma, đánh giặc dã… thì đến đền Kiếp bạc xin dấu ấn “ Phi thiên…” thì thế nào cũng thoả nguyện.
 
Hưng Đạo đại vương là vị tướng: thông thiên văn, tường địa lý, tinh trận đồ, giỏi binh pháp.Đây cũng có thể là sách lược “ công tâm” (đánh vào lòng người) của Đại Vương. Để có thể huy động được hàng nghìn chiến thuyền, Đại vương đã huy động thuyền của dân địa phương (vì vùng Kiếp Bạc – nơi hợp lưu của 6 con sông nên nhà nào cũng có thuyền). Và trong lần rút lui tháng 2/1285 có thể Quốc Công đã giấu thuyền ở những nơi hiểm yếu.Vì vậy, chỉ sau hơn 3 tháng, Quốc Công mới có thể huy động được hàng nghìn chiến thuyền tập trung tại chiến trường Vạn Kiếp.Yếu tố bí mật, bất ngờ là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc dùng binh.Qua việc này, ta liên tưởng đến việc: trong cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt. Trong lúc giao tranh kịch liệt, đang đêm Lý thường Kiệt cho người vào đền Trương Hống, trương Hát đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Sử cũ ghi lại: Quân ta nghe được bài thơ thì tinh thần phấn khích, “ quân Tống sợ táng đảm chưa đánh đã tan”.Trở lại truyền thuyết: “ Đường kéo thuyền…”, Đại vương đã biết gắn kết những vị trí hiểm yếu về địa lý và tâm lý quân sĩ, bí mật giấu thuyền ở những vị trí hiểm yếu, khi cần đem thuyền ra sử dụng. Điều đó có tác dụng rất lớn , sức mạnh về tinh thần của quân dân được tăng lên gấp bội.Phòng tuyến Lục Đầu, chiến thắng Vạn Kiếp mãi mãi là niềm tự hào của quân, dân Đại Việt và đóng góp vào kho tàng quân sự của thuỷ binh Việt Nam.
          Ngày nay, cứ đến ngày 20 tháng 8 âm lịch “Tháng tám giỗ Cha”, nhân dân khắp nơi lại về đền Kiếp Bạc thắp hương làm lễ. Xin mời hãy đến thăm đường kéo thuyền trên dãy núi Phượng Hoàng, đền Ông Thánh Yên Mô để nhớ về một thời Hưng Đạo Vương đánh giặc trên sông nước Lục Đầu.
          Trong lễ hội đền Kiếp Bạc, ngoài các nghi lễ rước, diễn xướng, ban ấn, các trò vui…Các đoàn thuyền từ các miền Cát Bà, Quảng Ninh, Kênh Giang,Trà Cổ…trang hoàng cờ hoa lộng lẫy lướt sóng kéo về vùng Kiếp Bạc tái hiện lại cảnh hội quân trên sông Lục Đầu của Hưng Đạo Đại vương. Hội hoa đăng cũng là một nghi lễ gây được ấn tượng sâu sắc…Hội đền Kiếp Bạc sống mãi trong đời sống tâm linh của người dân đất việt.