Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Đường cái quan

Đường cái quan

89

Khi còn là cậu nhóc, Bùi Quang Đạt nuôi ước mơ  mình sẽ là nhà văn. Vào thập niên 1960, lúc đó Đạt 10 tuổi nghe thầy giáo nói: “Một khi trở thành văn sĩ nổi tiếng thì hàng ngày chỉ ngồi một chỗ, được thiên hạ trọng vọng mà lại có nhiều tiền…”.

Đạt thấy khoái, hỏi thầy giáo: “Làm thế nào trở thành nhà văn nổi tiếng?” Thầy trả lời ngắn gọn: “Phải nhẫn nại và chuyên cần”.

Thế nhưng suốt tuổi thơ tới vị thành niên Đạt cũng nhẫn nại chuyên cần đủ thứ, nhưng sống dưới ánh hỏa châu trong những đêm hè của Sài Gòn thời ấy, sau cùng nhận ra mình chỉ giỏi đá banh và đánh đáo.

Mấy thập niên rong ruổi khắp các nước Phi Châu và Á châu, ăn món gì, ở đâu, nhìn vào đâu ánh mắt cũng đau đáu ao ước có gì đó gần gũi với nơi mình đã sinh ra.

Sau này đến khi đầu đã có 3 màu tóc đen, xám, trắng, Bùi Quang Đạt mới có thời gian chạm vào cánh cửa mơ ước viết văn.

Nước da chịu đựng nắng gió, mái tóc bồng lên hơi gợn sóng, hình thái phong nhã, ánh mắt thông minh và  chân thực. Chân thật cả trong cách viết, cả việc không bao giờ bỏ cơ hội mỗi khi thấy các cô nàng xinh đẹp xuất hiện trong tầm mắt, nhất là cô nào là dân da vàng, tóc đen, mũi tẹt như mình.

Có cô gái người Sài Gòn hát cả Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, thích bài thơ Cô gái sông Hương của Tố Hữu. Hoặc gặp một bà già Việt Nam ở Niamey, vì không có thông tin gì sự tiến hóa ăn mặc ở quê nhà nên gần một đời vẫn răng đen, áo vải the nâu tứ thân.

Mỗi mảnh đời đủ mọi quốc tịch: Tàu, Tây, Á Châu ông đã gặp trên mỗi nẻo đường xa lạ là một thiên tình sử của người đó rót vào tai. Khi qua Lào làm tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ, ông thú vị thấy các cán bộ cao cấp đều nói được tiếng Việt, vì hầu hết họ tốt nghiệp trường Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. 

Gần nửa đời người là chuyên viên kinh tế cấp cao quốc tế đã từng đặt chân tới các nước Châu Âu, Châu Á, bờ biển Ngà của Cộng hòa Côte d’Lvoire, Mã Đảo, Libe’ria, Mali, Monrovia, Timbuktu, Bamako, Niger, Cộng hòa Zaire của người lùn Pygmée, Kenya, đảo Seychelles – Commores – Mauritius v v…

Ông luôn sáng suốt trong công việc và trong giao tiếp. Dù là tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, các tù trưởng của các sắc tộc Châu Phi hay một người bình thường vô tình gặp gỡ, ông luôn thể hiện cho người đối diện dễ nhận ra cái thực của mình.

Đi nhiều, làm việc nhiều, tiếp xúc nhiều, với sức chịu đựng phi thường như một người có “thần kinh thép”. Ăn, ở, làm việc, hít thở khí hậu các xứ sở Phi Châu, Bùi Quang Đạt đến nay đã ở tuổi U 60 – nhà cựu chuyên gia kinh tế này vẫn còn giữ được nét thư sinh thủa nào.

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Năm 1974 tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Sorbonne (Pháp) và John Hopkins (Mỹ), từng giảng dạy môn kinh tế – tài chính trong các trường Đại học ở Châu Phi, Bắc Mỹ.  Được các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Phát triển Á Châu, Ngân hàng Thế giới làm tư vấn cho các quốc gia ở Châu Á, Nam Mỹ và Phi Châu, Lập nhiều bản phúc trình và khảo luận các vấn đề phát triển kinh tế ở các nước chậm tiến.

Năm 1994 đã cho ra đời cuốn Hành trình về phương Tây.Vốn đắm đuối với nghệ thuật nên ông đã phối hợp với Hãng phim SENA (Senafilm) ở TP Hồ Chí Minh sản xuất bộ phim truyện video. Những chiếc lá thời gian, đã tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 tại Nam Định năm 2007, được Ban giám khảo trao giải cho kịch bản (do ông là đồng tác giả) và giải âm nhạc (nhạc sĩ bảo Phúc).

Đường cái quan của Bùi Quang Đạt là tập hồi ký nhưng có chiều sâu văn học trong mỗi chương, có cả tư chất báo chí. Sự hấp dẫn của nó là ở phong cách viết tả thực gần gũi, có nguyên tắc nghệ thuật, không chỉ phù hợp với bạn đọc trẻ mà ai đã nghiền ngẫm nó cũng có thể rút được kinh nghiệm gì đó đắt giá trong Đường cái quan

Những năm tháng xa mái ấm đến sống và làm việc ở nhiều xứ khác nhau màu da, giọng nói, tập tục sinh họat với một nửa con tim, nửa kia ở đất Mỹ. Bùi Quang Đạt đã có nhiều thời gian một mình một bóng ngẫm về nghiệp, về đời, về bối cảnh xung quanh mình đang sống, làm việc mà không khỏi khắc khoải thương nhớ quê nhà, nơi ông coi là đất Tịnh.

Quên sao được chiều chiều tiếng chuông chùa điểm lên từng hồi như khắc vào không trung để rồi lưu mãi trong ký ức xa xôi của người xa xứ. Là nơi cho ông cái Tâm không bao giờ quên mình là người Việt. Qua từng trang hồi ký cho thấy, bất cứ ai gặp ông cũng thấy rõ là ông thể hiện được cái để người đối diện hiểu mình, quý mến và không kém phần quý trọng giá trị kiến thức kinh tế, nhân cách một người Việt .

Từ  tập bút ký Con đường cái quan của đệ tam thế giới đã xuất bản tại Mỹ năm 1992 dưới bút danh Bùi Đông Triều, nay Bùi Quang Đạt bổ sung chi tiết và biên tập lại sắc nét hơn với tực đề Đường cái quan đã được công ty Văn hóa Phương Nam tại TP Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành tháng 5/2010. Người đọc lần hồi từng dòng, từng chữ trong Đường cái quan mới thấy bút pháp của anh và thấy tiếc cho anh bỏ cái mộng làm nhà văn của mình từ thời tiểu học.

Bùi Quang Đạt trong Đường cái quan là nhân vật luôn tự hoàn thiện mình trong công việc nhưng không kém phần lãng mạn trên trường đời, một thứ lãng mạn thường tình mà gã đàn ông nào không thế thì không phải phái mày râu. Cái sự lãng mạn được ông kể một cách hóm hỉnh, đặc biệt là câu chuyện trên đất Thái khiến người đọc phải cười rung người.

Qua Đường cái quan, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn chân thực bối cảnh kinh tế của những quốc gia nền tảng công nghiệp không phát triển, thu nhập đầu người quá khiêm tốn so với sự gia tăng dân số mà các nước cường quốc trên thế giới coi là “nhược tiểu”. Không phải là một nhà phê bình nên tác giả không mổ xẻ bối cảnh kinh tế mỗi quốc gia mà ông đã dừng chân, nhưng với kiến thức của một chuyên gia kinh tế đã học tập, sống làm việc rất lâu ở Pháp.

Với tư cách là chuyên gia kinh tế quốc tế, ông đã có những ý kiến riêng của mình một cách chân thực, về từng thời kỳ chính trị thế nào thì bối cảnh kinh tế như vậy từ khía cạnh đời thường rất gần gũi với người đọc.    

Bùi Quang Đạt không phải là người vô minh nhưng trong ông luôn có chữ Nhẫn trên mỗi nẻo đường. Đó mới là chính tâm của người có Trí.