Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Đuổi bắt mùa xuân

Đuổi bắt mùa xuân

63

Có tiếng pháo nổ đâu đây, trong hơi gió gần xa, thổi đến, có mùi vị mùa Xuân của đất trời. Hương thơm của hoa mai, đào, các loại hoa xinh tươi khoe sắc, chào đón, nở vì con người, vì vạn hữu với lòng bao dung lớn, không đòi hỏi, không vụ lợi, mà hoà điệu với những chất liệu Xuân, làm cho vũ trụ đắm mình trong hương say chất ngất….


Ta gỡ gió để cho đời hoà điệu
Vén làn mây xuân nở ngự hữu tình
những ngày qua, hoa ngủ giấc nồng say
chừ tỉnh giấc để cười chung nhịp thở
hoa ríu rít vì chăng thời tiết đổi
cánh ngập ngừng trước gió thở đong đưa
bộ áo mới có đâu giờ mới mặc
lượng kiếp xưa, diệu tánh hoá vô cùng….


                                                  Minh Thanh


 


Trời đẹp quá! Trên đôi môi, bổng thốt lên câu nói vào buổi sáng nay, rất đơn giản, nhưng chừng như đã lâu rồi quên lãng…. Đất trời cùng nhau thi đua khoe sắc, vì Xuân đến hay vì lòng người có thay đổi, ấm cúng trong sớ thịt, chất liệu của giây phút an lạc hoà tan, tràn khắp.


Tết lừng lững về, do Xuân bắt cổng mời gọi, hay vì có muôn chim ca hát, có hoa muôn sắc, có pháo đỏ, có bánh chưng, có bao lì xì ửng đỏ, có lời chúc tụng với cầu mong, ước ao, hy vọng, có trẻ nhỏ tung tăng trong áo mới, có hột dưa cắn tách tách tô mọng đỏ bờ môi, có củ hành, dưa kiệu, câu đối…..


Không khí Xuân chan hoà, rộn rã, cười vui, nhưng trong lòng kẻ tha hương có một chút gì đó bâng khuâng, lãng đãng….Có cái gì đó đang nằm khuất nẻo trong tâm để cho cảm xúc dâng bồi hồi, quên nhìn lại con đường đang bước đi trong cuộc lữ làm người.


Nhiều lần chắp tay lại, những ngón tay đã bao lần bám víu vào quá khứ, thỏng tay trong hiện tại và chập chờn về tương lai, của một tâm trạng của kẻ xa nhà, nhưng đôi tay vẫn trống trơn trong không gian vô tận.


Quê hương của đia dư xa vời vợi, nơi đã được sinh ra, có mặt, đi xa có dấu đất cát vào lòng, đem theo nổi nhớ nhung, vì đó nơi có người thân thuộc, có cha có mẹ, tổ tiên, ông bà… có nổi buồn vui lẫn lộn từ ngày cất tiếng khóc chào đời, tuổi ấu thơ tập bò, tập đứng, tập đi, tập nói…để rồi trưởng thành, rời xa.


Quê hương của tâm linh từ khởi đầu khi nếm được hương vị của dòng sữa Pháp, cảm thấu được lòng mong ước trở về, trước sự vong thân, cô đơn. Đó không phải là một nơi chốn xa xăm nào đó, ở cõi cao xanh, hay ở dưới gầm đất mặn nhạt…, nhưng, như đã bao lần ngồi quán chiếu, nương hữu vào không, bám thân miệng ý để vào vô niệm v..v…vẫn thấy xa rồi lại gần, mà sao kỳ lạ, mỗi lần hướng đến, quay về vẫn thấy Đức Phật từ bi mỉm cười….


Quê hương dịu ngọt đó không thể dùng ngôn ngữ thường tình để nói, mà chỉ cảm nhận, sống với, vì khi vừa diễn tả thì đã vô tình đóng khuông, làm chất liệu đề hồ thắm thiết của tự tánh trở thành chết ngạt, khô đặc.


Từ nơi chốn suối nguồn giải thoát đó đã có từ vô thỉ đến vô chung, mà mỗi một con người đi, cảm nhận, thẩm thấu thì từ mỗi tế bào trong tự thân sẽ từ tịnh hoá, thấy vô lượng cõi Phật hiện hữu, thấy đời có chút gì đó an vui, tùy theo dòng thể nhập cạn sâu, vượt khỏi thời gian hay không gian giả định.


Từ nơi đó, mùa Xuân mở ra, có mặt trong tâm, sẽ nhìn rõ được thực tướng của vạn hũu trong cái đơn sơ, vô niệm, thoát ra khỏi sự khổ niềm đau mà đã bao lần đối diện, vô úy, chấp nhận để chuyển hoá cho chính mình và cho người. Vì nếu không chuyển hoá được thân tâm của mình, không uống được dòng suối kim cang tươi mát, để cho nội kết ảo tưởng trở thành là hương thơm, suối mát, thì sẽ bị cuốn trôi, rã rời theo ngoại cảnh, đối cảnh sinh tình, đối vật khổ đau.


Cuộc sống chung quanh vẫn đìu hiu, cô quạnh của kiếp người như thưở nào. Cái khổ vẫn còn đong đầy, dù khi con người có thiếu thốn hay đầy đủ, có danh vọng tiền tài hay bại nhục trong hạnh phúc vừa chợt đến rồi bay đi, hoặc giả có tất cả, sở hữu tất cả những gì trên thế gian gọi là giàu sang phú quí… nhưng tâm tư vẫn hoen rĩ, chảy mềm trong những cảm xúc trống vắng, cô đơn.


Từ sự quán chiếu lại mình, nhìn rộng ra đến con người, những tiếp cận chung quanh, tâm sẽ chập chùng nhân lên sự bất an, chua xót. Người khổ, ta vui được sao? Mùa xuân đang ở nơi đâu?…


Có người đi tìm mùa xuân
Đi giữa cuộc đời muôn hình vạn trạng
Khi ban mai vừa thức giấc
Có vạt nắng vàng đậu trên hai vai


Có người đi tìm mùa xuân
cho tóc rối bạc màu
mắt héo mòn bờ cõi xa xăm
Xuân xanh từng khoảng,
chập chững ra đi


Có người đi tìm mùa xuân
Đi lang thang giữa phố đông người
Nghe phôi pha hoang vắng trong lòng
chừng khổ đau vây bắt quanh đây


Mùa xuân nơi đâu
khi chiến tranh còn đó
khi tham tàn dầy dặn
khi tình người dối gạt
khi người nguời còn hận thù nhau


Mùa xuân nơi đâu
mắt mẹ còn hoe đỏ
ôm con thơ vào lòng
nhìn máu chảy nhuộm đỏ mặt bé thơ


Ai, người đi tìm mùa xuân
Bên những vấp ngã cuộc đời
Bên những xót xa tình người
Lòng mang khúc hát bâng khuâng


Có người đi tìm mùa xuân
Khi trên vai gánh nặng nắng vàng
Khi hoa còn son nở
Khi gió còn thuở xanh
Khi xuân vào những bước chân
đưa tâm nằm nơi chốn trăng thanh….


                                                       Minh Thanh


 Mùa Xuân như những bước chân đi, dẫn đưa tâm về nơi chốn yên bình, nơi đó hận thù vừa kết bạn, buông bỏ tâm đao, kề vai chung một niềm vui buồn của kiếp người, khề khà lời kinh Bát nhã của “sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Thù hận ư? Ganh ghét ư? Chia cách ư? Không có anh làm sao có tôi, không có ánh mặt trời buổi sáng, làm sao biết có trăng nở về đêm. Sao cứ phải vì vì lợi, vì danh, vì ta, vì cái tôi và cho cái tôi, để rồi bị cái tôi lôi kéo, hoang tưởng đi tìm mùa Xuân, trong khi Xuân là sự chung phần góp vốn của bao nhiêu duyên sinh có mặt, để trong mắt anh, mắt tôi có hình bóng của nhau, của con người.


Bước chân đi buổi sáng nay đưa tôi về thực tại, trong cái không khí  Xuân vui của đất trời, của lòng mình vừa chợt nhận ra : Những lo âu, sợ hãi, tâm bất an, xáo trộn, lòng tràn đầy ảo tưởng, chạy đuổi theo những bóng vọng niệm sinh diệt diệt sinh, hằn theo gánh nặng của cuộc đời và rồi muôn đời đặt câu hỏi trầm kha cho chính mình “đâu là hạnh phúc, đâu là mùa xuân?”, chúng ta vẫn mãi trầm luân trong khổ đau, bất hạnh.


Chính vì chúng ta quên mất mùa Xuân đang có mặt trong từng giây phút, đang mỉm cười trong lòng, không có một gợn sóng lăn tăn của bóng tối sân hận, tham lam, đố kỵ, vị kỷ v.v… Hạnh phúc, mùa xuân có mặt, đó là điệp khúc chân chất, vi diệu, là mùa Xuân miên viễn và hương thơm của Xuân là những gì con người và vạn hữu có mặt trên trần gian nầy cần đến, để đem yêu thương, thân ái ban phát cho nhau, không phân biệt màu da chủng tộc, sang hèn, trí thức hay thấp kém v.v…


 “Đừng tìm về quá khứ
đừng tưởng đến tương lai
quá khứ đã không còn
tương lai thì chưa tới


Hãy quán chiếu sự sống
trong giờ phút hiện tại
kẻ thức giả an trú
vững chải và thảnh thơi.


Phải tinh tấn hôm nay
kẻo ngày mai không kịp
cái chết đến bất ngờ
không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong Chánh niệm
Thì Mâu-Ni gọi là
người biết sống một mình” *


 


Lời Kinh vừa đọc, nhẹ nhàng như hơi thở, như vần thơ có ngọc báu, loé sáng ánh ma-ni, như áng mây tinh khiết vừa bước qua bầu trời, hé sáng Chánh niệm, gỏ nhịp đập vào tâm để tâm thức tỉnh.


Ồ, chỉ cần giây phút nào thức tỉnh, nhìn rõ mình, nhìn rõ bản thể, không phê phán, không ngôn từ, thì tư lương giải thoát từ vô lượng kiếp, quá khứ-hiện tại- vị lai đã hoà nhập chung theo từng hơi thở, bước chân sen hoan hỉ vững chắc, đã tràn ngập, an lạc trong tâm, để mỗi bước chân là bước chân của Hoà bình, Hạnh phúc.


Viết lại những cảm xúc dâng lên sau thời Kinh, vừa đọc và quán chiếu, và như tấm lòng chân chất của người con Phật, đang theo dấu chân của Thầy Tổ, của Đức Phật và có chút gì đó nhẹ nhàng, thanh khiết như hương Xuân vừa cảm nhận, nắm bắt được trong bàn tay trống rỗng, xin kính dâng tặng tất cả mọi người, nhân những ngày Xuân.


 


Những giây phút cảm xúc


Viết xong ngày 7 tháng Giêng, năm 2009 ( Ngày 12 tháng Chạp, Âm lịch )
­­­­­­­­________________________________________________


(*) Tạp A Hàm, Kinh số 1071.  “ Kinh người biết sống một mình” do Thầy Nhất Hạnh dịch