Triệu Dụng là người chuyên bắt cua đem bán làm kế sinh nhai. Tuy vậy, ông lại là một người con hiếu thảo. Mỗi ngày bắt cua đổi được tiền, ông liền đi mua dầu gạo và các vật dụng khác về cung phụng mẹ già, tiền còn dư trao hết cho mẹ.
Bà mẹ đã không biết dạy con hướng về đường thiện mà còn đem tất cả số tiền do con bắt cua kiếm được tiêu xài phí phạm hết sạch.
Một hôm, vào lúc hoàng hôn, Triệu Dụng về đến nhà đã nghe tiếng mẹ rên hì hì không dứt. Đi thẳng vào phòng, một sự kiện xảy ra không khỏi làm ông kinh hồn. Mẹ ông tựa hồ như đang bị bệnh thần kinh, lấy cái dây cỏ mà hằng ngày dùng để cột cua, nuốt vào bụng. Triệu Dụng thấy thế kinh hoảng, chạy đến ngăn lại thì bà đưa tay ra cự tuyệt. Trong chốc lát, bà nuốt hết sợi dây cỏ vào bụng, rồi lại keo ra, sau khi kéo ra rồi lại nuốt vào. Sự kiện quái dị ấy làm kinh động những người hàng xóm lân cận, khiến họ kéo đến xem đông như kiến.
Thế rồi, người ta thấy máu từ trong ruột gan của bà theo dây cỏ tuôn ra đầy miệng, từng đợt, từng đợt, tanh tưởi nồng nặc, khiến cho ai nấy đều ghê rợn. “Những đồng tiền oan nghiệt của con ta, ta đã tiêu xài hoang phí, vì thế mà ta phải chịu quả báo này”. Bà ấy rơi nước mắt mà kêu than như thế.
Triệu Dụng ảo não đau xót không thể kể xiết, hai mắt đẫm lệ, ngồi bên cạnh mẹ. Tình trạng bi thương ấy kéo dài được mấy hôm thì bà ta vĩnh biệt cuộc đời.
(Theo Sự tích cứu vật phóng sanh – Pháp sư Tịnh Không –
Việt dịch: TT. Thích Phước Sơn)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Trong cuộc mưu sinh mỗi người phải tìm cho mình một nghề để kiếm sống. Có vô vàn nghề nghiệp hay việc làm trên đời, trong đó có không ít những công việc kiếm tiền dễ dàng nhưng hàm chứa sự bất chính, lợi mình mà hại người.
Người xưa, khi thấy con cái hoặc người thân trở nên giàu có, khá giả một cách bất thường thì phải truy nguyên xem phương cách làm ăn của họ có trong sáng không, sau đó mới thọ nhận. Nếu phát hiện những đồng tiền hay vật phẩm có được không thật sự trong sạch hoặc có vấn đề thì cương quyết chối từ. Cách hành xử như thế có tác dụng giáo dục đến những người xung quanh rất hiệu quả, tích cực.
Hiện nay, có không ít người vui mừng với khả năng kiếm tiền tài tình của người thân mà không một mảy may ưu tư về nó. Trong khi ai cũng thừa biết rằng mức lương hoặc thù lao, thu nhập của người lao động bình thường chỉ vừa đủ cho một đời sống chật vật. Đó là chưa nói đến một số người không những không biết quý trọng mà còn ta thán về sự trung thực, lương thiện, xem đó như là một sự ngờ nghệch, không lanh lợi, không biết tận dụng cơ hội để làm giàu như những người khác.
Thực ra, những người ấy chỉ nhìn thấy trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả ở tương lai. Nếu đồng tiền kiếm được từ những việc làm bất chính thì người thọ hưởng chắc chắn phải bị liên lụy. Đôi khi, người hưởng thụ những đồng tiền oan nghiệt ấy không trực tiếp nhúng tay vào tội lỗi nhưng không vì thế mà không bị ảnh hưởng. Những ai suy xét và thấu hiểu điều này thì sẽ tự vấn lương tâm về nhân quả trong mai hậu. Bởi lẽ, người làm giàu bất chính, không lương thiện thì mang quả báo đã đành. Người thọ hưởng và tiêu pha phung phí những đồng tiền oan nghiệt ấy cũng bị ảnh hưởng theo và chịu quả báo nặng nề.
Câu chuyện về người mẹ của Triệu Dụng là quả báo hiện tiền. Tất nhiên, trong những trường hợp tương tự khác nếu chưa mắc quả báo nhãn tiền thì chắc chắn sẽ chịu quả báo ở vị lai. Vì thế, hãy sống bằng một nghề chân chính, nhà Phật gọi là Chánh nghiệp và Chánh mạng, để được hạnh phúc, an vui hiện đời và về sau.