Trang chủ Đời sống Tâm sự Đừng để tiền thật hóa tàn tro!

Đừng để tiền thật hóa tàn tro!

202

Cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, câu chuyện đốt vàng mã vô tội vạ lại “nóng”. Dù ảnh hưởng do dịch Covid-19, song đây đó vẫn hiện hữu những mâm đồ lễ, vàng tiền cao chất ngất, đồ mã cỡ lớn sắp hàng tại các di tích, đền, phủ… Theo các chuyên gia văn hóa, việc lạm dụng vàng mã đã bộc lộ những vấn đề tiêu cực, làm biến tướng và mất đi giá trị đích thực tốt đẹp của thực hành tín ngưỡng.


GS.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) cho rằng, câu chuyện đốt và sử dụng nhiều vàng mã trong các dịp lễ, Tết, trong đó có Rằm tháng Giêng đã nhiều lần được các nhà khoa học, dư luận, báo chí lên tiếng, thế nhưng sự chuyển biến chưa thực sự rõ nét.

Khảo sát nhanh của phóng viên tại một số khu chợ bán nhiều vàng mã như phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Kim Liên…, năm nay thị trường kém sôi động, một phần do dịch bệnh khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu, một phần do nhiều di tích, lễ hội đóng cửa, không tổ chức. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, các shop, siêu thị kinh doanh vàng mã online lại có xu hướng trở nên nhộn nhịp…

Dù theo hình thức nào thì câu chuyện hạn chế lạm dụng vàng mã vẫn thường xuyên được nhắc đến. GS.TS Từ Thị Loan nêu: “Trước hết, đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí công sức, tiền của. Theo số liệu ước tính, trung bình mỗi năm có hơn 20 triệu hộ gia đình ở Việt Nam thường xuyên mua sắm, đốt vàng mã. Nếu mỗi hộ chi tối thiểu khoảng 200.000 đồng/năm mua sắm đồ vàng mã thì số tiền chi cho việc đốt vàng mã của cả nước ước khoảng 4.000 tỉ đồng. Nếu mỗi gia đình sử dụng khoảng 2 kg vàng mã/năm thì số lượng vàng mã bị đốt sẽ đạt khoảng 40.000 tấn. Đây là một con số rất lớn…”.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ra ô nhiễm môi trường, có hại cho sức khỏe con người. “Vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, gia đình nào cũng đốt vàng mã, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ở địa bàn các thành phố. Bên cạnh đó, đốt vàng mã còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích…”, bà Loan nêu.

Nhìn nhận về hiện tượng đốt vàng mã đang bị biến tướng, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, tập tục này gắn liền với các tín ngưỡng dân gian, Phật giáo không có kinh sách nào nhắc tới việc đốt vàng mã. Vì vậy, mọi người thay vì bỏ quá nhiều tiền ra mua vàng mã thì nên hướng thiện bằng việc làm cụ thể, thực tế hơn là những hành động lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt, việc này làm phung phí một nguồn tiền rất lớn lẽ ra có thể sử dụng vào các mục đích an sinh xã hội.

Để tăng cường quản lý và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của việc lạm dụng đốt vàng mã gây ra, thời gian qua cũng đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm chỉ đạo, quy định, hướng dẫn đối với vấn đề này. Từ các nghiên cứu khoa học, GS.TS Từ Thị Loan cho biết, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc hạn chế đốt nhiều vàng mã trong cộng đồng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Chủ yếu là do người dân chưa nghiêm túc thực hiện các quy định chung, các BQL tại các cơ sở thờ tự chưa cương quyết xử lý các vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa sát sao… Do vậy, hiện tượng lạm dụng đốt vàng mã ở các khu di tích lịch sử – văn hóa vẫn có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát, nhất là trong mùa lễ hội.

Theo bà Loan, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục có những giải pháp cân bằng giữa nhu cầu của người dân với việc hạn chế, đẩy lùi biến tướng, phát sinh tiêu cực từ việc lạm dụng đồ mã, vàng mã. Theo đó, tiếp tục triển khai phương án cho phép người đi lễ được sử dụng vàng mã trong nghi lễ nhưng tuyên truyền, khuyến khích họ chỉ đốt một lượng nhất định để thể hiện sự thành tâm. Ban hành và thực hiện quy định không cho mang các loại vàng mã kích thước lớn vào trong đền, chùa; không đốt vàng mã tràn lan trong khuôn viên di tích. Nên thu gom và tập trung hóa vàng mã ở một địa điểm an toàn, có bố trí các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người đi lễ thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã chuyển sang hình thức đóng góp vào quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội của đền, chùa… nhằm thể hiện niềm tin tâm linh theo cách có ích hơn. Xem xét việc đánh thuế sản xuất, kinh doanh vàng mã như một loại hàng hóa đặc biệt, để nâng cao giá trị vàng mã, khiến cho người sử dụng thấy quý trọng và chỉ đốt một phần nào mang tính tượng trưng…”, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

HÀ PHƯƠNG/VĂN HÓA