Ở bất kỳ phiên họp Quốc hội lần nào chúng ta cũng đều nghe các vị dân biểu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới các cơ quan Nhà nước. Phần lớn ý kiến (997/1.558) ở kỳ họp trước bày tỏ những bức xúc đến vấn đề chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí mà theo nhận định của Đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ trong bài trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ thì tham nhũng hiện nay rất phức tạp, thể hiện qua việc gia tăng trong 7 yếu tố được ông liệt kê: số lượng các vụ, quy mô, phạm vi ngành, vị trí xã hội cao, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, lợi dụng pháp luật, quản lý đất đai…
Về mặt không gian, chúng ta không lấy làm lạ vì đây không chỉ là chuyện của đất nước mình. Ở những quốc gia đang phát triển như các nước Mỹ La-tinh chẳng hạn, cụ thể ở Venezuela, đến Tổng thống Carlos Andrés Pérez và hai cựu bộ trưởng trong nội các của mình đã bị buộc tội thâm lạm và biển thủ 17 triệu dollars. Nói theo Ruth Capriles, biên tập viên Tự điển về Tham nhũng, trước khi thị trường dầu hỏa trên thế giới bị suy sụp và lợi nhuận xuất khẩu dầu bị suy kiệt thì: “… tham nhũng ở đất nước này không những được dung thứ mà còn được xem như tất yếu. Không ai quan tâm những nhà lãnh đạo đương làm gì chừng nào họ còn hưởng lợi được (từ những nguồn lợi dầu khí). Đó chính là nền đạo đức của chúng ta…
Nhưng khi những người dân ý thức về quyền lực của mình, họ đã làm thay đổi cách thức hành xử của những quan chức được bầu lên” (The Dictionary of Corruption).
Những gì là đúng với nhân dân Venezuela thì cũng đúng với mọi nơi trên thế giới. Chắc chúng ta chưa quên trường hợp của Tổng thống Fernando Collor de Mello của Brazil, người đã đứng đầu phong trào và là nguồn động viên nhân dân chống tham nhũng tại Brazil để rồi hai năm sau chính ông đã bị kết tội bỏ túi hàng triệu dollars. Chuyện như thế có thể tìm thấy ngay tại các quốc gia đã phát triển có nền kinh tế và luật pháp vững vàng như Ý chẳng hạn.
Chúng ta thử nhớ lại trong chiến dịch Bàn tay sạch (Operation Clean Hands) xuất phát từ những lời cáo buộc về chuyện “lại quả” ở một trại điều dưỡng tại Milan đã khiến 2.500 nhà chính trị lỗi lạc và 200 nghị sĩ bị bắt và điều tra về những hành vi tương tự, trong số đó có cả nhân vật số ba của hãng xe hơi Fiat, giám đốc tài chính Francesco Mattioli. Chúng ta cũng có thể tìm thấy một vài vụ scandal tương tự ở Đức với trường hợp Jurgen Mollemamnn – Bộ trưởng Kinh tế, ở Nhật với trường hợp Kiichi Miyazawa, thời còn làm Bộ trưởng Tài chính, nói chung là ở những người và tại những chỗ mà người ta quan niệm “Sự trung thực có nghĩa là chia nhau phần hối lộ” (Where honesty means sharing your bribes – trích theo Global Paradox – John Naisbitt).
Về mặt thời gian, tất cả những thói xấu ấy xuất phát từ lòng tham tiềm ẩn trong con người không phải chỉ hôm nay mà đã từ lâu, rất lâu khi QUYỀN luôn đi đôi với LỢI.
Đọc Truyện Kiều, ta đã hiểu:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Đến Tam Nguyên Yên Đỗ phải ngậm ngùi:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, có gì mà ầm ĩ, mà kiến nghị.
Nhìn lại tình trạng trên ở đất nước mình, chúng ta có nhiều điều quan ngại:
1. Số tiền thâm lạm trong từng vụ việc có thể chưa lớn bằng việc xảy ra ở những nước khác nhưng quy mô dàn trãi nhiều hơn. Từ anh công an khu vực, anh cán bộ thuế, anh hải quan bến cảng… đều có thể sách nhiễu, nhũng lạm.
2. Hệ quả phát sinh rất nghiêm trọng: Tham nhũng là anh em sinh đôi của tệ quan liêu và luôn là bạn đồng hành của lãng phí. Điều này giải thích sự trì trệ trong việc vận hành guồng máy hành chính công mà mức độ minh bạch của đất nước chúng ta được Tổ chức Minh bạch Thế giới (International Transparency) xếp 99/122 nước được thống kê.
3. Chưa có cơ chế, biện pháp ngăn chặn thực sự hiệu quả: Những năm qua, đã có nhiều vụ việc được phanh phui, phần lớn là do nhân dân hay báo chí phát hiện, rất ít do các cơ quan thanh tra hay kiểm sát. Gần dây có 3 thành viên Ban Thanh tra trước đây được Tòa án đưa ra xét xử vì tội vi phạm tư cách đạo đức thanh tra. Thế nên, khi thảo luận liên quan việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng – chống tham nhũng… Có đại biểu Quốc hội đã hỏi thẳng là chúng ta có dám làm (chống tham nhũng, lãng phí) hay không chứ đã có những quy định về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng nhưng không hiệu quả.
Nói như John Naisbitt trong Nghịch lý toàn cầu (Global Paradox) là: “Nhân dân sẵn lòng chấp nhận những khó khăn kinh tế để đổi lấy sự tự do rộng rãi hơn nhưng chỉ khi nào mà gánh nặng khó khăn ấy được chia đều giữa mọi người, công cũng như tư. Nền dân chủ đi cùng với đời sống khắc khổ có thể chấp nhận được nhưng nền dân chủ và tệ tham nhũng thì không thể sống chung”.
Vấn đề đặt ra lại là con người, nói như một đại biểu Quốc hội: “Khi người ta lãng phí hay ăn cắp của công mà cảm thấy xấu hổ thì người ta phải dừng lại”. Ngày xưa Bác Hồ từng nói: “Nước không sợ loạn, chỉ sợ lòng dân không yên. Nước không sợ nghèo, chỉ sợ chia không đều”.
Theo Lý Minh Tuấn, người cai trị thiếu lòng nhân, dùng thủ đoạn và quyền lực lấy của dân đắp vào của mình, trong Kinh Dịch gọi đó là hiện tượng “tổn hạ ích thượng”. Thoán truyện quẻ Tổn nói: “Tổn, tổn hạ ích thượng, kỳ đạo thượng hành” – Quẻ tổn, bớt dưới thêm trên, đường lối ấy hướng đi lên.
Suy ra, kẻ làm lãnh đạo phải giữ lòng trung tín, không được dùng quyền mà mưu lợi cá nhân. Trong đời sống riêng, không chi tiêu hoang phí, xa xỉ, kiêu căng làm mất lòng dân. Nếu không làm được như thế thì biến vận nước từ chỗ Thái – tốt đẹp hài hòa sang chỗ Tổn – chông chênh và bất trắc.
Dưới lăng kính Phật giáo, để chế ngự được ngọn lửa tham sân si nung nấu tâm thức mình, người nắm giữ quyền lực phải trang bị Chánh tư duy để suy niệm chân chánh về vai trò công bộc của mình, loại trừ những tư tưởng bất thiện, nuôi dưỡng tâm từ ái, (theo Nho học là người Nhân). Bởi lẽ trong thế gian vô minh này, tham, sân si là nguồn cội của tất cả tội lỗi. Kẻ thù độc hiểm nhất của nhân loại là lòng tham, tức sự luyến ái, bám víu vào cái được gọi là “Ta” hay “Của Ta”. Tất cả mọi nghiệp dữ phát sinh từ đây (The Buddha and His Teachings – Narada).
Xuất phát từ quyền lợi bản thân và gia đình hoặc vì những người cùng phe cánh, người nắm quyền dễ gây ra tình trạng bất ổn tại cơ quan, xí nghiệp hay tổ chức mà mình đang lãnh đạo. Nói theo Đức Đạt Lai Lạt Ma thì: “Làm thế nào để những người trong hỏa ngục thực hành được đức kiên nhẫn, khoan dung và bình tĩnh?”, vì khi chúng ta tạo ra bất công, chúng ta cũng sẽ là nạn nhân của nỗi bất an, bởi lẽ chúng ta vẫn phải sống với nỗi âu lo thường trực về tương lai bất trắc nếu vụ việc bị đổ bể, phanh phui hay… 1.001 lý do dằn vặt khác. Hãy nhớ đến vị Bộ trưởng vừa tự sát ở Nhật hay một quan chức nước ta vừa thắt cổ ở Hải Phòng vì chuyện chia chác đất đai ở Đồ Sơn. Một khi không còn sống trong chánh niệm, hay chánh tư duy, chúng ta sẽ vong thân trong những đam mê quyền lực và quyền lợi và “bán mình cho quỷ dữ”, ở đây là lòng tham.
Giáo dục con người là căn bản giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta không ngạc nhiên khi ở Thái Lan, những cảnh sát ăn hối lộ bị phát hiện được gửi vào chùa để tu tập vì nhà cầm quyền quan niệm phải giáo dục từ gốc của vấn đề là: diệt trừ lòng tham.
Thế nên, khi đã có chánh tư duy, người có quyền sẽ tự nâng cao tâm hồn mình, hành động chân chính, không vận dụng quyền để cầu lợi bất chánh, không tham lam trộm cắp của công, hay của người khác, không cho những xu hướng xấu trong tâm hồn khởi dậy. Sống và làm việc theo chánh nghiệp. Đấy chính là con đường mà chúng ta đang mong mỏi những người được trao trọng trách ngồi trên muôn dân theo đó mà đi. Mong thay! Mong thay!