Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Đừng để nghiệp làm chủ mình

Đừng để nghiệp làm chủ mình

368

“Người xuất gia nếu không cố gắng tu tập vẫn bị nghiệp lôi như thường.”

Do lầm nên chúng ta tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo không cùng. Muốn giải thoát sanh tử thì phải dừng nghiệp. Nghiệp quan trọng từ ý lăng xăng tạo nên, bây giờ phải để cho nó lặng xuống. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì thân và khẩu do ý chỉ huy. Ý nghĩ tốt, thân làm tốt, miệng nói tốt. Ý nghĩ xấu, thân làm xấu, miệng nói xấu. Như vậy gốc tất cả từ ý mà ra. Ý lặng thì ba nghiệp đồng thanh tịnh. Cho nên tu phải biết nắm ngay từ gốc. Gốc đó, Phật dạy chúng ta phải khéo nhìn đừng để lầm lẫn, phải thấy cho tường tận, để rồi cố gắng dẹp cái giả cho cái thật hiện bày.

Câu trả lời của ngài Triệu Châu rất hay, rất rõ ràng. Đến câu sau vị Tăng hỏi con chó có Phật tánh không, Ngài nói có. Hỏi Phật tánh thì sáng suốt tại sao lại chui vào đãy da lông lá lù xù, Ngài trả lời: “Biết mà cố phạm!” Bởi vì chúng ta không làm chủ được nghiệp, nên bị nghiệp lôi dẫn. Như Tăng Ni, Phật tử thì ai cũng biết nóng giận là xấu. Nhưng có ai chọc tức liền nổi giận đùng đùng. Biết xấu mà vẫn làm, đó gọi là biết mà cố phạm. Chúng ta biết điều đó dở, xấu nhưng bị nghiệp chi phối nên gặp cảnh liền khởi tội ác, rồi bị tội ác dẫn đi. Người tu biết điều đó phạm mà vẫn bị nghiệp kéo lôi là vì đạo lực yếu, nghiệp lực mạnh. Chết không làm chủ được thì khi tái sanh làm sao được chỗ như ý?

Câu trả lời thứ hai nhắc nhở người cư sĩ hay xuất gia, nếu không làm chủ được nghiệp lực của mình thì chừng mất phải đọa vào những đường khổ, vì bị nghiệp dẫn. Người xuất gia nếu không cố gắng tu tập vẫn bị nghiệp lôi như thường. Đó là điều thiết yếu chúng ta phải hiểu.

Chúng ta tu phải làm chủ được mình, tức là làm chủ nghiệp. Có nhiều vị tu sĩ, tu một thời gian rồi hoàn tục. Gặp bạn bè hỏi sao thầy không tu nữa, vị ấy nói tại nghiệp. Nói tại nghiệp là nói gọn, chớ nói đủ là: Tại nghiệp nó dẫn tôi, tôi thua nó nên tôi không tu nữa. Như vậy tất cả việc thua trận đều do nghiệp làm chủ mình. Nếu chúng ta thắng được nó thì chúng ta làm chủ, tự do tự tại. Tự do tự tại là giải thoát sanh tử rồi.

Việc tu rất tế nhị, phải nhìn sâu vào trong nội tâm mình để gạn bỏ những thứ nhơ nhiễm, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh. Cho nên trong nhà thiền thường dùng từ “trưởng dưỡng thánh thai”, tức nuôi dưỡng thai thánh càng ngày càng thanh tịnh, đó là chỗ tiến bộ của người tu.

Trích “PHĂNG TÌM CỘI GỐC CỦA ĐẠO PHẬT”
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ