Người huấn luyện ngựa cho nhà vua chết, nhà vua thuê một người huấn luyện mới. Bất hạnh thay người mới này bị kiễng chân. Những con ngựa mới và chọn lọc kỹ càng được mang đến cho y. Và y đã huấn luyện chúng thuần thục: chạy, phi nước kiệu, kéo xe, v. v., nhưng tất cả những con ngựa nhỏ đều có bước đi khập khiễng. Thấy lạ, nhà vua cho gọi người huấn luyện đến hỏi. Khi thấy y khập khiễng bước vào chầu, nhà vua hiểu ra mọi lẽ và tức khắc mướn một người huấn luyện ngựa khác.
Là những vị thầy, quí sư phải ý thức đến sức mạnh của những cử chỉ và lối sống, lối tu hành của mình. Và quan trọng hơn, là học trò, các bạn không nên bắt chước theo hình ảnh, tư thái bên ngoài của thầy mình. Vị thầy chỉ muốn bạn kiện toàn phần nội tâm của bạn. Hãy lấy trí tuệ nội tại của bạn làm mô mẫu, đừng bắt chước dáng đi khập khiễng của thầy.
Giới hạnh
Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến — tích cực hơn, không liên quan đến sự thoải mái — đó là thực hành giáo pháp của Đức Phật để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Những lời giáo huấn của Đức Phật đều nhắm đến mục tiêu này. Muốn thực hành đúng đắn giáo pháp của Đức Phật, phải hiểu rõ giới luật và pháp hành.
Giới hạnh là cha mẹ của giáo pháp nẩy nở trong chúng ta. Giới hạnh cung cấp thức ăn bổ dưỡng và chỉ cho chúng ta hướng đi đích thực.
Giới hạnh là điều kiện căn bản để tạo nên một thế giới hài hòa, trong đó con người thực sự sống như một con người, chứ không phải như loài cầm thú.
Giữ giới luật là điều chính yếu trong việc hành thiền. Giới rất đơn giản. Chỉ có năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng chất say làm mất chánh niệm. Suốt đời trau giồi tâm nhân ái, trọng tha nhân. Thận trọng trong ngôn ngữ và hành động, đó là của cải của bạn. Nếu dùng giới luật làm căn bản cho mọi hành động, tâm bạn sẽ hiền hòa, trong sáng và yên tĩnh. Thiền sẽ dễ dàng phát triển trên mảnh đất này.
Đức Phật dạy: "Làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch." Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: "Lánh xa điều xấu và giữ gìn điều tốt." Những điều xấu xa có còn tồn tại trong tâm bạn không? Dĩ nhiên là còn! Tại sao không quét dọn nhà cửa sạch sẽ?
Trong việc thực hành đúng đắn, làm điều lành lánh xa điều ác là một việc tốt, nhưng nó có hạn chế, vì cuối cùng chúng ta phải bước qua cái tốt lẫn cái xấu. Giải thoát bao gồm tất cả và không dính mắc gì cả. Từ sự không dính mắc này, tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên.
Chánh tinh tấn và trí tuệ không phải là vấn đề bên ngoài mà là sự bền tâm tỉnh thức và tự chế bên trong. Như vậy, sự bố thí, nếu làm với ý tốt có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng đức hạnh phải là gốc rễ thì lòng từ thiện này mới hoàn toàn trong sáng.
Người không hiểu giáo pháp, khi làm điều gì sai quấy, thường nhìn trước nhìn sau xem thử có ai thấy không. Thật khờ dại làm sao! Phật, Pháp và Nghiệp luôn luôn theo dõi họ. Bạn có nghĩ rằng Đức Phật không thể thấy xa như vậy chăng? Không có gì kín đáo trên cõi đời này!
Săn sóc và giữ gìn giới luật như người làm vườn săn sóc giữ gìn cấy cối. Không bị dính mắc vào cây lớn, cây nhỏ, cây quan trọng và cây không quan trọng. Một số người muốn đi đường tắt — họ nói "Bỏ qua Thiền Định, ta đi ngay vô Thiền Quán; bỏ qua giới luật, ta đi ngay vào Thiền Định." Chúng ta có nhiều lý do để bào chữa cho lòng tham ái của chúng ta.
Chúng ta phải bắt đầu ngay nơi chúng ta hiện đang có mặt, trực tiếp và đơn giản. Hai bước đầu tiên là hoàn thành giới luật và chánh kiến. Rồi bước thứ ba là nhổ gốc rễ phiền não, sẽ tự nhiên xuất hiện. Cũng như lúc đèn được thắp lên, chúng ta chẳng cần phải lo lắng đến việc xóa tan bóng tối. Chẳng cần thắc mắc bóng tối đã đi phương nào. Chúng ta chỉ biết có ánh sáng.
Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Ở mức cao nhất, cỡ các bậc thánh nhân, các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này.
Giới, định và tuệ
Đức Phật chỉ dạy con đường thoát khổ — nguyên nhân khổ đau và con đường thực hành. Trong việc thực hành của tôi, tôi chỉ biết có con đường đơn giản này thôi. Con đường thoát khổ, tốt đẹp ở giai đoạn đầu: Giới; tốt đẹp ở giai đoạn giữa: Định; và tốt đẹp ở giai đoạn cuối: Tuệ. Nếu xem xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy cả ba nhập một. Chúng ta thử xét xem ba yếu tố tương quan này.
Thực hành giới như thế nào? Thực ra muốn thực hành giới ta phải bắt đầu bằng trí tuệ. Thói thường ta nói giữ giới hay trì giới trước. Nhưng muốn cho giới thành tựu trọn vẹn, ta phải có trí tuệ để hiểu rõ những gì bao hàm trong giới. Khởi đầu, chúng ta phải xem xét thân thể và ngôn ngữ của chúng ta, tìm hiểu tiến trình nhân quả. Khi quan sát thân thể và lời nói để thấy phương cách chúng ta gây ra tai hại, bạn sẽ bắt đầu hiểu, kiểm soát và trong sạch hóa nhân quả.
Nếu bạn biết được thế nào là hành động và ngôn ngữ bất thiện, thế nào là hành động và ngôn ngữ thiện, bạn đã biết được cách thực hành để "khử ác vi thiện" (bỏ ác làm lành). Khi bạn bỏ ác làm lành, tâm bạn sẽ ổn định và tập trung. Sự định tâm này chế ngự được dao động và hoài nghi. Với tâm tĩnh lặng này, bạn có thể quan sát và thấy rõ hình sắc và âm thanh khi chúng xuất hiện. Nhờ không để tâm phóng đi nơi khác, bạn sẽ thấy rõ bản chất của mọi diễn biến đúng theo chân lý. Khi sự hiểu biết này trực tiếp, trí tuệ sẽ phát sinh.
Lúc bấy giờ Giới, Định và Tuệ có thể biến thành một. Khi chúng chín mùi là Bát Chánh Đạo. Khi Tham, Sân, Si xuất hiện, chỉ có Bát Chánh Đạo mới đủ khả năng tiêu diệt chúng.
Giới, Định, Tuệ phải được phát triển để hỗ trợ lẫn nhau. Bất kỳ đối tượng gì hiện ra ở sáu căn, Đạo đều kiểm soát được. Nếu Đạo mạnh thì có thể tiêu diệt được phiền não — Tham, Sân, Si. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ nắm quyền kiểm soát và giết chết tâm chúng ta. Vì không hiểu rõ chân tướng của lục trần nên khi lục trần xuất hiện, ta để nó tự do tàn phá, hủy hoại chúng ta.
Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm. Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi nó muốn tái chiến. Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền não. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.
Khi đau khổ phát sinh thì khả năng để tiêu diệt lo âu biến mất. Chỉ có Giới, Định, Tuệ mới giúp cho Đạo hồi sinh. Khi Giới, Định, Tuệ khai triển, Đạo sẽ bắt đầu khôi phục chức năng và liên tục hoạt động để hủy diệt nguyên nhân phát sinh đau khổ trong mọi lúc và mọi nơi.
Cuộc chiến đấu này sẽ kéo dài cho đến lúc một bên chiến thắng và vấn đề sẽ được ngã ngũ. Như thế đấy! Vậy các bạn hãy kiên trì thực hành không ngừng nghỉ.
Việc hành đạo bất đầu tại đây và ngay bây giờ. Đau khổ và giải thoát hay Đạo ở tại đây và ngay bây giờ. Những lời dạy của Đức Phật như giới luật và trí tuệ trực chỉ hướng đến tâm. Nhưng hai yếu tố Đạo và Phiền Não này tranh nhau cho đến cùng. Bởi thế phải dùng khí cụ thực hành thật khó khăn, nặng nề. Bạn cần phải kiên nhẫn, chịu đựng và tinh tấn đúng mức. Sau đó chân trí tuệ sẽ tự đến.
Giới, Định, Tuệ tạo nên Đạo. Nhưng Đạo không phải là Chân Pháp, không phải là mục tiêu. Đạo chỉ là con đường dẫn đến mục tiêu. Như bạn muốn đi từ Bangkok đến thiền viện Wat Pah Pong chẳng hạn. Con đường rất cần thiết cho hành trình của bạn, nhưng mục tiêu của bạn là thiền viện, chứ không phải con đường. Cũng thế ấy, chúng ta có thể nói rằng Giới, Định, Tuệ ở ngoài giáo pháp của Đức Phật, nhưng là con đường dẫn đến chân lý này. Khi bạn phát triển ba yếu tố này, kết quả sẽ là sự bình an kỳ diệu nhất. Trong sự bình an này, hình sắc và âm thanh không còn đủ sức mạnh để quấy nhiễu tâm bạn. Bạn không còn gì phải làm nữa. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải vất bỏ hết những gì đang nắm giữ không chút ngần ngại. Được thế, bạn sẽ tự mình hiểu được sự bình an này và không còn phải dựa vào một ai khác.
Tuy nhiên, không nên vội đo lường sức tiến bộ của mình. Chỉ cần thực hành mà thôi. Ngoài ra, nếu mỗi khi tâm bạn an tịnh, bạn lại hỏi: "Phải đây không?" thì mọi nỗ lực đều tiêu tan. Không có dấu hiệu gì để nhận thật sự tiến bộ của bạn, như dấu hiệu, "Đây là con đường đên Thiền viện Wat Pah Pong." Hãy vứt bỏ mọi tham ái và kỳ vọng, hãy nhìn thẳng vào hướng đi của tâm.
Theo: Mặt Hồ Tĩnh Lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana