Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Đức Phật và bức thông điệp của Ngài

Đức Phật và bức thông điệp của Ngài

PTVN - Ðức Phật dạy mọi người hãy nương tựa nơi chính mình, không nên trông chờ vào bất kỳ đấng cứu rỗi bên ngoài nào.

783

Phương pháp giải thoát được xem là nét đặc thù của đạo Phật rất khác với pháp giải thoát của các tôn giáo khác. Trong khi các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Bái Hoả giáo và Do Thái giáo chủ trương rằng: “Hãy quay về với Thượng Ðế và cầu nguyện, hiến mình trọn vẹn cho Ngài, hợp nhất với Ngài”. Nền tảng đạo lý của họ dựa trên ý niệm về Thượng Ðế, họ cho là nếu con người không thể tin nơi Thượng Ðế thì sẽ không thể nào có được cuộc sống chân chánh và hữu ích.

Chúng ta biết rằng hàng ngàn tín đồ của các tôn giáo này đã thực sự sống một cuộc sống trong sạch và thánh thiện. Thế nhưng, điều kỳ lạ là cuộc sống thánh thiện, vị tha, trong sạch đó cũng được hàng ngàn người con Phật sống, trong khi Ngài chẳng hề yêu cầu họ tôn thờ bất cứ vị thần nào như là bước đầu hướng đến sự giải thoát của họ cả. Ðức Phật dạy mọi người hãy nương tựa nơi chính mình, không nên trông chờ vào bất kỳ đấng cứu rỗi bên ngoài nào. Ngài cũng không hề tự đề cao mình như là một đấng trung gian giữa chúng ta và sự giải thoát cuối cùng của chúng ta. Tuy nhiên, Ngài có thể bảo cho chúng ta biết điều gì cần phải làm bởi vì chính Ngài đã làm điều đó và do vậy, Ngài biết rất rõ đường đi nước bước. Nhưng, trừ phi tự thân chúng ta thực hiện, bằng không thì Ðức Phật cũng không thể đưa chúng ta đến đích giải thoát được.

Mặc dù chúng ta có thể “nương tựa (quy y) Ðức Phật”, đây là lời phát nguyện của người Phật tử trong các nghi lễ giản dị, tự hứa sống một cuộc sống chân chánh. Ngoài ra, không qua bất kỳ niềm tin mù quáng nào mà Ngài có thể cứu vớt chúng ta. Ðức Phật có thể chỉ cho chúng ta thấy con đường, Ngài có thể nói cho chúng ta biết những khó khăn cũng như những cái tốt đẹp của nó mà khi bước lên con đường đó chúng ta sẽ thấy, nhưng Ngài không thể đi thế cho chúng ta được, mà tự thân mỗi chúng ta phải thực sự bước lên con đường đó.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi không có sự trợ lực nào trong công việc khó khăn này, vì để giúp chúng ta bước lên đường đến được mục đích giải thoát của mình (tức Niết Bàn), Ðức Phật đã phác hoạ lại cuộc sống đạo đức cần phải sống theo. Giống như viên kỹ sư xây dựng một con đường đi lên đỉnh núi hiểm trở. Ðức Phật cũng vậy, Ngài đã xây dựng một quy trình đạo đức, trước tiên là ngũ giới (Panna sìla) cho người tại gia cư sĩ, đó là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Ðây không phải là những điều răn của Ðức Phật, phạm vào là mang tội, mà chúng chỉ tiêu biểu cho những lý tưởng tiên khởi của một nếp sống đạo đức mà một người cần phải chấp nhận một cách nhiệt thành, nếu như họ tự gọi mình là một Phật tử. Người ấy không buộc phải hứa với Ðức Phật rằng sẽ không phạm giới mà chỉ tự hứa với bản thân, vì nguyên văn “Pànàtipàtà v.v…” có nghĩa là “con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh” v.v… Ðối với các giới khác cũng vậy. Mỗi người, khi lặp lại những học giới là tự đặt mình trong danh dự sẽ cố gắng hết sức không để phạm giới.

Và nếu họ phạm giới thì sao? Lúc đó, cách sám hối duy nhất mang tính xây dựng là tự mình hứa giữ giới trở lại. Thực vậy, càng sám hối nhiều càng tốt, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và năm này sang năm khác cho tới khi họ chiến thắng được bản chất thấp hèn của mình mới thôi. Chúng ta phải tự mình vươn đến mục tiêu, tự mình làm cho mình cao thượng và thanh khiết chứ không phải Ðức Phật, không phải chư thiên, không phải bất kỳ đấng Thượng Ðế nào có thể đưa chúng ta đến giải thoát được.

Như vậy, chúng ta thấy việc thực hành lối sống đạo đức chính là cốt lõi và điểm chính yếu của đạo Phật; nhân cách là sản phẩm của những hành động hàng ngày, hàng giờ, có thể nói đó chính là những việc làm từ ái, bố thí và vị tha của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Nhờ thực hiện những hành động chân chánh mà chúng ta trở nên chánh trực , và chúng ta xét đoán sức mạnh bằng khả năng hành động của con người. Tương tự như một nhạc sĩ, họ không phải là ngươi chỉ biết yêu thích âm nhạc, mà còn là người có thể biết kết hợp và hoà điệu các thanh âm trong một cách nào đó để đem lại sự thích thú cho người nghe. Cũng vậy, chính cái chất lượng hành động của chúng ta sẽ quyết định phẩm hạnh của chúng ta.

Theo Phật giáo, trong tâm của mỗi chúng sanh hữu tình đều ngầm chứa một tia giác ngộ (trí tuệ). Tuy nhiên, đối với những người bình thường trí tuệ này chưa phát triển thành năng lực của nó bởi sự nhu nhược của tham, sân và si. Mỗi kiếp sống là một chặng đường trong cuộc hành trình tâm linh từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều và từ si mê đến giác ngộ. Mỗi người là nhà kiến trúc cho chính số phận của mình, chúng ta sẽ gặt hái trong tương lai, có thể ở kiếp này hoặc kiếp kế, những gì chúng ta đang gieo hôm nay. Vì những năng lực trong quá khứ khiến cho hiện tại chúng ta như thế này, do đó chúng ta cũng có năng lực hiện tại tương đương để tạo cho ta một tương lai hạnh phúc và hữu ích. Ðể đạt đến chiến thắng cuối cùng và tự toàn thiện mình nhất thiết chúng ta phải đánh bại ba kẻ thù lớn bên trong đó là: tham, sân và si. Muốn đánh bại ba kẻ thù này mỗi người chúng ta cần phải sống một cuộc sống rộng lượng, mở rộng lòng thương đến mọi chúng sanh và phát triển tia sáng trí tuệ sao để trở thành năng lực hoàn hảo nhất của nó.

Chỉ khi nào ba kẻ thù này bị đánh bại, chỉ khi nào giành được chiến thắng cuối cùng của sự giải thoát, lúc đó mới không còn chiến tranh, và lúc đó chúng ta mới có một nền hoà bình và hạnh phúc thực sự trường cửu.


Tỳ kheo Pháp Thông dịch
(Trích “Essential Themes of Buddhist Lectures”, Venerable Sayadaw Ashin U Thittila)