Trang chủ Văn hóa Đức Phật thuyết pháp gì khi thăm đệ tử bị bệnh?

Đức Phật thuyết pháp gì khi thăm đệ tử bị bệnh?

290

Đạt đến sự giác ngộ viên mãn nhưng đức Phật hàng ngày vẫn khất thực, hành thiền, giảng pháp, cùng hàng ngàn đệ tử đi khắp nơi hoằng pháp độ sinh v.v…..Cuộc sống của một Tăng đoàn cũng giống như một đại gia đình mà ở đó tất cả đều bình đẳng như nhau. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem đức Phật ứng xử với các đệ tử khi bị đau ốm như thế nào? Và đức Phật làm gì và giảng dạy như thế nào?

Có một lần đức Phật như một người cha, người bạn chăm sóc một thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi mà khiến ai ai cũng cảm động, Ngài nói:

Ông đừng sầu não, Ta sẽ làm bạn với ông. Này Tỳ-kheo! Hãy lấy y đưa đây, Ta sẽ giặt cho ông.

Khi ấy, A-nan bạch với Phật:

– Ðể đấy, thưa Thế Tôn! Y của Tỳ-kheo bệnh để con giặt cho!

– Ông giặt y đi, để Ta xối nước.

Thế rồi, A-nan đem ra giặt, Thế Tôn xối nước. Khi giặt xong, thầy đem đi phơi nắng. Xong rồi, A-nan bồng Tỳ-kheo bị bệnh đặt trên chỗ đất trống, lau chùi phân uế, đem giường gối và các vật bất tịnh ra ngoài, rưới nước trong phòng, quét dọn sạch sẽ, dùng giẻ lau lau sàn nhà, giặt giũ giường nệm, vá lại giường dây, đặt vào chỗ cũ, tắm rửa cho Tỳ-kheo bệnh, rồi đem thầy đặt nằm lại trên giường.[1]

Chúng ta được học được nghe rất nhiều các bài giảng của đức Phật qua các bộ Kinh, Luật, Luận nhưng chúng ta lại ít chú ý tới các hành động thiết thực của Ngài với đệ tử của mình. Sau khi cùng A nan chăm sóc đệ tử bị bệnh, Thế Tôn đã dạy các vị Tỷ-kheo như sau:

Những người đồng phạm hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa-môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Này Tỳ-kheo! Ví như con sông Hằng, sông Diêu-phù-na, Tát-la, Ma-hê chảy vào biển lớn, liền mất tên cũ mà hợp lại thành một vị, gọi là biển lớn. Các ông cũng như vậy. Ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ Sa-môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc? Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la, mỗi người đều khác họ, cùng vào trong biển lớn thì được gọi là người đi buôn trên biển. Cũng như thế đó Tỳ-kheo. Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa-môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?[2]

Và đức Phật cũng dạy về 5 yếu tố cần và đủ để một người chăm sóc bệnh nhân:

1) Ít nhờm gớm, có thể đem đổ bô đựng phân tiểu, ống nhổ. v.v… 

2) Có thể xin thuốc hợp bệnh, thức ăn hợp cho người bệnh. 

3) Có thể thường thường tùy thuận thuyết pháp cho bệnh nhân nghe. 

4) Không có tâm hy vọng (về lợi lộc). 

5) Không tiếc rẻ công việc của mình.[3]

Trong năm yếu tố này, ngoài “có thể thường tùy thuận thuyết pháp cho bệnh nhân nghe” ra còn lại bốn yếu tố kia ai cũng có thể làm được, nếu có tâm và sự hiểu biết cơ bản. Như vậy vấn đề thuyết pháp này, đức Phật đã tự thân giảng dạy gì? Căn cứ vào Kinh điển ghi chép về cuộc đời đức Phật cho chúng ta thấy:

Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là năm?
 Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống:

  quán bất tịnh trên thân,

  với tưởng ghê gớm đốivới các món ăn,

  với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,

  quán vô thường trong tất cả hành,

  và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.[4]

   Ngoài ra trong “Phẩm Bệnh” thuộc Kinh Tương Ưng 4, đức Phật sau khi thăm hỏi một Tỷ-kheo mới xuất gia thọ giới Tỷ-kheo:

Này Tỷ-kheo, Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng trưởng?[5]

này Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn…
– Tai… Mũi… Lưỡi… Thân… Ý là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là : “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt… “… không còn trở lui trạng thái này nữa”.

15) Thế Tôn thuyết như vậy, Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên, Tỷ-kheo ấy khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: “Phàm cái gì sanh khởi, tất cả đều chịu sự đoạn diệt”.[6]

Qua những lời dạy của đức Phật cho người bệnh, chúng ta thấy được rằng, điều căn bản là phải tu tập quán vô thường, khổ, vô ngã và đi đến niết bàn tịch tĩnh. Vì đó mới là phương pháp giải thoát vượt qua sinh tử, nên mỗi chúng ta cần tu học và giảng dạy khích lệ người bị bệnh.

 

Tài liệu tham khảo:

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 2, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991.

Hòa thượng Thích Phước Sơn, Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 3, NXB Tôn Giáo, Năm 2011.

Thư viện http://vnbet.vn/

 



[1] Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển, việt dịch: Thích Phước Sơn, Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 3, Vấn đề Tỳ-kheo bị bệnh, NXB Tôn Giáo, Năm 2011, trang 404~405.

[2] Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển, việt dịch: Thích Phước Sơn, Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 3, Vấn đề Tỳ-kheo bị bệnh, NXB Tôn Giáo, Năm 2011, trang 405~406.

[3] Hán dịch: Phật Đà Bạt Đà La – Sa Môn Pháp Hiển, việt dịch: Thích Phước Sơn, Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Tập 3, Phương pháp chăm sóc Tỳ-kheo bệnh, NXB Tôn Giáo, Năm 2011, trang 416.

[4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V Năm Pháp XIII. Phẩm Bệnh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, trang 539~540.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương I Tương Ưng Sáu Xứ Phần II. Năm Mươi Kinh Thứ Hai III. Phẩm Bệnh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 84.

[6] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương I Tương Ưng Sáu Xứ Phần II. Năm Mươi Kinh Thứ Hai III. Phẩm Bệnh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 85~86.