Trang chủ Thời đại Đức Phật hằng hữu trong mỗi chúng ta

Đức Phật hằng hữu trong mỗi chúng ta

112

Mục đích của hội nghị Phật giáo lần này là cơ hội quý báu để các nhà lãnh đạo Phật giáo của 14 quốc gia có tổ chức Phật giáo phát triển trên khắp thế giới cùng gặp gỡ nhau, cùng trao đổi và thảo luận về cuộc đời cao quý vô cùng của Đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Và nhất là hội nghị trọng đại của giới Phật giáo thế giới lần này thật là một duyên may, rất lợi lạc cho những người con Phật tu theo nhiều pháp môn khác nhau ở những hoàn cảnh sống khác nhau được trình bày, chia sẻ cho nhau và học hỏi lẫn nhau về sự hiểu biết giáo pháp mà Bậc Đại Đạo Sư chúng ta đã truyền trao, về sự thăng hoa tâm linh trong việc tự thân thể nghiệm pháp Phật và về những kinh nghiệm quý báu mà mỗi người đệ tử Phật gặt hái được trên bước đường tự hành hóa tha.


Riêng tôi, chuyên nghiên cứu và hành đạo theo kinh Pháp Hoa trải qua hơn 50 năm, cho nên những tinh ba của Pháp Hoa luôn hiện hữu trong tâm trí tôi và chỉ đạo cho những việc làm của chúng tôi được tốt đẹp. Vì chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần Pháp Hoa, khi hướng tâm đến ngày Đức Phật đản sinh trên thế gian này, chúng tôi đã liên tưởng đến phẩm Hiện Bảo Tháp thứ 11 trong kinh Pháp Hoa, theo đó cũng ẩn chứa một số yếu nghĩa nhằm chỉ dạy chúng ta nhận chân được rằng Đức Phật Thích Ca vẫn hằng hữu bên cạnh chúng ta, vẫn thường soi đường dẫn lối cho chúng ta tiến bước trên lộ trình thăng hoa trí tuệ và đức hạnh ngay tại thế gian này.


Trong hội Pháp Hoa, một bảo tháp rất lớn bỗng nhiên xuất hiện trước Đức Phật Thích Ca và đại chúng. Tháp báu ấy trụ giữa hư không và từ trong tháp vang ra tiếng nói của Đức Phật Đa Bảo, Ngài khen ngợi Đức Phật Thích Ca đã nói pháp chân thật. Cả đại chúng đều rất ngạc nhiên và muốn được chiêm ngưỡng tôn nhan của Đức Phật Đa Bảo. Đức Phật Thích Ca mới dạy rằng muốn thấy Phật Đa Bảo thì Ngài phải tập trung tất cả phân thân của Ngài đang thuyết pháp trong mười phương. Lúc ấy, Phật Thích Ca phóng một luồng hào quang thì phân thân Phật trong mười phương đều tiếp nhận được ánh quang đó và liền đến thế giới Ta bà để cúng dường tháp báu của Đức Đa Bảo Như Lai. Ngay lúc ấy, Ta bà biến thành Tịnh độ.


Tháp báu có Phật Đa Bảo trụ giữa hư không nhằm gợi ý rằng tất cả những hành giả đang thể nghiệm pháp Phật cần phải thanh lọc tâm mình cho thật trong sạch, thật trống không, mới thấy được Phật. Nói cách khác, Phật chỉ xuất hiện khi tâm chúng ta đã hoàn toàn lắng yên mọi nghĩ suy tính toan theo thế gian, phiền não dứt sạch và tâm thật sự rỗng rang, thanh tịnh. Chúng tôi mong rằng tâm của tất cả quý vị tham dự Đại lễ Phật đản nơi đây đều được thanh tịnh, vắng lặng để đón nhận được sự hiện hữu của Đức Phật ngay trong tâm mình.


 Từ trước, chúng ta vẫn tưởng rằng chỉ có duy nhất một Đức Phật Thích Ca hiện hữu ở Ấn Độ cách đây hơn 25 thế kỷ. Nhưng với hiện tượng tháp Đa Bảo xuất hiện, Đức Phật cho biết Ngài có phân thân trong khắp mười phương. Điều này muốn nói rằng thành tựu quả vị Phật và để giáo hóa chúng sinh thích ứng cho từng loại hình ở nhiều cảnh giới, Phật Thích Ca đã hiện hữu với nhiều phân thân khác nhau mà kinh điển thường diễn tả là thiên bá ức hóa thân Phật thuyết pháp ở mười phương. Nếu chỉ có một thân thì chỉ là Bích chi Phật, hay Độc giác Phật.


 Đức Phật rõ biết nghiệp lực, tánh tình, hoàn cảnh, khả năng, v.v… của chúng sinh hoàn toàn khác nhau và Ngài giáo hóa những người hữu duyên, người thiện cũng như người ác, vô cùng tốt đẹp, thể hiện rõ nét phân thân Phật, hay ứng hóa thân Phật đã sử dụng trọn vẹn vô số pháp tương ưng cho mỗi loài chúng sinh, thậm chí thích ứng cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh.


Và cho đến ngày nay, rõ ràng tầm giáo hóa của Đức Phật vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ cho nhân loại trên khắp năm châu. Điển hình là hôm nay cả vạn Tăng Ni, Phật tử thuộc nhiều quốc gia đã tập trung tham dự Đại lễ Phật đản tại nơi đây, cũng như rất nhiều người trên khắp thế giới cũng đang hướng tâm về Đức Phật, kỷ niệm ngày Đản sinh của Ngài. Tất cả chúng ta dù mang sắc tộc khác nhau, đều là đệ tử của Đức Phật Thích Ca, đều tự nguyện sống theo tinh thần Phật dạy. Con tim và khối óc của vô số đệ tử Phật trên khắp thế giới nói chung và của tất cả mọi người chúng ta đang hiện diện tại cuộc Đại lễ Phật đản này đều đang quy ngưỡng về Đấng Toàn giác, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều này đã minh chứng sâu sắc rằng phân thân Phật đang hiện hữu nơi đây cũng như ở khắp mọi nơi, tạo thành Pháp thân Phật vĩnh hằng bất tử trên thế gian trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm.


Tất cả chúng ta, mỗi người tu học một pháp khác nhau, có được những sở đắc khác nhau, thể hiện một phần tinh ba của pháp Phật, hay sự hiện hữu của một phân thân Phật. Một người không thể hiểu biết  trọn vẹn pháp Phật và cũng không thể hoàn hảo mọi việc cứu độ chúng sinh. Nhưng tất cả chúng ta cùng chung hội họp với nhau trong tuần lễ Phật đản này, tiêu biểu cho sự tập trung phân thân Phật, để tổng hợp tất cả những hiểu biết về yếu nghĩa Phật dạy, tập hợp tất cả những thành quả tâm linh và lợi ích thực tiễn của chúng ta trên bước đường hoằng pháp lợi sinh. Tổng hợp những điều tốt đẹp của nhiều người thân chứng pháp Phật, chắc chắn chúng ta sẽ có được mẫu số chung về hình ảnh và việc làm vô cùng cao quý của Đức Phật. Nói theo Pháp Hoa, chúng ta mở được tháp Đa Bảo, thấy được kho báu Phật pháp vi diệu của Đức Phật giao cho. Nhận chân được pháp Phật cao quý, tâm chúng ta tất nhiên được an lạc và giải thoát vô cùng; đó là ý nghĩa Ta bà biến thành Tịnh độ đối với người đệ tử Phật.


Trong không khí vô cùng trang nghiêm và long trọng của Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550 – 2006, tất cả chúng ta, với tâm trong sạch, hòa hợp, đoàn kết, cùng nhau vạch ra hướng đi cho Phật giáo thực hiện được nhiều việc lợi ích cho nhân loại trong thời hiện đại. Đó chính là sự khắc họa chính xác nhất về hình ảnh Đức Phật hằng hữu muôn đời vĩnh kiếp trên thế gian này và Đức Phật hằng hữu trong chính cuộc sống của chúng ta, trong chính tư duy và việc làm tốt đẹp của hàng đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn biển.


Riêng đối với đất nước Việt Nam chúng tôi, Phật giáo đã thấm sâu vào lòng dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều lãnh vực của đất nước trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Và những tinh ba của đạo Phật đã chỉ đạo cho các vua quan nước Việt một thời dựng nước, giữ nước thật tốt đẹp, đem lại hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc cho muôn dân. Đặc biệt là tinh thần Bồ tát đạo với hạnh xả kỷ vị tha đã soi sáng cho hàng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam từ nghìn xưa cho đến tận ngày nay, tiến bước trên con đường xoa dịu khổ đau và mang an lạc, hiểu biết, hạnh phúc đến cho mọi người, làm sáng danh đạo Phật.


Hồi tưởng lại cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni. Đó là một trong những thị hiện sanh thân của Đức Phật Thích Ca trên cuộc đời này, mà chúng ta quen gọi là Đức Phật sinh diệt. Vì cuộc sống ở thế gian chịu sự chi phối của quy luật sinh diệt, cho nên Đức Phật tất yếu mang thân hữu hạn của con người sinh diệt như một phương tiện cần thiết để có thể giáo hóa chúng sinh trong thế giới sinh diệt. Nhưng mục tiêu chính yếu của Đức Phật khi hiện hữu ở thế giới sinh diệt này là nhằm chỉ cho chúng ta thấy biết thế giới vĩnh hằng bất tử và hướng dẫn chúng ta phương cách sống trong thế giới vĩnh hằng bất tử. Theo Phật, thế giới vĩnh hằng bất tử ấy không phải ở tận phương trời xa lạ, xa xăm nào, mà đó chính là sự hiện hữu của Phật pháp trong chính cuộc sống của con người.


Vâng, quả đúng như tinh thần Phật dạy, giáo pháp của Ngài tồn tại mãi mãi trong dòng chảy vô tận của cuộc sống con người. Sanh thân Phật tuy đã vắng bóng trên cuộc đời, tức Phật sinh diệt đã nhập diệt, nhưng Pháp thân Phật từ đó bắt đầu phát triển, thế giới vĩnh hằng bắt đầu mở rộng, để giúp hàng đệ tử Phật có tầm nhìn hướng đến con người vĩnh hằng bất tử của Đức Phật. Và kỳ diệu thay, con người bất tử vĩnh hằng của Đức Phật, tức là Pháp thân Phật cứ lớn dần mãi theo năm tháng; thời gian càng lâu xa, Pháp thân Phật càng trở nên vĩ đại.


 Tinh ba này được kinh Pháp Hoa diễn tả là ‘Thế gian tướng thường trụ”, nghĩa là Phật thường sống trong thế gian, Phật thường hiện hữu trong nếp nghĩ, nếp sống của con người là chính yếu. Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài ở thế giới này thành Phật với tên là Thích Ca Mâu Ni, nhưng khi Ngài giáo hóa ở quốc độ khác thì Ngài có tên khác. Ý này gợi cho chúng ta nhận thức được tính chất “Vô sanh hiện sanh” của Đức Phật. Nghĩa là con người vĩnh hằng bất tử của Phật là một, nhưng Ngài xuất hiện với nhiều ứng hóa thân khác nhau, ở những thế giới khác nhau, với tên khác nhau, để khơi mở cho mọi người nhận ra tính vĩnh hằng bất tử của Phật, cũng như nhận ra tính vĩnh hằng bất tử ấy tiềm ẩn trong chính mỗi người chúng ta.


Theo Phật dạy, chúng ta cũng có tính vĩnh hằng bất tử như Phật, nhưng vì chúng ta chưa phát triển được tính vĩnh hằng bất tử ấy một cách trọn vẹn như Phật và chúng ta cũng chưa sử dụng được tính chân thật vĩnh hằng ấy giống như Phật. Trong khi Đức Phật đã phát huy hoàn toàn  tính vĩnh hằng bất tử của Ngài, tức Pháp thân Phật đã thành tựu trọn vẹn và Ngài đã điều động được, sử dụng được Pháp thân ấy một cách hoàn toàn tự tại trên bước đường giáo hóa độ sinh.


Có thể khẳng định rằng sanh thân của Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn, nhưng ngày nay, chúng ta thấy khắp năm châu bốn biển, nơi nào cũng chịu sự tác động của Pháp thân Phật. Cụ thể là có vô số kinh sách lưu truyền những lời vàng ngọc của Phật, vô số người diễn giải tư tưởng siêu tuyệt của Phật, vô số người quy ngưỡng Phật, vô số người phát tâm sống theo giáo pháp Phật, phát huy được tri thức và đạo đức, vô số tổ chức tự nguyện dấn thân thực hiện những việc làm lợi ích, tốt đẹp cho đời theo tinh thần từ bi Phật dạy …


Trong tâm trí của mỗi người đệ tử đi theo dấu chân Phật luôn được thắp sáng bởi ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, được thể hiện thành những lời nói, những việc làm mang an vui, hạnh phúc, hòa bình cho cuộc đời này. Tất cả những thành quả tốt đẹp của hàng hàng lớp lớp đệ tử Phật trên khắp năm châu, đã vẽ lên hình ảnh Pháp thân Phật bao la, kỳ vĩ, vượt thời gian và không gian trong thế giới sinh diệt này.


 Nhận ra sức sống vĩnh hằng bất tử của đạo Phật, thấy được sự hiện hữu vững mạnh của Đức Phật trong lòng nhân loại, cùng với những thành quả xác thực đầy giá trị thực hiện bởi hàng đệ tử Phật ở khắp mọi nơi, mà hôm nay, Liên Hiệp Quốc cùng với chúng ta cử hành Đại lễ kỷ niệm Phật đản để cùng nhau san sẻ và xây dựng hướng đi của Phật giáo phù hợp và lợi lạc hơn nữa cho cộng đồng nhân loại trong kỷ nguyên mới.


Chúng tôi cầu mong tất cả mọi người hiện diện trong Đại lễ Phật đản đều tiếp nhận được những điều tốt đẹp nhất của Đức Phật trao cho, để cùng nhau thăng tiến trên con đường thánh thiện và xây dựng được ngôi nhà chung của nhân loại tràn đầy từ bi, an lạc, hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng.