Tiếp nối hào quang chói lọi của vừng thái dương tháng năm xứ Ấn, „purnima“, ngày trăng tròn của Vaisakha, theo kinh chữ Hán là „viên nguyệt“, tháng tròn trăng – có tên quốc tế Vesak, ngày Phật Ðản – là ngày mặt trăng nối tiếp mặt trời, là ngày hết đêm, ngày không đêm, một ngày „là đây, bây giờ“ không còn đối đãi ngày đêm trong hai tầng ánh sáng: ánh sáng của vũ trụ vật thể bên ngoài và ánh sáng của trí tuệ, tâm thức bên trong, một thứ giao thoa ánh sáng cho thấy suốt cả những cõi trời, cõi người, chuyển động kiếp nhân sinh mà trong kinh Ðại Bổn diễn tả:
„… Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên…“ [1] .
Ngày Phật đến như thế!
Mặt trời thái dương hệ chói lọi, nhưng mặt trời đi xuống, nhường cho đêm, mặt trời không bao giờ biết đêm, chỉ có trăng mới thao thức với đêm, trăng cải hóa đêm dày, soi đường, làm cho người đi trong đêm tối không còn sợ hãi, ánh trăng thức tỉnh trong lúc mặt trời có thể làm say. Chẳng ai nhìn được mặt trời lâu hơn một giây, còn trăng sáng mà không lòa.
„Ánh sáng phát sanh đến Như Lai, rọi rõ những việc trước kia chưa từng được nghe đến.” [2] , những việc còn nằm trong bóng đêm vô minh.
Chẳng phải tình cờ mà ngày trăng tròn tháng tư được các tông phái Phật giáo đồng ý xác định cho 4 sự kiện trong cuộc đời của Ðức Phật – Ðản sinh, Xuất gia, Thành đạo, Niết Bàn – (khởi đầu từ năm 1956 – Phật lịch 2500), sự kiện được gọi là 4 điểm làm cho „động tâm“ con người.
Ý niệm thời gian lịch sử hầu như được thu lại trong một vầng trăng tròn sáng. Nơi vòng tròn luân lưu ấy điểm khởi đầu cũng là điểm cuối cùng, trong suốt, nhất quán. Ý niệm lịch sử đường thẳng được cởi bỏ để chỉ còn ý niệm về chân lý vượt thời gian, „trỗi mầm nhân vượt qua mọi vầng dương“ như nhà thơ R. M. Rilke [3] diễn tả khi nhìn thấy Ðức Phật xuất hiện trong tâm mình: mặt trời, đỉnh cao hực sáng của vũ trụ, cao mấy rồi cũng có lần khuất núi nhưng hạt nhân của quả lành đã được nẩy ra và thực chứng từ khi Phật đến với thế gian, vượt trên mọi vầng dương, bất sanh bất diệt:
„Và ngài là vì sao. Và những sao trời khác lạ, mờ mịt mắt trần, lũ lượt về chầu tinh đẩu sáng“ [4] (Rilke). Ngôi tinh đẩu trong câu thơ của Rilke cho ta liên tưởng đến ghi chú ở bìa kinh Trường A Hàm: bốn thời điểm của Phật đều vào ngày „thất tinh“, ngày sao mai [5] xuất hiện.
Như Lai đến thế gian với tấm „Thân này là tối hậu“ [6] , quả hạnh nhân viên mãn, một con người (ngã = aham, nhân vật đại danh từ, chứ không phải ngã = atta hay atman) [7] , một Nhân Phật sau cùng nhất (duy) của tất cả các đấng Chánh đẳng giác trong muôn kiếp, với hạnh nguyện và khả năng chấm dứt vòng luân hồi sanh tử mà chính Phật cũng đã trải qua. Vượt luân hồi sanh tử là mục đích cao nhất của bước đến Như Lai, đó là ý nghĩa của câu „Thiên thượng thiên hạ, duy ngã (aham) độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ“ [8] nói lên hạnh nguyện của Phật đến với nhân loại.
„Duy ngã độc tôn ư tư sanh tử dĩ tận“ đi ngược với mọi tư duy về khái niệm bắt đầu có tính nguyên nhân tối thượng, đánh dấu một bước chuyển rốt ráo trong vòng quay luân hồi: không là nguyên nhân cuối cùng mà „ta là người duy nhất“ lấy sự chấm dứt luân hồi sanh tử làm điểm khởi đầu.
Như con tằm cựa mình nhả tơ, sợi tơ có một điểm bắt đầu. Mỗi sự bắt đầu trong vũ trụ đều vướng vất một chút siêu hình, nhất là điểm bắt đầu của mọi bắt đầu, vượt khỏi thường nghiệm giác quan, nó bao hàm nghịch lý, đầy chất huyền thoại sáng thế. Bởi vì điểm bắt đầu của mọi bắt đầu cũng cần có một bắt đầu, như con tằm còn nằm trong cái kén u minh, phải chăng lại thêm một nghịch lý khi nói điểm chưa bắt đầu là nguồn gốc của mọi bắt đầu?
Ðọc kinh Ðại Bổn của Phật tự thuyết về sự đến thế gian của Phật, ta thấy những câu hỏi siêu hình về điểm „trước nhất“ được thay thế bằng sự nhớ về 91 kiếp trước, như một chuyện „đời xưa“, một câu chuyện truyền kiếp, nó không đòi một giá trị tuyệt đối như những tín lý giáo điều về một nguyên nhân rốt cùng.
Cái không khí „nhớ về“ ấy thật ấm cúng nhân tình, giống như mỗi một người từ hơn hai nghìn năm nhớ về thời thơ ấu, trong chùa, trong đình, trong nhà, trong làng xóm, trong rừng, dưới gốc cây đa hay cây bồ đề, đã có lần ngồi nghe bổn sư hay cha mẹ kể chuyện Phật đản sinh:
„Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành, Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo“.
Thuở ấy cách đây hơn 2550 năm, 1250 vị Tỳ kheo cũng đã ngồi nghe Phật kể về sự rong ruỗi 91 kiếp với bảy đời Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) như thế. Như Lai, Cồ Ðàm, vị Phật lịch sử đang ngồi kể chuyện cho 1250 vị tỳ kheo về tiền kiếp của Như Lai, là vị Phật „tối hậu“ [9] , đến sau cùng. Như Lai không phải là người sáng thế, Như Lai không đưa một yêu sách như thế, Như Lai có tiền kiếp và có cha mẹ, nhưng Như Lai là vị Phật sau rốt (tối hậu) với hạnh nguyện duy nhất: chấm dứt khổ não sanh tử luân hồi. Chỉ có Như Lai, vị Bồ tát duy nhất tuyên bố giải phóng ràng buộc sanh tử, hay nói cách khác, sự xuất hiện của Như Lai là sự xuất hiện của hạnh nguyện giải thoát, của ý chí tự do vượt khỏi trói buộc luân hồi:
„Này các Tỷ-kheo, nay phụ vương của Ta tên là Suddhodana (Tịnh Phạn); mẫu hậu của Ta tên là Mãyã (Ma-da); kinh thành tên là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ).
„Này các Tỷ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời ! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa“ [10] .
Bài kệ trong Kinh Trường A Hàm [11] đã ghi:
“Này các Tỳ-kheo, pháp thường của chư Phật, Bồ-tát Tỳ-bà-thi, khi sanh, do hông phải của mẹ mà ra, chuyên niệm không tán loạn. Ngài từ hông phải ra, vừa đến đất, không cần người đỡ, liền đi bảy bước, ngó khắp bốn phương, rồi đưa tay lên nói rằng: ‘Trên trời dưới đất, duy Ta là tôn quý’, Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Ấy là thường pháp của chư Phật.”
Ngó khắp cả bốn phương;
Nhân sư tử khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Lại như rồng lớn đi,
Khắp ngó cả bốn phương,
Đấng nhân long khi sanh,
Đi bảy bước cũng thế
Khi đấng Lưỡng túc sanh,
Đi thong thả bảy bước,
Ngó bốn phương rồi nói.
Sẽ dứt khổ sinh tử.
Ngay lúc mới sanh ra,
Đã không ai sánh bằng,
Tự xét gốc sinh tử,
Thân này thân tối hậu.
Dứt khổ não sinh tử là mục đích của Ðức Phật đến thế gian với „thân tối hậu“, tấm thân cuối cùng thực hiện tự do và bất tử.
Từ „Pháp nhĩ“ bảy bước hoa sen [12] đầu tiên trên trái đất báo hiệu ý nguyện giải phóng luân hồi sanh tử, như một hạt mầm, chủng tử Như Lai, chủng tử [13] Phật tính từ muôn kiếp, gặp đất, thái tử Gotama Siddhattha (Cồ Ðàm Tất Ðạt Ða) xuất hiện trong lịch sử nhân loại với ứng thân gồm 32 tướng tốt [14] . „Ðức Phật lịch sử“ của giòng họ Sakya (Thích Ca) đã trở nên tấm gương tối hảo cho thực chứng giải thoát. Với tuổi 29, thái tử Tất Ðạt Ða rời khỏi thành Ca-tỳ-la-vệ lên đường „tìm điều lành chữa khổ đau“ [15] cho nhân loại, bởi vì con người ai ai cũng sợ già, bệnh, chết. Dưới cội Bồ đề, theo phương pháp nhập định của chính Người tìm ra, Thái tử Tất Ðạt Ða giác ngộ thành Phật [16] . „Thế tôn giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát- đa-la)“ [17] .
„Amatam adgigatam“ đó là lời đầu tiên Phật thốt ra sau khi giác ngộ: „sự bất tử đã được tìm thấy!“ Những chữ ấy tuyên báo cả nội dung giáo lý của Phật Cồ Ðàm. Chính sự thực chứng „bất tử“ này cho ta hiểu sâu hơn câu tuyên ngôn ý chí tự do, giải phóng sanh tử luân hồi của bảy bước hoa sen. Nếu muốn hiểu toàn bộ giáo lý của Phật, cần hiểu khái niệm „bất tử“, và năm vị đệ tử đầu tiên [18] của ngài đã hiểu, bởi vì họ được Phật chỉ cho thấy lý duyên khởi trong tương quan với giác ngộ bất tử: sự bất tử nằm trong thực chứng „“tất cả những gì sanh khởi đều hoại diệt“ (kinci samudhayadhamman sabbam tam nirodhadhammam).
Những gì do duyên sinh
Phật chỉ rõ nguyên nhân
Chúng hủy diệt thế nào
Ðại hiền sư giảng rõ
Bốn câu kinh ngắn tóm tắt giáo lý Ðức Phật mà Assaji, vị đệ tử thứ năm, trên đường đi khất thực đã đọc lên và làm cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên giác ngộ, trở nên những đại đệ tử của Phật, trong lúc hai vị đang ở trên đường đi tìm „sự bất tử“ [19] .
Theo đó „Amatam“, „bất tử“ không phải là „đời sống vĩnh cửu“, bởi vì tất cả những gì thuộc về „đời sống“ đều nằm trong qui luật sanh-diệt. Sống và chết thuộc vào nhau, chúng không thể phân cách nhau. Hễ sanh thì diệt, diệt rồi sanh, tất yếu trong chuỗi luân hồi bất tận, cho nên „bất tử“ không phải là sự hứa hẹn một cuộc sống trên thiên đường vĩnh cửu sau khi chết, mà là sự chấm dứt chuỗi luân hồi này bằng con đường tu chứng thực hiện giải phóng ngay trong hiện tại, trên trần gian. Từ đó có thể hiểu „duy ngã độc tôn“ qua ý nghĩa thực hiện bất tử như là trạng thái siêu vượt, đứng trên hai cực đối đãi sanh tử.
Là vị Phật đã thành do chính giác ngộ “nguồn gốc sanh tử“, Ðức Phật chỉ con đường (bát chánh đạo) cho mỗi người, mà khi thực hành, con người có thể tìm thấy giác ngộ bất tử ngay trong chính cuộc đời hiện tại, bởi vì mỗi người đều mang chủng tử Phật tính, mỗi một con người là vị Phật đang thành.
Có thể nói yếu tính giáo lý của Ðức Phật nằm trong chữ „chuyển“: chuyển bánh xe sanh tử tạo cơ hội giác ngộ bất tử thành Phật. Khả năng chuyển đổi, cải hóa nằm trong tay mỗi người:
„… trong tấm thân cao 6 trượng này – với tri giác và ý thức của nó, cả thế giới đều bao hàm trong ấy cùng với sự hình thành và chấm dứt thế giới cũng như con đường dẫn đến đoạn diệt“ [20] .
Ðó là hình ảnh con người với những điều kiện hiện sinh giới hạn và khả thể vượt giới hạn của nó: con người tạo khổ và con người có thể diệt khổ (tứ diệu đế). Ðức Phật cho rằng con người là thực thể có cơ hội và khả năng ưu việt hơn tất cả những sinh thể (ngay cả thiên nhân) khác trong quá trình giải phóng thực hiện tự do và giác ngộ bất tử. Ðược làm người là một hạnh ngộ trong viễn tượng giác ngộ thành Phật. Quá trình „chuyển nghiệp“, đổi mới con người từ hiện trạng đau khổ, bị ràng buộc bởi những điều kiện hiện sinh trở nên con người tự tại, tự do, giải tỏa mọi trói buộc là một quá trình tu chứng gồm cả ba lãnh vực: tri thức (prajna= Tuệ), đạo đức (sila = Giới) và hội nhập ý thức nhất thể hay nhập định (sammadha= Ðịnh).
Hội nhập tu chứng đòi hỏi một cái nhìn đúng đắn về bản chất mọi sự vật. Chìa khóa mở ra chân trời nhân sinh mới không ở đâu khác hơn là ý chí thay đổi cái „ngã“ chấp chặt vào những định kiến, nhất là chấp chặt vào chính cái „ngã“ của nó như một khái niệm bản thể thường còn, cố định, vô điều kiện và không khổ não. Trên bình diện tri thức luận, đó là một khái niệm mâu thuẫn với chính nó và với thực tại vô thường. Một khái niệm „ngã“ cố định, đóng kín tất cả cửa khai thông, không tạo được điều kiện chuyển đổi cho chính nó, là nguyên nhân tạo nên ảo tưởng và khổ não. Tri kiến như thật cho thấy khi phân tích khái niệm „ngã“ ta chỉ thấy những nhóm tập hợp „năm uẩn“ (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nằm trong tương quan điều kiện duyên khởi „cái này có thì cái kia có“, chúng vô thường và không có một bản thể tự sinh, chúng „vô ngã“. Vô ngã là bản chất của ngã trong dòng duyên khởi của thập nhị nhân duyên.
Với khái niệm „vô ngã“ Ðức Phật không phủ nhận hiện sinh, hủy diệt nhân cách hay hạ thấp con người, ngược lại chính cái nhìn „vô ngã“ trả lại cho con người khả năng cải đổi (chuyển nghiệp) sống động, mà nó đánh mất trong lúc mê muội giữ chặt cái tôi, khả năng có thể tự nâng con người từ bình diện giới hạn ràng buộc hiện sinh lên bình diện tự do, khai phóng, có phẩm chất nhân tính cao quí. Trên bình diện tri thức luận, cái nhìn vô ngã linh động hóa vai trò của chủ thể trong tương quan điều kiện với thế giới khách thể. Nhìn đúng tương quan ấy trong dòng thể tính biến chuyển (werden) là đến gần chân lý, phá vỡ vô minh và sai lầm, nguyên nhân của khổ trạng. Trên bình diện đạo đức học, cái nhìn „vô ngã“ là điều kiện cho hành động đạo đức, bởi vì nó khai thông khả năng chuyển đổi con người, tạo điều kiện xả bỏ vị kỷ, phá chấp ngã, chuẩn bị tâm linh hòa nhập và cảm thông với tha nhân, mở rộng tình thương, từ bi với muôn loài. Trên bình diện hội nhập ý thức nhất thể, cái nhìn „vô ngã“ đưa ta thâm nhập Niết bàn, không còn vướng mắc, mọi phân biệt được giải tỏa, tự do và bình đẳng được thực hiện trong tâm vô phân biệt: sống và để cho người khác cùng sống, sự sống mới chan hòa.
Sự bất tử không nẩy mầm trên mảnh đất khô cứng của cái ngã vị kỷ, chỉ biết có „tôi“, chính trên mảnh đất của „tôi và người“, của „chúng ta“, „bất tử“ hiện thực như con sông đổ vào đại dương trở nên vô bờ.
Ngài Xá Lợi Phất đã trình bày cho Phật thực chứng „bất tử“, mà ngài đã không tìm được ở những đạo sư khác trước khi đến học Phật, căn cứ vào lời dạy vô thường vô ngã của Phật như sau:
Nếu có ai hỏi Xá Lợi Phất đã thực hành như thế nào trong khi căn cứ vào sự giải phóng để đạt được liễu tri là ngài không còn ở trong qui luật sanh tử (tái sinh) nữa: „Ðệ tử sẽ trả lời: căn cứ vào sự giải phóng nội tâm, bởi vì đệ tử đã chấm dứt mọi thủ và chấp, nên đệ tử sống thường xuyên trong sự vững tâm tự chủ, không để những thâm nhập, những ảnh hưởng trần thế chế ngự. Ðồng thời đệ tử không chối bỏ cái ngã“ [21] .
Chấm dứt cái ngã hủ hóa để chuyển cái ngã vào hội nhập thực chứng siêu việt sinh tử, kinh nghiệm này của ngài Xá Lợi Phất làm rõ ý niệm „bất tử“ của Ðức Phật: muốn „bất tử“ cần phải chính mình sửa đổi nội dung „sanh tử“ như qui luật đè nặng con người đã xem„ sống“ như một tiến trình đường thẳng đến cái „chết“ (duyên sanh lão tử sanh [22] ). Sống trong sợ hãi cái chết, sống trong viễn tượng để chết, sống trong tùy thuộc ảo ảnh vĩnh cửu, chẳng khác gì đang chết trong từng phút từng giây, con người sống mà chết trong sự vô minh của chính mình. Ý niệm „Bất tử“ của Ðức Phật trả lại định nghĩa đích thực cho khái niệm sống: sống là không chết (bất tử), là sống trong từng phút từng giây, không một giây buông thả để thần chết có thể „nhìn thấy ta“, đó là kinh nghiệm của Phật trong khi quán tưởng dưới gốc cây Bồ Ðề, và cũng là kinh nghiệm của đại đệ tử Xá Lợi Phất. Ý niệm „bất tử“ không kéo dài thời gian vật lý của chuỗi „sống chết“ mà đổi phẩm chất, ý nghĩa sống lên trên một cấp bực khác, ở đó sức sống chan hòa trong mỗi sát na thức tỉnh, sáng tạo, không sợ hãi.
Xá Lợi Phất là mẫu con người mới, được Ðức Phật truy nhận là một trong những đệ tử đắc đạo nhất về giác ngộ bất tử.
Sự chuyển đổi tình trạng „sống trong sợ hãi cái chết“ sang „sống không sợ chết“ hay sống trong tự do sáng tạo là một quá trình tu chứng. Giác ngộ bất tử nằm trong thực chứng rốt ráo nguyên nhân của khổ đến từ vô minh và ảo tưởng nhầm lẫn bản chất sự vật vốn vô thường, biến đổi như những thực thể thường còn, bất biến, nằm ở sự dứt bỏ tham sân si, chấp ngã, nằm trong sự thực chứng khổ não, vô thường, vô ngã, thực hiện hạnh từ bi không làm hại chúng sanh (ahimsa) [23] từ đó đạt được trạng thái Niết Bàn, một trạng thái vượt trên đối đãi sanh tử, tự do trong nghĩa cởi bỏ mọi ràng buộc, nhất là mọi ham muốn thế lực đến từ sự chấp ngã, nguyên do của mọi tranh chấp thế lực. Lòng ham muốn thế lực là điều mà Ðức Phật khuyên cần phải hủy diệt để thực hiện hòa bình nội tâm. Trong suốt 45 năm thuyết giảng độ sinh, Ðức Phật đã là vị sứ giả hòa bình tối hảo với giáo lý giác ngộ bao dung căn cứ trên „như thật tri kiến“ và bất bạo động [24] :
Khi thức không âu lo
Khi ngủ chẳng sợ hãi
Ngày đêm không khởi lên
Phiền não bận lòng Ta.
Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời.
Do vậy, ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh [25] .
Chân lý mà Ðức Phật muốn chúng sanh đạt được như Ngài là một chân lý do trí tuệ khai mở và mỗi người có thể tự mình chứng nghiệm chứ không do một thế lực hay uy quyền ngoại tại, ngay cả uy quyền của Thượng đế hay của chính Ðức Phật, bắt buộc hay ban phát, đồng thời chân lý này không phải chỉ để thoả mãn tò mò tri thức ngay cả tri thức khoa học. Theo Ðức Phật, chân lý chỉ là chân lý trong nghĩa vừa đúng thật vừa giúp con người giải thoát mọi phiền não trói buộc, phục vụ nhân loại, thực hiện quân bình nội tâm, tự tại, hóa giải sợ hãi và tuyệt vọng:
Với tâm trong sáng, hãy nhìn cõi đời biến đổi như không,
Dứt sạch ngã điên rồ, thoát khỏi tử thần người giải phóng,
Thần chết chẳng thấy ta, kẻ nhìn thế gian như nhà rỗng [26]
Một khi thấy rõ được lý duyên khởi, nguyên lý của vô thường, nắm vững qui luật sanh diệt, con người trở nên tự chủ, tự do, thức tỉnh và tinh tấn, chuyển đổi hướng đi bánh xe luân hồi về hướng bánh xe chánh pháp [27] , phát triển quân bình tâm trí, sự sợ chết biến mất, bất tử được thực chứng, trạng thái hòa bình tịch tịnh – Niết bàn – được hội nhập.
Tự mình, làm nhiễm ô.
Tự mình, ác không làm,
Tự mình, làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình.
Không ai thanh tịnh ai! [28]
Như Lai đến thế gian này, nói như S. Radhakrishnan, „… để thực hiện chứ không phải để hủy diệt“, trong một chừng mực cũng đồng nghĩa với nhận định“ [29] . Thế tôn lấy sự chấm dứt sanh tử luân hồi“ làm khởi điểm cho ý chí tự do thực hiện hội nhập tâm linh siêu việt sanh tử, hay nói cách khác, Như Lai đến thế gian nhằm thực chứng sự sống xứng đáng (bất tử) của con người trong hiện tại.
Ðã 50 năm từ khi ngày lễ Vesak được thế giới công nhận là ngày lễ quốc tế, nhận xét của S. Radhakrishnan về Ðức Phật và giáo lý của Ngài trong ngày Phật đản năm 1956 vẫn còn thời sự, chứng tỏ giáo lý của Ngài vượt trên vô thường, biến chuyển, vì sự sống của con người:
“Sau vô số những tìm kiếm, có khi loài người biết xác lập chính mình, giác ngộ mục đích sự hiện hữu của mình một cách cao thượng, để rồi lại làm mất chính mình trong tiến trình phân hóa rất chậm chạp. Ðức Phật nhắm tới việc gây dựng một hạng người tự do mới, thoát khỏi những thành kiến, quyết tâm xây dựng tương lai, và chỉ trông cậy vào chính mình. Giáo lý nhân bản của ngài vượt lên trên những hàng rào chủng tộc và quốc gia. Nhưng tình trạng hỗn loạn của thế giới phản chiếu sự xao động trong tâm trí con người. Lịch sử đã trở thành tính cách hoàn cầu. Ðề tài của lịch sử không còn là Âu hay Á, Ðông hay Tây, mà là nhân loại ở mọi xứ và mọi thời đại. Thế giới là một thực thể độc nhất, dù người ta muốn hay không muốn, và dù có sự chia rẽ về chính trị. Vận mệnh của mỗi người có liên quan tới vận mệnh của người khác. Nhưng chúng ta đang chịu sự mệt mỏi của tâm linh và sự gia tăng tâm vị kỷ cá nhân cũng như tập thể, làm cho ý niệm thế giới đại đồng khó có tính cách hấp dẫn, cái mà chúng ta đang cần là một quan kiến tâm linh về vũ trụ mà xứ Ấn độ này đã có, để lại thổi vào cuộc đời, mở tung những cánh cửa đang đóng kín đời người. Chúng ta phải tái lập lý tưởng tự do tâm linh. Nếu muốn có hòa bình, chúng ta phải duy trì sự hòa hợp nội tâm đó, sự thăng bằng tâm linh đó, vốn là những thành tố thiết yếu cho hòa bình. Chúng ta phải thủ đắc chính mình, dù phải mất tất cả những thứ khác. Tinh thần tự do sẽ không hạn chế lòng từ ái của mình, sẽ nhận ra điểm linh quang trong mỗi con người, và sẽ cống hiến chính mình cho lợi ích của nhân loại. Nó sẽ liệng bỏ mọi sự lo âu, trừ sự sợ mình làm điều xấu, sẽ vượt lên trên hàng rào thời gian và sự chết để tìm năng lực vô tận trong bất tử.”
Giác ngộ trong tự do, hoà bình và hòa hợp, đó là thông điệp bất tử mà Ðức Phật Thích Ca đã để lại cho chúng ta hôm nay trong thế kỷ toàn cầu hóa, sau khi nhập diệt với lời căn dặn mỗi người “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Với tuổi thọ 80, mà Ngài tự cho là ngắn ngủi “tuổi thọ của Ta không bao nhiêu, ít ỏi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút“ [30] so với tuổi thọ loài người là tám vạn năm thời A la hán Tỳ Bà Thi (Vipassi). 45 năm thuyết Pháp không ngừng nghỉ đã là 45 năm thực chứng Niết Bàn của Ðức Phật. Là một Ðấng Toàn Hảo, hành động của Ngài không bị động lực của tham sân si chi phối và do đấy không có hậu quả luân hồi. Ðộc lập với những năng lực bản năng tái sinh (chấp thủ) nhưng „tấm thân tối hậu“ ấy cũng nằm trong định luật sinh diệt, như Ngài đã nhắn nhủ người đại đệ tử cận kề nhất Ananda không nên bi lụy, hãy lấy Chánh Pháp của Phật để thấy Phật.
Thiên kinh vạn quyển đã viết về sự tích của Phật. Giữa tất cả những huyền thoại, ca ngợi, tôn sùng, như kẻ đi tìm và gặp: những người thợ tạc tượng có thể (cũng như đã) lấy ra được khối ngọc trong suốt qua lời nói của chính Phật về Người để tạc tượng:
„Này Sariputta, những ai nói một cách chơn chánh sẽ nói như sau: „Một vị hữu tình không bị chi phối đã sanh ra ở đời vì hạnh phúc của số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”” [31] .
Một cách đơn giản, sau khi giác ngộ, Ðức Phật tự xưng là Như Lai, Tathagata, có nghĩa người đã đi đến chân lý, như thế, tự tại thong dong, cứu độ chúng sinh.
Vui thay Phật ra đời!
Vui thay Pháp được giảng! [32]
München, ngày Phật Ðản, 2630, PL 2550 (12. 05. 2006)
[1]Trung Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn 29, Thích Minh Châu dịch
[2]Kinh Chuyển PhápLuân
[3]R. M. Rilke (1875-1926), thi hào Ðức, thơ ca ngợi Ðức Phật (bản dịch Thái Kim Lan)
Tâm của toàn Tâm, Nhân của Nhân
Quả Hạnh Nhân – vừa viên thành, thấm ngọt
Cái TẤT CẢ ấy vút đến sao trời muôn một
Là xác thịt quả nhân: xin chào hân hạnh!
Hãy xem! Nơi thân này còn chi vướng bận,
trong vô cùng là lớp vỏ ngoại thân
và nơi đó mật dâng đầy tràn ứ
và bên ngoài ấp ủ ánh hồng quang
Bởi lẽ trên tận đỉnh cao kia, tròn đầy hực nóng
Vầng thái dương đang chuyển bóng tà dương
Nhưng „quả thật“ chính từ trong trái hạnh
đã trỗi mầm nhân vượt qua mọi vầng dương.
[4]Rilke, đd, thơ:
Đức Phật
Dường như Ngài đang lắng nghe. Tĩnh lặng: cõi xa…
Ta dừng lại và không còn nghe im lắng
Và Ngài là vì sao. Và những sao trời khác lạ,
mờ mịt mắt trần, lũ lượt về quanh tinh đẩu sáng…
Ngôi tinh đẩu trong câu thơ của Rilke cho ta làm liên tưởng đến ghi chú ở bìa kinh Trường A Hàm: bốn thời điểm của Phật đều vào ngày „thất tinh“ ngày sao mai mọc lên. Ngày Phật đản sanh là ngày trăng rằm nằm trong hình tượng sao Pusya, thất tinh. (xem thêm, K. Leider, Buddha, Lübecker Akademie Verlag, 2002, tr. 221)
[5]Kinh Trường A Hàm ghi 4 sự kiện vào ngày mồng 8 tháng 4, gọi là ngày thất tinh = sao mai mọc lên
[6]Kinh Trường A hàm
[7]chữ „ngã“ ở đây trong kinh tạng Pali là „aham“, một đại danh từ nhân vật theo qui ước văn phạm, không có nghĩa của chữ „ngã“ = atta = atman trong ngã chấp hay ngã mạn.
[8]Câu kinh „duy ngã độc tôn“ đứng một mình thường gây hiểu lầm là Ðức Phật tự cho cái ngã của Ngài cao nhất, mâu thuẫn với lời dạy về vô ngã của Phật. „Duy ngã“ cũng thường được hiểu theo ý niệm „ngã“ trong ngã chấp. Xem ghi chú 7.
[9]Theo Kinh Ðại Bổn, Phật là vị A La Hán thứ bảy sau Vipassi (Tỳ Bà Thi), Sikhi (Thi Khí), Vessabhu (Tỳ Xá Bà), Kakushanda (Câu lâu Tôn), Konagamana (Câu Na Hàm), Kassapa (Ca diếp)
[10]Trung Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, 29, Thích Minh Châu dịch
[11]số1, Kinh Ðại Bản Duyên , ThíchTuệ Sỹ dịch
[12]Theo Kinh Ưu bà tắc giới, Ðại Thừa, Ðức Phật Thích được sanh ra ở bên hông tượng trưng cho vô sanh, khi sinh ra đi 7 bước với biểu tượng như sau:
- Thị Ðông phương, vi chúng sanh, vị đạo thủ cố, tri trí tuệ
- Thị Nam Phương, vị chúng sanh, lương phước điền cố, bỏ ác làm lành, tạo phúc đức
- Thị Tây phương, vị chúng sanh, dĩ tối hậu thân cố, thanh tịnh
- Thị Bắc phương, vị chúng sanh, ngã đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đạt Niết Bàn
- Thị hạ phương, vị chúng sanh, di dục hàng ma cố
- Thị Thượng phương, vị chúng sanh, qui y thiên nhân cố.
- Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
[14]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[15]D XVI, 5
[16]M 26, 36.
[17]Trung Bộ Kinh, đd. Thích Minh Châu dịch
[18]Năm vị đệ tử đầu tiên của Phật: Kondamnya, Vappa, Bhaddya,, Mahanama và Assaji, những vị này đã cùng thái tử Tất Ðạt Ða luyện tập Yoga và đã bỏ Phật khi Ngài chấm dứt phương pháp tu luyện ấy để thực hành phương pháp Thiền định đạt Niết bàn.
[19]Kurt Schmidt, Buddha und seine Jünger (Ðức Phật và các đệ tử), Konstanz, 1955, tr. 14
[20]Anguttara Nikaya IV, 45
[21]S XII, 32
[22]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[23]Trình bày giáo lý Phật giáo, E. Conze đặt „ahimsa“, không làm hại, bất bạo động lên hàng đầu: tránh mọi vũ lực, từ không giết hại người và vật cho đến bắt nô lệ tư tưởng, từ bỏ chấp„ngã“ atta hay atman, và „bất tử“ (E. Conze, Buddhimus)
[24]Ðức Phật là vị đạo sư đầu tiên đã cương quyết bãi bỏ nghi lễ tôn giáo tế thần bằng giết hại sinh vật, cũng như giải thể độc quyền giác ngộ của giai cấp Bà La Môn và sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ đương thời
[25]Trung Ưng I, 136, Thích Minh Châu dịch
[26](Sn 1119)
[27]Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
[28]Pháp Cú 165
[29]S. Radhakrishnan 1888-1975, „2500 Phật giáo“, B. V. Bapat, lời giới thiệu của S. Radhakrishnan, Thích Nguyên Tạng dịch Việt từ Anh ngữ, Trang Quảng Ðức.
[30]Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bổn, Thích Minh Châu dịch
[31]Trung Bộ Kinh, I, 83, Thích Minh Châu dịch
[32]Dhammapada, Pháp cú, Thích Thiện Châu dịch