Trang chủ Thời đại Đức Phật cần gì ở đại gia?

Đức Phật cần gì ở đại gia?

614

Thời Phật, trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường Phật cả một khu vườn lát vàng ròng để xây tịnh xá Kỳ Viên, nhưng Phật không nhận cúng dường tịnh xá cho Phật mà Phật chỉ nhận cúng dường cho tăng thân. Vì thế tài sản trở nên ít có ý nghĩa, bởi hàng ngày chư tăng cũng chỉ khất thực đủ để nuôi thân với một bữa trưa duy nhất.

Hành động cúng dường thể hiện rõ lòng tôn kính, nên vật phẩm cúng dường hoàn toàn thanh tịnh.

Phải có người xứng đáng nhận sự hiến dâng và phải có người làm trong sạch sự hiến dâng ấy thì mới là thanh tịnh cúng dàng. Thanh tịnh cúng dàng thì không vì nhân ngã danh lợi mà cúng.

Trong Anguttara kinh Nikaya, Đức Phật nói với ông Anathapindika về cúng dường như sau:
“Gia chủ đãi cơm cho trăm người thường không bằng đãi cơm cho một người tốt. Đãi cơm trăm người tốt không bằng đãi cơm cho một vị Tu đà hoàn. Đãi cơm cho trăm vị Tu đà hoàn không bằng đãi cơm cho một vị Tư đà hàm. Đãi cơm cho trăm vị Tư đà hàm không bằng đãi cơm cho một vị A na hàm. Đãi cơm cho trăm vị A na hàm không bằng đãi cơm cho một vị A la hán. Hiến cơm cho trăm vị A la hán không bằng hiến cơm cho một vị Bích Chi Phật. Hiến cơm cho trăm vị Bích chi Phật không bằng hiến cơm cho một vị Phật”.

Đến đây cứ nghĩ Phật đề cao quả vị Phật, nhưng không phải vậy. Xin lắng nghe Đức Phật dạy tiếp:

“Hiến cơm cho một vị Phật không bằng hiến cơm cho tăng đoàn đang tu với Phật. Hiến cơm cho tăng đoàn đang tu với Phật không bằng xây tu viện hiến cúng cho tăng đoàn ở khắp bốn phương trong hiện tại và tương lai. Hiến cúng tăng đoàn bốn phương trong hiện tại và tương lai không bằng đem lòng chí thành mà quy y Tam bảo”.

Tạm dừng ở đây, hỡi các vị đệ tử xuất gia, người ta đã chí thành quy y Tam bảo, công đức ấy còn lớn hơn xây chùa to, lớn hơn cúng dàng Phật, qúy vị còn đòi hỏi gì thêm ở họ nữa?

Xin cùng lắng nghe Phật dạy tiếp:

“Đem lòng chí thành quy y Tam bảo không bằng đem lòng chí thành giữ trọn 5 giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu).

Trời đất ơi, cuối cùng sự dâng cúng trở về với công hạnh tu tập của chính bản thân người cúng. Có đại gia nào xây chùa to Phật lớn ý thức mình là một người Phật tử quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới?

Chưa hết bất ngờ đâu ạ! Phật dạy tiếp:

“Đem lòng chí thành giữ trọn 5 giới không bằng mở rộng dù chỉ một thoáng từ tâm. Đem lòng mở rộng dù chỉ một thoáng từ tâm không bằng đem lòng mà quán dù chỉ trong thời gian của một cái búng tay về ý nghĩa của vô thường”.

Ôi, hoá ra đền đài lăng tẩm, thân mạng này cũng chỉ là phù du. Phật có muốn nhận gì cho mình đâu ngoài bữa ăn vừa đủ để nuôi thân.

Nhưng nếu người hiến cúng nào cũng biết giữ gìn 5 giới, cũng khởi từ tâm, cũng giác ngộ vô thường, thì tịnh độ ở ngay nhân gian này vậy.

Đây cũng là điều thiền sư Nhất Hạnh từng mong mỏi.

Theo như lời Phật dạy thì hãy tuỳ điều kiện cúng dường ngang được ở cấp nào thì cúng dường, nhưng cuối cùng vẫn không bằng tự mình tu tập và quán chiếu vô thường.

Ai cũng cho và nhận bằng lời dạy trên thì làm gì còn những kiểu thầy chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của người Phật tử, làm gì có người Phật tử nào cúng dường xong do không được tâng bốc chiều chuộng, nên bực bội rồi hô hoán lên mình bị lừa tiền.

Đó là ô nhiễm nhận và bất tịnh thí. Đó cũng là hệ quả tất yếu dẫn đến tranh đấu, kiện cáo khổ đau.

Vì sao mỗi khi quỳ trước Phật chúng ta dâng cúng 5 thứ hương thơm: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Vì Phật nào cần cái thứ khói hương lửa cháy đùng đùng tẩm đầy hoá chất.

Phật chỉ cần chúng ta chăm chỉ tu tập thôi, có lỗi thì sửa lỗi không tái phạm, không lỗi thì đừng phạm lỗi, như thế không có thứ hiến dâng nào ý nghĩa và thanh tịnh hơn điều đó cả.

Xin nói thêm về 3 cách bố thí:

Trong đạo Phật, có 3 phương cách bố thí: tài thí, pháp thí, vô uý thí.

Tài thí là bố thí tiền của, vật chất, nhằm loại trừ tâm ích kỷ, bỏn xẻn. Pháp thí là bố thí những lời dạy đạo lý, trí tuệ… Vô uý thí là thí với tâm không sợ hãi, khiếp nhược trước sinh tử, phiền não.

Pháp thí thứ nhất (tài thí), không kể tại gia, xuất gia đều có thể thực hành. Nhưng với 2 pháp thí sau, người đầy đủ giới đức, trí tuệ mới có thể làm được.

Khi người Phật tử quy y Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), họ cúng dường Tam bảo theo phương cách nào tuỳ vào niềm tin và sự thành kính của họ với bậc thầy của mình. Việc cúng dàng được thực hành một cách tự nhiên, hoan hỷ.

Chữ “cúng dàng” ở đây là cách nói trang trọng chứ thực chất cũng là “thí” (cho đi). Nhưng vì niềm tin với đạo mà cho đi thức ăn, vật thực, tiền bạc, gọi là “tín thí”.

Thời Đức Phật, người Phật tử không thí cho tăng chúng tiền bạc, vì chư tăng khất thực (chỉ xin thức ăn đủ dùng cho bữa ngọ mỗi ngày). Với 1.250 đệ tử, việc cúng dường diễn ra cũng tuỳ mức trọng thị tại mỗi vùng, mỗi xứ sở mà tăng đoàn đến giáo hoá.

Nhưng vì sao lại có sự “cúng dường” cho các vị thầy tu? (Không rõ các tôn giáo khác dùng từ như thế nào?). Nhưng trong Phật giáo khi đứng vào hàng tỳ kheo, tu tập có giới hạnh, cũng là lúc dự vào hàng ứng cúng. “Ứng cúng” chính là xứng đáng nhận sự cúng dàng, cho tặng của đàn na tín thí.

Trong 10 danh hiệu tôn xưng Phật, có một danh hiệu gọi là “Ứng Cúng”.

Nhưng cần hiểu Đức Phật vốn là Thái tử, người sẽ nối ngôi vua trong tương lai, ngài có cần xuất gia chỉ để đi xin từng bữa ăn hàng ngày hay không? Ngài có thiếu của cải để xây cung vàng điện bạc không mà phải trú ngụ ở gốc cây, hang đá? Không thiếu, nếu ngài yêu cầu phụ vương, nhưng ngài đã chọn làm người khất sĩ.

Phật và tăng chung nhận sự cúng dường nhưng đem lại niềm hoan hỷ cho người cúng dường. Đương nhiên, người ngoại đạo có niềm tin của người ngoại đạo, tín thế nào, thí thế nào chắc chắn không giống nhau.

Y phục xứng kỳ đức, nếu không đủ niềm tin giữ gìn giới luật tỳ kheo, dự vào hàng ứng cúng, xứng đáng nhận, thì không thể đem đến sự an vui cho người Phật tử. Khinh khi người tu hành mà cho cũng không khác nào phỉ báng.

Người Phật tử (nam, nữ) phát nguyện thọ Tam quy, ngũ giới, họ đã có tâm hướng thiện, phát nguyện hoàn thiện. Họ cúng dường hàng xuất gia với tâm thành kính là thanh tịnh thí. Hàng xuất gia nếu không đủ tự tin vào giới luật mình giữ gìn, không thấy mình là người xứng đáng nhận vật thực cúng dường thì không phải thanh tịnh nhận. Người cho thanh tịnh mà người nhận không thanh tịnh, hoặc người cho không thanh tịnh mà người nhận thanh tịnh thì cũng không hoàn thành pháp cúng dường, không có lợi ích gì.

Nhìn vào pháp cúng dường như vậy mới không làm sai lệch những giá trị căn bản của Phật giáo. Việc lạm dụng của cải vật chất của đàn na tín thí quả báo không hề nhẹ. Đến độ hạt cơm cúng dường của đàn na tín thí cũng được ví nặng như núi Thái, nếu người tu hành lạm dụng thì kiếp sau phải mang vây đội sừng mà trả quả.

Trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch; cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận; cho luôn luôn; khi cho tâm tịnh tín; sau khi cho tâm luôn hoan hỷ”.

Cũng trong kinh này, Đức Phật dạy: “Có năm lợi ích của bố thí: được nhiều người ưa thích mến mộ; được thiên nhân và các bậc chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành thiên giới”.

Như vậy việc bố thí bao hàm cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, tức vừa tốt cho mình vừa lợi cho người. Việc làm nào mà tổn người lợi mình hay lợi người tổn mình đều không được khuyến khích.

Trong Kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rất rõ:

“Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây đui mù, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế, các vị quốc vương, đại thần đó muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị quốc vương, đại thần đó đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”.