Dù đã sang tuổi 93, song Tổ vẫn khoẻ mạnh, với 1 thời khoá làm việc mà các bậc tráng niên cũng khó bề theo kịp. Ngài thường thức giấc vào lúc 1-2 giờ sáng, chong đèn bàn làm việc tại phương trượng tới 4 giờ thì khai tĩnh. 4 giờ 30, Ngài trực tiếp cùng Tăng chúng trường Hạ thực hiện thời khoá niệm Phật tại Tổ đường. Rồi thuyết Pháp, dịch Kinh, đọc sách, tiếp khách, hành trì.
Trường Hạ Viên Minh được Ngài trực tiếp coi sóc và giảng dạy. Năm nay Ngài tuyên giảng bộ “A Di Đà Sớ sao” do chính Ngài biên tập. Ngài cũng vừa cho in và lưu hành pho kinh A Di Đà do chính ngài dịch.
Đôi lần, thấy Ngài cho ý kiến về tình trạng kinh sách nhà Phật trong giai đoạn ngày nay bị “tam sao thất bản”, bị xuyên tạc bởi một số dịch giả, soạn giả. Chẳng hạn “thân thông tự tại” bị xuyên tạc thành “thần thông quảng đại”… Thực là lợi bất cập hại đối với những người sơ học. Theo Ngài, việc “trước thư lập ngôn” không thể không thận trọng.
Được sự đồng ý của Đức Pháp chủ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số nội dung của buổi hầu chuyện đó.
Phật tử Việt Nam: Bạch Tổ, Tổ có nhận định gì về thực trạng tu tập và hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử ở nước ta hiện nay?
– Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Mục đích của đạo Phật xuất phát từ lòng Từ Bi, Bình đẳng. Từ là đem lại sự vui mừng cho đời; Bi là nhổ bỏ hết sự đau khổ ở đời; bình đẳng là thương yêu vạn vật như thương yêu thân mình.
Nhận định về thực trạng tu tập và hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử cần lấy Giới Định Tuệ làm tiêu chuẩn và lấy sự lợi lạc theo đúng chính Pháp của chúng sinh làm mục đích.
Không giữ giới thì sẽ buông lung, giải đãi. Bản thân không có giới đức, không có oai nghi thì đương nhiên sẽ bị nhân quần coi rẻ. Khi đó, nói không có người nghe, làm không có người theo, mọi thói xấu cũng từ đó mà ra.
Không trì giới thì không có sức định; không có chính định thì không có tuệ giác. Mà không có tuệ giác thì không thể có từ bi theo đúng chính pháp.
Để làm Phật sự thì cần phải tu tập giới định tuệ. Tu tập giới định tuệ là Phật sự quan trọng nhất. Không tu tập mà muốn làm Phật sự thì đó không phải là Phật sự, chỉ là giả danh Phật sự mà thôi. Đó là điều Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử cần tự tâm phản tỉnh.
Đức Pháp chủ đang trao đổi với kiến trúc sư về bản vẽ xây dựng chùa
Phật tử Việt Nam: Là Tăng sĩ được Tăng già Việt Nam giao phó giữ gìn ngôi vị Pháp chủ GHPGVN, Tổ có ý kiến gì về quan hệ của các Tổ đình, sơn môn, Pháp phái với hệ thống tổ chức của Giáo hội hiện nay?
– Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Phật giáo Việt Nam sở dĩ tồn tại và phát triển cho đến hôm nay, một nguyên do quan trọng là nhờ sự tồn tại của các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái. Đó là sự thích ứng mầu nhiệm của Phật giáo đối với thế gian. Chỗ này suy thì chỗ khác thịnh; nối tiếp, hỗ trợ và hộ trì cho nhau, tạo nên sự trường tồn bất diệt.
Về mặt sự – biểu hiện bên ngoài thì sự tồn tại của các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái dường như là sự lộn xộn, mâu thuẫn, dị biệt nhưng về mặt lý – thực chất của bản thể thì lại rất thống nhất. Đó là sự thống nhất trong đa dạng, muôn màu muôn vẻ.
Các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái có những đặc sắc riêng về nền nếp tổ chức, sinh hoạt, phương pháp tu tập hành trì, về nhân sự và truyền thừa, v,v. Nhìn riêng lẻ thì dường như đâu đó có sự khiếm khuyết, cá biệt, nhưng nhìn tổng thể thì lại cài răng lược vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên một sự nhất quán rất khế lý, khế cơ.
Tổ chức của Phật giáo được Phật, Tổ chế ra rất vi tế, tụ đấy mà tán đấy, tán đấy mà tụ đấy, là một thứ tổ chức phi tổ chức. Nhờ vậy mà trường tồn.
Đôi khi trong lịch sử, dựa vào vương quyền thế gian hay uy tín cá nhân, có sự thiết lập các tổ chức Phật giáo mang tính hành chính quốc gia, để thực hiện một sứ mệnh nào đó, trong một giai đoạn nào đó. Nhưng chung cuộc thường ngắn ngủi.
Ngày nay, ở nước ta có Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tồn tại đã được gần ba chục năm, chúng tôi được giao trọng trách giữ gìn ngôi vị Pháp chủ. Tuy nhiên Tổ đình Viên Minh, mà chùa Ráng đây là trung tâm, vẫn được duy trì và phát triển. Các tổ đình khác cũng vậy. Chúng tôi vẫn noi theo nền nếp của chư Tổ, giữ gìn bản sắc của riêng mình.
Chúng tôi cho rằng, sự tồn tại của các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái là tự nhiên, là nền tảng của Phật giáo Việt Nam. Nói thế, không có nghĩa là phủ nhận vai trò nhất thống của Giáo hội trong giai đoạn hiện nay.
Xưa kia an cư kết hạ theo các Tổ đình, đến nay, theo địa giới hành chính, cũng tốt. Rồi sau này như thế nào chăng nữa thì còn tuỳ duyên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần phải có sự đa dạng. Thống nhất trên cơ sở đa dạng mới dẫn đến sự phát triển.
Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ
Phật tử Việt Nam: Sắp tới Đại lễ Vu Lan Báo hiếu, Tổ có điều gì nhắn nhủ Tăng Ni Phật tử?
– Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Đại lễ Vu Lan Báo hiếu được Việt hoá thành ngày Xá tội vong nhân. Điều đó cho thấy, trong tâm thức người Việt tinh thần Phật giáo rất sâu đậm.
Có thể có nhiều người không rành về kinh Vu Lan, không biết ngài Mục Kiền Liên là ai, nhưng họ nhớ đến ngày Rằm tháng bảy thì sửa lễ, nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá cố, đặc biệt thương xót những thân phận xấu số, oan khuất.
Họ chăm lo đến phần âm, đó cũng là chăm lo đến dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và do vậy, thấu đến vị lai. Tinh thần nhân văn ấy đã thật sự thẩm thấu tinh tế giáo lý nhân quả của nhà Phật.
Đại lễ Vu Lan muốn thông qua tấm gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên để vun bồi cho hạnh hiếu của nhân sinh.
Với Tăng Ni Phật tử, hành động thiết thực nhất trong lễ Vu Lan là hãy gắng gỏi chăm lo hiếu hạnh ngay tại thế gian này, với ngay những người xung quanh mình, lấy công đức tu tập, phúc đức làm việc thiện để hồi hướng, để tri ân và báo ân cho hết thảy chúng sinh.
Hãy lấy công đức tu tập, phúc đức làm việc thiện mà mở cửa địa ngục ngay trong tâm ta, noi theo tấm gương chư Bồ tát bao dung, độ lượng, vị tha, ôm ấp hết thảy, thương yêu hết thảy, đừng phân biệt kỳ thị, nhờ đó mà có thể nâng cấp cuộc sống của con người.
Nhân mùa Vu Lan Báo hiếu, chúng tôi xin kính chúc chư Tôn đức Trưởng lão, chư quý vị Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử thân tâm an lạc, có sức có tuệ tinh tiến tu tập, trau dồi giới hạnh, nghiêm trì giới luật, thâm nhập kinh tạng, phô bày thân tướng của chư Phật, xiển dương chính Pháp, hòa hợp Tăng già góp phần gây dựng thế giới hòa bình, dân sinh an lạc.
Phật tử Việt Nam: Chúng con xin trân trọng tri ân Tổ. Kính chúc Tổ Pháp thể khinh an, Tuệ đăng thường chiếu.
– Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Nam Mô A Di Đà Phật!