Trong truyền thống Phật giáo, hình tượng Phật luôn là đối tượng thờ phượng, chiêm bái. Nay, nếu cố ý chuyển đổi thành nhân vật biểu tượng trong hoạt động truyền thông, e rằng có việc bất kính chăng, dù là việc đó phục vụ cho hoạt động hoằng pháp?
Tuy nhiên, mới đây, qua tin Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TPHCM: Chương trình mừng xuân Di Lặc cho trẻ thơ, thấy ảnh các vị sư trẻ hóa trang thành Phật Di Lặc phát quà tết cho các cháu thiếu nhi, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc có thể trình bày ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, xin xem đây chỉ là ý tưởng có tính chất gợi ý, chủ quan, từ đó chúng ta có thể thảo luận, bàn bạc, không phải đã là một ý kiến đề xuất.
Nếu xét biểu tượng nhân vật truyền thông theo nghĩa rộng, thì có thể coi bao gồm các tượng Phật. Vì qua biểu tượng với vẻ bề ngoài mang hình thức con người đó, những người tạo nên những pho tượng đó, đúng hơn là những vị tổ sư đã khởi xướng hoạt động tạo tác hình tượng đức Phật, với mục đích là để chiêm bái, thờ phượng, đã gửi đến bao nhiêu thế hệ thông điệp về từ bi, trí tuệ, giải thoát, cao thượng…
Tuy nhiên, tượng Phật không là biểu tượng nhân vật của hoạt động truyền thông hiện đại đúng nghĩa, vì đó là những nhân vật của hoạt động tâm linh. Hoạt động tâm linh giới hạn hình tượng nhân vật trong một phạm vi nhất định.
Trong khi nhân vật biểu tượng trong truyền thông hiện đại là nhân vật quảng bá không giới hạn, được sử dụng ở mọi lúc mọi nơi. Người ta có thể cách điệu nhân vật đó, hóa trang thành nhân vật, tìm mọi cách để biểu tượng nhân vật trở nên gần gũi, quen thuộc thân thiết với tất cả mọi người.
Nhân vật biểu tượng trong hoạt động truyền thông hiện đại có thể là người hay thậm chí là một con vật, thực vật nhân cách hóa như một con người. Nhân vật biểu tượng truyền thông có thể được dùng ngắn hạn cho một chiến dịch truyền thông, thí dụ gấu Misa đối với Thế vận hội Moskva 1980. Đây là một chú gấu, nhưng được nhân cách hóa, trở thành nhân vật biểu tượng, ca hát, nhảy múa như người. Hay ngược lại, có thể là coi người đội lốt gấu, để tạo nét dễ thương, gần gũi.
Cũng có những nhân vật biểu tượng nhân vật truyền thông mang tính chất vĩnh cửu, mà tiêu biểu là biểu tượng nhân vật ông già Noel của Cơ đốc giáo. Ông già Noel từ một vị thánh, đã trở thành nhân vật truyền thông, theo nghĩa của truyền thông hiện đại. Nhân vật này vừa có tác dụng quảng bá lễ Noel, lại vừa là một thành tố không thể thiếu vắng trong lễ Noel hiện đại. Thông điệp được truyền đến đông đảo quần chúng thông qua biểu tượng nhân vật ông già Noel có nhiều nội dung: niềm vui, ngày Noel phước lành, tình yêu dành cho trẻ thơ…
Vấn đề chúng tôi muốn đặt ra là liệu Phật giáo chúng ta có thể xây dựng được một biểu tượng nhân vật truyền thông tương tự như thế, mà nguyên mẫu nhân vật có rất nhiều khả năng là Đức Phật Di Lặc – Đức Phật của mùa xuân, của nguyên đán.
Đức Phật Di Lặc, được cụ thể hóa qua hình tượng Bố Đại hòa thượng, không phải là hình tượng một bản copy ông già Noel. Hoạt động của vị hòa thượng vui tính, cởi mở, đặc biệt với nụ cười, thương mến, gần gũi, gắn bó với trẻ em, tặng quà cho trẻ em, đem đến hạnh phúc hy vọng trong ngày tết, là những tính cách và hoạt động đã có từ rất lâu ở Bồ tát Di Lặc.
Tuy nhiên Bồ tát Di Lặc chưa trở thành một biểu tượng nhân vật truyền thông như ông già Noel vì:
– Theo truyền thống Phật giáo, Phật, Bồ tát là đối tượng chiêm bái, lễ kính
– Cho nên, không thể có một tác động để đại chúng hóa, không thể chủ động cho một tiến trình như việc biến vị thánh thành một ông già có thể nhảy múa ca hát, kéo xe, thậm chí lái máy bay, cuỡi hỏa tiễn, nhảy dù…như ông già Noel.
Đây là vấn đề chúng ta có thể thảo luận.
Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận hoạt động “thần tài hóa” Bồ tát Di Lặc. Hoạt động này không gắn với một thời điểm như mùa xuân, mà gắn với hoạt động kinh doanh cả năm. Bồ tát Di Lặc, một hiện thân giải thoát, thì được cho đeo tiền điếu, ôm vàng thỏi, xách bao nặng trĩu (chắc cũng là vàng và tiền). Vị Di lặc – Thần tài này vừa được thờ, vừa làm tượng trang trí, vừa được minh họa trên thiệp, trên tranh. Hình như, cũng là nhân vật phim hoạt hình.
Vì vậy, dù muốn dù không, Bồ tát Di lặc cũng đà trong quá trình trở thành biểu tượng nhân vật truyền thông, nhưng theo một hướng xa lạ với đạo Phật, nếu không muốn nói là trái ngược: biểu tượng nhân vật cầu tài.
Nếu người Phật tử chúng ta không chận được xu hướng tiêu cực như trên, thì nên chăng, bắt đầu một xu hướng tích cực, xây dựng Bồ tát Di lặc thành một biểu tượng nhân vật có tính đại chúng cao, mang thông điệp mùa xuân, nguyên đán, thông điệp tình yêu thương, đặc biệt với trẻ em, thông điệp hoan hỷ, vui tươi, gần gũi, bình an, phúc lộc…
Hóa trang thành Phật Di Lặc tặng quà, cười vui ca hát chụp ảnh lưu niệm với các em thiếu nhi trong dịp xuân về, rất đáng yêu như chúng ta đã thấy, có thể coi là khởi đầu của tiến trình này.
Một vị Phật, không phải chỉ để thờ cúng, mà rước xuống vui đùa thân mật với trẻ em, tặng quà, dạo chơi nhân dịp xuân là sự chuyển biến biểu tượng nhân vật từ hoạt động tâm linh sang hoạt động truyền thông.
Nếu đẩy nhanh hơn chuyển biến này, thì có thể có:
– Bồ tát Di Lặc cách điệu trên panô, áp phích, tranh trang trí, thiệp chúc mừng.
– Tượng bồ tát Di Lặc trong chùa, nhưng không phải để đốt nhang, mà là để tạo không khí, để chụp ảnh chung, thậm chí để đùa vui, bắt tay, vỗ bụng. Đi xa hơn, tượng Di Lặc Bồ tát có thể có ở công viên, trên đường phố, ở quán ăn…
– Còn ảnh Di Lặc Bồ tát có thể có trên vỏ bánh kẹo, nước giải khát, giấy gói quà…, như ông già Noel.
– Cái khác chỉ là một bên là biểu tượng nhân vật truyền thông cho ngày lễ Ky tô giáo, một bên là biểu tượng cho ngày tết theo tinh thần Phật giáo.
Có nên hay không?
Thực tình, người viết không thể kết luận.
Hoạt động và tính cách như thế của Bồ tát Di Lạc có thể đã có và đi vào giai thoại sớm hơn ông già Noel, nhưng nếu triển khai sau, thì dễ bị ấn tượng là bắt chước. Mấy ai biết đến lịch sử, hành trang của Bố Đại hòa thượng ở Trung Quốc.
Liệu cách làm:
“Gần chùa gọi Bụt bằng anh
Thấy Bụt hiền lành, cõng Bụt đi chơi”
Là chuyện đáng khen hay đáng phê phán. Ngay cả câu ca dao trên, cách hiểu cũng khác nhau.
Nhưng giá trị của hình ảnh Bồ tát Di Lặc trong vai trò biểu tượng nhân vật của truyền thông Phật giáo hiện đại là có thực. Và trong thực tế đã được khai thác (tại tiền sảnh nơi tổ chức Đại lễ vesak 2008, các đại biểu quốc tế rất thích tượng Bồ tát Di Lặc dùng để trang trí, chứ không phải nay mới có việc chư tăng trẻ hóa trang thành Bồ tát Di Lạc) tặng quà nhân dịp xuân về.
Hoạt động truyền thông là hướng tới sự phổ biến, đại chúng, nhân bản. Nhưng liệu rồi chúng ta có thể chấp nhận khi người ta hóa trang thành Bồ tát Di Lặc để quảng cáo cho hoa kiểng ngày xuân chăng hay phóng xe ào ào trên đường phố để tặng quà tết dịch vụ?
Thật là một câu chuyện đáng để chúng ta bàn bạc rôm rả nhân ngày xuân, thời khắc của Bồ tát Di Lặc đến với chúng ta. Người viết thì không tìm ra được câu trả lời, nhưng biết đâu bạn đọc có những ý kiến hay.
Vậy thì, tết rồi, Bồ tát Di Lặc đến rồi, bạn đọc chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện về ngài cho thêm vui những ngày xuân!
MT