Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Tăng già hòa hợp...

Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Tăng già hòa hợp là nền tảng để xương minh PGVN

1228

Nhân lễ Giỗ đệ nhị Sư Tổ tổ đình Viên Minh, tức Rằm tháng Chạp năm Đinh Hợi, Biên tập viên website Phật tử Việt Nam đã có mặt tại chùa Ráng – Viên Minh Pháp tự, xã Quang Lãng huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.

Được thấy, sau khi tham dự các hoạt động trước, trong và sau Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn Quốc lần thứ VI, trung tuần tháng 12/2007, trở về chốn Tổ chùa Ráng, Đức đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã sớm phục hồi được sức khỏe như thường. Ngày 19/01 vừa qua đã thấy hình ảnh về Ngài trên các phương tiện thông tin đại chúng khi Ngài tham dự hội nghị tại thành phố Hà Đông, cách chùa Ráng 50 cây số. Sang xuân này, Ngài sẽ bước sang tuổi 93.

Tối 14 tháng Chạp, sau đúng 2 giờ chạy xe ô tô trên con đường đê trơn như đổ mỡ, chúng tôi về đến chùa Ráng đã 18 giờ 20. Trời tối đen mịt mùng. Chùa Ráng mất điện. Trên nhà Tổ và dưới khu bếp chỉ thấy le lói ánh đèn dầu. Thấy có tiếng Radio văng vẳng từ trên nhà Tổ. Ngài đang nghe bản tin thời sự. Lát sau, tiếng đài hết. 19 giờ thấy trên nhà Tổ tịch mịch. Ngài chắc đã ngủ.

Sau khi ăn tối, uống trà, lên chùa lễ Phật, cùng ngồi chia sẻ, 22 giờ, chúng tôi sửa soạn đi ngủ. Mãi không ngủ được. 23 giờ 30 chúng tôi trở dậy, tản bộ ra sân chùa. Trời về khuya lạnh buốt, mưa phùn gió bấc trong đêm đen thật huyền bí.

Xịch. Nhìn về nhà Tổ, thấy ánh đèn le lói, cửa mở. Tổ đã dậy. Sau khi thấy chúng tôi cất tiếng niệm Phật chào Ngài và tự giới thiệu, Tổ cất tiếng: Quý vị đã ăn tối chưa? Chỗ ngủ có đủ chăn ấm không? Khi biết mọi chuyện đã ổn, Tổ bảo: muộn rồi, đi nghỉ đi.

Tôi bạch: Bạch Tổ! sáng sớm mai, con xin phép hầu chuyện Tổ một lát cho trang báo điện tử Phật tử Việt Nam được không ạ? Tổ im lặng.

Chúng tôi về phòng, ngoái lại, thấy Tổ đang thung dung đi ra phía tháp Phật trước cửa chùa trong tấm áo choàng không đóng cúc và tấm mũ bồ – kề không buộc dải. Vị sư già sắp sang tuổi 93, không đèn, không gậy, không thị giả, trong đêm đen rét mướt, tối tăm, đường gập ghềnh. Nguy hiểm quá. Nhưng tôi chợt nghĩ: hình như, chưa từng nghe thấy, đọc thấy có vị Tổ nào đi bộ mà bị trượt ngã bao giờ (?)

(Sớm Rằm, vào lúc 5 giờ, Tại Tổ đường chùa Ráng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đức Pháp chủ về một số vấn đề của Phật giáo Việt Nam đương đại. Sau khi gỡ băng, trình Ngài hiệu duyệt, nếu được Ngài cho phép chúng tôi sẽ giới thiệu với quý độc giả và dịp mừng Tết Mậu Tý sắp tới.)

Buổi sáng ngày Rằm tháng Chạp, hàng trăm Tăng Ni Phật tử khắp nơi đã vân tập tại đây, cho dù đường xá xa xôi, khó tìm, khó đi và thời tiết lạnh giá, mưa phùn gió bấc.

Đức Pháp chủ đã tiếp, nhận đỉnh lễ của một số đoàn Tăng Ni Phật tử.

Với các nhà doanh nghiệp – Phật tử đến từ Hà Nội, Đức Pháp chủ nói:

“Chúng tôi chào mừng và cảm ơn quý vị đã không quản thời gian cuối năm bận bịu, thời tiết ướt át rét mướt, đường xá xa xôi về đây lễ Phật lễ Tổ và chúc mừng chúng tôi nhân dịp chúng tôi được giao phó trọng trách giữ gìn ngôi vị Pháp chủ. Với thế gian thì đây có thể coi là sở đắc, còn với chúng tôi, những người đang gắng công noi theo hạnh xuất thế gian của chư Phật thì chỗ vô sở đắc mới là bản nguyện. Chúng tôi không dám lấy điều suy tôn đó làm vinh hạnh. Song, tập thể giao việc thì không thể từ, chỉ biết gắng công tu tập cho khỏi phụ lòng đại chúng mà thôi.

Công việc doanh nghiệp mà quý vị đang làm có gắn bó nhiều đến vấn đề dân sinh an lạc. Đừng nên khởi tâm đối lập việc làm ăn chân chính với việc tu tập. Thời Đức Phật cũng có nhiều nhà tài chủ – doanh nghiệp quy y theo Phật và cũng thành tựu công đức. Trong Kinh, Phật cũng có dạy về 10 điều làm giàu chân chính. Trong đó có nói đến ‘buôn bán công bằng, nhiều khách hàng, trung hậu mà trở nên giàu có'”.

Với chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử đến từ Thiền viện Tây Thiên – Tam Đảo, Vĩnh Phúc và Sùng Phúc – Gia Lâm, Hà Nội, Đức Pháp chủ nói:

“Trước hết chư quý vị cho chúng tôi gửi lời cung chúc khánh tuế Hòa thượng Đường chủ nhân dịp xuân mới đang về, kính chúc chư quý vị gội sạch những tồn tại dĩ vãng như như cây trút lá cuối đông và thành tựu mọi Phật sự như xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở.

Sau nữa, chúng tôi xin có đôi lời để quý vị tham bác. Thời nay, không cứ gì ở nước ta, mà cả ở một số nước khác có tình trạng một bộ phận không nhỏ Tăng Ni, Phật tử ở các hệ phái, tông phái khác nhau động tâm phân biệt, kỳ thị, chê bai, dè bỉu lẫn nhau, có nguy cơ mất đoàn kết, phá hòa hợp Tăng. Nguyên nhân là do vô minh, không hiểu thâm ý của chư Phật, chư Tổ và ít dụng công tu tập, bản ngã chưa được tiêu mòn.

Đại thừa Bắc tông hay tiểu thừa Nam tông đều chẳng ra ngoài hai chữ “nhân quả”. Tiểu thừa biết khổ, đoạn tập, hâm mộ diệt, tu đạo chứng quả A la hán. Đại thừa tu lục độ vạn hạnh chứng quả Phật. Hết thảy đều do nhân quả mà thành.

Phật giáo nước ta, nói đại cương gồm 5 tông: Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh. Nhưng phổ biến nhất là Thiền tông và Tịnh độ tông.

Thiền tông chuyên dựa vào tự lực, nếu chẳng phải là người túc căn thành thục thì chẳng thể đạt được lợi ích thật sự. Tịnh độ tông kiêm nhờ Phật lực, nếu ai đầy đủ tín, nguyện, hạnh chân thật thì đều có thể dứt nghiệp mà vãng sinh.

Chính thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, vì sợ hậu thế không hiểu rõ tông yếu mà có sự phân biệt suy bì cao thấp, dẫn đến “mất đoàn kết” giữa Thiền và Tịnh nên đã viết một bài kệ: “có Thiền có Tịnh độ/ Khác nào hổ thêm sừng/ Hiện tại làm thầy người/ Đời sau làm Phật, Tổ// Không Thiền có Tịnh độ/ Vạn tu, vạn cùng sinh/ Nếu được thấy Di Đà/ Lo gì chẳng khai ngộ// Có Thiền không Tịnh độ/ Mười người, chín chần chừ/ Âm cảnh nếu hiện tiền/ Chớp mắt đi theo nó// Không Thiền, không Tịnh độ/ Giường sắt cùng cột đồng/ Muôn kiếp với ngàn đời/ Không một ai nương dự”.

Bàn theo lý, hai pháp thật chẳng khác gì nhau nhưng xét về mặt sự tu, hai pháp lại khác nhau rất xa. Chư quý vị nên tham cứu kỹ càng, tránh nông nổi mà suy bì tỵ nạnh, làm tổn hại đến hòa khí của Tăng già, dẫn đến sự chia rẽ của Phật tử. Tội đó nếu mắc phải thì bao nhiêu công đức cũng không cứu nổi.

Có câu chuyện vui thế này, chắc quý vị đây ai cũng biết cả, nay xin tuyên lại để tất cả cùng ngẫm nghĩ: một vị thầy có 2 người học trò yêu, nhưng 2 vị đó thường xích mích nhau. Thầy bị đau cả 2 chân, nhờ 2 trò chăm sóc, mỗi trò chăm 1 chân. Trò nào cũng thương thầy nên đều gắng sức chăm sóc chiếc chân được giao. Nhưng vì ghét nhau nên cứ vắng một người thì người kia liền nhè vào chiếc chân vắng chủ mà bẻ. Kết quả là chỉ tội nghiệp ông thầy mà thôi. Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông và các chính tông khác đều là những “chiếc chân” của đạo Phật, chúng ta là những đệ tử có bản phận chăm sóc, bảo vệ. Nếu chống phá nhau thì rốt cuộc là phá đạo, có tội với chư Phật, chư Tổ và toàn thể chúng sinh.

Phật giáo Việt Nam đã có truyền thống từ lâu đời là đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau. Bản thể của Tăng già là thanh tịnh và hòa hợp trên cơ sở của lục hòa Phật chế. Bất cứ một vị nào, một việc làm nào, dù bao biện như thế nào chăng nữa, nếu dẫn đến phá hòa hợp Tăng thì đều phản lại giáo Pháp, giáo Luật của chư Phật, chư Tổ. Tăng già hòa hợp là nền tảng để xương minh Phật giáo Việt Nam. A Di Đà Phật”.

Chư Tăng đồng thanh niệm 3 lần “y giáo phụng hành”.

Đại diện chư tăng 2 Thiền viện tác bạch thỉnh Đức Pháp chủ sang xuân mới quang lâm tới thăm các Thiền viện. Đức Pháp chủ nghiêm thân chấp tay nói: “Chư Tăng đã sai, chúng tôi xin y giáo phụng hành!”.

Trước khi tiễn chư Tăng 2 Thiền viện, Đức Pháp chủ trao tặng đại chúng tập tài liệu mà Ngài mới biên soạn luận về “con lừa ba chân” trong Khóa Hư lục của Trần Thái Tông.

Phật tử Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm ảnh chư Tăng, Ni và Phật tử các Thiền viện do Hòa thượng Thanh Từ làm Viện chủ tại miền Bắc tới đỉnh lễ và cung chúc khánh tuế Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ