Trang chủ Thời đại Giáo dục Đức Đệ tam Pháp chủ dạy gì về giáo dục Tăng Ni?

Đức Đệ tam Pháp chủ dạy gì về giáo dục Tăng Ni?

Tháng 2/2007, Đức Đệ tam Pháp chủ (khi đó Ngài ở ngôi Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh) đã trả lời phỏng vấn của Phattuvietnam.net về công tác giáo dục Tăng Ni.

708
Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Trọng Hoàng

Công tác giáo dục Tăng Ni, về nguyên tắc, trước hết cần được chú ý đầu tư, quan tâm ở 2 mặt, và là hai mặt trọng yếu nhất, đó là Giảng sư và Tăng Ni sinh. Các mặt khác như cơ sở vật chất, nơi ăn ở, giảng đường, thậm chí cả chùa chiền, kinh điển chỉ là yếu tố phụ, thêm vào. Có các yếu tố phụ đó cũng có thể tốt mà không khéo thì thành chướng duyên. Chùa to cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là Thầy và Trò trong quan hệ tu tập, hành trì. Xác và hồn phải tương xứng, “y phục xứng kỳ đức”.

Giảng sư cần hiểu sâu, bằng sự chiêm nghiệm của chính bản thân, về Phật Pháp; phải tích cực, nhiệt thành, tu tập gương mẫu để có thể “dĩ thân vi giáo”; coi việc giúp đỡ hậu lai chính là nuôi dưỡng hậu thân của mình; cần tâm niệm “học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Các nhà giáo dục cũng phải không ngừng được giáo dục. Ngày nay các yếu tố, thành tựu ban đầu đã xuất hiện nhưng về cơ bản lâu dài, theo tôi được biết, thì chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan.

Tăng ni sinh thì cần nhiệt tình tu học, nhưng phải có sự hướng dẫn tu tập của các bậc tiền bối, họ cần được giáo dục, rèn luyện. “Khiêm hạ cầu thị” là phẩm chất thứ nhất của người tu học. “Tre già thì măng mọc”, nói như vậy cũng chỉ là vu khoát, cần nói thêm rằng: tre già phải được dùng vào việc có ích và măng mọc cũng cần có hàng có lối, được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng mới đẹp mới có ích cho Đạo cho đời.

Theo tôi, nên đa dạng hơn nữa các hình thức giáo dục, đào tạo Tăng ni, nhất là mô hình các Tổ đình truyền thống. Đặc biệt nên kiên trì giữ gìn nền nếp các trường An cư kết hạ. Đó là nơi không chỉ học tập mà quan trọng là tu tập và thực hành nếp sống cộng đồng, dân chủ, có kỷ cương, “lục hoà” của Tăng, Ni chúng. Đó là lúc máu chảy về tim, để thanh lọc thân tâm. “Tăng ly chúng thì Tăng tàn”. Tăng là tập thể lục hoà chứ tuyệt đối không bao giờ là các cá nhân tu sĩ riêng lẻ. Tư tưởng về “Chúng” cần luôn luôn thường trực trong tâm của người xuất gia. Tuyệt đối chống lại tư tưởng coi đi Hạ chỉ là hình thức đánh trống ghi tên để đóng dấu thêm tuổi hạ. Đó là hành động tự huyễn hoặc bản thân mình và lừa lọc Tăng chúng, có tội với chư Phật, chư Tổ, sớm muộn cũng phá hoại Chính Pháp.

Hiện nay, công tác giáo dục Tăng Ni đã và đang được mở rộng, có nhiều điều khả quan, đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Song nhiệm vụ trước mắt và lâu dài còn rất to lớn và nặng nề. Cầu chư Phật, chư Tổ gia hộ, Nhà nước và quảng đại nhân dân, nhất là Đại chúng Phật tử, nhiệt thành ủng hộ cho sự nghiệp đào tạo Tăng Ni, và hơn nữa là cả sự nghiệp đào tạo giáo pháp cho hai chúng tại gia, được khai mở và thành tựu.