Đôi khi, vài người bạn lại nhờ tôi giúp giải quyết các vấn đề trên thế giới bằng một “sức mạnh siêu nhiên” nào đó. Tôi luôn nói với họ rằng Đạt Lai Lạt Ma không có sức mạnh siêu nhiên nào cả. Vì nếu tôi có, tôi sẽ không hề bị đau chân hay viêm họng. Tất cả chúng ta đều là con người, và do đó, cũng đều cảm thấy sợ hãi, hy vọng hay bối rối.
Từ quan điểm của Phật giáo, mỗi chúng sinh đều phải trải qua khổ đau, bệnh tật, tuổi già và cái chết; tuy nhiên, con người có khả năng sử dụng trí óc để chiến thắng cơn giận dữ, trạng thái hoảng loạn hay lòng tham. Trong những năm gần đây, tôi luôn cố gắng nhấn mạnh về cụm từ “buông bỏ cảm xúc”: là khi ta cố gắng nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế và rõ ràng mà không để nỗi sợ hãi hay cơn giận dữ chi phối. Nếu có giải pháp cho một vấn đề, chúng ta phải nỗ lực để tìm ra nó; nếu không, chúng ta không cần phải lãng phí thời gian nghĩ về nó.
Chúng tôi, những người con của Phật, tin rằng mọi thứ trên thế giới này đều phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao tôi thường nói về một “trách nhiệm chung”. Sự bùng phát của loại coronavirus khủng khiếp này đã cho thấy những gì xảy ra với một người cũng có thể sớm ảnh hưởng đến những người khác. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng: một hành động từ bi hoặc thiện nguyện – dù là túc trực trong bệnh viện hay làm theo lệnh giãn cách cũng có khả năng giúp ích cho nhiều người.
Kể từ khi nghe tin về dịch coronavirus ở Vũ Hán, tôi đã cầu nguyện cho tất cả những người anh, người chị, người em của tôi ở Trung Quốc và ở khắp mọi nơi. Bây giờ, chúng ta cũng có thể thấy rằng không ai có thể miễn dịch với loại virus này. Tất cả đều lo lắng cho những người thân yêu, về tương lai của cả nền kinh tế toàn cầu, và cả mái ấm của chúng ta. Thế nhưng, chỉ cầu nguyện thôi thì vẫn chưa đủ.
Cuộc khủng hoảng này cho thấy mỗi người phải có trách nhiệm trong khả năng của mình bằng cách kết hợp sự can đảm của các bác sĩ và y tá với khoa học thực nghiệm để bắt đầu giải quyết tình trạng này, và bảo vệ tương lai của chúng ta khỏi những mối đe dọa tương tự.
Trong thời điểm khi mà nỗi sợ hãi bao trùm, điều quan trọng là loài người phải nghĩ đến những thách thức trong dài hạn – và cả những khả năng có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Hình chụp trái đất từ không gian cho thấy rõ rằng không có ranh giới thực sự trên hành tinh xanh của chúng ta. Do đó, mỗi người đều phải chăm sóc hành tinh này và cùng chung tay để ngăn chặn biến đổi khí hậu và các tác nhân hủy hoại khác. Đại dịch này đóng vai trò như một lời cảnh báo rằng chỉ khi toàn thế giới phối hợp cùng nhau, chúng ta mới đủ mạnh để giải quyết được những thách thức lớn lao mà loài người phải đối mặt.
Chúng ta cũng phải nhớ rằng không ai mà không khổ đau, vì thế, chúng ta nên dang rộng vòng tay để bảo vệ những người không có nhà cửa, tiền bạc hay gia đình. Cuộc khủng hoảng này cho thấy con người không hề tách rời nhau – ngay cả khi sống xa nhau. Vì vậy, tất cả mỗi người đều có trách nhiệm thực hành lòng từ bi và giúp đỡ người khác.
Là một Phật tử, tôi tin vào nhẽ vô thường. Rốt cuộc, đại dịch này rồi sẽ qua, cũng như những cuộc chiến và các mối đe dọa khủng khiếp khác tôi đã trải qua trong đời, và rồi nhân loại sẽ có cơ hội xây dựng lại một cộng đồng thế giới như đã làm nhiều lần trước đây. Tôi chân thành hy vọng rằng tất cả mọi người đều giữ được an toàn và sự bình tĩnh. Tại thời điểm bất định này, điều quan trọng là chúng ta đừng mất đi hy vọng và hãy giữ vững niềm tin vào những nỗ lực xây dựng mà nhiều người đang thực hiện.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng hiện đang sống tại Dharamsala, Ấn Độ.
Dịch từ bài “Prayer Is Not Enough.’ The Dalai Lama on Why We Need to Fight Coronavirus With Compassion” của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đăng trên tạp chí TIME ngày 14/4/2020