Trang chủ Diễn đàn Đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống

Đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống

94

Đối với những người từng học Phật, nguyên nhân sâu xa của tất cả những chuyện kể trên đều có thể quy về tam độc (tham, sân, si). Giáo lý nhà Phật không những có thể giải thích mà còn có thể giải quyết tất cả bằng giới định tuệ, bằng bi trí dũng.


Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo cứu khổ. Thế nhưng, cho đến nay, đạo Phật vẫn chưa góp phần tiêu diệt mọi cái ác. Vì sao? Theo thiển ý của chúng tôi, đạo Phật vẫn chưa có một cơ chế thích hợp để tác động vào cuộc sống. Các giáo hội vẫn chưa thường xuyên đặt nặng công cuộc hoằng dương chính pháp. Việc hành đạo còn dừng lại trong khuôn viên chùa chiền, chuyện tu tập của các Phật tử chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân.


Do đó, đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống đang trở thành một nhu cầu cấp thiết của thời đại để giảm bớt khổ đau, tăng thêm hạnh phúc cho chúng sinh.


Vấn đề này mang tính toàn cầu, nhưng ở đây chúng tôi xin giới hạn nó trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.


Lâu nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tốt công tác từ thiện, như nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, khuyết tật, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân thiên tai…, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật. Nhưng điều đó chỉ mới giải quyết cái ngọn, chứ chưa triệt tiêu cái gốc của mọi khổ đau.


Theo thiển ý của chúng tôi, Giáo hội cần đẩy mạnh công cuộc hoằng dương chính pháp và, hơn thế nữa, tổ chức cho mọi Phật tử sống theo lời Phật dạy. Nói đến Giáo hội là nói đến lực lượng tăng ni. Mỗi tăng ni cần quan niệm chỉ tự giác không thôi là chưa đủ, mà phải giác tha thì mới đạt được con đường giác hành viên mãn. Giúp cho một người hiểu và làm theo chính pháp tức là làm giảm bớt một tác nhân có thể gây tai họa cho xã hội. Tăng ni phải tìm đến mọi người để giáo hóa chứ không chờ mọi người tìm đến tăng ni xin được giúp đỡ. Tăng ni cần nhập thế hơn nữa, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người tu sĩ đối với mọi người trong cộng đồng mình đang chung sống. Dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, tăng ni phải là lực lượng chủ yếu đưa giáo lý nhà Phật đến với mọi người.


Ở Việt Nam, có một tổ chức rất thuận lợi cho công cuộc thực hiện lời dạy của Phật, đó là Gia đình Phật tử. Cần mở rộng Gia đình Phật tử để không chỉ là tổ chức của giới trẻ mà là của mọi lứa tuổi:


                      Gia đình nhi đồng Phật tử    (từ 5 tuổi trở xuống)


                      Gia đình thiếu niên Phật tử  (từ 6 đến 15 tuổi)


                      Gia đình thanh niên Phật tử (từ 16 đến 30 tuổi)


                      Gia đình tráng niên Phật tử  (từ 31 đến 60 tuổi)


                      Gia đình cao niên Phật tử     (từ 61 tuổi trở lên)


Cần tập hợp tín đồ vào Gia đình Phật tử theo từng lứa tuổi và đề ra những sinh hoạt phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi, làm sao để mọi người đều được tắm mình trong giáo lý nhà Phật đặng gột rửa mọi điều xấu xa, phát huy Phật tính của từng người.


Mọi việc nêu trên được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Giáo hội trung ương (hay của một ủy ban do Giáo hội cử ra). Công việc sẽ có nhiều, nhưng trước hết có lẽ là mấy việc thiết yếu như:


                      Biên soạn một bộ sách giáo lý cơ bản cho ba trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) dễ hiểu, dễ nhớ và dể thực hành


                      Biên soạn một cuốn kinh mới mang tính chất Việt Nam, chung cho mọi tông phái


                      Xuất bản những sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn học Phật giáo Việt Nam, mỹ thuật Phật giáo Việt Nam…


 


Đưa giáo lý nhà Phật vào cuộc sống là một vấn đề có tầm quan trọng to lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối với việc xây dựng một xã hội Việt Nam lành mạnh, thanh bình và an lạc. Hôm nay chúng tôi chỉ xin gợi ra một số suy nghĩ bước đầu và mong mỏi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức thảo luận chuyên sâu về đề tài này.


Mong thay!


Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên giảng viên chính Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. E-mail: [email protected]


 


(Bài viết Hội thảo Phật giáo trong Thời đại mới: Cơ hội và Thách thức)