Trang chủ Quốc tế Du lịch nghỉ tại chùa ở Hàn Quốc

Du lịch nghỉ tại chùa ở Hàn Quốc

Trong dịp World Cup 2002 khi Chính phủ Hàn Quốc muốn huy động đủ cơ sở lưu trú cho người nước ngoài, các vị sư trụ trì một vài ngôi đền trên khắp đất nước kim chi đã cùng góp sức và lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Temple stay”.

Kể từ đó, các ngôi đền đã mở cửa đón khách du lịch, đó là nơi du khách có thể ăn ở trong vài ngày và tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. Tới nay có tổng cộng 87 ngôi đền ở Hàn Quốc cung cấp chương trình Temple stay và con số này đang tăng lên mỗi năm.

Chìm đắm trong thế giới của một nền văn hóa khác luôn là một thử nghiệm hấp dẫn, đặc biệt là khi du khách có thể cảm nhận, nếm, ngửi và nhìn văn hóa như nó vốn thế. Tham gia các Temple stay, khách du lịch nước ngoài có cơ hội hiểu rõ những nghi lễ truyền thống, tuân theo những công việc thường ngày giống hệt như các vị sư sống ở đó, ví dụ như tham dự những bài giảng kinh và các hoạt động đặc biệt.

Các hoạt động rất đa dạng nhưng bài học quan trọng nhất là khám phá bản thân mình và học cách sống hòa thuận cùng người khác. Học cách pha trà và bày tỏ lòng kính trọng Đức Phật cũng là những hoạt động thú vị.

Khách du lịch lắng nghe vị sư trụ trì chỉ dẫn "ulyeok" – những công việc chung
Khách du lịch thực hiện “balwoo-gongyang” – một nghi thức bao gồm bốn cái bát bằng gỗ trước bữa ăn của nhà sư ở ngôi đền Baekdam, tỉnh Gangwon
Sau khi ăn xong, du khách không được để lại bất cứ thứ gì trong bốn cái bát bằng gỗ

Khách du lịch ở trong những hanok – một kiểu nhà truyền thống của Hàn Quốc để có một trải nghiệm Temple stay trọn vẹn

Temple stay quả thật không phải là một kỳ nghỉ ở khách sạn vì trên thực tế du khách phải sống như một nhà sư: dậy lúc ba giờ sáng để làm các lễ nghi của đền như tụng kinh, ăn các bữa ăn chay mà không được gây ồn ào, ngồi thiền, làm các công việc vặt hằng ngày và tối phải đi ngủ sớm từ 9 giờ.

Theo Korea Times, Temple stay hiện nay đã trở thành tài sản văn hóa quý giá nhất Hàn Quốc, đó là sự kết hợp của truyền thống và các hoạt động văn hóa, cả hai yếu tố này đều là những thành phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tính riêng năm ngoái, có tổng cộng 110.000 khách du lịch, trong đó có 20.000 khách nước ngoài đã chọn đền làm nơi lưu trú, tăng 36% so với năm 2007.

Một vấn đề được đặt ra hiện nay là: người ta cần tập trung làm thế nào để thu hút nhiều hơn các du khách tham gia Temple stay.

Khách du lịch nước ngoài đi bộ quanh sân đền

Một số người nói cần phải có nhiều tiện nghi hiện đại để thu hút khách nước ngoài, trong khi đó một số khác lại cho rằng càng truyền thống càng tốt. Vấn đề đặt ra của việc mở rộng thêm nhiều điểm Temple stay là các nhà tổ chức và ngôi đền sẽ thu hút khách nước ngoài theo hướng nào: để du khách sống khổ hạnh như những nhà sư hay là để họ sống thoải mái và dễ chịu hơn?

Ví dụ, nếu thay đổi ondol (một hệ thống sưởi ấm sàn truyền thống của Hàn Quốc) thành giường ngủ và phục vụ bíttết thay vì những bữa ăn chay thì liệu đó có còn là Temple stay?