Về Phật pháp, kinh Kim Cang từng dạy: “Phàm sỡ hữu tướng, giai thị hư vọng”, nghĩa là cái gì thuộc về hình tướng đều là giả, vì thế, Tổ sư Đan Hà của Thiền Tông đời Đường, chẻ tượng Phật làm củi để sưởi, đệ tử ngạc nhiên hỏi,- sao thầy chẻ tượng Phật? Ngài đáp:- ta chẻ tượng tìm Xá Lợi, đệ tử đáp: – Phật gỗ làm gì có Xá lợi! Tổ đáp:- Phật không có Xá lợi thì không phải là Phật. Phong cách Thiền tông thường phá chấp đệ tử khỏi vướng vào sự tướng cũng như lý giải. Đệ tử chấp vào điểm A thì thầy lấy điểm B để đối trị, ngược lại vướng vào B thì lấy A đối trị.
Trình độ đệ tử cao hơn, không vướng A cũng chẳng vướng B, lại vướng vào chẳng phải cái nầy cũng chẳng phải cái kia, vướng vào phi hữu phi vô thì thầy lại dùng “phi phi” để vượt thoát mọi kiến chấp, còn thấp còn cao đều là vướng chấp, phủ nhận luôn cả việc phủ nhận để đầu óc không còn đất bám mọc rễ đâm chồi.Nghệ thuật “tống khứ” nầy không áp dụng cho đại chúng mà chỉ áp dụng cho đương cơ đối pháp. Thậm chí có vị không dùng ngôn ngữ để triệt phá đối cơ mà dùng hành động hoặc la hét, hoặc đối đáp những câu không ăn nhập gì đến vấn nạn.
Tóm lại, Thiền sư có những diệu dụng linh hoạt ứng xử cho tương thích trình độ căn cơ của một hành giả giúp hành giả vượt thoát bờ tử sanh của ngôn ngữ và tri kiến. Thái độ và hành động nhất thời đó không phải là một tiêu chuẩn nhất định, không là chân lý tuyệt đối để áp dụng cho mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng mọi hoàn cảnh.
Việc đốt tượng Phật của nhà sư được đưa lên facebook không thể xem là phong thái phá chấp của một bậc đã chứng ngộ trước số đông quần chúng ngở ngàng như thế.
Loại đốt vàng mã, Phật mã được xem là loại hình kinh doanh xen lẫn mê tín đập phá tín ngưỡng của quần chúng.Trước kia đốt giấy tiền, xe hơi nhà lầu, hình nhân, bây giờ tiến đến cả Phật cũng được tượng hình để mua bán, đốt chung với vàng mã; nhà nước bài trừ mê tín vàng mã chưa dứt điểm thì lại nảy sinh Phật mã, có thêm một nguồn kinh doanh mới, chắc chắn lợi dưỡng không nhỏ cho các sư ứng phú nặng về lợi dưỡng hơn là đức tin. Đối với các vị như thế đức tin cũng là loại kinh doanh không cần tính toán so đo nặng chất xám như các nhà doanh nghiệp. Phật pháp biến thành thế gian pháp từ trong tâm của một số vị đầu tròn áo vuông còn nặng về tiền bạc, vật dục.
Như vậy, với Phật pháp chân nguyên, hình tướng không cần thiết đối với một hành giả đang tiến về giải thoát, nhưng cũng không có thái độ bất kính đối với hình tượng chư Phật.
Xét trên quan điểm thế gian pháp, tuy Phật pháp là con đường tiến đến giải thoát, nhưng không vì thế mà phủ nhận toàn triệt mọi pháp thế gian. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ Đề, cáp như cầu thố giác” như vậy đã đủ xác định “thế gian pháp tức Phật pháp”. Sen không phải là bùn mà lìa bùn thì không thể mọc sen. Tuy thế gian pháp còn nhiều ô trược, chư Phật chư tổ cũng từ ô trược mà giải thoát; vì ô trược mới có con đường giải thoát, không ô trược thì giải thoát cái gì? Thế thì nhờ hình tượng chư Phật mà quần chúng nương theo đó để chỉnh sửa thân tâm chứ không phải van xin khẩn cầu một cục đất, cục đá, cement..hay dùng hình tượng để kinh doanh một cách bất kính. Một miếng vải chỉ là miếng vải, khi hình thành lá cờ thì không ai dám sử dụng lá cờ vào việc bất kính ( ngoại trừ không phải lá cờ mình đang tôn trọng).
Cái gì đưa lên hàng tôn kính cho dù tôn kính theo trật tự thế gian hay tín ngưỡng tâm linh đều có sự cộng hưởng niềm tin. Gốc đa, ông Táo khi được nhân gian đặt niềm tin vào đó thì tự nó trở thành linh thiêng, linh bất linh tại ngã; thế thì một tôn tượng biểu thị cho một đấng giác ngộ, được đầu tư niềm tin từ nhiều thế hệ, không thể xem đó là vật tầm thường, vật vô tri vô giá trị về tâm linh nếu đương sự đang nằm trong cùng một tín ngưỡng.
Truyện tích vào cuối thế kỷ XX, miền Tây Nam bộ VN có một Thánh nhân ẩn xác phàm, được quần chúng tôn kính như Phật sống, chính quyền bảo hộ Pháp lúc bấy giờ thử dấu một tranh Phật dưới chiếu để mời Ngài ngồi lên, Ngài từ chối, vì không dám xúc phạm dù là tranh vẽ. Các tín đồ Kito giáo thà chịu chết chứ không bước qua Thập tự giá để được sống. Và biết bao chư Tăng, cư sĩ vị pháp thiêu thân để bảo tồn tín ngưỡng vào thập niên 60 của thế kỷ XX tại miền Nam Việt Nam; thế thì những cái họ bảo vệ dù phải chịu hy sinh là gì, phải chăng chỉ là vật chất vô nghĩa, hay từ vật chất vô nghĩa đã có một ý nghĩa vô giá của niềm tin???
Cuộc sống ngày nay, xã hội đảo lộn mọi trật tự, ngay cả tôn giáo như Đạo Phật, bị ảnh hưởng văn hóa Tàu pha trộn tạp tín, nặng về sắc tướng âm thanh, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã hình nhân, mỗi ngày biến tấu thêm một chiêu trò mới lạ để lừa gạt một số mê muội cầu lợi, mua Thần bán Thánh,bất kể tội lỗi, bôi đen giáo lý giải thoát của Đức Phật. Những chiêu trò cũ nhàm chán , nay bày đốt cả Phật tượng để kích thích tính hiếu kỳ cuồng tín của người dân chưa hiểu đạo.Không thể biện minh lấy đó làm phương tiện để độ người mà ngược lại càng làm mê hoặc lòng người, xa rời Phật pháp.nguoiphattu.com
Hành giả Thiền tông tuy không chú trọng về pháp tướng âm thanh, nhưng cũng không dám xúc phạm đến tôn tượng, thì ngược lại, sư ứng phú đạo tràng lại dùng hình tượng để mưu lợi cầu danh. Bảo rằng Phật tượng là giả thì tấm y ca sa màu mè sao lại cần dùng nó để che phủ tấm thân ô trước kia? Phải chăng mượn sắc tướng nhà Phật để hủy báng Phật pháp là mưu ma chước quỷ của thời pháp nhược ma cường??? Thiền sư phá tướng để giác ngộ đệ tử, tà sư phá tướng để mưu lợi cầu vinh; không còn là phương tiện để đưa đến cứu cánh mà bước đầu hành động được xem là cứu cánh để đi đến cầu lợi.
Đây là vấn đề khá phước tạp không thể biện minh dưới bất cứ lý lẽ nào, hy vọng giáo hội quan tâm xử lý vấn đề để khôi phục niềm tin chính đáng cho quần chúng để Phật pháp không sa vào hành động tăm tối tà mị bởi các tà sư. Trách nhiệm nầy không chỉ riêng của một ban ngành nào trong Phật giáo mà là trách nhiệm chung của Hoằng Pháp, Nghi Lễ, Tăng sự, Pháp chế; không riêng sự quan tâm của chư Tăng mà ngay cà tín đồ cứ sĩ cần phải bảo vệ cho Phật pháp, tẩy chay các việc làm có hại uy tín, thanh danh, xúc phạm đến niềm tin của Phật giáo hiện nay.