Trang chủ Blog chùa Đồng Tháp: Chùa Phước Hưng trang nghiêm cử hành lễ Vu Lan

Đồng Tháp: Chùa Phước Hưng trang nghiêm cử hành lễ Vu Lan

122
Vu Lan đến bao trái tim thổn thức
Vu Lan về cho hoa hồng nở thơm hương
Vu Lan ơi! Nét đẹp thật chân thường
Cho nhân loại tìm về trong ánh đạo.

Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn là biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Trong ngày lễ thiêng liêng và trọng đại này, chùa Phước Hưng (Chùa Hương) đã đón đông đảo Phật tử các giới về chùa thắp hương, lễ bái, dâng y cúng dường chư Đại đức Tăng cầu nguyện cho hai đấng sinh thành.

Sáng nay, ngày 19.07 Quý Tỵ (25.08.2013) tại chùa Phước Hưng, phường 1, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm Húy nhật Hòa thượng Thích Minh Phước tự Tư Trung khai sơn chùa Phước Hưng, nhân lễ Tưởng niệm này bổn tự tổ chức Đại lễ Vu Lan PL. 2557 – DL. 2013.
 

Quang lâm chứng minh tham dự có Hòa thượng Thích Thiện Huệ – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, Viện chủ Tổ đình Phước Hưng; Thượng tọa Thích Chơn Minh – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp; Hòa thượng Thích Thiện Năng – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban GDTN GHPGVN tỉnh Đồng Tháp; Đại đức Thích Chơn Tâm – Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp cùng chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, chư Tôn đức các Ban ngành trực thuộc, chư Tôn đức Ban Trị sự huyện thị xã, chư Tôn đức các tự viện cùng đông đảo Phật tử các giới về tham dự.
Sau Lễ Vu Lan, chư Tôn đức đã dâng hương tưởng niệm 129 năm ngày Hòa thượng Thích Minh Phước tự Tư Trung – Khai sơn Tổ đình Phước Hưng viên tịch, tưởng nhớ đến công hạnh của Ngài để con cháu noi theo tu tập.

Nói đến Chùa Phước Hưng (Chùa Hương) tác giả Thích Vân Phong đã viết sơ lược  về ngồi cổ tự như sau:

Sa Đéc hiền hòa với cây lành trái ngọt, với hoa kiểng cổ truyền thanh lịch. Nhưng Sa Đéc còn nổi tiếng bởi nhân gian truyền tụng câu : “Sa Đéc là đất Phật”. Du khách về đây không khỏi ngạc nhiên và sùng kính trước hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ nằm rãi rác khắp địa bàn của Thị Xã Sa Đéc nhỏ bé, Sa Đéc cách Thành phố Hồ Chí Minh 140 km về phía tây nam. Phía bắc giáp sông Tiền, phía tây bắc giáp huyện Lấp Vò, tây nam giáp huyện Lai Vung ven sông Hậu, phía đông giáp huyện Cao Lãnh, phía nam giáp huyện Châu Thành.

Thị xã Sa Đéc có diện tích là 5.785,89 ha, với dân số trên 103000 người thuộc các dân tộc: Việt, Hoa, Khmer, …, gồm 6 phường và 3 xã.
 
Và có một ngôi chùa mà không ai không dừng chân ghé thăm, đó là Phước Hưng cổ tự (Chùa Hương), nằm ngay trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất nằm giữa lòng Thị Xã.
 
Thời gian như để lại những dấu ấn trên mái ngói rêu phong. Mây trắng bãng lãng bay vẽ nên những bức tranh tái hiện một thời quá khứ. Thuở Sa Đéc còn hoang vu Làng nhỏ, đường mòn, có một nhà Sư về khai mở cửa Thiền, giống thêm một tiếng chuông Từ bi vào đất Phật. Đó là năm Mậu Tuất (1838), “niên hiệu Minh Mạng năm thứ 19” gắn liền với tên tuổi Thiền sư Thích Minh Phước. Nhưng đến khoảng năm Bính Ngọ (1846) “niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6” thì một biến cố nào đó khiến chùa Minh Hương của người Hoa ở Sa Đéc phải di dời rồi xác nhập với Phước Hưng tự là Chùa Hương cho mãi tới bây giờ.
 
Gió sông Tiền ngày đêm thổi vào hướng Chùa đong đưa hai hàng Tùng Bách bốn mùa xanh lá dọc cổng Tam quan. Vườn kiểng trước sân thơm thơm mùi bông Sứ bông Trang như dâng lên tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát màu trắng thanh cao. Khách vừa đến đây đã cảm thấy trút được ngay bao những lo toan, ưu phiền ngoài đời.

Bước vào Chùa, trước tiên phải qua cửa Đông lang. Tầm mắt du khách sẽ gặp tên chùa và hai chữ “HOAN HỶ” khắc trên bản gỗ đón chào. Hai bên cột cửa là đôi câu đối:

Vĩnh bảo thiền gia Hưng vạn đại,
Đạt thành trụ sở Phước thiên thu.
Hai chữ đầu ghép thành pháp danh của Hòa Thượng Trụ trì đời thứ 5 (Vĩnh Đạt) và hai chữ giữa ghép thành tên chùa (Phước Hưng).
 
Giữ vững thiền gia muôn thuở, 
Gìn bền trụ sở nghìn thu.
(Thích Lệ Hưng dịch)
 
Câu nói như âm vang mạnh mẻ của người xưa, tạo một sự trang nghiêm, đáng kính cho ngôi chùa.
 
Bên trong Đông lang là phòng khách để tiếp thập phương bá tánh vãng lai. Tiến vào bên trong nữa là Tổ điện gồm 5 gian, bố trí 3 quá đường để chư Tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa Tổ điện, phía Trai đường bàn thờ chư liệt vị Tổ sư và các vị Trụ trì. Những linh vị và di ảnh đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ hoa văn sắc xảo (năm Mậu Tý – 1828) do Chùa Minh Hương cúng. Phía sau bàn thờ Tổ là Phương trượng (phòng thất) của Ban Trụ trì và Tăng xá dành cho Tăng sinh nội trú tu học.
 
Trước Tổ điện treo một bức hoành sơn son thép vàng trạm trổ rất công phu. Giữa là ba chữ lớn : “BÁT NHÃ ĐƯỜNG”. Phía trên ba chữ ấy trạm chiếc lá Bồ đề, trong lá có khắc chữ Phước Hưng Tự (bằng chữ Hán rất nhỏ). Nền bức hoành trạm Mai, Lan, Trúc, Cúc, Bướm, Quạt, Bầu lựu, Cuốn thư, Giấy, Bút .v.v. . . Dưới gốc trúc lại chạm nổi rẩt nhỏ (Bính Ngọ niên) 1846.
 
Ngoài ra câu còn hai đôi liễn đốI khắc rất đẹp:
 
Tứ Thánh lục Phàm do nhất tâm chi sở tạo, 
Thập bang pháp giới liệt vị báo cho vô sai.
Dịch:
Bốn cõi Thánh, sáu cõi Phàm thảy do tâm tạo, 
Mười pháp giới, mỗi chỗ đều báo ứng không sai.
(Thích Lệ Hưng)
Quốc gia hữu vĩnh sơn hà cố, 
Phật đạo vô cùng nhật nguyệt trường.
Dịch:
Nước nhà còn mãi non sông vững, 
Đạo Phật không cùng ngày tháng bền.
(Nguyễn Quảng Tuân)
 
Câu đối thể hiện được sự hòa hợp giữa Phật giáo và tinh thần dân tộc, lòng yêu Tổ quốc, đó cũng là truyền thống của nhân dân ta, Đạo không tách Đời, và sống giữa đời theo tinh thần Đạo Phật.
 
Phía trái Tổ điện là Tây lang để tiếp khách Tăng và tôn trí Đại Tạng Kinh, Kinh Nhật Tụng và các loại sách . . . Đại Tạng Kinh gồm 101 quyển, là bộ Pháp bảo được in ấn với số lượng hạn chế nhưng rất đẹp ở Đài loan mà chỉ có một số tỉnh thành nước ta mới có được, trong đó Sa Đéc (Đồng Tháp) đã vinh hạnh được cung thỉnh vào dịp Lễ kỷ niệm ngày Viên tịch lần thứ 6 Cố Hòa Thượng Thích Vĩnh Đạt, Rằm tháng 9 năm Nhâm thân (1992) và long trọng tiếp đón Thiền Sư Thích Duy Lực quang lâm khai thị trong dịp Lễ này.
 
Phía sau Tây lang là khu Bảo tháp linh cốt chư vị tiền nhiệm Trụ trì. Trước Tây lang có một hồ sen trắng tỏa hương cạnh hàng Bách thẳng tắp kề bên vách chánh điện.
 
Chánh điện hình hơi vuông với chiều dài 19m50, chiều ngang 14m. Trên nóc trang trí tô dắp miễn chén kiểu hình Long, Lân, Quy, Phụng, Tượng, Khỉ, theo chiều uốn lên như ngà voi. Chót mái chùa lại lơi ra chớ không quá nhọn và cao vút. Đây là những điểm khác biệt so với các chùa cổ ở Việt Nam (Chánh điện chữ nhựt, thường trang trí Rồng Phụng, chót mái uốn cong). Các bức phù điêu trên mái chùa cũng tô đắp bằng miễn chén kiểu, màu sắc sặc sỡ. Mái chùa gồm hai cấp và tám mái lợp ngói âm dương, tạo sự thoáng mát. Sà nhà trạm hoa văn tỉ mỉ. Nhiều bức Hoành, Phi, Liễn đối khắc trên gỗ hoặc trên cột đều sơn son thếp vàng.

Câu đối chính giữa mặt tiền đặt theo tên chùa:

Phước chủng Bồ đề địa 
Hưng bồi Bát nhã môn.
Dịch:
Phước trồng đất Bồ đề, 
Hưng đắp cửa Bát nhã.
(Nguyễn Quảng Tuân)
 
Cách thức thờ phụng thì theo lối cổ, tôn nghiêm gồm các tượng:

Bộ Tam Thánh Tây phương Cực Lạc : (Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí). Trong hai tượng A Di Đà có một tượng bằng đất sét thếp vàng năm 1838, không nung nhưng vẫn chắc chắn cho tới ngày nay. Các tượng gỗ như Chuẩn Đề, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Tiêu Diện Đại sĩ, Thiện Hữu (tiền thân Phật Thích Ca), Ác Hữu (tiền thân Đề Bà Đạt Đa), Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu và một tượng Hộ Pháp bằng đồng, tất cả đều làm năm Mậu Tuất (1838).
 
Năm Giáp Dần (1854) “niên hiệu Minh Mạng năm thứ 8” Hòa Thượng Thích Minh Phước tái tạo Tổ Điện, Đông, Tây lang.
 
Năm Nhâm Ngọ (1882) “niên hiệu Tự Đức năm thứ 36” Hòa thượng Thích Quảng Đức hiệu Như Diệu đại trùng tu Chánh điện, tồn tại đến nay.
 
Trong số các pháp khí có giá trị, phải kể đến chiếc mõ tụng kinh hình song ngư để trên bàn thờ Tổ, từ năm Mậu Tý (1888), đặc tính là khi thời tiết nắng nhiều thì tiếng kêu chát, trời mát lại kêu ấm hơn. Và một chiếc gỗ mõ lớn khác để trên bàn chánh điện, nặng khoảng15kg. Đường kính bề ngang 1,4m, bề dọc 70cm do Cố Hòa Thượng Thích Vĩnh TràngTrụ trì đời thứ tư, phát nguyện ra tận miền Bắc.chiêm bái Thánh tích Phật giáo. Khi đi cũng như lúc về, Ngài đều đi bộ, đội mõ trên đầu, mỗi bước chân là một tiếng A Di Đà Phật.
 
Đặc biệt nhất là những bản gỗ khắc chữ để in những Kinh, Luật của thời Hòa thượng Vạn Hiển (tiền nhiệm Trụ trì đời thứ 3). Hòa thượng đã cho xuất bản các Kinh, Luật như : Kim Cang, Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), Địa Tạng trọn bộ, A Di Đà, Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược, Sa Di Luật Giải . . .
 
Hiện nay ở Phước Hưng còn bảo quản một bản kinh Kim Cang. Gần một thế kỷ mà nét vẫn đẹp, sắc rõ, giấy vẫn khá trắng và bền. Các bản gỗ còn nguyên vẹn do làm bằng loại gỗ tốt.
 
Phước Hưng Cổ Tự đã trãi qua sáu đời Trụ trì
:
– 1838 – 1882 Đại lão Hòa thượng Thích Minh Phước hiệu Tư Trung. Viên tịch ngày 19 tháng 7 năm Giáp Thân (1884). Trụ thế 101 Xuân. Trụ trì 46 Đông.
 
– 1882 – 1890 Hòa thượng Thích Quảng Đức, pháp húy Như Diệu, Viên tịch ngày 13 tháng 5 năm Canh Dần (1890).
 
– 1890 – 1936 Hòa thượng Thích Vạn Hiển, pháp húy Kiểu Ấn hiệu Tâm Pháp . . .
 
– 1937 – 1962 Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng, pháp húy Hồng Tỵ. Viên tịch ngày ngày 19 tháng 2 năm Quý Mão (1963)
 
– 1962 – 1987 Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, pháp húy Hồng Hạnh.Viên tịch ngày rằm tháng 9 năm Đinh Mão (1987)
 
– 1987 đến nay, Hòa thượng Thích Thiện Huệ.
 
Chùa có lối kiến trúc khá đặc biệt hơn các Cổ Tự miền Nam và có những đóng góp quan trọng đối với nền Phật giáo Tỉnh nhà và cả nước, trong việc giáo dục đào tào nhân tài và mở đàn truyền giới cho nhiều thế hệ,  nên Viện Bảo tồn Bảo tàng trực thuộc Bộ Văn hóa TW Hà Nội, Sở Văn hóa Đồng Tháp, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Đồng Tháp, các nhà Báo, Văn nghệ sĩ trí thức, cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan đều đề nghị công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử. Hiện nay dù có phục chế lại các phần hư hao.Nhưng vẫn chú ý giữ theo lối cổ, hài hòa với tổng thể kiến trúc của Cổ Tự.
 
Mỗi chiều, tiếng chuông thong thả ngân giữa bầu trời thanh bình, trong ngọn gió sông Tiền ngọt ngào hương vị phù sa, như rót vào lòng người dân Sa Đéc một niềm an lạc vô biên, một lời nhắc nhở về cái thiện giữa đời, và cũng là cái đẹp truyền thống của xứ sở Việt Nam cây Đa, bến nước, mái chùa cong cong.

Chùm ảnh buổi lễ
 


 
Đại đức Thích Chơn Trí – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Sa Đéc và Đại đức Thích Tâm Phương – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế chụp hình lưu niệm cùng chư Tăng, Phật tử chùa Phước Hưng
 

cung đón chư Tôn đức quang lâm

chư Tôn đức chứng minh

chư Tăng các tự viện

lãnh đạo chính quyền các cấp

Dâng hoa cúng dường chư Tôn đức

văn nghệ chào mừng

Đọc ý nghĩa Hoa hồng mùa Báo hiếu Vu Lan

cài hoa đến chư Tôn đức

và quan khách chính quyền cùng quý Phật tử

Tác bạch dâng y Ca sa

Quý Phật tử dâng y Ca sa

Đại đức Thích Chơn Trí cúng dường chư Tôn đức

quý Phật tử cúng dường

Dâng hương Tưởng niệm Lễ Húy nhật Hòa thượng khai sơn