Cũng như các mùa Hạ năm trước, ngoài một số chùa chúng tôi đã đến cúng dường, Thiền viện Viên Chiếu là địa điểm thân thương mà cả đoàn rất thích đến và luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng tôi sau mỗi lần cúng dường. Phong cảnh chùa thật dễ thương, thật nhẹ nhàng, thật “Thiền”, cùng với hình ảnh của quý Ni với nhiều nụ cười an lạc, tạo cảm giác gần gũi, dễ mến và đặc biệt là Ni sư Như Đức, không biết dùng ngôn ngữ nào diễn tả cho hết niềm quý kính của chúng tôi đối với Ni sư. Sự nhẹ nhàng, sự thanh thoát, sự dễ chịu, sự dễ thương, sự ôn tồn, sự điềm đạm, sự đơn giản, sự hồn nhiên… toát lên nơi bước chân, nơi ánh mắt, nơi nụ cười, nơi ngôn ngữ, nơi giọng nói của Ni sư, kể cả nơi vạt áo của Ni sư; không thể nói hết được đạo lực của Ni sư thu hút chúng tôi đến mực nào.
Thấy chúng tôi hớn hở ra mặt, Ni sư đề nghị nên đặt tên cho món bánh mà chúng tôi cúng dường mỗi mùa Hạ. Theo Ni sư, chúng tôi rất vui khi làm bánh này cúng dường và chư Ni thọ nhận cũng vui, mọi người đều vui, nên gọi là bánh Hoan Hỷ, thay vì gọi là bánh cuốn. Cả đoàn vỗ tay thích thú với cái tên dễ thương và có ý nghĩa.
Ngoài những hình ảnh thật dễ thương như vậy, điều chúng tôi muốn chia sẻ với các pháp lữ hữu duyên là bài pháp tràn đầy đạo vị đã được Ni sư tặng cho. Sau khi đã dâng cúng món bánh, chúng tôi quây quần bên Ni sư để nghe pháp. Nhìn nét mặt vô cùng hoan hỷ của cả đoàn, Ni sư cười rất tươi, vừa nói: “Quý vị vui lắm phải không?”. Chúng tôi cười toe toét, dạ rân. Ni sư nhẹ nhàng hỏi: “Vậy chứ niềm vui hôm nay, mọi người có muốn hồi hướng cho tất cả chúng sanh hay không?”. Cả đoàn lại cười và nói to, dạ muốn. Ni sư liền kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một người nông dân nổi tiếng vì trồng được trái bí thật to và đẹp. Vì thế, ông ta được chấm hạng nhất trong cuộc thi những người trồng trọt giỏi. Năm sau, không thấy ông ta dự thi nữa, nhưng lại thấy rất nhiều trái bí giống của ông được các nhà nông khác mang đến dự thi. Người ta hỏi ông tại sao không dự thi nữa, mà lại dạy cho nhiều người trồng được giống bí tốt như vậy, không sợ họ cạnh tranh sao. Ông ta trả lời đơn giản rằng nhờ truyền cho nhiều người trồng được giống bí tốt đó mà những trái bí của vườn nhà ông không bị thụ phấn xấu bởi các con bướm mang từ các vườn lân cận đến. Ở toàn khu đó, chỉ có giống bí tốt của ông thôi, ông không phải lo bảo vệ, không phải lo chúng bị “lai giống” không tốt.
Câu chuyện đơn giản này của Ni sư Đức nhắc nhở chúng tôi giá trị của pháp tu hồi hướng và cũng gợi cho tôi nhớ đến bài pháp mà Hòa thượng Tôn sư đã giảng, nếu chỉ một mình ta sống giàu sang sung sướng, trong khi chung quanh chúng ta toàn là người tham lam, xấu ác, thiếu thốn, thì không dễ gì chúng ta được sống yên lành để hưởng đâu.
Bài pháp hồi hướng được Ni sư chuyển sang một thí dụ khác, khiến cho mọi người bật cười. Có một ông nọ đến chùa nhờ thầy cầu siêu cho người vợ. Thầy bảo rằng nên hồi hướng thêm cho tất cả mọi người thì tốt hơn. Ông ta nghe tốt hơn thì đồng ý, nhưng ngẫm nghĩ một hồi, ông dặn thầy rằng hồi hướng cho tất cả cũng được, nhưng mà thầy nhớ “trừ ông hàng xóm khó ưa của tôi ra”.
Ni sư quả là người có tài khéo léo dẫn dắt thính chúng; chúng tôi đang ở dưới trần thế, đang nhìn thấy cái tâm ích kỷ của ông nào đó, thì Ni sư liền nhẹ nhàng dẫn dắt chúng tôi trở về với tâm thanh tịnh, tâm chân thật, qua hai câu thơ chữ Hán:
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý du.
Nghĩa là:
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Mặt nước sông yên lặng và trong suốt, cả ngàn con sông êm ả như vậy, thì cả ngàn bóng trăng được in rõ trên dòng sông. Dòng sông nổi sóng ba đào không thể nào có bóng trăng ở chơi với nó. Bầu trời trong suốt, mây không bao phủ, không che khuất, mây không vần vũ, hiện rõ nét ngời sáng rạng rỡ vô cùng của cả bầu trời. Dòng sông êm đềm, trong veo và bầu trời trong vắt, lắng yên, hai hình ảnh này ví cho tâm thanh tịnh, tâm chân như của chúng ta. Đừng để những cơn sóng phiền não, sóng giận dữ, sóng tham lam, sóng kiêu mạn, sóng si mê, sóng oán hận… khuấy động làm vẩn đục tâm chúng ta; đừng cho những áng mây đen si ái, mây buồn phiền, mây tức tối, mây thù nghịch vần vũ, che tối tâm hồn chúng ta.
Tâm thanh tịnh, tâm chân như hiện hữu đời đời với chúng ta, nhưng chúng ta không thể tiếp cận và sống với cái tâm chân như, hay Phật tánh quý báu vô cùng ấy; chỉ vì trải qua muôn kiếp ngàn đời cho đến hiện đời, chúng ta đã và đang mải mê rong chơi với tâm tham lam, ích kỷ, mù quáng, ganh ghét, đố kỵ…, chúng ta mải mê kết thân với cái tâm tính toán, hơn thua, xảo quyệt, thủ đoạn…
Thanh tịnh, tỉnh giác để chúng ta có thể tiếp nhận ánh sáng trí tuệ của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, tiếp nhận lực gia trì của Bồ tát Phổ Hiền và sống trong ánh từ bi, cảm thông, chia sẻ, an lạc của Bồ tát Quan Âm cùng hằng hà sa Bồ tát trên vạn nẻo đường đời.