Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Đồng Nai: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Đại...

Đồng Nai: TT. TS. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Đại Giác

199

Vừa qua, vào ngày 24/08/2023 (nhằm ngày 09/07 năm Qúy Mão), nhận lời mời của Ni sư Thích Nữ Diệu Trí – Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Hóa Chủ Trường hạ Đại Giác Cổ Tự, TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm Pháp tòa gửi đến đại chúng bài Pháp thoại nói về nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ Vu Lan tại chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Nhờ những chia sẻ cởi mở, tinh tế, sâu sắc đó, mọi người hiểu hơn về đạo lý biết ơn, biết đền ơn, sống có trách nhiệm. Từ đó, cùng nhau xây dựng, bảo vệ thế giới thành một tinh cầu hạnh phúc, giác ngộ.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đã kể câu chuyện cảm động về Ngài Xá Lợi Phất hóa độ cho mẹ của mình tin kính được Đức Phật. Qua đó, Thượng tọa khẳng định Vu Lan là một Đại lễ trong đạo Phật nên thường được các chùa tổ chức rất trang nghiêm, long trọng. Tuy nhiên, rất nhiều người tham dự đại lễ chỉ biết Vu Lan là Đại lễ báo hiếu. Thực ra, cái ý nghĩa đầy đủ của nó còn lớn hơn nhiều. Dịp này, Thượng tọa sẽ phân tích để giúp mọi người hiểu rõ ràng, đầy đủ, khách quan nhất về nguồn gốc, ý nghĩa của Đại lễ Vu Lan.

Nói về nguồn gốc, nhiều tài liệu mạng nói Vu Lan xuất phát từ câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ, thực ra không chính xác.

Theo sử sách ghi lại, gia đình Ngài Xá Lợi Phất có rất nhiều con nhưng ai cũng đi tu rồi chứng Thánh, để lại mẹ già ở nhà một mình. Vậy nên bà căm giận Chư Phật và Tăng đoàn bởi cho rằng vì Đức Phật thuyết Pháp mà con bà bỏ đi hết. Ngài Xá Lợi Phất biết rằng tất cả các em mình đều chứng A La Hán thì phước của mẹ mình rất lớn nhưng tâm căm giận Đức Phật khiến bà mang nghiệp nặng, có thể đọa địa ngục. Vậy nên, trước khi nhập Niết Bàn, Ngài quyết tâm độ cho mẹ mình, giúp bà tin kính Phật, gỡ được nghiệp công kích Đức Phật, biết Quy y Phật Pháp Tăng. Đây thực sự là một câu chuyện rất vĩ đại.

Tuy nhiên, câu chuyện này qua tới Trung Hoa lại biến thành Vu Lan Bồn, đó là Ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ. Ai không nghiên cứu kĩ Kinh điển, không biết chuyện của Ngài Xá Lợi Phất thì cứ tin theo kinh Vu Lan Bồn để tu tập.

Điểm chung rất hay ở cả 2 câu chuyện này là đều đề cao lòng hiếu kính cha mẹ, coi đó là đạo đức căn bản quan trọng của con người. Là một tôn giáo lấy đạo đức làm nền tảng, đạo Phật luôn vinh danh đạo hiếu. Vì coi trọng lòng hiếu kính nên Đức Phật sau khi đắc đạo đã lên cõi trời 3 tháng để giảng Pháp, giúp mẹ mình chứng Tu Đà Hoàn. Dưới cõi người, Ngài cũng độ cho vua cha chứng đạo trước khi ông qua đời. Ngay cả mẹ nuôi Ngài cũng được Ngài độ chứng A La Hán. Tức là Ngài đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình với cha mẹ.

Đạo hiếu cũng được các đệ tử của Đức Phật tuân thủ rất kĩ. Ngoài ra, tinh thần này còn được lan truyền rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Khi đến Việt Nam, Trung Quốc,… thì tinh thần hiếu đạo gặp Nho giáo.

Cái hay là Nho giáo cũng đề cao đạo hiếu nên rất ăn khớp với đạo Phật. Do đó, người dân Á Đông tiếp nhận đạo Phật một cách dễ chịu, thoải mái. Từ căn bản đạo đức này, đạo Phật đã giúp con người phát triển thêm nhiều đạo đức khác.

Trong đạo Phật, ngoài cái hiếu với bố mẹ, Đức Phật còn dạy ta Tứ trọng ân. Người biết Tứ trọng ân là người có tâm hồn giải thoát, xem cả thế giới như hư vô nhưng cực kì đạo đức, biết ơn. Người chỉ xem cả thế giới như hư vô mà không biết ơn thì sẽ trở thành ngoại đạo, làm đạo Phật suy yếu.

Thượng tọa lí giải, không có lòng biết ơn, ta không còn trách nhiệm với cuộc đời. Coi cuộc đời là hư vô, ta sẽ coi nhẹ nhân quả, không biết làm phước. Người như vậy không thể chứng đạo mà rất dễ đọa thú. Nếu hiểu đạo, chắc chắn họ sẽ biết mọi danh lợi, tài sắc trên đời mới là giấc mộng, không đáng để ta quan tâm, khao khát. Trong cái hư vô ấy, tâm ta luôn ngập tràn đạo đức và lòng biết ơn.

Ta nhớ câu chuyện Đức Phật sau khi đắc đạo đã đứng lại nhìn cây Bồ Đề một tuần rồi mới đi tiếp. Đây là cách Ngài bày tỏ lòng biết ơn rất tinh tế đối với cái cây đã che chở mình suốt 49 ngày đêm. Cái cây mà Ngài còn biết ơn thì ta phải hiểu mọi ân nghĩa trong cuộc đời Ngài, trong vô lượng kiếp Ngài vất vả đi tìm, độ cho từng người từ cõi trời xuống cõi người, không sót một ai nó phải lớn chừng nào, thật không thể tưởng tượng được.

Việc giáo hóa của Phật đồng nghĩa với việc Ngài trả ơn cho mọi người trong cuộc đời từ vô lượng kiếp. Có một điều rất tinh tế là dù là ai, làm gì cũng được đối xử rất tử tế, công bằng. Ngay cả ăn cũng được ăn trong phẩm giá. Đức Phật cẩn thận, tinh tế, sâu sắc, vĩ đại là vậy. Hôm nay được nghe câu chuyện này rồi, ta cũng phải đối xử với mọi người tử tế, yêu thương, tôn trọng như vậy.

Trong Tứ trọng ân Phật nói ơn đầu tiên, cơ bản nhất là ơn sinh thành của cha mẹ. Thứ hai là ơn dưỡng dục của quý thầy cô trong trường, trong chùa – những người cho ta tâm hồn, kiến thức, tinh thần. Thứ ba là ơn vua, ơn người lãnh đạo – những người vì dân tộc, nhân dân mà luôn tận tâm, tận sức. Thứ tư là ơn Tam Bảo, ơn Phật, ơn những vị Thánh – những vị đã giác ngộ, luôn nỗ lực gìn giữ, truyền bá Chánh Pháp cho chúng sinh. Đây là cái ơn tuyệt đối, vô hạn bởi cái ơn này đưa ta đến sự giác ngộ tuyệt đối.

Những ngày Vu Lan, ta hay nhấn mạnh ơn với cha mẹ nhưng nếu là người có tấm lòng, ta luôn phải nhớ cả Tứ trọng ân. Ngoài ra, còn một cái ơn nữa là ơn chúng sinh. Nghĩa là xuất hiện trên đời này, ai cũng có thể là người ơn của ta. Điều này rất trừu tượng nhưng lại có một ý nghĩa thật đẹp. Ví dụ, có người mời ta bữa cơm, có người cho ta lời khuyên, có người vất vả đắp đường cho ta đi,… Biết bao ơn nghĩa trên đời mà ta không nhớ hoặc không biết nên khi nói về những ân nghĩa trong cuộc đời, người sâu sắc, trí tuệ mới phát hiện rằng ta chịu ơn rất nhiều người.

Thực sự, đằng sau đồng tiền, cuộc sống này còn rất nhiều ân nghĩa. Muốn đền đáp được hết những ân nghĩa đó, Vu Lan ta nên tập trung về chùa để được Chư Tăng Ni nhắc nhở, giáo dục đạo làm người để mình mãi trở thành một người biết ơn. Chỉ khi trở thành người biết ơn, ta mới có hy vọng tu tập để trở thành Thánh. Người không có đạo đức sẽ không quan tâm đến chuyện ơn nghĩa, lúc nào cũng sống sòng phẳng, thực tế dẫn đến việc quên ơn. Khi quên ơn, ta biến thành người vô đạo đức, mất phước, mất luôn tư cách của con người. Sau khi chết, ta rất dễ bị đọa súc sinh.

Thật sự ơn nghĩa ta nhận được trong cuộc đời mình quá nhiều. Nếu nói cố gắng tu để đền hết ơn nghĩa thì lại quá chung chung. Muốn đền hết mọi ân nghĩa, ta phải cố gắng vừa tu, vừa cống hiến, đóng góp, giáo hóa để ai cũng có đạo lí giác ngộ, biết đối xử với nhau một cách yêu thương, tử tế.

Như vậy, đến chùa dự Lễ Vu Lan là ta kích hoạt được đạo đức biết ơn. Nhờ đạo đức này, ta khao khát muốn đền ơn. Ơn cao nhất chính là ơn Phật- Người cho ta con đường tu tập, dạy ta biết vị tha, cống hiến, phụng sự. Từ hôm nay ta biết, thân xác này không thuộc về mình nữa mà thuộc về tất cả chúng sinh, thuộc về ân nghĩa của cha mẹ, thầy cô, các vị lãnh đạo. Cuối cùng, cuộc đời, thân xác, tâm hồn ta là của Phật. Ai đạt được mức độ hiểu này chắc chắn sẽ tiến dần lên trong Pháp giới bao la, không bao giờ đọa vào ác đạo.

Nói cách khác, Vu Lan đã kích hoạt đạo tâm tu hành của ta. Biết ơn rồi, bỗng nhiên ta bị thúc đẩy phải tinh tấn tu tập, phụng sự, cống hiến để đền ơn. Không biết ơn, không tinh tấn tu hành, ta không còn là con người nữa. Nhưng để tu hành được không phải dễ. Ví dụ, khi thấy người khác làm việc tốt, chắc chắn mỗi người sẽ có thái độ, hành động, suy nghĩ khác nhau. Dựa vào việc ứng xử đó, ta có thể chia làm 3 hạng người:

– Hạng thứ nhất là xin tham gia theo việc tốt đó.

– Thứ hai là dửng dưng, không quan tâm.

– Thứ ba là kích bác, chê bai, khinh bỉ, chê trách.

Ngoài 3 hạng người đó, trong cuộc đời còn có thêm một hạng người là tự mình khởi tâm làm việc tốt. Tức là tự họ nghĩ việc thiện rồi tự làm, giống người có căn cơ của Độc Giác Phật, tự phát tâm, tự tu hành. Vì có thiện căn một cách tự nhiên nên không cần ai dạy bảo hay nhắc nhở, tự họ tìm thấy con đường đạo đức, ánh sáng để đi. Những người như thế này rất dễ trở thành thầy của thiên hạ, bởi tự họ đã là thầy của mình. Sức mạnh nội tại của họ là sức mạnh của chân lý, lẽ phải nên khi chúng ta gặp rất dễ bị họ cuốn hút.

Tuy nhiên, hạng người đó rất hiếm. Đa số chúng sinh thuộc hạng gặp được người tốt rồi bắt chước, làm theo. Người lí giải, bình thường chúng ta không phân biệt được đúng- sai, tốt- xấu một cách rõ ràng nhưng khi gặp được người tốt, bỗng nhiên ta có sự yêu thích, được mở mang, soi sáng. Từ đó, ta đón nhận sự tốt đẹp của họ để đi theo.

Thực sự, thế giới đang rất cần những người biết bắt chước cái tốt. Ví dụ, nhìn thấy những Bậc tu hành nghiêm túc, bỗng nhiên ta muốn thúc liễm thân tâm. Chưa xuất gia nhưng ta bỗng thấy mình phải tu tập đàng hoàng. Người có cảm xúc mạnh hơn nữa có khi họ vào chùa xuất gia luôn. Vậy nhưng, đâu đó ngoài cuộc đời vẫn còn nhiều người chưa thấy người khác tốt, cũng không biết cái tốt của họ. Mà dù có thấy người khác tốt, họ cũng không có cảm xúc để bắt chước theo. Những người thờ ơ với điều thiện lành, chắc chắn là người có căn cơ thấp.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa đã cảm niệm công đức của Ni sư Trụ trì tạo cơ hội để Người có dịp về đây chia sẻ được với nhiều người đạo lý của Phật. Người nhắc nhở rằng thế giới đang bị tàn phá bởi những người reo rắc tà kiến ác độc, công kích điều thiện lành. Những người tin theo họ, không chỉ tự mình tàn phá cuộc đời mình mà sau này còn dễ đọa súc sinh. Do đó, chúng ta cần cố gắng giữ gìn, bảo vệ, cứu độ thế giới này bằng chân lý, lẽ phải của Phật. Nghĩa là gặp ai ta cũng chia sẻ niềm tin với Nhân quả, nói chuyện về lòng từ bi của Phật, dạy mọi người biết yêu thương, biết siêng năng làm việc phúc thiện. Đây chính là cách ta bảo vệ thế giới này.

Thực sự, mải chạy theo những bộn bề, lo toan của cuộc sống mà chúng ta không còn thời gian để quan tâm hay nhớ đến những ân nghĩa trong đời mình. Rõ ràng, những ân nghĩa đó rất quen thuộc, gần gũi nhưng dần dần trở nên xa lạ, lãng quên đối với ta. Tự lúc nào, ta bỗng nhiên trở thành người vô ơn, thực tế, thực dụng. Cuộc sống của ta cũng vì thế mà nhạt nhẽo, buồn tẻ, không còn niềm vui, hạnh phúc nữa.

May mắn thay, ta được về chùa nương tựa, học đạo lý, được quý Thầy Cô nhắc nhở, dạy cho đạo làm người. Tắm mình trong đạo lý Phật, ta như bừng tỉnh, trở thành con người khác. Ta biết tôn trọng, tán dương, học theo những điều tốt; biết lan tỏa những điều tốt đẹp đó đến cộng đồng rộng rãi. Đặc biệt, có gì đó thôi thúc ta phải biết ơn, đền ơn; biết tu hành, giáo dưỡng, hoàn thiện bản thân; biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; biết yêu thương, phụng sự tất cả chúng sinh. Nhờ đó, ta có động lực, mục tiêu để sống. Cuộc đời ta cũng từ đây mà trở nên hạnh phúc, ý nghĩa hơn.

Sau khi kết thúc thời Pháp thoại, cả hội chúng chính thức bước vào nghi thức Đại lễ Vu Lan PL. 2567 – DL. 2023.

Chứng minh, tham dự có sự hiện diện của: HT. Thích Huệ Thiền – Phó ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; TT. Thích Minh Trí – Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Biên Hòa; TT. Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Thiền chủ Thiền Tôn Phật Quang; HT. Thích Thiện Hiền – Trụ trì chùa Đại Phước; ĐĐ. Thích Thiên Trí – Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; ĐĐ. Thích Huệ Thới – Ủy viên Ban Trị sự, Phó Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai; Chư Tôn đức đến từ đất nước Đài Loan.

Về phía Ban Tổ chức đại lễ Vu Lan tại Đại Giác Cổ Tự có:

Ni sư Thích Nữ Diệu Trí – Ủy viên dự khuyết Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Hóa Chủ Tổ đình Đại Giác cùng các Chư Ni tại Tổ đình Đại Giác; Chư Tăng chùa Thiền Tôn Phật Quang tỉnh BR-VT.

Ngoài ra, còn có sự tham dự của các Chúng trưởng, Chúng phó các Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khu vực miền Nam, hơn 4.000 Phật tử gần xa.

Buổi Lễ bắt đầu bằng nghi thức tụng Sám Vu Lan và cài hoa hồng – một nét đẹp văn hóa Phật giáo trong mùa Vu Lan hiếu hạnh.

Tiếp đến, trong không khí trang nghiêm, dưới dự hướng dẫn của BTC, quý Phật tử tuần tự cử hành dâng Y Ca-sa cúng dường đến Chư Tôn đức Tăng, Ni. Nguyện cầu song thân hiện tiền được tăng long phước thọ; cửu huyền thất tổ được siêu sanh về cảnh giới an lành.

Buổi Lễ đã diễn ra hoàn mãn với niềm hân hoan, tràn đầy niềm hỷ lạc của hội chúng.

Xin giới thiệu chùm ảnh ghi nhận:

Thực hiện: Tâm Trụ