Vừa qua, vào tối ngày 08/07/2023, nhân Khóa tu mùa hè tại chùa Long Thiền (K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhận lời mời của TT. Thích Huệ Khai – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm Pháp toà thuyết giảng cho gần 4.000 người, bao gồm các em học sinh Khóa hè chùa Long Thiền và đông đảo người dân địa phương cùng quý Phật tử thuộc Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang khu vực miền Nam.
Bài Pháp thoại đã chỉ rõ tầm quan trọng của thời gian, cách sử dụng thời gian sao cho hiệu quả, hợp lí. Nhờ đó, mọi người biết lên kế hoạch, vạch ra mục tiêu trong mỗi hoạt động của mình; biết cho đi yêu thương, quan tâm, sống tận tâm có trách nhiệm với những người xung quanh.
Mở đầu Buổi thuyết giảng, TT. Thích Minh Thọ được sự ủy nhiệm của TT Thích Huệ Khai – Trụ trì Tổ đình Long Thiền đã gửi lời tán thán đến TT TS Thích Chân Quang đã dành thời gian quý báu về thăm chùa và chia sẻ đạo lý với các em học sinh cùng đông đảo Phật tử địa phương, nhằm giúp mọi người trưởng dưỡng đạo tâm, góp phần duy trì và phát huy Phật Pháp, đặc biệt là đối với giới trẻ.
TT TS Thích Chân Quang khẳng định thời gian là thứ quý giá nhất mà cuộc sống ban cho ta nhưng không phải ai cũng biết sử dụng một cách hợp lí, triệt để. Tùy thuộc vào trí tuệ, đạo đức của mỗi người mà cách sử dụng thời gian cũng khác nhau. Người có đạo đức, trí tuệ sẽ sử dụng thời gian rảnh vào việc tạo ra lợi ích, niềm vui cho chúng sinh. Người không có đạo đức, trí tuệ sẽ để thời gian rảnh trôi vào những việc vô nghĩa, tầm bậy.
Nhìn các em học sinh háo hức tham dự Khóa tu, Thượng toạ rất lấy làm mừng bởi các em đã biết cách sử dụng thời gian rảnh của mình một cách thông minh, hợp lý. Thay vì ở nhà vùi đầu vào tivi, chơi game,… các em biết đến chùa lễ Phật, tụng kinh, học đạo lí, sớm chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi bước vào đời. Thực sự rất đáng khen.
Lại thêm, bố mẹ các em cũng là người biết nhìn xa. Họ đã thấy một điều quan trọng mà các em ai cũng cần có trong lòng, đó là đạo đức. Bố mẹ có thể cho các em những thứ như: kiến thức, văn hoá, ăn ngon, mặc đẹp,…nhưng còn thứ khác cao quý hơn, vì thương các em, muốn các em trở nên tốt hơn nên bố mẹ đã quyết định gửi các em vào chùa tu học. Lớn lên làm người, nếu các em thiếu đạo đức thì tất cả những công lao của bố mẹ coi như đổ bể. Ví dụ, các em lớn lên có bằng cấp cao nhưng nói năng hỗn láo, ngang ngược, không biết thương ai, giúp ai, tự nhiên những yêu thương, lo toan, đầu tư của bố mẹ bỗng trở nên vô ích.
Khi các em trở nên độc ác, tự phá hoại cuộc đời mình, làm khổ người khác thì bố mẹ các em trở thành thủ phạm gián tiếp vì đem vào cuộc đời này một đứa con xấu xa, vô đạo đức.
Gửi các em vào chùa là bố mẹ các em hy vọng sau này các em sẽ trở thành niềm vui, lợi ích cho cuộc đời. Những gì các em học được ở đây, sẽ trở thành bài học quý giá, quan trọng để các em thay đổi cuộc đời mình.
Người nhấn mạnh, có 4 bài học quý giá mà các em cần mang về nhà sau Khóa tu này. Cụ thể:
Thứ nhất, chính là sự hiếu kính cha mẹ. Gửi các em vào chùa, việc đầu tiên bố mẹ mong nhận lại chính là sự thay đổi trong đạo đức của con cái. Tức là các em sẽ trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, biết giúp đỡ mọi người. Bố mẹ các em đem các em đến cuộc đời này bằng tất cả sự yêu thương, lo lắng, nuôi nấng các em bằng cả sức lực của mình. Giờ các em chưa làm ra tiền, cũng chưa hiểu hết nỗi vất vả của bố mẹ thì ít nhất cũng phải biết hiếu kính bố mẹ trong từng lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Nói đến hiếu kính bố mẹ, thì có 3 mức độ.
– Cấp độ thứ nhất là bố mẹ thương yêu mình thì mình hiếu kính lại. Đây là cấp độ hiếu kính thấp, ai không làm được thì đó không phải là con người.
– Cấp độ thứ hai là bố mẹ cáu gắt, bận không chăm sóc được mình nhưng mình vẫn kính trọng, đây là cấp độ hiếu kính cao hơn.
– Thứ ba, bố mẹ đánh mắng mình mà mình vẫn yêu kính thì đó là hiếu kính trọn vẹn.
Thượng tọa hy vọng, sau 3 ngày tu học, các em sẽ đạt được mức độ hiếu kính cao nhất, trọn vẹn nhất.
Thứ hai, sau khi ở chùa về, Thượng tọa mong các em biết tin vào Nhân quả. Có thể khẳng định, Nhân quả rất khó và rộng chứ không hề đơn giản. Nhưng hiểu được Nhân quả, các em sẽ biết gieo nhân tốt để tương lai có thể gặt được những quả báo lành. Ví dụ, muốn giàu có, nhiều tiền thì ta gieo nhân bố thí, cúng dường; muốn có gương mặt đẹp thì khuôn mặt lúc nào cũng phải tươi tắn, biết khen điểm tốt của người khác;…
Tuy nhiên, Nhân quả cũng rất phức tạp, ranh giới giữa cái đúng và cái sai cũng không hề rõ ràng. Để hiểu được Nhân quả, đòi hỏi các em phải chiêm nghiệm mãi trong suốt cuộc đời mình. Ví dụ, tại sao quý Thầy xuất gia mà các em chưa xuất gia? Đó bởi căn duyên nhiều đời trước, các quý Thầy đã biết tôn kính Phật, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng. Thêm nữa, quý Thầy đã cúng dường Chư Tăng rất nhiều nên đời này làm Tăng, không phải vất vả mưu sinh nhưng vẫn no đủ. Hay chúng ta từng nghe từ Thánh Tăng – tức những vị tu hành đắc đạo cao siêu, có thần thông, biết hết mọi chuyện sinh tử và cực kì sáng suốt. Chúng ta rất hiếm gặp các vị ấy trong cuộc sống. Để trở thành Tăng hay Thánh Tăng đều cần rất nhiều duyên phước đời trước.
Hiện tại, các em chưa đủ sức hiểu về Nhân quả nhưng hằng ngày cứ siêng năng phát nguyện, mong cả cuộc đời còn lại chiêm nghiệm, suy nghĩ về nó. Làm sao để khi nhìn mọi điều trên cuộc đời, ta lý giải được hết; thấy ai làm việc gì, ta biết trước tương lai họ ra sao. Giống như chúng ta, ai cũng thích học giỏi bởi trong các giá trị như: xinh đẹp, giàu có,… thì người trí tuệ vẫn được kính trọng hơn. Bố mẹ cũng luôn mong các em học giỏi để sau tự lo được cho cuộc đời, gia đình mình. Học kém, thất bại, không lo được cho bản thân thì các em sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho người khác.
Nói về học giỏi, Thượng tọa chia làm 2 loại: một là kết quả học giỏi; hai là thông minh thực sự, không lệ thuộc vào kết quả, bằng cấp, nhìn gì cũng biết, làm gì cũng thành công. Chúng ta cứ nghĩ, chăm chỉ thì sẽ học giỏi nhưng không phải. Vậy cái nhân nào để đưa đến việc học giỏi?
Thượng tọa cho biết, để học giỏi, ta cần ít nhất 3 cái nhân. Một là tôn kính Phật. Hai là giúp bạn cùng tiến, không giữ cái biết cho riêng mình. Ba là kiếp trước ta biết đem cái tài năng, kiến thức của mình ra làm việc có ích cho đời. Do đó, khi lớn lên các em phải tâm nguyện một điều là đem hết sức mình để phụng sự cho cuộc đời, nhân loại. Có vậy, kiếp sau, kiếp sau nữa, các em mới vượt lên mức độ thiên tài. Nếu chỉ nghĩ lớn lên đi làm, lấy lương để sống tiếp thì kiếp sau chúng ta vẫn ngu si, mê muội vì ích kỉ, bởi ích kỉ là cái nhân xấu làm kiếp sau ta rơi xuống vực. Nghĩa là, từ giờ các em phải nuôi nấng ước mơ sống chỉ để phụng sự mọi người, không sống cho bản thân nữa.
Lại thêm, khi tin sâu Nhân quả rồi các em biết chọn con đường mình đi trong tương lai, biết gieo những nhân lành vào cuộc đời. Nghĩa là sau này khi lớn lên, dù vinh quang hay thất bại, địa vị cao hay thấp, được khen hay bị chê,… các em cũng chỉ có 1 con đường để đi đến. Đó là đem lợi ích, hạnh phúc, đạo đức vào cho cuộc đời, đó là con đường của sự cao thượng, yêu thương.
Thứ ba, sau Khóa hè các em phải mang được lòng tôn kính Phật về nhà. Nhờ có lòng tôn kính Phật, các em được phước đệ nhất, có thể thoát khỏi những xui rủi, khó khăn, tự nhiên trí tuệ và may mắn sẽ đến. Đặc biệt, người biết tôn kính Phật không bao giờ trở thành người hư hỏng, làm việc gì cũng đúng, càng học càng giỏi. Bất kính với Đức Phật là một điều rất nguy hiểm, khiến ta dễ trở nên hư hỏng, phạm lỗi.
Thứ tư, sau khi rời chùa ta phải mang được tình yêu nước về nhà. Đồng thời, phải nuôi dưỡng nó, để nó ngày một lớn, đến mức ta có thể vì bảo vệ Tổ Quốc mà không tiếc hy sinh thân mạng mình. Vì sao? Vì Quê hương đã cho ta một lịch sử hào hùng, một ngôn ngữ dễ thương, một nền văn hóa đậm đà mà sau này cả thế giới phải về Việt Nam để học hỏi. Trong nền văn hóa đó, có văn hóa hiếu kính cha mẹ, văn hóa yêu nước,… Đây là những nét đẹp mà chúng ta phải cố gắng gìn giữ, lan truyền nó đến cho tất cả mọi người.
Yêu nước, ta phải cố gắng phụng sự, cống hiến để xây dựng đất nước mình ngày một văn minh, giàu đẹp. Sau khi đất nước mình trở thành nơi hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc, đạo đức, ta bắt đầu lấy sức mạnh đó để xây dựng thế giới. Làm sao để thế giới không còn chiến tranh, xung đột, nghèo đói, hận thù như hiện nay nữa. Như vậy, yêu nước chính là nền tảng, là cái gốc để ta yêu thương, phụng sự được cả thế giới này.
Trong 3 ngày ngắn ngủi, các em phải tranh thủ tu học, tận dụng từng phút giây để có thể đạt được trọn vẹn 4 điều trên rồi mang nó về nhà, lan tỏa những đạo lý được học đến những người xung quanh. Làm sao để thay đổi suy nghĩ của mọi người về cách sử dụng thời gian, đừng ai nghĩ cứ sống an nhàn là hạnh phúc nữa, bởi thực sự, chúng ta chưa thể hạnh phúc nếu chưa giác ngộ hoàn toàn.
Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Người một lần nữa khẳng định, chúng ta có thể khác nhau về tiền bạc, địa vị, học vấn, sức khỏe nhưng lại có quỹ thời gian giống nhau. Tùy thuộc vào trí tuệ, đạo đức của mỗi người mà việc sử dụng thời gian có hiệu quả khác nhau. Với người trí tuệ, 1 hay 2 tiếng rảnh rỗi, họ có thể dựng lên cả sự nghiệp vĩ đại. Người ngu thì 100 hay 200 tiếng cũng không tạo nên được một sự thay đổi nào. Ngay như giữa cái làm việc vất vả với cái nghỉ ngơi an nhàn của người trí tuệ và người ngu cũng khác nhau. Người ngu không biết đạo, lúc nào cũng chỉ chỉ ôm tư tưởng ích kỉ, lo tìm đồng lương cho mình. Người trí trong khi lao động cực khổ, họ nghĩ phụng sự cho cuộc đời nên cực mà không cực. Tức là họ lồng đạo đức vào công việc nên cái cao thượng đó làm họ không có cảm giác vất vả.
Người ngu và người trí nghỉ ngơi cũng khác nhau. Người ngu thì dành hết thời gian rảnh cho những việc bậy bạ. Người trí lại dành thời gian đó để chìm sâu vào tâm linh tu tập, nghỉ ngơi sâu trong thiền định, đạo lý, đạo đức. Sau khi trở lại công việc, họ trở thành một con người khác hẳn, thảnh thơi, khoan khoái, nhẹ nhàng, có năng suất, năng lực hơn để tiếp tục phụng sự cuộc đời. Nghĩa là, ngay cả lúc nghỉ, họ cũng không nghỉ cho mình mà vẫn tìm cách để phụng sự, cống hiến được nhiều hơn cho đời.
Bằng những ngôn từ hết sức giản dị cùng nhiều ví dụ gần gũi, Thượng tọa đã khiến các đạo lý phức tạp trở nên dễ hiểu, phù hợp với sự tiếp nhận ở độ tuổi của các em thanh thiếu niên. Nhờ đó, các em biết quý trọng thời gian của mình, biết kỷ năng xác định mục tiêu, lập kế hoạch hiệu quả và nhanh chóng. Đồng thời, các em cũng sớm có được lý tưởng sống tốt đẹp, biết hiếu kính cha mẹ, biết yêu thương mọi người, biết nỗ lực học tập, trau dồi đạo đức để sau này có thể cống hiến, phụng sự nhiều hơn cho cuộc đời.
Thực sự, chúng ta đang mải mê chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến chúng ta sống sòng phẳng, thậm chí là hơn thua, ích kỉ với tất cả xã hội. Thói ích kỷ làm con người ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm, quên đi mất những điều tốt đẹp xung quanh mình, quên cả trách nhiệm với xã hội, chỉ lo sống cho bản thân.
May mắn thay, tâm hồn khô khan của ta hôm nay lại được gột rửa, tưới mát bằng những đạo lý tuyệt vời, để chúng ta hiểu tiền bạc, vật chất không phải là tất cả. Chúng ta cũng không nên làm việc, nghỉ ngơi một cách ích kỉ, ngu si. Thay vào đó, phải nghỉ ngơi, làm việc trong trí tuệ, yêu thương, phụng sự. Dù cuộc đời cay đắng, con người bội bạc, số phận cay chua, lòng ta vẫn chỉ có yêu thương và phụng sự thôi. Được vậy, có vất vả đến mấy ta vẫn mãi luôn hạnh phúc, vui vẻ.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Tâm Trụ