Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Động Hương Tích gợi nhớ chúa Trịnh Sâm

Động Hương Tích gợi nhớ chúa Trịnh Sâm

602

Muốn vào động này phải qua đền Trình xây dựng ở chân một quả núi năm ngọn (ngũ nhạc), chùa Thiên Trù, chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trấn Song (Cửa Võng) thờ bà chúa Thượng Ngàn là người cai quản núi rừng Hương Sơn.

Động Hương Tích tiêu biểu cho một vùng thắng cảnh. Người dân quen gọi chùa Thiên Trù là chùa Ngoài và động Hương Tích là chùa Trong. Theo đường bộ, động này cách chùa Thiên Trù 2004 mét.

Cổng động Hương Tích được làm bằng những phiến đá tạc vuông vức vào năm Đinh Mão (1927).

Qua cổng đi xuống 120 bậc đá vào tới động. Người xưa tưởng tượng động này là hàm của con rồng mà đuôi rồng ở tận Ái Nàng – hang nước (xã An Phú, huyện Mỹ Đức).

Quả núi có động này cao thứ hai sau núi Bà Lỗ ở phía trước núi chùa Hương.

Từ cửa động đi lên dốc cao, người ta vẫn nói là lối lên trời. Còn lối xuống âm phủ là một khe sâu xuống lòng hang. Nhìn lên trần động thấy những giọt nước từ nhũ đá tí tách rơi xuống, người xưa gọi là “sữa mẹ”.

Cũng có người tưởng tượng cảnh này như “mưa”, nên có câu “Cửa chùa cách một bước chân/Trong mưa ngoài tạnh như ngăn nửa trời”. Tiếp đó là các nhũ đá mọc nhấp nhô cao thấp, được đặt tên là đụn gạo, nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu…

Ngoài sự sáng tạo của thiên nhiên, con người cũng đá góp phần tu bổ, tôn tạo cho di tích quý giá này như sự bài trí hệ thống tượng Phật theo quy mô ước lệ giống ở phật điện của một ngôi chùa: Ba pho Tam thế, A Di đà, Di Lặc, rồi đến Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tòa Cửu Long, Thích Ca sơ sinh…, ngoài ra còn có tượng Đức Ông và các pho tượng hậu.

Các pho tượng này đều tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng rực rỡ. Trong số những pho tượng ấy, đáng chú ý có tượng Phật bà Nam Hải Quan Thế Âm mà các phật tử thường gọi là bà Chúa Ba, con gái thứ ba của vua Diệu Trang tu hành đắc đạo thành phật.

Pho tượng này được làm bằng đá xanh, có chiều cao từ bệ ngồi đến đỉnh đầu 1,06 mét. Nét mặt nhân hậu, từ bi, dáng người thon thả, cổ cao ba ngấn, búi tóc duyên dáng, tà áo mềm mại, gần với đời thường. Tượng được tạc liền khối vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793).

Trong động Hương Tích còn có một bệ đá hoa sen làm theo kiểu bệ đá thời Trần, gồm có ba phần: chân bệ, thân bệ và mặt bệ do các phiến đá vuông ghép vào nhau. Xung quanh chân và mặt bệ chạm nổi cánh hoa sen, một biểu tượng của Phật giáo. Hai góc chạm nổi hình người đóng khố, cởi trần, đưa tay nâng mặt bệ. Đây cũng là một tác phẩm điêu khắc quý hiếm.

Vào trong động Hương Tích, nhìn lên vách trái có năm chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). Đó là bút tích của Trịnh Sâm viết năm Canh Dần (1770), cách ngày nay trong 240 năm.

Ông là chúa thứ tám của họ Trịnh, con trưởng của Trịnh Doanh. Trịnh Sâm sinh năm 1739, nối nghiệp chúa từ năm 1767 đến năm 1782, xưng là nguyên soái, Tĩnh Đô Vương.

Trong thời gian ông cầm quyền có hai việc gây tai tiếng trong phủ chúa, đưa đến sự sụp đổ cơ nghiệp họ Trịnh: phế hoàng thái tử Lê Duy Vĩ rồi giết đi, truất con lớn là Trịnh Khải để lập con nhỏ là Trịnh Cán (con của phi tần Đặng Thị Huệ) làm thế tử (năm 1780).

Sau khi ông mất năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Cán lên ngôi, bà Đặng Thị Huệ nắm quyền bính, quân Tam Phủ (Kiêu binh) nổi loạn, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Từ đó, cơ nghiệp họ Trịnh suy yếu, mở đường cho Nguyễn Huệ ra Bắc Hà “phù Lê diệt Trịnh”.

Trịnh Sâm còn là một nhà thơ có tài, để lại nhiều tập thơ cho hậu thế.