Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: Vai trò của nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á trong lịch sử, Vai trò của nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á đương đại, Giải pháp phát huy vai trò của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi nhấn mạnh, việc đánh giá đúng và ghi nhận những đóng góp của nữ giới trong giao lưu và phát triển Phật giáo quốc tế sẽ góp phần tích cực vào việc khích lệ, cổ vũ nữ giới cống hiến tích cực hơn cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho sự phát triển của Phật giáo châu Á.
Trải qua 2.500 năm lịch sử, Phật giáo vẫn thể hiện tính công bằng, vượt trội thông qua việc ghi nhận, tán thán công đức của người nữ tham gia vào hành trình tâm linh. Nối tiếp tinh thần đó, những năm qua, nữ giới Phật giáo Việt Nam đã có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động báo chí tuyên truyền, giáo dục, văn chương, kiến lập tự viện-tông phái…, và cũng chưa từng dừng lại các hoạt động mang tính lợi sinh. Những hoạt động giao lưu nhằm phát triển Phật giáo trong khu vực và cả châu Á cũng được ngày càng được đẩy mạnh.
Từ những ngôi trường mà các ni sư Việt Nam lập nên ở xứ sở Phật, đến những bài giảng pháp của các ni sư được lan truyền trên cộng đồng mạng, và đặc biệt là sự góp mặt của các ni sư trong các diễn đàn hội thảo khoa học Phật giáo quốc tế… là những bước đi vững vàng, đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập với cái nôi Phật giáo châu Á.
Thành tựu mà các ni sư Việt Nam đạt được trong các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, khoa học, công tác xã hội, hội nhập quốc tế, giao lưu hợp tác quốc tế… góp phần lớn chứng minh Phật giáo là một tôn giáo có khả năng tạo sự liên kết, gắn kết về mặt văn hóa-tâm lý-tâm linh giữa các cộng đồng, các quốc gia, dân tộc.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan/tổ chức: Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Viện Trần Nhân Tông, Trường đại học Phenikaa, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Xã hội học, Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Dân tộc học… (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)…
Báo cáo đề dẫn hội thảo của Ni sư, Tiến sĩ Như Nguyệt (Huê Lâm), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nữ giới Phật giáo ghi nhận: “Trong chặng đường đã qua của Phật giáo nước nhà, Ni giới Việt Nam không chỉ giữ gìn ánh sáng Phật pháp mà còn đóng vai trò kết nối văn hóa, lan tỏa trí tuệ và kiến tạo tương lai. Mặc dù cũng có những thời điểm, chư Ni chỉ được xem như người hỗ trợ chư Tăng, nhưng ngày nay, Ni giới đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam”.
Tuy nhiên, Ni sư, Tiến sĩ Như Nguyệt cũng cho rằng, còn rất nhiều khó khăn, thử thách đang đặt ra với ni giới Việt Nam hiện nay. Bối cảnh hội nhập sâu rộng Phật giáo châu Á đặt ra những yêu cầu mới về tri thức, ngoại ngữ, công nghệ và năng lực lãnh đạo – những lĩnh vực mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, Ni giới vẫn chưa có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn những rào cản về tài chính, cơ hội tiếp cận đào tạo chuyên sâu cùng với những định kiến về vai trò của nữ giới trong hệ thống Phật giáo đang tạo ra những giới hạn vô hình cần vượt qua.